3 điều "kì dị" làm nên thành công của Elon Musk
Sự bùng nổ của Tesla đã giúp ông Musk vượt qua tỉ phú Bill Gates, trở thành người giàu thứ hai thế giới chỉ chưa đầy 2 tháng trước, và nay thì trở thành người giàu nhất thế giới.
Không phải ngẫu nhiên mà Elon Musk được ví với “người sắt” của giới công nghệ. Ông nổi tiếng với các ý tưởng kỳ quặc, điên rồ mà không phải ai cũng nghĩ hay dám nghĩ tới. Ông chủ Tesla luôn muốn đưa khoa học viễn tưởng vào đời thực. Từ thương mại hóa xe điện đến Powerwall, ý tưởng của Musk đã thay đổi cách thế giới vận hành. Mới đây, ông còn tiết lộ đang phát triển chip phát nhạc trực tiếp tới não. Thành công của Musk đến từ nhiều yếu tố, tuy nhiên sự quyết đoán, bản lĩnh và nhiều suy đoán "không giống ai" đã góp phần tạo nên sự thành công của vị tỷ phú này.
Cách chọn nhân viên đặc biệt
Tỷ phú Elon Musk tiết lộ rằng ông luôn hỏi các ứng viên cùng 1 câu hỏi trong quá trình phỏng vấn. Bằng câu hỏi duy nhất này, cộng thêm kinh nghiệm và mắt nhìn người, Elon Musk đã chọn được khá nhiều tài năng cho Tesla lẫn các công ty khác như SpaceX.
Theo CEO Tesla Elon Musk, tiêu chí chọn ứng viên của ông không phụ thuộc vào trình độ học vấn của người đó, "Người được chọn không nhất thiết phải có bằng đại học, thậm chí không có bằng trung học cũng được. Điều quan trọng họ nhất định phải là người thành thật."
Ông cho biết mình luôn hỏi các ứng viên cùng một câu: "Hãy kể cho tôi nghe về một số vấn đề khó khăn nhất bạn từng đối mặt và cách giải quyết.” Theo Elon Musk, chỉ những người thực sự trải qua và xử lý trực tiếp vấn đề mới biết chính xác cách giải quyết khó khăn như thế nào. Chính cách ứng viên kể lại cách vượt qua trở ngại của chính mình sẽ giúp Elon Musk nắm bắt và lựa chọn được người thành thật và có tư duy giải quyết vấn đề.
Cách nhận diện một ứng viên nói dối này của Musk không hề mang tính "hên xui" mà nó chính là một nghiên cứu từng được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Ứng dụng về Trí nhớ và Nhận thức vào tháng 12/2019. Trong đó, bài viết cũng đề cập tới một số cách tiếp cận để phát hiện ra người nói dối dựa vào kỹ thuật phỏng vấn xin việc.
Các chuyên gia tâm lý gọi đó là “Quản lý thông tin bất đối xứng” (AIM) vốn đã được sử dụng nhiều trong công tác điều tra tội phạm. Theo đó, việc cung cấp thông tin chi tiết trong quá trình hỏi đáp với điều tra viên sẽ giúp chứng minh người được hỏi là vô tội hay có tội.
Nghiên cứu của Cody cho biết sử dụng phương pháp AIM có thể tăng khả năng phát hiện kẻ nói dối lên gần 70%. Đây là một thông tin tốt với Elon Musk cũng như các nhà quản lý nhân sự muốn sử dụng phương pháp khoa học này vào công tác tuyển dụng.
Như Musk từng tiết lộ, điều mà ông muốn biết là liệu ứng viên có thực sự giải quyết vấn đề đó hay không.
“Tất nhiên bạn muốn chắc chắn nếu có một nhiệm vụ quan trọng nào đó, liệu họ có sẵn sàng chịu trách nhiệm hay không, hay sẽ có ứng viên khác có tiềm năng hơn,” Elon Musk cho biết thêm. “Thông thường, những người đã thực sự đương đầu với rắc rối sẽ hiểu rõ từng chi tiết và họ sẽ không bao giờ quên, kể cả điều nhỏ nhất.”
Nhìn chung, không công ty nào muốn thuê một người chỉ biết nói suông mà không hành động. Vì vậy, lời khuyên đưa ra là nếu muốn xin việc, tốt nhất bạn hãy nói sự thật và càng chi tiết càng tốt.
Quan niệm về một CEO thông minh
Elon Musk được biết đến là nhà lãnh đạo “có cái nhìn "bất thường" về mọi thứ”. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi CEO Tesla không phải là "fan hâm mộ" của hình thức làm việc truyền thống.
Hãng tin CNBC đưa tin, tại hội nghị CEO Summit do tờ Wall Street Journal tổ chức ngày 8/12 năm ngoái, tỷ phú 49 tuổi đã đưa ra lời khuyên "kì lạ" dành cho các CEO khác: "các bạn nên dành thời gian lắng nghe nhân viên và khách hàng nhiều hơn, bớt lãng phí thời gian vào “những cuộc họp và những bài thuyết trình”."
Nhà sáng lập hãng xe điện Tesla và công ty du lịch vụ trũ SpaceX cho biết, có quá nhiều các lãnh đạo doanh nghiệp dành cả ngày trong phòng họp hoặc chăm chăm vào những buổi thuyết trình mà không coi trọng việc tìm cách làm cho sản phẩm của công ty tốt hơn mỗi ngày.
"Liệu CEO của các doanh nghiệp Mỹ đã tập trung đúng cách vào việc việc cải thiện sản phẩm hay chưa? Tôi cho rằng câu trả lời là chưa", Musk phát biểu tại hội nghị.
“Các CEO nên dành ít thời gian hơn cho tài chính và nên tập trung "để cố gắng làm cho sản phẩm của công ty trở nên tuyệt vời nhất có thể".
Trong bài phát biểu, CEO Tesla nhiều lần đưa ra quan điểm của mình về cách điều hành công ty. Theo Musk, một trong những vấn đề lớn nhất đối với doanh nghiệp Mỹ là “quá nhiều MBA (thạc sỹ quản trị kinh doanh) đang điều hành công ty”.
“Ngay cả khi một nhà điều hành không có chuyên môn về sáng tạo sản phẩm thì kỹ năng đó vẫn có thể học được. Đó hoàn toàn không phải là một điều thần bí", Musk nói. Nếu chỉ tập trung vào con số thì các CEO "đang đi sai hướng".
2020 đã kết thúc và đó thực sự là một năm tuyệt vời đối với vị CEO Tesla này. Tỷ phú 49 tuổi đã chứng kiến tài sản tăng theo cấp số nhân khi giá trị của Tesla tăng đáng kể vào năm 2020. Nhà sản xuất ô tô điện hiện được định giá 500 tỷ USD.
Trăn trở về tương lai
Thay vì theo đuổi đồng tiền, triết lý sống của Elon Musk là "làm sao tạo ra tương lai tốt hơn", bằng cách "tạo ra những thứ thú vị, bạn sẽ làm cuộc sống tốt hơn".
Năm 2020 là một năm thắng lợi vang dội của Elon Musk, khi tài sản của tỷ phú công nghệ này đã tăng hơn 150 tỷ USD. Thành công này có được là nhờ giá trị cổ phiếu của Tesla tăng xấp xỉ 743% chỉ trong năm ngoái.
Ngoài 20% cổ phần Tesla đang nắm giữ, Elon Musk còn sở hữu khoảng 42 tỷ USD lợi nhuận từ các quyền chọn mua cổ phiếu của công ty này với giá thấp hơn giá thị trường. Đây là phần thưởng mà Elon Musk nhận được từ ban giám đốc của Tesla, được tính toán và thực thi dựa trên 2 tiêu chí: Các mục tiêu về kinh doanh của Tesla liên quan tới doanh thu, lợi nhuận, và vốn hóa.
Đáng chú ý, mặc dù sở hữu khối tài sản khổng lồ, Elon Musk lại tỏ ra không quá mặn mà khi trở thành người giàu nhất thế giới. Trên trang Twitter cá nhân của mình, thay vì viết một bài diễn văn thật dài và tràn đầy cảm xúc, CEO của Tesla chỉ tweet 1 dòng ngắn gọn với nội dụng: "Well, back to work" (Tạm dịch: Chà, trở lại làm việc thôi nào).
Trước đó, khi trang Twitter chính thức của Tesla đề cập đến việc Elon Musk hiện là người giàu nhất thế giới với tài sản 190 tỷ USD, vị tỷ phú 49 tuổi này cũng chỉ phản hồi 1 cách đầy…hờ hững: "How strange" (Tạm dịch: Kỳ lạ làm sao).
Trong một bài phỏng vấn với BBC vào năm 2014, Elon Musk khẳng định bản thân ông cũng không biết mình giàu đến mức nào.
"Nó không giống như việc tôi luôn có sẵn một đống tiền mặt ở đâu đó," ông nói. "Thực sự chỉ là tôi có một số cổ phiếu nhất định trong Tesla, SpaceX và SolarCity, và thị trường đánh giá cao những cổ phiếu đó."
Bản thân Elon Musk cũng coi việc khi chết mà để lại tiền tỷ trong ngân hàng là một sự thất bại. Thay vì theo đuổi đồng tiền, triết lý sống của Elon Musk là "làm sao tạo ra tương lai tốt hơn", bằng cách "tạo ra những thứ thú vị, bạn sẽ làm cuộc sống tốt hơn". Đó là lý do tại sao việc xây dựng căn cứ trên sao Hỏa, đẩy nhanh sự tiến hóa của nhân loại trở thành động lực cho Musk.
"Tôi rất mong muốn nhân loại vượt xa khỏi Trái Đất này, đưa người lên sao Hỏa, có căn cứ trên Mặt Trăng, và thực hiện thường xuyên các chuyến bay lên quỹ đạo."
Việc xây dựng căn cứ trên sao Hỏa, đẩy nhanh sự tiến hóa của nhân loại trở thành động lực cho Musk.
"Khoảng một nửa tài sản của tôi dùng để giải quyết các vấn đề trên Trái đất. Trong khi đó, một nửa còn lại được sử dụng để xây dựng một thành phố có khả năng tự cung tự cấp trên sao Hỏa để đảm bảo sự sống (của tất cả các loài) vẫn tiếp tục trong trường hợp Trái đất bị thiên thạch lao vào, hoặc trong trường hợp Thế chiến thứ 3 xảy ra và nhân loại tự hủy diệt chính mình", dòng Tweet được ghim ở đầu trang Twitter của Elon Musk ghi rõ.