Doanh nhân Cựu chiến binh Trịnh Xuân Lâm: Bí quyết thành công của “người lính” xứ Thanh

Lê Hà 26/05/2020 05:00

Rời quân ngũ với tỷ lệ thương tật 38%, doanh nhân cựu chiến binh Trịnh Xuân Lâm đã gây dựng cơ đồ đem lại nhiều việc làm, lợi ích cho hàng nghìn người lao động trên chính tại quê hương của mình.

Doanh nhân cựu chiến binh Trinh Xuân Lâm, tấm gương sáng về ý chí của

Doanh nhân cựu chiến binh Trinh Xuân Lâm, tấm gương sáng về ý chí của "người lính cụ Hồ" trên thương trường

Chàng thanh niên xứ Thanh - Trịnh Xuân Lâm nhập ngũ năm 1975 khi chỉ mới 19 tuổi và biên chế vào Quân đoàn 1, Sư đoàn 312 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam. Khoảng 4 giờ sáng ngày 29/4/1975, khi tham gia trận đánh tại ở Bình Cư, Bình Mỹ, Phúc Lợi, Bình Dương, ông đã bị thương, 3 mảnh đạn găm trên đầu. Mặc dù vậy, ông vẫn luôn cho rằng mình đã may mắn hơn rất nhiều đồng đội khác đã phải nằm lại tại chiến trường.

Giờ đây, ngồi nhớ lại những kỷ niệm của những năm tháng vừa oai hùng, vừa bi thương ấy, ông lặng người nhớ về những người đồng đội của mình năm xưa.

-Trở về từ chiến trường xưa cơ duyên nào đưa ông đến vớichiến trường mới của thời bình – thương trường?

Tôi nghĩ không phải cơ duyên mà đó là cơ chế thì đúng hơn.

Tháng 10/1977, tôi quyết định ra quân, trở về địa phương bắt đầu một cuộc sống mới, bấy giờ thì vất vả lắm. Sống trong cơ chế bao cấp, thiếu thốn đủ thứ, ngay thời điểm ấy tôi đã có cái nhìn khác người và đã rất “máu” kinh doanh. Khi đó, tôi vào Nam ra Bắc kinh doanh các mặt hàng nhu yếu phẩm như phích, đài, đồng hồ, quạt, xe đạp kiếm lời.

Thời bấy giờ, xã hội không trọng thương. Gia đình tôi là gia đình cách mạng, bố mẹ đều là đảng viên, kinh doanh đang tốt nhưng mẹ tôi tâm sự: “Thôi con đừng đi buôn nữa, ở nhà làm cán bộ thôi”.

Nghe lời mẹ năm 1978, tôi tham gia hoạt động của địa phương, được bầu làm thư ký đội. Năm 1979, tôi lên làm liên đội trưởng đội sản xuất. Và năm 1980, tôi được bầu làm phó chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, năm 1983 được bầu làm chủ nhiệm hợp tác xã.

- Đường quan lộ đang rộng thênh thang, tại sao ông lại có “bước ngoặt” lớn như vậy?

Lúc bấy giờ, có bao vốn liếng tích lũy hơn 10 năm, tôi cho bạn bè vay nhưng họ không trả. Nghĩ chán cảnh nhà đông con mà không kinh doanh thì đến 10 đời vẫn nghèo khổ, tôi nhận thức rằng “phi thương bất phú” nên quyết định lên thị xã Bỉm Sơn làm ăn.

Thời gian đầu tôi vào nhà máy Bỉm Sơn mua giấy vụn, mua sắt phế liệu, còn vợ bán quán cóc ở cổng trường học. Trong những năm ấy, tôi đã tích lũy và học hỏi kinh nghiệm về con đường kinh doanh, đặc biệt là mô hình công ty tư nhân.

Để rồi đến năm 1995, tôi quyết định thành lập Công ty TNHH Tiên Sơn, đây là Công ty TNHH đầu tiên ở TX Bỉm Sơn, hoạt động với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất và gia công các sản phẩm may mặc; Kinh doanh nhà hàng, khách sạn; Sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ, hàng sơn mài.

Công ty TNHH Tiên Sơn là công ty tư nhân đầu tiên của Bỉm Sơn – tên công ty cũng mang ý nghĩa đó.

- Trong quá trình kinh doanh, ông có nhận được sự hỗ trợ và chung tay của những người bạn chiến đấu năm xưa hay không?

Những người bạn lính chính là những người đồng cam cộng khổ khi tôi đặt những viên gạch đầu tiên cho Tập đoàn Tiên Sơn. Năm 1995, những cán bộ nhân viên đầu tiên của công ty cũng là những đồng đội cùng chung một chiến hào với tôi năm xưa. Lúc ấy công ty chưa phát triển nhiều lĩnh vực kinh doanh, chỉ tập chung vào mua phế liệu.

Năm 2000, tôi mở xưởng đóng sách vở học sinh. Lúc ấy con em các cựu chiến binh có rất nhiều người muốn xin việc. Tôi lại trăn trở xem làm thế nào để họ có việc làm, có thu nhập.

Sau khi thăm một người bạn mở xưởng sản xuất gỗ xuất khẩu, tôi nảy ra ý tưởng mở một xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở Thanh Hóa, xưởng gỗ ấy có những năm đạt doanh thu 1 triệu đô.

Thành công nối tiếp thành công, từ một doanh nhân “chân đất” nhưng tôi quyết tâm “mang chuông đi đánh xứ người”. Những năm đó tôi tham gia các đoàn công tác của Chính phủ, của VCCI đi tham quan hàng trăm nước trên thế giới.

Đúng là “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, mặc dù không học về kinh doanh nhưng tôi được trời phú cho sự nhanh nhạy và tư duy kinh doanh nên đi đâu tôi cũng chắt lọc được những kinh nghiệm và nhanh chóng tìm ra cơ hội phát triển mới.

Sau chuyến công tác với VCCI tại một số nước, tôi nhận thấy ngành may mặc có rất nhiều cơ hội mà Thanh Hóa chưa có ngành may. Khi ấy thấy công ty may 40 Hà Nội đầu tư một xí nghiệp ở Bỉm Sơn với 210 lao động đang trên bờ phá sản, tôi quyết định mua lại. Nhờ có “máu liều” mà tôi đã gây dựng được Tiên Sơn phát triển với 10 nhà máy với hơn 13.000 lao động, tài sản gần 2000 tỷ.

Đấy cơ duyên đến với kinh doanh của tôi chỉ như vậy thôi!

- Một người lính làm doanh nghiệp, chắc hẳn có những khó khăn, thưa ông?

Bây giờ là thời của doanh nghiệp tư nhân, mọi chủ trương chính sách đều thuân lợi chứ không như thời tôi bắt đầu thành lập Tiên Sơn.

Thời ấy, ngay việc xin giấy phép đã khổ cực trăm bề. Tôi viết đơn xin thành lập doanh nghiệp vào 4/1994 mà mãi đến ngày 22/7/1995, hơn 1 năm mới có quyết định thành lập.

Thủ tục rất phức tạp, vốn liếng không có. Họ yêu cầu nếu làm thương mại thì phải có 50 triệu đồng, không có tiền mặt thì phải có xác nhận của ngân hàng; nghề xây dựng phải có 150 triệu đồng,…

Công ty TNHH phải có 3 thành phần trở lên, chủ doanh nghiệp không được là công chức nhà nước. Khi đó, con thì con nhỏ, vợ thì không hiểu gì về kinh doanh, mãi tôi mới nhờ được cậu em trai chấp nhận đứng tên công ty.

Khi bước sang làm hàng thủ công mỹ nghệ gặp cũng không ít khó khăn, vì chưa có kinh nghiệm làm việc với đối tác nước ngoài, thời gian đầu hàng bị trả về, khi làm tốt rồi lại gặp nhiều đối thủ cạnh tranh,…

Khi chuyển sang làm may, những lúc xây dựng xưởng sản xuất 4.000 m2, do chưa có kinh nghiệm nên bị đổ lên đổ xuống, tiền thì vay ngân hàng.

Đây chỉ là 1/1000 những khó khăn tôi đã phải vượt qua.

- Không học kinh doanh, ông làm sao có thể quản trị một doanh nghiệp kinh doanh quốc tế?

Tất cả những trải nghiệm trong quá trình kinh doanh đều là những bài học quý giá. Sau khi bắt đầu làm hàng thủ công mỹ nghệ, VCCI là một cơ quan tôi biết ơn nhất, vì đã giúp tôi được đi nước ngoài và tìm được những cơ hội làm ăn.

Ông Trịnh Xuân Lâm trao nhà tình nghĩa cho người nghèo tại thị xã Bỉm Sơn - Thanh Hóa

Ông Trịnh Xuân Lâm trao nhà tình nghĩa cho người nghèo tại thị xã Bỉm Sơn - Thanh Hóa

- Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân đang gặp khó trong việc chuyển giao thế hệ, vậy ông đã tiến hành việc chuyển giao cho các con thế nào?

Đối với tôi, Tiên Sơn là sự nghiệp còn con cái là tài sản quý hơn cả.

Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã định hướng nghề nghiệp và theo khả năng của các con.

Năm 2011, tôi đã giao cho con trai trưởng quyền điều hành doanh nghiệp giữ chức TGĐ, con trai thứ 2 chức Phó TGĐ phụ trách mảng Quan hệ quốc tế và kế hoạch khách hàng hàng, con trai thứ 3 học Đại học Bách khoa là Phó TGĐ phụ trách công nghệ và năng suất chất lượng.

Đến giờ phút này tôi được coi là chuyển giao thế hệ thành công, nhiều doanh nhân đều ngưỡng mộ bởi không chỉ 1 người con mà cả 3 người con trai đều được học hành và quay trở lại gánh vác và đưa Tiên Sơn phát triển.

Nhiều người hỏi tôi về bí quyết dạy con, tôi phải nói thật là tôi không có bí quyết nào cả. Tôi chỉ có một điều hơn người khác là tôi rất gương mẫu từ công việc gia đình đến công ty, con tôi chỉ nhìn thấy thế và làm theo thôi.

XIn cảm ơn ông!

Lê Hà