Nhà toán học được in lên đồng 50 bảng Anh sắp phát hành là ai?
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vừa tiết lộ thiết kế của tờ tiền 50 bảng có hình nhà toán học và khoa học máy tính Alan Turing.
Nhà khoa học người Anh, Alan Turing được mệnh danh là “cha đẻ của máy tính” vì các lý thuyết của ông đã đặt nền móng cho nền khoa học máy tính hiện đại. Mặc dù vậy, Turing lại nổi tiếng nhất vì ông đã phá được mật mã Enigma của Đức trong Thế chiến II. Chiến công này của ông được các nhà nghiên cứu đánh giá đã giúp ngắn cuộc chiến được đến 4 năm, và đã được dựng thành phim Trò chơi cân não (Imitation Game).
Với những thành tựu to lớn trong ngành toán học và khoa học máy tính cũng như vai trò trong việc phá mã Enigma mà Đức sử dụng trong Thế chiến II, Alan Turing sẽ trở thành gương mặt xuất hiện trên tờ 50 bảng Anh sắp phát hành. Tờ tiền này dự kiến sẽ được đưa vào lưu thông từ 23/6 năm nay.
Mẫu thiết kế mới này chứa rất nhiều thông tin về cuộc đời và di sản của Turing, bao gồm bản vẽ kỹ thuật cho máy bay ném bom, thiết bị giải mã sử dụng trong Thế chiến II, dải số nhị phân thể hiện ngày sinh Turing (23/6/1912) tượng trưng cho ngôn ngữ của máy tính, phôi bảo mật màu xanh lá cây và vàng giống như vi mạch, và một bảng các công thức toán học trích từ nghiên cứu nổi tiếng nhất của Turing.
Ngoài những thành tựu khoa học, lựa chọn Turing xuất hiện trên tờ tiền còn để ghi nhận việc “xin lỗi” của vương quốc Anh vì đã bức hại ông do lý do đồng tính. Turing công khai mình là người đồng tính với bạn bè. Tuy nhiên ông lại bị bỏ tù năm 1952 với tội “thô tục” vì hành vi quan hệ tình dục đồng giới. Trước năm 1967, ở Anh và xứ Wales, đây là phạm pháp. Mặc dù sau này luật được cởi bỏ, tuy nhiên việc truy tố vì hành vi đồng tính vẫn tiếp tục ở Anh nhiều thập kỷ sau này.
Turing không phủ nhận tội, bị kết tội và kết án thiến hóa học. Ông qua đời 2 năm sau đó ở tuổi 41 vì ăn phải một quả táo tẩm độc xyanua. Cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi liệu đây là một tai nạn hay một vụ giết người.
Cựu nghị sĩ Anh John Leech phát biểu việc đối xử tệ với Turing là “nỗi xấu hổ quốc gia và là ví dụ về xã hội ở trạng thái tồi tệ nhất”.
Leech chia sẻ: “Những đóng góp của Alan Turing là không thể kể hết, có thể nói đơn giản nhất là thành tựu của ông giúp rút ngắn 4 năm chiến tranh và cứu sống 21 triệu người. Việc đặt hình ảnh Turing lên tờ tiền giúp công chúng biết được những đóng góp của ông cho xã hội và khoa học. Những quan trọng hơn đó còn là cách nhắc nhở rằng chúng ta đã mất Turing và sẽ tiếp tục mất mát như vậy nếu chúng ta cứ tiếp tục để những điều tồi tệ như vậy diễn ra.”
Có thể bạn quan tâm