Sức ép “kép” đối với doanh nghiệp gia đình Việt Nam
Chỉ một số ít tập đoàn có tận dụng được đối tác chiến lược chuyên nghiệp tạo sức ép thay đổi tư duy và hệ thống quản trị tốt hơn.
Đó là trao đổi của ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Group khi với Doanh Nhân và ông cũng nhấn mạnh rằng cùng với yêu cầu thực hiện chuyển giao kế nghiệp bài bản hơn, đây là sức ép “kép” đối với doanh nghiệp gia đình Việt Nam.
- Vừa là người trong cuộc, vừa ở góc độ quan sát ông thấy quá trình chuyên nghiệp hoá quản trị mô hình doanh nghiệp gia đình đang diễn ra như thế nào?
rên thực tế quá trình chuyên nghiệp hoá quản trị mô hình doanh nghiệp gia đình nhìn chung còn chậm và mang tính hình thức. Chỉ một số ít tập đoàn có tận dụng được đối tác chiến lược chuyên nghiệp tạo sức ép thay đổi tư duy và hệ thống quản
trị tốt hơn.
Sự tham gia của các thành viên gia đình một cách thiếu bài bản cũng đang là tạo rào cản cho chuyên nghiệp hóa. Không ít doanh nghiệp gia đình đã thất bại trong quá trình chuyển giao hoặc chưa thể chuyển giao.
Khả năng thích ứng linh hoạt là tố chất đặc thù làm nên doanh nghiệp gia đình.
- Thực tế hiện nay, đòi hỏi một mặt doanh nghiệp gia đình sẽ phải nỗ lực chuyên nghiệp hoá hoạt động, một mặt sẽ phải thực hiện chuyển giao kế nghiệp bài bản hơn, theo ông làm thế nào để triển khai hài hoà và hiệu quả cả hai mục tiêu trên?
Chuyên nghiệp hóa là tất yếu và việc xây dựng kế hoạch kế cận cũng là tất yếu. Nhưng việc hoạch định kế cận không nhất thiết phải đồng nghĩa với chuyển giao kế nghiệp. Chuyên nghiệp hóa đòi hỏi phải có nguồn lực tốt và có năng lực, kể cả trong trường hợp
sử dụng tư vấn. Vấn đề là có trường hợp thành viên kế nghiệp (của gia đình) chưa chắc đã có năng lực như các thành viên bên ngoài gia đình (kế cận) trong việc chuyên nghiệp hóa quản trị.
Khảo sát Thế hệ kế nghiệp (Nex- tGen) 2019 - Tâm điểm Việt Nam của PwC cho thấy có tới 44% NextGen Việt Nam đang tham gia tích cực vào doanh nghiệp gia đình, 31% được trao quyền lãnh đạo, 16% mong muốn được điều hành công ty con trực thuộc công ty gia đình. Đặc biệt 74% cho rằng đổi mới công nghệ đứng đầu danh sách thúc đẩy thay đổi.
Chính vì vậy, thứ nhất, cần giữ gìn và phát triển các giá trị của doanh nghiệp doanh nghiệp gia đình. Luôn đoàn kết và dựa vào các giá trị gia đình độc đáo sẽ giúp doanh nghiệp giữ được kết nối với các bên liên quan như gia đình, nhân viên, cộng đồng và khách hàng.
Thứ hai, quản trị tốt, một hệ thống quản trị hiệu quả cho cả gia đình và doanh nghiệp đóng vai trò thiết yếu trong bất kì thời điểm nào. Sự tin tưởng, tính minh bạch và kỳ vọng rõ ràng giúp các doanh nghiệp gia đình định hướng cụ thể để vượt qua những thách thức. Sẵn sàng hỏi ý kiến chuyên gia tư vấn nếu doanh nghiệp thấy cần thiết.
Thứ ba, xây dựng kế hoạch chuyển giao quyền sở hữu doanh nghiệp gia đình. Sau đại dịch là cơ hội để trao quyền lãnh đạo cho thế hệ kế tiếp. Đây là thời điểm để thu hẹp khoảng cách thế hệ, và để thế hệ trẻ có được được cơ hội dẫn dắt doanh nghiệp vươn lên sau đại dịch.
- Lợi thế của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam là sự gắn bó tình cảm, nhưng cũng là điểm yếu trong việc cân bằng giữa mối quan hệ này với các nguyên tắc quản trị công ty chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp gia đình sẽ phải hoá giải bài toán này như thế nào thưa ông?
Sự gắn bó tình cảm gia đình không đồng nghĩa với việc xóa bỏ các tiêu chí và yêu cầu năng lực điều hành trong bộ máy quản trị. Không phải cứ là thành viên gia đình thì được quyền ngồi vào ghế "nóng" hoặc các vị trí quản lý, đặc biệt là trong điều kiện muốn chuyên nghiệp hóa.
Những thách thức đang đặt ra là: Quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản của doanh nghiệp ở hiện tại và cho tương lai; Quản trị hiệu quả và chuyên nghiệp đối với các nhu cầu của doanh nghiệp, cá nhân và các bên liên quan; Quản lý quy trình chuyển giao quyền sở hữu một cách chặt chẽ và trơn tru cho tương lai của doanh nghiệp; Xác định các mục tiêu của doanh nghiệp.
Chính vì vậy phải rà soát lại kế hoạch chuyển giao và đặt ra quy trình chuyển giao về vai trò, quyền lãnh đạo trong doanh nghiệp cũng như đối với gia đình. Trong đó, cho thế hệ kế nghiệp cơ hội được tận dụng lợi thế thành thạo về công nghệ.
Đây có thể chính là yếu tố quyết định trong việc dẫn dắt doanh nghiệp vươn lên hay để doanh nghiệp tụt hậu trong bối cảnh làm việc từ xa và các giải pháp công nghệ đang đóng vai trò ngày một quan trọng.
- Ông nhận định ra sao về giáo dục của gia đình trong quá trình chuyển giao thế hệ tại doanh nghiệp?
Gia đình là tế bào của xã hội, do đó, văn hóa gia đình đóng vai trò quan trọng trong vấn đề giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Ở thời đại nào, văn hóa gia đình cũng là nền tảng cho văn hóa xã hội. Văn hóa gia đình giàu tính nhân văn, nhân bản, đề cao giá trị đạo đức, xây dựng nếp sống văn hóa trật tự, kỷ cương, hun đúc tâm hồn, bản lĩnh cho con người trong từng tế bào của xã hội. Bởi vậy, gia đình tốt là đảm bảo cho dân giàu, nước mạnh, xã hội lành mạnh và văn minh.
Tại Tập đoàn Phú Thái, toàn bộ kế hoạch đào tạo, định hướng nghề nghiệp của những thành viên trong gia đình đã được cân nhắc, phân tích và lên kế hoạch cụ thể từ nhiều năm trước. Hiện tại, quá trình chuyển giao đang diễn ra. Chúng tôi cũng tạo điều kiện cho con cháu thử sức với nhiều vị trí khác nhau ở trong hoặc ngoài doanh nghiệp, cho phép cùng dự các buổi họp của HĐQT hay các hội thảo, sự kiện mà doanh nghiệp tham gia. Quan điểm của tôi là việc chuyển giao quyền lực phải thực sự là cơ hội và tạo điều kiện cho thế hệ kế cận được tự do lựa chọn tương lai của bản thân.
- Xin cảm ơn ông!