CEO Vietravel: Vì sao trong gói cứu trợ mới nên chuyển phần hỗ trợ lao động mất việc cho doanh nghiệp thực hiện?

Theo Nhịp sống kinh tế 26/08/2020 16:38

“Tất cả người lao động đều có mã số thuế và số an sinh xã hội. Chính quyền có thể dễ dàng theo dõi dòng tiền, mà không gây áp lực lên hệ thống hành chính địa phương”.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Kỳ, CEO Vietravel, khi nói về gói cứu trợ thứ hai trị giá 18.600 tỷ đồng mà Bộ LĐTB&XH vừa đề xuất với Bộ KH&ĐT để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19.

Ở góc độ là chủ doanh nghiệp chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, ông thấy việc thực hiện gói cứu trợ lần thứ nhất đối với doanh nghiệp và người lao động có vướng mắc gì?

Tôi cho rằng, gói cứu trợ đầu tiên, trị giá hơn 60.000 tỷ, thể hiện rất rõ sự quan tâm của Chính phủ đổi với các doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn vì dịch bệnh. Đó là sự quan tâm, chia sẻ rất kịp thời, giúp động viên tinh thần của đại bộ phận người lao động.

Đã có nhiều người lao động được thực hưởng lợi ích từ gói cứu trợ này. Tuy nhiên, hiện nay, khi chúng ta sắp bước vào gói cứu trợ thứ hai trị giá hơn 18.000 tỷ, tôi nghĩ cũng là lúc chúng ta phải đánh giá lại một vài điểm bất cập, chưa ổn của gói cứu trợ lần một mà Chính phủ đã đưa ra trước đó.

Với gói cứu trợ lần một thì phần hỗ trợ các lao động được đưa về các địa phương. Người lao động phải tự mình tới xã/phường/ thị trấn, nơi mình đăng ký hộ khẩu thường trú để thực hiện khai báo và nhận khoản hỗ trợ.

Thế nhưng, ở nước ta lâu nay, lao động luôn có sự dịch chuyển, từ vùng quê đổ về các thành phố để làm việc. Vậy thì khi tiền cứu trợ chuyển về địa phương, người lao động cũng phải di chuyển về quê để làm thủ tục nhận hỗ trợ. Điều này sẽ tạo ra gánh nặng cho cơ quan hành chính địa phương, cũng như sự di chuyển rất lớn giữa các vùng mà lại là giữa "mùa" Covid-19.

Với người lao động, họ sẽ vừa mất thời gian, vừa tốn chi phí. Ví dụ, với chi phí trợ cấp 1,8 triệu đồng, một lao động đi từ Sài Gòn về miền Trung để làm thủ tục nhận trợ cấp có lẽ chỉ đủ bù tiền xe cộ.

Có lẽ những người làm chính sách, khi quyết định đưa tiền về địa phương thì đã phần nào nghĩ rằng, lao động thất nghiệp sẽ về quê sinh sống. Nhưng thực tế, không phải lao động mất việc nào cũng về quê.

Do đó, tôi thấy là chính sách của Chính phủ là rất tốt, nhưng làm sao có thể đến được với người lao động một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất cần tính lại cách làm sao cho hiệu quả hơn. Bởi vì tốc độ làm việc của nhiều địa phương cũng khác nhau, tác động đến việc người lao động nhận hỗ trợ nhanh hay chậm.

Nhưng việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội hiện nay thường vẫn thông qua hệ thống hành chính địa phương?

Theo tôi, chúng ta nên phân biệt rạch ròi giữa trách nhiệm của doanh nghiệp và cơ quan hành chính địa phương. Doanh nghiệp là nơi quản lý trực tiếp, thường xuyên người lao động. Còn trách nhiệm chính của các địa phương là làm hành chính, thực hiện các vấn đề như chính sách nông thôn mới, phân loại hộ nghèo, cận nghèo… hay nói cách khác, là thực hiện những chính sách của Chính phủ dành cho người yếm thế trong xã hội.

Hai việc này là khác nhau và không nên lẫn lộn, tạo ra sự lãng phí không cần thiết và khiến bộ máy hành chính địa phương phải chịu áp lực nặng nề. Khi doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, tạm thời người lao động bị mất việc chứ không hẳn họ là người yếm thế trong xã hội thì Chính phủ nên hỗ trợ người lao động thông qua doanh nghiệp sẽ hiệu quả hơn.

Nhưng khi mất việc nhiều người lao động lại về quê không gặp được thì việc chuyển phần hỗ trợ cho doanh nghiệp đưa tới người lao động cũng khó tương tự như chính quyền với người dân đi làm ở nơi khác?

Thực ra, phải nhìn nhận một cách rõ ràng rằng, với cách làm của gói cứu trợ đợt 1, bên cạnh những người đã nhận được sự hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ, vẫn còn rất nhiều người chưa nhận được. Họ chưa nhận được, một phần do bản thân họ không di chuyển được, không lấy giấy chứng nhận kịp hoặc thậm chí họ không về được nên phải bỏ lỡ.

Còn nếu việc hỗ trợ chuyển cho doanh nghiệp, dù lao động có ở đâu, họ vẫn có tài khoản ngân hàng, với hệ thống ngân hàng rộng khắp cả nước như hiện nay, việc chi trả qua tài khoản rất dễ dàng. Hầu hết doanh nghiệp đều trả lương qua thẻ. Vậy thì khi tiền trợ cấp đưa về doanh nghiệp, họ có thể chuyển cho người lao động, và người lao động có thể rút tiền từ ngân hàng một cách dễ dàng.

Ở đây, tôi cũng xin nhắc lại là doanh nghiệp là người trực tiếp quản lý lao động nên sẽ hiểu rõ và nhanh hơn so với chính quyền địa phương nên thủ tục sẽ đơn giản hơn nhiều.

Vietravel cũng có các văn phòng ở nhiều quốc gia khác. Vậy ở các nước, họ giải ngân gói cứu trợ cho người lao động theo cách nào?

Tôi thấy các nước khác đang hành động khác chúng ta. Họ đưa gói cứu trợ này về doanh nghiệp, vì cho rằng, doanh nghiệp mới là nơi quản lý người lao động.

Tất cả người lao động đều có mã số thuế và số an sinh xã hội. Vì thế, khi Chính phủ chuyển tiền cho doanh nghiệp, doanh nghiệp có trách nhiệm chuyển tiền lại cho người lao động. Chính quyền sẽ dễ dàng theo dõi dòng tiền, số tiền đã được chuyển. Nếu doanh nghiệp nào đó có hành vi chiếm đoạt tiền cứu trợ của người lao động, sẽ lập tức bị phát hiện và xử lý.

Sắp tới, chúng ta sẽ thực hiện gói cứu trợ thứ hai, tôi rất mong, Chính phủ sẽ rút kinh nghiệm từ gói 62.000 tỷ.

Nhưng nếu giao gói cứu trợ cho các doanh nghiệp chịu trách nhiệm chuyển tới người lao động thì cũng có thể xảy ra việc chi sai và tiền không tới được người lao động?

Rủi ro thì lúc nào và ở đâu cũng đều có. Đừng nói là đưa tiền cho doanh nghiệp thì rủi ro còn phân bổ về các cơ quan hành chính nhà nước thì không có rủi ro!

Thực tế đã có những nơi thực hiện sai, quá chậm hoặc gây khó khăn cho người đến nhận. Họ yêu cầu quá nhiều giấy tờ chặt chẽ khiến người lao động không thực hiện/ đáp ứng được.

Điều này cũng dễ hiểu, vì chính quyền địa phương không quản lý người lao động. Cả năm trời, người lao động làm việc ở đâu, chính quyền đôi khi còn không biết. Bây giờ họ về, đùng một cái, yêu cầu chính quyền đưa tiền thì ai dám đưa. Vì thế, họ mới yêu cầu, người lao động làm chứng nhận đủ kiểu mới đưa tiền.

Trong khi đó, doanh nghiệp quản lý người lao động thường xuyên, hàng ngày, và hàng tháng đều đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tức là người quản lý lao động thường trực là các doanh nghiệp. Còn chính quyền địa phương chỉ quản lý họ về hộ khẩu. Nhưng sắp tới nước ta cũng sẽ thực hiện quản lý công dân bằng dữ liệu điện tử thì câu chuyện cũng sẽ khác rồi.

Cho nên việc tính toán, sắp xếp lại là vô cùng cần thiết. Vì nếu giao tiền về nơi vốn chỉ quản lý về hành chính và luôn phải đợi chờ xác minh, thì khi xác minh xong xuôi, đôi khi đã chậm rồi.

Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và dự kiến phải tới hết năm 2021 mới có vắc-xin, theo ông, những doanh nghiệp và người lao động trong ngành chịu ảnh hưởng nặng như du lịch sẽ phải dự trù điều gì?

Từ nay đến khi có vắc-xin về tới Việt Nam và phải chứng minh hiệu quả nữa sẽ là thời gian rất dài, có lẽ phải tới hết năm 2021. Doanh nghiệp nào cũng mong muốn dịch qua nhanh. Nhưng tới giờ phút này, sau khi dịch bùng lên lần hai, mọi người cũng đã hiểu là dịch bệnh sẽ không thể qua nhanh được.

Chúng ta phải chuyển sang trạng thái sống chung với dịch bệnh. Đối với Vietravel, chúng tôi xác định phải thay đổi toàn bộ phương thức, chiến lược, kể cả việc cấu trúc lại doanh nghiệp, để phù hợp với tình hình mới. Tình hình mới lúc này là dịch bệnh có thể bùng lên bất cứ lúc nào, có thể xảy ra giãn cách xã hội rồi bỏ giãn cách không chỉ một mà nhiều lần.

Ngoài ra, chúng ta đang nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cho nên khi thế giới ảnh hưởng thì chắc chắn Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Chuyện chúng ta thoát ra khỏi dịch bệnh và cứ thế phát triển lên, trong khi xung quanh vẫn đang gặp "lũ lụt" sẽ là điều rất khó khăn.

Thực tế, xung quanh đang ngập lụt thì nước ta thế nào cũng sẽ bị "xâm nhập" và gây nên những đợt bùng dịch nhỏ. Cho nên lúc này, các doanh nghiệp đều hiểu rằng, chống dịch không phải chuyện ngày một ngày hai, mà sẽ là cuộc chiến lâu dài. Vì vậy, họ đã chuyển đổi rất nhanh và cũng thay đổi cả tư duy.

Tôi cho rằng, đây là điều rất đáng quý của doanh nghiệp Việt, vì họ đã nhìn nhận đúng tình hình. Và trong một môi trường, bối cảnh nhiều rủi ro như hiện nay, thì hầu hết các doanh nghiệp đều đã và đang có sự điều chỉnh.

Cụ thể với ngành du lịch, trước cú sốc "đánh bồi" vào lúc này, ông nhận thấy các doanh nghiệp và bản thân Vietravel đã thay đổi như thế nào?

Với tình hình chống dịch như hiện nay, lĩnh vực du lịch không những hẹp vì không có khách quốc tế mà bây giờ lại càng thu hẹp hơn nữa, vì nội địa cũng không thông suốt mà chỉ có từng vùng thôi.

Thị trường bị hẹp dần như vậy và lượng khách đi du lịch cũng không đáp ứng được yêu cầu của ngành du lịch. Nhưng các công ty du lịch và bản thân tôi cũng đang phải điều chỉnh.

Du lịch vốn là dịch vụ tổng hợp, nên chúng tôi đang tính lại xem cái nào bị ảnh hưởng nặng, không thể cứu vãn được thì dứt khoát phải dừng. Những dịch vụ nào mà vẫn còn có thể phát triển, giữ khách được thì phải tiếp tục triển khai.

Rất nhiều doanh nghiệp du lịch trong thời gian vừa qua đã có sự năng động, thay đổi, điều chỉnh. Vì nhu cầu ăn uống, dịch vụ của người dân, tuy vì dịch bệnh nên đã hạn chế lại nhưng vẫn còn. Người ta có thể không đi, không ở nhưng họ vẫn ăn uống.

Khi khách du lịch giảm, thì giá phòng khách sạn 5 sao cũng đã giảm rất thấp, chỉ còn 1,5-1,8 triệu đồng thay vì 3-5 triệu đồng/ đêm như trước kia. Vì thế, không ít người muốn "đổi gió" cho dịp cuối tuần ở các khu nghỉ dưỡng, khách sạn có thể đưa gia đình đến hưởng một kỳ nghỉ mà trước đây không thể có giá rẻ như vậy được.

Tuy nhiên, cũng phải thành thực mà nói rằng, mọi sự thay đổi cũng chỉ đến mức nào để cố gắng duy trì sống sót qua dịch bệnh thôi, chứ còn để mà phát triển trong bối cảnh dịch bệnh như thế này là điều không thể.

Trước tình hình nhiều doanh nghiệp xác định phải cầm cự như vậy, quay trở lại vấn đề hỗ trợ, nhiều người cho rằng, Chính phủ rất cần cứu các doanh nghiệp yếu thế. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lại cho rằng, cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng sống sót và giúp tạo ra được sức cạnh tranh, từ đó có thể cứu được nhiều người lao động khác nữa. Ông có bình luận gì về điều này?

Một cách khách quan, tôi cho rằng nhận xét của một số chuyên gia kinh tế như vậy cũng là có cái đúng. Tuy nhiên, theo tôi, trước tiên, chúng ta phải đặt đúng ưu tiên như thế này: phải cứu những ngành kinh tế sản xuất trọng điểm trước. Chúng ta phải định vị các ngành chủ yếu, trọng điểm trước, rồi từ các ngành mới định vị doanh nghiệp.

Nếu chỉ xác định cứu doanh nghiệp có khả năng sống sót trước thì có đôi khi lại lệch ngành trọng điểm, không đúng ngành mà xã hội đang cần. Như vậy sẽ xảy ra chuyện doanh nghiệp chưa đáng cứu thì lại được cứu.

Ngoài ra, chính sách, thiết chế cần mang tính tổng hợp chứ không nên quá sâu, quá chuyên ngành, vì nếu như vậy thì đôi lúc sẽ thành lẻ tẻ.

Ông có thể nói cụ thể hơn?

Ví dụ, khi nói về hỗ trợ nông nghiệp, chúng ta chỉ nhìn vào giá lúa giá gạo, nhưng lại không nói gì đến các ngành công nghiệp phụ trợ: phân bón, thuốc trừ sâu… Trong khi đó, giá lúa, gạo chỉ là thành phẩm cuối cùng của rất nhiều khâu.

Vậy thì chúng ta cần có chính sách hỗ trợ toàn diện là ngoài trợ giá cho giá lúa, gạo, còn phải điều chỉnh trong chu trình sản xuất lúa gạo, xem cái gì tác động trực tiếp tới nhà nông, để dẫn tới giá lúa, giá gạo, từ đó có bước hỗ trợ thứ hai. Khi chúng ta sắp chuỗi, rồi giải quyết từng vấn đề trong chuỗi sản xuất lúa gạo thì sẽ tạo các chính sách đồng bộ.

Như vậy trước hết, tôi đề nghị Chính phủ cần có sự phân loại ngành, xem cái gì là mũi nhọn và đâu là ngành tiêu dùng nhiều nguồn lực, nhiều lao động để ưu tiên giải cứu.

Theo Nhịp sống kinh tế