Cổ đông Việt đang nắm giữ 51% Grab là ai?

KHÁNH HÀ 09/12/2020 05:05

Từ năm 2016 đến nay, Grab Việt Nam luôn duy trì với 2 cổ đông góp vốn trong đó, cổ đông người Việt luôn nắm tỷ lệ 51%, nhỉnh hơn so với pháp nhân còn lại là Grab INC.

Công ty TNHH Grab vào năm 2016 có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông khá bất ngờ gồm 3 người Việt, đó là: Ông Nguyễn Tuấn Anh (34%), Nguyễn Phú Sinh (33%) và Trần Anh Đức (33%).

Bí ẩn cổ đông góp vốn

Trong đó, ông Nguyễn Tuấn Anh (SN 1982) đóng vai trò quan trọng đặc biệt tại Grab. Ông chính là người mở đường triển khai thành công ứng dụng đặt xe, đặc biệt là GrabBike, GrabTaxi và GrabCar. Mặt khác, ông cũng là người đem đến các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho người dùng trên ứng dụng Grab thông qua hợp tác chiến lược với Moca. Tại Grab Việt Nam, ông từng đảm nhiệm các vị trí quan trọng như Giám đốc sáng lập Grab Việt Nam và Tổng giám đốc Grab Financial Group Việt Nam.

Ông Nguyễn Tuấn Anh đã rời ghế CEO Grab Việt Nam vào đầu năm 2020

Ông Nguyễn Tuấn Anh đã rời ghế CEO Grab Việt Nam vào đầu năm 2020

Kể từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2020, doanh nhân sinh năm 1982 luôn duy trì tỷ lệ sở hữu tại Công ty TNHH Grab là 51%. Trong khi đó, Grab INC - pháp nhân đến từ Quần đảo Cayman, chỉ nắm 41% vốn.

Tuy nhiên, vào ngày 1/2/2020 ông Tuấn Anh đã chính thức nghỉ việc ở Grab. Lô 1,02 triệu cổ phần, tức 51% vốn này sau đó đã có chủ mới là bà Lý Thụy Bích Huyền vào ngày 27/3/2020. Cũng trong ngày này, bà Huyền đã đem toàn lô cổ phần nói trên thế chấp tại Công ty TNHH GPay Network Việt Nam; và đến tháng 11/9/2020, bà tiếp tục thế chấp 100% vốn Công Ty TNHH G-Trees cũng vẫn tại GPay Network Việt Nam.

Lưu ý rằng, 100% vốn GPay Network Việt Nam thuộc sở hữu của chính Công ty TNHH Grab. Hay nói cách khác, bà Huyền đã đem 51% vốn Grab thế chấp tại chính công ty con của Grab.

Theo FiinResearch, GPay Network Việt Nam thành lập vào tháng 11/2017, chuyên cung cấp các dịch vụ trung gian thanh toán cho Grab (Việt Nam). Tuy nhiên, đến tháng 11/2018, công ty không được cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán theo thông tin công khai của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Như đã biết, Grab sau đó đã hợp tác với CTCP Dịch vụ Công nghệ Moca.

Theo Nhà đầu tư, cuộc chơi tại Grab vẫn nằm trong tay Grab Holdings Inc (Singapore). Dù vậy, với tỷ lệ vừa đủ ở mức 49%, Công ty TNHH Grab vẫn được coi là một nhà đầu tư trong nước.

Với cách thức này, một số thủ tục của công ty có thể nhanh chóng thuận lợi hơn. Đơn cử, có thể kể đến hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Cụ thể, theo Luật Đầu tư 2014, nhà đầu tư nước ngoài mua dưới 51% tổng vốn của doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh các ngành nghề không có điều kiện chỉ cần thực hiện thủ tục thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Còn với trường hợp tỷ lệ nắm giữ trên 51%, các doanh nghiệp phải có hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm: Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với những nội dung, như thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế).

Mặt khác, nếu là một nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có thể bị hạn chế tiếp cận một số ngành nghề hoặc có thể phải thêm một số điều kiện cụ thể nhất định.

Grab Việt Nam đang kinh doanh ra sao

Grab âm thầm xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 2/2014 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH GrabTaxi, tiền thân của Công ty TNHH Grab sau này. 8 tháng sau, tức tháng 10/2014, công ty tiếp tục ra mắt dịch vụ GrabBike. Thời điểm đó, ít người nghĩ Grab sẽ có ngày “làm mưa làm gió” tại Việt Nam. Thực tế đã minh chứng điều ngược lại.

Năm 2015, Grab Việt Nam được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép thí điểm hoạt động tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Một cột mốc đáng chú ý là vào tháng 3/2018, Grab đã thu mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á - thỏa thuận sáp nhập lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực. Chưa dừng lại ở đó, với tham vọng mở rộng thị phần, Grab vào tháng 8/2019 đã công bố sẽ rót thêm 500 triệu USD vào Việt Nam.

Chiếm lĩnh toàn bộ thị trường gọi xe, nhưng thắng lợi này của Grab Việt Nam lại không đồng nghĩa với việc làm ăn có lãi

Chiếm lĩnh toàn bộ thị trường gọi xe, nhưng thắng lợi này của Grab Việt Nam lại không đồng nghĩa với việc làm ăn có lãi.

Chiếm lĩnh toàn bộ thị trường gọi xe, nhưng thắng lợi này của Grab Việt Nam lại không đồng nghĩa với việc làm ăn có lãi. Bởi năm 2017, lãnh đạo Grab Việt Nam khẳng định đã xong trận đánh thị phần, nhưng công ty lại báo lỗ. Tình trạng thua lỗ kéo dài sang tận năm 2018.

Đặt chân vào thị trường Việt Nam từ năm 2014, nhưng đến nay sau 5 năm hoạt động, Grab Việt Nam vẫn liên tiếp báo lỗ, năm sau lỗ luôn cao hơn năm trước.

Cụ thể, báo cáo tài chính năm 2014 cho thấy, lợi nhuận sau thuế của Grab bị âm 51,7 tỉ đồng và lỗ tới 442 tỉ đồng trong năm 2015. Số lỗ tiếp tục duy trì ở mức 445 tỉ đồng trong năm 2016, bất ngờ Grab bão lỗ đột biến 789 tỉ đồng. Số thua lỗ ngày càng tăng, đi ngược lại với sự mở rộng mạng lưới và thị phần chóng mặt của Grab.

Năm 2018, lợi nhuận của Grab đạt mức lỗ cao nhất là 885 tỉ đồng. Bất chấp doanh thu tăng trưởng cao ấn tượng cùng những tham vọng bành trướng mở nhiều dịch vụ như giao nhận, thực phẩm, quảng cáo, truyền thông, tài chính… Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Grab Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2014 là 1,47 tỉ đồng; năm 2015 là 32,3 tỉ đồng; năm 2016 là 187,9 tỉ đồng, năm 2017 đạt 758,8 tỉ đồng. Doanh thu của năm 2018 đạt mức kỷ lục là 2.194,5 tỉ đồng.

Năm 2019, doanh thu Grab (công ty mẹ) đạt 3.382 tỷ đồng, tăng hơn 54,1% so với cùng kỳ, cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2019. Có thể thấy, con số này vượt rất xa so với Be và GoViet.

Do đó, không ngạc nhiên khi báo cáo dữ liệu của ABI Research cho thấy, Grab trong năm 2019 đứng top 1 thị trường với 146 triệu cuốc xe, tương đương 73% thị phần; con số này áp đảo hoàn toàn so với Be (16%) và GoViet (10%).

Ở chiều ngược lại, lỗ thuần của Grab ngày càng lớn. Tính riêng năm 2019, Grab lỗ đến 1.670 tỷ đồng, lỗ tăng 88,7% so với năm 2018, và cũng là con số lỗ lớn nhất của Grab giai đoạn 2016 – 2019.

Trong hoạt động kinh doanh, việc thua lỗ ở giai đoạn đầu đi vào khai thác của Grab là do chi phí đầu tư lớn. Chuyên gia cho rằng, dù có lạc quan nghĩ rằng việc thua lỗ trong hoạt động kinh doanh của Grab Việt Nam trong thời kỳ đầu, có thể do chính sách kinh doanh. Nhưng cũng không thể không nghi ngại về các con số thua lỗ tăng dần theo năm. Thậm chí, có thể khẳng định rằng, các con số đó chứng mình rằng, Grab Việt Nam đã đại bại về lợi nhuận.

Có thể bạn quan tâm

  • Grab, VAT và một năm kinh tế buồn

    Grab, VAT và một năm kinh tế buồn

    06:00, 09/12/2020

  • Grab bỏ ngỏ trách nhiệm với người lao động

    Grab bỏ ngỏ trách nhiệm với người lao động

    21:18, 08/12/2020

  • Grab tăng giá cước sau quy định thuế mới: Hết thời “thả thính, câu khách”?

    Grab tăng giá cước sau quy định thuế mới: Hết thời “thả thính, câu khách”?

    17:46, 08/12/2020

  • Grab đã

    Grab đã "biến hình"?

    11:57, 08/12/2020

KHÁNH HÀ