Hai đại diện của Việt Nam trong top 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2020 là ai?
Tạp chí uy tín Forbes vừa công bố danh sách 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2020 (Asia's Power Businesswomen). Trong đó có hai đại diện của Việt Nam.
Các đại diện năm nay đến từ nhiều quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc...và tham gia nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau.
Đáng chú ý, trong danh sách có hai đại diện của Việt Nam là bà Trương Thị Lệ Khanh – nhà sáng lập và Chủ tịch CTCP Vĩnh Hoàn và bà Nguyễn Bạch Điệp – Chủ tịch FPT Retail.
Theo lời giới thiệu của Forbes, bà Trương Thị Lệ Khanh đã có một thập kỷ làm việc tại các công ty Nhà nước trước khi thành lập Vĩnh Hoàn vào năm 1997.
Nói về khát vọng của mình từ những ngày đầu xây dựng Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), bà Trương Thị Lệ Khanh cho biết: “Vì công ty xuất khẩu nên ngay từ khi thành lập, khát vọng của tôi là ra khơi và tôi muốn tồn tại, phát triển mãi mãi. Vĩnh là vĩnh viễn. Hoàn là hoàn cầu. Vĩnh Hoàn là mãi mãi tồn tại trên khắp thế giới”. Đây cũng là công ty "đa quốc gia" khá đặc biệt với 70% lãnh đạo cấp cao là nữ với Chủ tịch HĐQT Trương Thị Lệ Khanh.
Bà Lệ Khanh cho rằng, yếu tố quyết định thành công của cá nhân bà và Vĩnh Hoàn chính là “thiên thời, địa lợi”. Năm 1995, lệnh cấm vận kinh tế với Việt Nam được gỡ bỏ khiến đầu ra cho ngành cá được khơi thông, kéo theo sự bùng nổ của ngành chế biến xuất khẩu cá tra. “Công việc kinh doanh lúc đó luôn trong tình trạng sản xuất không đủ cho nhu cầu. Tôi cho rằng thiên thời địa lợi là yếu tố may mắn cho việc khởi nghiệp của mình”, bà Khanh nói.
Bà Khanh nhớ lại thời kỳ hoàng kim của cá tra là những năm từ 2000 đến 2006, thị trường rất nóng, hàng không bao giờ đủ để xuất cho dù nhiều doanh nghiệp ra đời. Nhưng những năm đó, chúng tôi không phải là doanh nghiệp lớn nhất, vị trí đó là của Agifish (Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang). Nhiều doanh nghiệp ra đời sau nhưng đã phát triển rất nhanh, ví dụ như Thủy sản Nam Việt. “Còn tôi là phụ nữ nên có phần cẩn trọng, trong một số tình huống không dám liều", bà chủ Vĩnh Hoàn trải lòng.
Mang phong cách kinh doanh thận trọng và chắc chắn, bà Trương Thị Lệ Khanh đã đưa Vĩnh Hoàn từ một xưởng sản xuất nhỏ với 70 nhân công năm 1997, vốn ban đầu 70 triệu đồng còn nhà xưởng thì đi thuê của công ty Sa Giang, trở thành một công ty đại chúng có 8.000 lao động, năng lực sản xuất 1.000 tấn cá tra/ngày, sở hữu vùng nuôi rộng 800 ha.
Trong 23 năm qua, bà Khanh đã đưa Vĩnh Hoàn trở thành công ty thủy sản lớn nhất Việt Nam theo giá trị vốn hóa thị trường.
Vì phần lớn doanh thu đến từ thị trường quốc tế, bà Khanh cho biết, sự suy thoái toàn cầu trong ngành F&B có thể khiến doanh thu của công ty giảm 20% trong năm nay. Để tìm kiếm cơ hội phát triển mới, nữ doanh nhân này đặt mục tiêu mở rộng thị trường trong nước và thông qua các quan hệ đối tác ở châu Âu.
Trong tương lai, bà Lệ Khanh mong muốn Vĩnh Hoàn trở thành một công ty đa quốc gia. “Không chỉ mở rộng vùng nuôi và tăng cường chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm mà còn phải làm sao đó để Vĩnh Hoàn có thể bán hàng trực tiếp cho siêu thị với thương hiệu của mình tại nhiều quốc gia”, người sáng lập Vĩnh Hoàn chia sẻ khát vọng về đứa con tinh thần của mình.
Trong khi đó, bà Nguyễn Bạch Điệp tốt nghiệp Đại học Mở TP HCM, ngành quản trị kinh doanh và bắt đầu làm việc cho FPT từ năm 1997.
Forbes cho biết: "Kể từ khi gia nhập FPT Retail 8 năm trước và trở thành Chủ tịch năm 2017, bà Nguyễn Bạch Điệp đã góp phần xây dựng công ty trở thành nhà bán lẻ thiết bị công nghệ lớn thứ hai Việt Nam, với hơn 630 cửa hàng trên toàn quốc. Trong năm 2017, bà đã bổ sung thêm lĩnh vực bán lẻ dược phẩm với thương vụ mua phần lớn cổ phần của chuỗi nhà thuốc Long Châu và mở rộng từ 4 cửa hàng lên khoảng 160. Để đáp ứng nhu cầu về mặt hàng dược phẩm gia tăng trong thời kỳ đại dịch, FPT Retail đặt kế hoạch mở thêm 60 nhà thuốc trong năm nay".
Nữ tướng FRT cho biết: "Trong suốt 20 năm đi làm gần như thời điểm nào bản thân tôi cũng đạt được kế hoạch. Đó không chỉ là yếu tố thuận lợi hỗ trợ, mà còn do tính cách bên con con người buộc mình phải hoàn thành được mục tiêu.
Khi lái con thuyền ra sân chơi lớn, tôi nhận ra rằng, phải bắt đầu xây dựng tiếp các mảng kinh doanh mới để gối đầu khi mảng cũ đã bão hoà, nhưng 7 năm chỉ vừa đủ để xây được 1 chuỗi hoàn thiện, đó là vấn đề thời điểm.
Thời gian gần đây khi hiệu quả hoạt động của FRT không như kỳ vọng, bản thân tôi ban đầu cảm thấy rất khó chịu, bứt rứt… vì không thể hoàn thành mục tiêu mặc dù bản thân đã cố gắng xoay chuyển.
Nhưng, khi ngồi lại với các lãnh đạo khác phía Tập đoàn để phân tích thì bản thân cảm thấy chắc chắn phải bình tĩnh ở thời điểm này, bình tĩnh để chấp nhận câu chuyện khó khăn, bình tĩnh đối mặt áp lực thu nhập nhân viên giảm, nhiều ý kiến tiêu cực đổ dồn…".
Tạp chí Forbes châu Á bắt đầu công bố danh sách 50 nhà lãnh đạo xuất sắc của khu vực vào năm 2012. Kể từ đó, danh sách có một số lần thay đổi tên gọi và tiêu chí: năm 2013, đổi tên thành Women In the Mix; năm 2018 là Emergent 25 và năm 2019 là Asia's Power Businesswomen.
Năm ngoái, Việt Nam có 2 nữ doanh nhân lọt vào danh sách này là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet và Trần Thị Lệ - CEO NutiFood.
Có thể bạn quan tâm
"Bố già" làng công nghệ Larry Ellison - chủ công ty vừa mua lại TikTok là ai?
03:00, 15/09/2020
Chân dung gia tộc đứng sau CP Group và tỷ phú giàu nhất Thái Lan
15:27, 14/09/2020
Chuyện về "tiểu thư lâu đài trắng" nhà Capella Holdings
03:00, 14/09/2020
Quan điểm về tiền bạc của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
03:00, 13/09/2020
Đại gia 26 tuổi có khoản góp 7.560 tỷ tại Bến Thành Holdings là ai?
03:34, 12/09/2020
Cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp của ông chủ Netflix
03:00, 10/09/2020
Ông Hồ Quỳnh Hưng chính thức rời ghế CEO Bóng đèn Điện Quang
16:01, 09/09/2020