Thị trường mỹ phẩm: Tăng cường công tác quản lý và giải pháp từ doanh nghiệp

Nhóng Phóng viên thời sự 22/03/2018 13:00

Tại tọa đàm "Thị trường mỹ phẩm: Tăng cường công tác quản lý và giải pháp từ doanh nghiệp" do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, cơ quan quản lý và doanh nghiệp đã chỉ ra những bất cập về quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại của các lực lượng chức năng, cũng như bảo vệ uy tín thương hiệu của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm.

Được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Thị trường mỹ phẩm: Tăng cường công tác quản lý và giải pháp từ doanh nghiệp" vào chiều 22/3.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Việt Nam đã trở thành một thị trường hấp dẫn các nhà sản xuất và phân phối mỹ phẩm do nhu cầu sử dụng người Việt đang có xu hướng gia tăng. Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm đã được Chính phủ tạo nhiều thuận lợi thông qua việc ban hành Nghị định số 93/2016/ NĐ–CP quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm ngày 1/07/2016.

Bên cạnh đó, trên thị trường vẫn còn một số doanh nghiệp lợi dụng các “lỗ hổng” để kinh doanh chộp giật, gây mất niềm tin cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến kinh doanh mỹ phẩm chân chính. Thực tế, các lực lượng chức năng đã bắt giữ rất nhiều các lô hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, các sản phẩm nhái nhãn mác... đã phản ánh phần nào những bất cập, và kẽ hở trong công tác quản lý.

Nhằm đưa ra khuyến cáo cho người tiêu dùng trong việc nhận biết, bảo vệ sức khỏe khi sử dụng mỹ phẩm, cũng như chỉ ra những bất cập về quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại của các lực lượng chức năng, cũng như bảo vệ uy tín thương hiệu của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm, được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Thị trường mỹ phẩm: Tăng cường công tác quản lý và giải pháp từ doanh nghiệp" từ 14h00 - 17h00 ngày 22/03 tại Hội trường 3, tầng 7, tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội.

Chương trình có sự tham dự của: Ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương); Ông Nguyễn Văn Lợi – Trưởng phòng mỹ phẩm, Cục quản lý Dược (Bộ Y tế); Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; Ông Đỗ Thanh Lam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chống hàng giả Việt Nam; PGS - TS Nguyễn Quyết Chiến - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kỹ thuật chống hàng giả; Bác sỹ Đỗ Thiện Trung - Khoa Chăm Sóc Da, Bệnh viện Da liễu; Ông Nguyễn Thế Truyền - Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh; Ông Nguyễn Văn Cường - Đại diện nhãn hàng mỹ phẩm C’ N; Ông Tae Hwa Jang - Giám đốc điều hành, K-Beauty Hàn Quốc; Ông Lê Minh Đức - Chủ tịch HĐQT D.OPRO Group; Ông Denis Choi - Giám đốc Marketing Thế giới mỹ phẩm K-Beauty; ThS Nguyễn Thị Hương Liên - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sao Thái Dương.

THỊ TRƯỜNG MỸ PHẨM - THẬT GIẢ LẪN LỘN

Từ trái qua phải: Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp; Ông Trần Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thương; Ông Nguyễn Văn Lợi – Trưởng phòng mỹ phẩm, Cục quản lý Dược, Bộ Y tế

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, nhà báo Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, với quy mô dân số trên 90 triệu người, thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang có rất tiềm năng. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy thị trường mỹ phẩm đang xuất hiện rất nhiều hàng giả hàng nhái, gây mất lòng tin cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, toạ đàm hôm nay chúng ta sẽ lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia, các doanh nghiệp về công tác quản lý thị trường mỹ phẩm và đưa ra các giải pháp cụ thể để phát triển thị trường này... 

Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Nhận định về thị trường mỹ phẩm hiện nay, ông Trần Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng các đại diện có mặt ở buổi tọa đàm hôm nay đều là những người có thâm niên công tác, các doanh nghiệp trong lĩnh vực mỹ phẩm không nên ngại va chạm để đưa ra thực trạng và giải pháp để lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng.  

Ông Trần Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương)

Ông Hùng cho biết, không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo 389 về chống hàng giả hàng nhái, bởi vấn nạn này đã phá hoại những doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm giảm lòng tin của người dân. Đơn cử dẫn chứng gần đây cũng đủ cho chúng ta thấy vấn nạn này đang là cuộc chiến can go tới mức nào như: vụ việc Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả ở Đồng Nai qua 3 năm nay còn chưa kết thúc, Thuốc chữa ung thư VN Pharma với thuốc chữa ung thư made in Canada, lô mỹ phẩm của Công ty TS Việt Nam, vụ Khaisilk…

Cũng theo ông Hùng, lỗ hổng mỹ phẩm hiện nay trên thị trường vẫn trọng điểm ở Hà Nội và TP HCM. 

Cùng nhìn nhận về thị trường mỹ phẩm hiện nay, ông Nguyễn Văn Lợi – Trưởng phòng mỹ phẩm, Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết mỹ phẩm là loại hàng hoá ảnh hưởng đến sức khoẻ vì vậy được Bộ Y tế quản lý. Ngày 2/9/2003, Bộ Thương mại đã thay mặt Chính phủ VIệt Nam ký kết Hiệp định về hệ thống hòa hợp ASEAN trong quản lý mỹ phẩm. Để triển khai hiệp định này Cục Quản lý Dược đã tham mưu Bộ Y tế ban hành thông tư 06 để triển khai hoạt động quản lý mỹ phẩm.

Ông Nguyễn Văn Lợi – Trưởng phòng mỹ phẩm, Cục quản lý Dược (Bộ Y tế)

Pháp luật hiện cũng tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ cần công bố cho cơ quan quản lý nhà nước là sẽ đưa sản phẩm ra thị trường, đồng thời chỉ cần cam kết không có những chất cấm, không được sử dụng là có thể được hoạt động.

Cơ quan quản lý cũng phân cấp phân quyền quản lý hoạt động của doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm tối đa đến các Sở Y tế, các địa phương. Chính vì vậy với những mỹ phẩm từ nước ngoài vào Việt Nam thì công bố ở Cục quản lý dược, Bộ Y tế. Mỹ phẩm trong nước thì Sở Y tế quản lý.

Ông Lợi cho rằng, "việc cho doanh nghiệp một cơ chế thông thoáng như vậy bao giờ cũng có những mặt trái, bất cập. Cụ thể là Cục quản lý Dược đã tiến hành nhiều đoàn kiểm tra trên thị trường, cơ bản các doanh nghiệp đã nắm bắt được các quy định của nhà nước tuy nhiên vẫn còn nhiều sai phạm trong công tác quản lý như: Công thức trong mỹ phẩm không đúng với đăng ký với cơ quan quản lý, không đúng địa điểm sản xuất... Tất cả đều bị xử phạt nghiêm".

Ông Lợi thông tin thêm, mới đây, Luật đầu tư đã đưa sản xuất mỹ phẩm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chính phủ đã ban hành nghị định số 93 quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm, phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện mới được đưa ra lưu hành trên thị trường.

Đối với câu hỏi: Tác động của các loại hàng mỹ phẩm giả và nhái ảnh hưởng tới người tiêu dùng?, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, trước đây chúng ta có Ban chỉ đạo 31, sau đó là Ban chỉ đạo 107 Trung ương chỉ đạo về chống buôn lậu và hàng giả, nay là Ban chỉ đạo 389, điều này cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc quyết tâm chống hàng giả, hàng nhái, hàng buôn lậu.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

Tuy nhiên, ở góc độ người tiêu dùng, thì những cố gắng đó đến đâu cũng phải nhìn thực tế. Mỹ phẩm giả đang là vấn đề nóng gây nhiều rủi ro. Một bất cập nữa là người làm ăn tử tế thì rất muốn đưa sản phẩm ra thị trường, người tiêu dùng muốn dùng sản phẩm an toàn vì nó là sản phẩm liên quan đến sức khoẻ và tính mạng người tiêu dùng. Vậy tại sao vẫn xảy ra?

Theo ông Hùng, bản thân chính sách có lỗ hổng, áp dụng hậu kiểm theo cam kết hội nhập thế giới, xảy ra sản phẩm tung ra thị trường lại phụ thuôc vào lương tâm của người kinh doanh. Còn lúc phát hiện sản phẩm giả thì đã thiệt hại cho ra người tiêu dùng.

"Chúng ta theo cam kết ASEAN, tuy nhiên cũng phải có cách nào để kiểm soát, sang lọc các sản phẩm khi đưa ra thị trường, bởi cơ quan thực thi không thể phân biệt nổi. Đặc biệt, chính các tổ chức cá nhân kinh doanh chân chính nhiều, nhưng lại có nhiều đơn vị biết luật nhưng vẫn trốn tránh, hàng giả giả từ mẫu mã, giá...núp bóng dưới những sản phẩm có sẵn trên thị trường. Do đó dễ làm giả mang lợi nhuận nhanh, chi phí rẻ và giá bán". - ông Hùng nói và cho rằng, một nguyên nhân nữa cũng bởi người tiêu dùng ham rẻ mà mua, tạo “quỹ đất” cho hàng giả tổn tại. "Tôi từng thấy bán hàng rẻ quá người tiêu dùng thấy rẻ ko mua. Nâng giá lên 1 chút thì bán được". - ông cho biết.

Bác sĩ Đỗ Thiện Trung - Khoa Chăm Sóc Da, Bệnh viện Da liễu

Chia sẻ thông tin về một vài biểu hiện đối với người tiêu dùng do gặp phải mỹ phẩm giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, bác sĩ Đỗ Thiện Trung - Khoa Chăm Sóc Da, Bệnh viện Da liễu cho biết, nhiều bệnh nhân đến bệnh viện cho thấy tình trạng xấu đi của da. Ban đầu chỉ gây kích ứng, ngứa, bong tróc ở trên mặt, nặng hơn thì màu sắc của da bị thay đổi. Với mục tiêu làm trắng da thì không những không trắng lên mà da còn xấu đi, đen sạm và khó có thể phục hồi được bình thường. Nghiêm trọng hơn nữa những trường hợp sử dụng mỹ phẩm giả để lại sẹo trên da, ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý và sức khoẻ của người sử dụng.

"Bản thân tôi rất mong làm sao có được nhiều giải pháp để chống được hàng giả hàng nhái giúp cho người tiêu dùng sử dụng được mỹ phẩm có chất lượng, tốt cho sức khoẻ". - bác sĩ Trung nói.

CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ GIẢI PHÁP TỪ DOANH NGHIỆP

Liên quan đến những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng mỹ phẩm giả và nhái, ông Đỗ Thanh Lam - Tổng Thư ký Hiệp hội Chống hàng giả Việt Nam cho biết, việc đấu tranh chống hàng giả được Đảng và Nhà nước coi là nhiệm vụ quan trong và đến nay vẫn kiên trì thực hiện. Có thể kể đến một số văn bản như: Chỉ thị 31 năm 1999, Nghị quyết 41 năm 2015 đấu tranh chống hàng lậu giả,... Việc triển khai chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ ngành đã đưa ra nhiều giải pháp được đánh giá tích cực nhưng vẫn chưa được như mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng người tiêu dùng. 

Ông Đỗ Thanh Lam - Tổng Thư ký Hiệp hội Chống hàng giả Việt Nam 

Hiện nay thực trạng mỹ phẩm giả, kém chất lượng diễn biến rất phức tạp về cả quy mô, tính chất, địa bàn tới đối tượng vi phạm.

Về công tác quản lý, Chính phủ đã quyết tâm, các Bộ ngành đã quyết liệt. Đặc biệt là Bộ Công Thương đã triển khai quyết liệt qua nhiều vụ như xúc xích, KhaiSilk hay thành lập tổ công tác chống hành giả tuy nhiên tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn tái diễn. 

Theo ông Lam, có rất nhiều nguyên nhân có thể kể đến về chính sách, thực thi, doanh nghiệp, lực lượng kiểm tra kiểm soát, người đứng đầu. Đặc biệt đến nay, theo quan sát của ông Lam vẫn chưa có đứng đầu chịu trách nhiệm vấn đề này. Điều này cho thấy một khoảng cách giữa chính sách và thực thi.

"Theo tôi, để giải quyết vấn đề này cần giải quyết các vấn đề: Thứ nhất là vấn đề nhận thức: Từ người xây dựng chính sách đến người tiêu dùng cần hiểu tác hại của sản phẩm giả, nhái. Thứ 2 là thực thi: Cơ chế chính sách có nhiều, phù hợp thông lệ quốc tế nhưng hiện nay hàng giả nhái rất nhiều, người Việt Nam hay cả tin, cả nể nên cần điều chỉnh. Thứ ba là Cục quản lý ở địa phương cần nâng cao vai trò hơn nữa. Thứ tư là vai trò của doanh nghiệp và người tiêu dùng cần bỏ tâm lý, thói quen dễ dãi khi mua sắm. Hiện lực lượng Quản lý thị trường có tới 5000 người nhưng làm sao để ngay từ khi xây dựng chính sách đã phải hiểu sâu vấn đề thị trường thì mới tốt". - ông Lam nói.

Ông Denis Choi - Giám đốc Marketing Thế giới mỹ phẩm K-Beauty Hàn Quốc

Trả lời câu hỏi: Trên thị trường đang có nhiều sản phẩm mỹ phẩm do các doanh nghiệp Hàn Quốc sản xuất, trong đó có sản phẩm của hãng C’ N. tại Việt Nam? Liệu có các sản phẩm mỹ phẩm giả và nhái của Hàng Quốc tại Việt Nam hay không?, ông Denis Choi - Giám đốc Marketing Thế giới mỹ phẩm K-Beauty Hàn Quốc cho biết: "Để nhập khẩu sản phẩm vào Việt Nam, chúng tôi phải thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc. Sau khi có chứng nhận này từ Đại Sứ quán, chúng tôi phải thông qua các cơ quan của Việt Nam đóng dấu chứng nhận rồi mới có thể bán hàng tại Việt Nam. Theo tìm hiểu của chúng tôi, có 2 trường hợp hàng giả, do các công ty của Việt Nam làm nhái và cũng có loại là công ty của Trung Quốc làm nhái và chuyển về tiêu thụ tại Việt Nam, đây là nguồn hàng chủ yếu".

Ông Nguyễn Văn Cường - Đại diện nhãn hàng mỹ phẩm C’ N

Cho biết thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cường - Đại diện nhãn hàng mỹ phẩm C’ N cho rằng, hàng giả, hàng nhái đã gây ảnh hưởng quan trọng tới các doanh nghiệp. "Hiện, nhãn hàng của chúng tôi chưa phát hiện có hàng nhái, hàng giả, nhưng đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật như check online, check QR code hỗ trợ khách hàng. Tôi cho rằng việc trên thị trường xuất hiện nhiều hàng giả hàng nhái đã khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh và tạo nên sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường". - ông Cường nói.

Bổ sung thông tin về lỗ hổng về quản lý chất lượng của sản phẩm, Th.S Nguyễn Thị Hương Liên - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sao Thái Dương cho biết, dù biết sản phẩm có nguồn gốc nhưng bản thân đơn vị sản xuất chưa ý thức được trách nhiệm của mình khi sản xuất sản phẩm để lưu thông sản phẩm trên thị trường.

Th.S Nguyễn Thị Hương Liên - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sao Thái Dương

Khi chuyển cơ chế hậu kiểm thì trách nhiệm không hoàn tàn thuộc về nhà quản lý mà trách nhiệm thuộc còn về doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm từ việc nghiên cứu phát triển sản phẩm, công thức, giám sát qúa trình sản xuất, nguyên phụ liệu, con người tham gia sản xuất, hậu mãi, chăm sóc khách hàng,

"Bản thân tôi có sinh hoạt trong hội Doanh nhân, tôi được biết có một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lĩnh vực mỹ phẩm có nhiều doanh nghiệp còn mơ hồ về trách nhiệm này. Hiện sản xuất kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam không chỉ tuân thủ tiêu chuẩn, hướng dẫn của Bộ Y tế mà còn tuân thủ Bộ quy chuẩn của khu vực và thế giới yêu cầu. Bản thân doanh nghiệp phải được đào tạo, tự học hỏi, cập nhật các hướng dẫn. Hầu hết doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mỹ phẩm hiện nay còn mơ hồ. Chúng tôi đồng ý với ý kiến cần đào tạo từ người sản xuất, thành viên, người tiêu dùng có quan tâm đến lĩnh vực mỹ phẩm này". - bà Liên nói.

Theo bà LIên, doanh nghiệp ký bản cam kết trên tờ khai nhưng khi triển khai thì không ý thức được chặt chẽ vấn đề này. Ví dụ nhiều khách hàng dùng kem trắng da, kem trộn bị hỏng da mà doanh nghiệp không thể kiểm soát được thành phần trong sản phẩm đó. Doanh nghiệp có năng lực sản xuất nghiên cứu, đội kiểm tra chất lượng sản phẩm chưa đủ mạnh thì gặp khó khăn trong vấn đề này.

Đặc biệt, hàng handmade hiện nay rất phát triển nhờ xu hướng bán hàng online phát triển mạnh. Hàng handmade thường được sản xuất tại các cơ sở nhỏ, chỉ cần phòng thí nghiệm nhỏ nên việc kiểm soát về vi sinh vật, đô ẩm,không khí,… chắc chắn sẽ không được tốt bằng các cơ sở được trang bị kỹ thuật kỹ càng. Vì vậy giá thành chắc chắn giá sẽ rẻ, cạnh tranh với sản phẩm của các hãng lớn có đầu tư nhà máy, quản lý chất lượng, nhân sự,... Đây chính là rào cản cho doanh nghiệp dám dũng cảm tiến lên xây dựng sản phẩm một cách bài bản.

"Chúng tôi kêu gọi người tiêu dùng giúp chúng tôi – những nhà sản xuất mong muốn sản xuất sản phẩm tốt - sản xuất sản phẩm tốt chắc chắn giá sẽ phải cao, mua sản phẩm chính hãng là cách ủng hộ cho xã hội phát triển". - bà Liên kêu gọi.

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Đông - Tổng Giám đốc Cty CP Mỹ Phẩm Hoa Lan cho rằng, thực tế cho thấy trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm hàng giả hàng nhái. Chúng ta luôn bắt gặp hình ảnh nhiều người bán hang chải một chiếc chiếu để bán mỹ phẩm, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

“Tôi có cơ hội sang Thái Lan và tôi được biết họ chỉ nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng đủ để vào các siêu thị nhưng tôi không hiểu sao ở các vỉa hè Việt Nam lại có nhiều hàng Thái để bán đến thế” – bà Đông nói – “Tôi chỉ ví dụ người dân rất kêu bởi nước rửa bát rửa chén đã rất độc hại nhưng giờ nhiều loại bán khi sử dụng còn bong tróc da tay. Tôi cho rằng quản lý thị trường còn rất lỏng lẻo. Một doanh nghiệp gần doanh nghiệp chúng tôi chỉ nhập hàng Trung Quốc và thuê tới 250 người chỉ ngồi bóc tem Trung Quốc và dán tem Việt Nam. Nhưng khi biết ngày mai thanh tra đến thì họ lại cho công nhân nghỉ và chỉ để lại một số người đang làm. Vì vậy, mọi việc diễn biến vẫn tốt”.

Bà Đông cho rằng, chính thực trạng này đang làm cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính như doanh nghiệp của bà rất khó cạnh tranh trên thị trường. Và vì vậy, bà kiến nghị Quản lý thị trường ở Hưng yên cần phải nghiêm khắc và chặt chẽ hơn nữa trong thanh kiểm tra.

Nói về hàng giả, hàng nhái và chất lượng mỹ phẩm, Luật sự Nguyễn Thế Truyền - Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh cho biết, từ khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cơ quan quản lý chưa kịp bắt nhịp, làm đúng làm đủ theo kiểu hậu kiểm. Nếu làm đúng, làm đủ thì các doanh nghiệp khi tự công bố cũng run tay, không dám công bố các số liệu vống lên. Nhìn vào các bản công bố của doanh nghiệp sẽ thấy ngay được những sai phạm. "Vậy đã có bao nhiêu vụ cơ quan quản lý xuống doanh nghiệp lấy mẫu kiểm tra? Cứ xuống kiểm tra là công bố trước cả tháng thì không bao giờ hiệu quả". - ông Truyền nói và đặt câu hỏi trong trường hợp xác định một doanh nghiệp làm hàng kém chất lượng, xác định sẽ đi giám định, nhưng một loạt thủ tục thì còn thời hạn xử lý nữa hay không?. Thủ tục đang làm khó cho cả bên y tế và bên thị trường. Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ thì người khổ đầu tiên là doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ông Truyền cho rằng, để hạn chế tình trạng trên, đầu tiên phải giáo dục được ý thức của các chủ doanh nghiệp. Điều này cực khó vì lợi nhuận cao. Thứ hai, cơ quan quản lý cần phải kiểm soát ngay từ ban đầu, có chế tài xử phạt, răn đe. Thứ ba, ý thức của người tiêu dùng chưa tốt.

"Những người đang làm mỹ phẩm chân chính nên họp nhau lại để đưa ra một thông điệp truyền thông tốt để các chị em có thể nhận thức được. Thông điệp có thể là một chiến dịch để người tiêu dùng nhận ra. Mỹ phẩm giả, kém chất lượng không làm cho chết người ngay nhưng ảnh hưởng đến sức khoẻ cực lớn". - ông Truyền nói. 

Cuối cùng, theo ông Truyền, câu chuyện kiểm soát chất lượng ở Bộ Y tế cần phải nâng cao hơn nữa.

Trước nhiều ý kiến cho rằng, sự phối kết hợp của các cơ quan quản lý trong việc thanh tra, kiểm tra hàng khá lỏng lẻo, ông Trần Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp đấu tranh chống hàng giả. Bởi trên thực tế người giàu là người đi nước ngoài mua hàng, họ ít gặp phải hàng giải. Trong khi đó, người nghèo là đối tượng bị tác động nhiều nhất, chị em phụ nữ nông thôn là người tiêu thụ lượng lớn hàng giá rẻ này. Theo ông Hùng, cần phải nâng cao vai trò của cơ sở, phường xã.

Ông Trần Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) (ở giữa)

"Chúng tôi nhận thấy công tác phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan nhà nước còn chưa được chặt chẽ. Có những cơ quan vẫn còn giữ kín thông tin. Như chúng tôi có sự vụ đều công khai, mở toang xuống tận các chi cục, các đội. Do đó, phải dám làm và làm công khai để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng". - ông Hùng nhấn mạnh. 

Nhận xét về các ý kiến chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Lợi – Trưởng phòng mỹ phẩm, Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) cho rằng bà Nguyễn Thị Đông vừa nêu các sản phẩm như nước rửa chén,… đều là hàng hóa tiêu dùng nên như cơ quan quản lý thị trường sẽ chịu trách nhiệm giám sát, xử lý các nội dung vừa nêu.

Với câu hỏi về tra cứu thông tin doanh nghiệp công bố, ông Lợi cho biết: Thời điểm hiện tại số mỹ phẩm đã được doanh nghiệp công bố và còn hiệu lực còn hơn 100 ngàn sản phẩm. Từ 1/10/2015 chuyển dịch vụ công cấp độ 4. Trước 2015 cấp bản giấy, việc quản lý cơ sở dữ liệu còn hạn chế nhất định nhưng từ 2015 đến nay trên hệ thống quản lý có trên 70 ngàn công bố tra cứu được.

"Số lượng công bố so với số lượng nhập thực sản phẩm để lưu hành khó đánh giá. Doanh nghiệp công bố như vậy nhưng không có nhu cầu nhập. Với lệ phí khoảng 500.000 đồng/hồ sơ, nếu số sản phẩm nhiều thì số tiền cũng rất lớn. Tuy nhiên, với cơ chế liên thông một cửa quốc gia, cơ quan quản lý có thể kiểm soát phần nào sản phẩm doanh nghiệp nhập về. Đây cũng là một đầu mối chúng ta có thể kiểm soát". - ông Lợi nói.

Liên quan đến ý của ông Trần Hùng về việc cần tách biệt việc kiểm tra hậu mãi của cơ quan quản lý nhà nước và kiểm tra, thanh tra và đấu tranh hàng giả, hàng nhái, ông Lợi đồng tình với ý kiến này và cho rằng để triển khai được hàng giả hàng nhái, hàng nhập lậu không chỉ một cơ quan kinh tế có thể làm được mà cần có sự phối hợp từ chính quyền địa phương. Hàng giả nhái kém chất lượng người chịu thiêt nhiều nhất là dân nghèo.

"Năm 2017 chúng tôi phối hợp với các Sở Y tế tiến hành thanh kiểm tra doanh nghiệp có sản phẩm công bố xem hàng thực tế ra thị trường có đúng khai báo không nên không thuộc phạm vi phát hiện hàng giả. Trong 50 doanh nghiệp, đã xử phạt hành chính 13 doanh nghiệp và rút công cố không dưới 100 số công bố sản phẩm. Có đơn vị xử phạt tới 180 triệu đồng". - ông Lợi thông tin.

Việc bảo vệ người tiêu dùng và sự phối hợp trong việc chống mỹ phẩm giả, trong đó có cả vai trò của doanh nghiệp. Nói về các biện pháp giải quyết, ông Trần Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) khẳng định: "Sau một tuần đi công tác về chúng tôi sẽ mời thanh tra Cục dược và báo chí, doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm để bày cách và hiến kế thực hiện".

Ông Đỗ Thanh Lam - Tổng Thư ký Hiệp hội Chống hàng giả Việt Nam nhấn mạnh: Mỗi cơ quan có một quyền hạn nhất định nhưng phải có sự phối hợp. Trước đây ta có nhiều tổ chức nhưng quy chế phối hợp mới đây nhất được Thủ tướng Chính phủ ban hành là Quyết định số 19 quy định chức năng phối hợp trong việc chống lại hàng giả, hàng nhái. Nếu chúng ta làm đủ theo quyết định này thì không cần phải bàn cơ chế phối hợp để làm gì.

"Các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do vậy, doanh nghiệp ngay từ khi khởi nghiệp phải nghĩ xa một chút, nghĩ mình sẽ phát triển ngành nghề gì để mua bản quyền thương hiệu, về sau chiếm lĩnh thị trường. 

Những doanh nghiệp làm ăn chân chính cần kết hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, phối hợp với cơ quan truyền thông để tuyên truyền cho người dân hiểu". - ông Lam khuyến cáo.

Đề xuất về các biện pháp giám sát doanh nghiệp làm ăn phi pháp và sản phẩm kém chất lượng, ông Lê Minh Đức - Chủ tịch HĐQT D.OPRO Group cho rằng, bên cạnh đăng ký online thì doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý có thể xúc tiến nhanh chóng để doanh nghiệp Việt đưa sản phẩm ra thị trường. Bởi trên thực tế, doanh nghiệp đa số có quy mô vừa và nhỏ mà quá trình sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường là rất tốn kém, do đó, kiến nghị tạo điều kiện, tăng cường hậu kiểm giúp doanh nghiệp tự công bố chất lượng và nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Hội Bảo vệ tiêu dùng cho rằng, một trong những biện pháp là giúp cho người tiêu dùng có thông tin để nhận biết hàng giả. "Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp để tổ chức hội thảo để thông tin tới người tiêu dùng. Qua kênh báo chí sẽ tuyên truyền tới đông đảo người dân".

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Văn Cường - Đại diện nhãn hàng mỹ phẩm C’ N khẳng định: Chúng ta phải nhìn thấy vấn đề là tại sao sản phẩm giả, nhái mà vẫn khiến cho khách hàng có động cơ để dùng. Đó là vấn đề nhận thức của người tiêu dùng và đào tạo cho người bán hàng là rất quan trọng.

"Còn mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước, tôi đề xuất có kênh phản ánh thông tin và xây dựng dữ liệu báo cáo những thương hiệu, tên tuổi mỹ phẩm nào đang có nhiều hàng giả. Các doanh nghiệp làm ăn chân chính cần thường xuyên tăng cường đào tạo cho đại lý bán hàng của mình thông tin được cho người tiêu dùng.

Doanh nghiệp bán hàng giả, nhái có thể dán bất kỳ tem của hãng nào trên sản phẩm của mình, do đó, doanh nghiệp cần có thiết kế riêng, nhận diện riêng biệt để người tiêu dùng nhận biết". - ông Cường đề xuất.

Chia sẻ kinh nghiệm từ đất nước của mình, ông Tae Hwa Jang - Giám đốc điều hành, Thế giới mỹ phẩm K-Beauty Hàn Quốc cho biết, các công ty sản xuất ở Hàn Quốc thì đều do Chính phủ quản lý. Công ty muốn đưa ra sản phẩm ra nước ngoài thì cũng phải do Chính phủ quản lý và việc quản lý này được thực hiện rất chặt chẽ.

Chính phủ sẽ quản lý doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm bằng một mã số và người tiêu dùng sẽ tra mã số đó để kiểm tra sản phẩm.

"Thị trường mỹ phẩm Việt Nam rất lớn, rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm các nước muốn thâm nhập vào thị trường này. Tuy vậy, các bạn cần phải đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho người tiêu dùng. Về phía cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý cụ thể như cấp mã sản phẩm để người tiêu dùng có thể tra được. Về người tiêu dùng cũng cần phải thong thái hơn. Về các doanh nghiệp cần làm việc có tâm hơn để đưa những sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng". - ông Tae Hwa Jang chia sẻ.

Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm cùng các vị khách mời.

Sau gần 3 giờ đồng trao đổi, thảo luận, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp đã đưa ra được thực trạng nhức nhối về tình trạng mỹ phẩm giả, kém chất lượng tại Việt Nam; Đồng thời đưa ra rất nhiều giải pháp giải quyết. Việc còn lại là sự vào cuộc từ phía cơ quan quản lý.

Nhóng Phóng viên thời sự