“Tế bào gốc” của doanh nghiệp
Gia đình vốn được quan niệm là “tế bào của xã hội” nhưng với doanh nhân Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, đó cũng chính là hạt nhân, là “tế bào gốc” của doanh nghiệp.
Những xô bồ trong cuộc sống, trong kinh doanh đã được bà Thanh – như những nhân sự trong Deloitte Việt Nam chia sẻ - hóa giải bằng tình yêu thương gia đình, để rồi sau hơn 38 năm làm nghề, bà Thanh thực sự có một cuộc sống với hai từ: viên mãn.
- Bà có thể lý giải kỹ hơn nhận định về “gia đình là tế bào gốc của doanh nghiệp”?
Tôi rất tâm đắc với câu “Gia đình là một tế bào của xã hội”, khi “tế bào” này được xây dựng dựa trên một nền tảng văn hóa mà ở đó có sự yêu thương, tôn trọng, kế thừa và phát triển thì xã hội cũng sẽ phát triển.
Doanh nghiệp cũng là một tế bào của xã hội, là nơi mọi thành viên gắn kết với nhau bằng mục tiêu của sự phát triển, kết nối với nhau để tạo giá trị cống hiến. Hiểu theo nghĩa đó thì doanh nghiệp cũng là một gia đình lớn.
Một người sinh ra trong một gia đình có nền nếp văn hóa tốt, tham gia ở một doanh nghiệp nào thì doanh nghiệp đó cũng được thừa hưởng giá trị của con người đó. Bởi lẽ, văn hóa là giá trị được kế thừa, phát triển và tôn vinh. Cho nên người lãnh đạo hay những con người được sinh ra ở một gia đình có nền nếp văn hóa chắc chắn họ sẽ là những người đóng góp lớn cho sự phát triển văn hóa ở doanh nghiệp.
- Nhưng văn hóa doanh nghiệp theo tôi có điều gì đó rất khác với gia đình – bởi gia đình nơi đó có những gắn kết thiêng liêng được gọi là huyết thống?
Tôi rất thích câu “Văn hóa là thứ duy nhất thiếu khi doanh nghiệp đã phát triển và là thứ duy nhất còn lại khi người ta mất đi tất cả”. Tức là văn hóa và văn hóa doanh nghiệp là thứ vô hình nhưng lại là cấu trúc không thể thiếu để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998, và gần đây nhất là đại dịch COVID-19 mới thấy được doanh nghiệp nào có nền tảng văn hóa bền vững, doanh nghiệp đó sẽ vượt qua khó khăn một cách dễ hơn những doanh nghiệp khác. Nói cách khác doanh nhân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn để phát triển trở lại một cách nhanh chóng hơn.
Và chỉ qua khủng hoảng người ta mới hiểu những điều mà các doanh nhân đau đáu đó là nhân sự của mình, đó là công ăn việc làm của người lao động – lý giải điều đó bằng gì nếu không phải bằng cụm từ GIA ĐÌNH.
- Để thành công trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, theo bà, doanh nghiệp nên “học” gì từ giá trị gia đình?
Khá nhiều người đang hiểu sự tăng trưởng đi liền với sự phát triển nhưng thực ra không hẳn như vậy. Tăng trưởng chỉ là hình thức bên ngoài của sự phát triển, thông qua các con số tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận hay số người lao động... Nhưng nó chưa phải là sự phát triển đầy đủ.
Sự phát triển đầy đủ, sự tăng trưởng về lõi của doanh nghiệp mới chính là sự bền vững của doanh nghiệp. Với lõi là văn hóa doanh nghiệp, đồng nghĩa với sự trường tồn của doanh nghiệp.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp thực sự bền vững phải đi từ nhận thức của các nhà lãnh đạo, khi nhận thức được xây dựng văn hóa thực sự là cần thiết, là năng lực cạnh tranh, một giá trị phát triển bền vững thì họ sẽ biết phải làm như thế nào.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp bên cạnh nhận thức của các nhà lãnh đạo, cùng với tầm nhìn, mục tiêu của doanh nghiệp không thể thiếu sự tham gia của đội ngũ con người trong tổ chức. Họ có thể có học thức khác nhau, đến từ vùng miền khác nhau, với văn hóa xã hội khác nhau nhưng họ sẽ có 3 giá trị giống nhau: tôn trọng tổ chức, có trách nhiệm với việc mình làm và cùng tôn trọng lẫn nhau để tạo ra giá trị phát triển của doanh nghiệp.
Đây là ba giá trị quan trọng của văn hóa doanh nghiệp và sự phát triển bền vững văn hóa doanh nghiệp.
- Người lãnh đạo thành công là người biết biến nội lực thành giá trị, từ giá trị thành bộ kỹ năng để dẫn dắt tổ chức đi đến thành công? Tại Deloitte, bà đã thực hiện “nghĩa vụ cao cả” đó như thế nào?
Tôi rất tâm đắc với câu “Bạn sẽ trở thành người cống hiến nhiều nhất khi bạn trở thành con người tốt nhất của chính bạn – Is the best of yourself”. Ở Deloitte, chúng tôi có một hệ thống quản trị hiệu suất (reinventing performance management) có điểm khác biệt đó là không đánh giá khả năng thực hiện công việc của con người trong quá khứ mà hướng con người tới sự phát triển trong tương lai.
Mỗi năm chúng tôi sẽ đánh giá lại bạn có thế mạnh gì, làm thế nào để phát huy tốt nhất thế mạnh đó để hoàn thành mục tiêu và thỏa mãn với công việc đang làm?
Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy những điều đó để con người trở thành phiên bản tốt nhất của chính họ, nơi con người nhận ra năng lực của họ, có thể biến năng lực của họ thành giá trị phát triển của chính họ, cống hiến cho sự phát triển cho Deloitte và cho ngành nghề của chúng tôi.
- Trong môi trường văn hoá châu Á, người phụ nữ luôn bị áp đặt những giá trị mang tính phụ thuộc và đây chính là thách thức vô cùng lớn với những nữ doanh nhân?
Lâu nay người ta quan niệm thiên chức của người phụ nữ là sinh và nuôi con, là chăm sóc gia đình, là “xây tổ ấm”... Có khi nào bạn tự hỏi, đàn ông có thể thực hiện thay thiên chức của bạn không?
Đối với tôi, tôi chưa bao giờ coi thiên chức đó là một điểm yếu thế mà coi đó là giá trị vinh quang của mình mà ở đó mình biết cách kêu gọi những thành viên trong gia đình hỗ trợ mình. Nếu mình coi đó là giá trị mình sẽ hướng mọi người tới giá trị đó.
Đằng sau sự thành công của người đàn ông có bóng dáng của người phụ nữ, nhưng đằng sau sự thành công của người phụ nữ là một khoảng trống. Đó là do định kiến của xã hội mà người phá bỏ định kiến đó đầu tiên phải là người phụ nữ.
Tôi rất tin thế hệ nữ doanh nhân F2, F3 của chúng tôi sẽ có những thay đổi.
Tôi nghĩ, qua rồi thời đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Bây giờ là chúng ta cùng xây nhà, cùng xây tổ ấm. Đưa được điều này vào thực tế cuộc sống phụ nữ nói chung và nữ doanh nhân nói riêng mới thực giá trị và hạnh phúc bởi dựa trên bình đẳng, trên cơ sở tôn trọng, yêu thương và chia sẻ. Từ gia đình sẽ ra đến công việc và xã hội.
- Xin cảm ơn bà và chúc cho giá trị gia đình mãi trường tồn trong Deloitte Việt Nam
Cân bằng để thành công
- Bà cân bằng mối quan hệ công việc – gia đình như thế nào?
Ai cũng sẽ thành đạt nếu họ hài lòng với những gì họ có. Thành công không phải điểm đến mà là một quá trình. Thành đạt không đo ở chức vụ bạn có mà đo ở giá trị kinh nghiệm trong nghề bạn làm.
Với tôi, thành công của tất cả đồng đội, đồng nghiệp của Deloitte là một niềm hạnh phúc, đó là sự thành đạt của tôi.Sự thành đạt cho mình cảm giác rất hạnh phúc, cảm giác hạnh phúc ấy chính là sự hài hòa giá trị.
Sự hài hòa công việc và cuộc sống không phải cân bằng về thời gian mà là hài hòa giá trị văn hóa, con người, nhân văn và trí tuệ. Khi hài hòa được các giá trị đó thì công việc cũng là gia đình và gia đình là một dự án của cuộc sống.- Bà có hài lòng với những gì đã làm, đã cống hiến, đã tạo ảnh hưởng?
Tôi sẽ không trả lời câu hỏi có hài lòng với những gì đã làm không. Tôi thường có suy nghĩ là không nên nhìn những giá trị mình đã làm, mà nhìn xem những gì mình làm có thể làm tốt hơn, tạo những ảnh hưởng tốt hơn thế nào.
Tôi muốn đặt lại câu hỏi là nội lực của mình đã được tận dụng hết chưa, có thể làm thêm được nữa không. Câu trả lời mang đầy tính phấn khích là chưa! Chưa được hiểu là tôi sẽ là con người tốt hơn nữa, có nghĩa là những giá trị tôi đang làm ra sẽ tốt hơn.
Đây cũng là điều tôi thường chia sẻ với các đồng nghiệp, rằng hãy trở thành con người tốt nhất của bạn. Khi đó, giá trị bạn có, những mục tiêu cuộc đời bạn đang có không chỉ cho bạn, cho gia đình bạn, cho cộng đồng nơi bạn đang sống, mà còn hơn thế nhiều.
Có thể bạn quan tâm