“Cuộc chiến” với... những hoài nghi
Với tuyên bố đưa điện thoại BKAV “xuất ngoại” và trở thành sản phẩm được sử dụng cho các yếu nhân, một lần nữa doanh nhân Nguyễn Tử Quảng lại khiến dư luận nóng lên... vì hoài nghi.
Còn nhớ, khi chia sẻ với giới truyền thông, Bkav CEO nói rằng, ở giai đoạn trước đây, ông đã tạo ra phần mềm diệt virus nhằm đáp ứng nhu cầu người dùng ở thời điểm đó, và họ còn thậm chí được sử dụng miễn phí trong vòng 10 năm. Với Bphone sau này, ông không những mong muốn được đáp ứng nhu cầu cho người dùng trong nước, và sẽ chiếm lĩnh thị trường toàn cầu. Nhưng đáng nói, CEO Bkav đã đưa ra những phát biểu mang tính “so sánh”, “cạnh tranh” với các thương hiệu số 1 thế giới.
Nửa sự thật hay đơn thuần là sự thật
Sự “hoài nghi” đã xuất hiện từ khi ông Quảng khởi nghiệp đến những sản phẩm mà BKAV phát triển sau này từ điện thoại, phần mềm đến phần cứng. Chỉ lấy ví dụ về điện thoại Bphone –một trong những niềm tự hào của BKAV - từ khi chào sân lần đầu vào năm 2015 đến nay đều được quảng cáo sở hữu nhiều nét độc đáo riêng, nhưng trải qua 4 đời sản phẩm, model này vẫn gây nhiều tranh cãi, doanh số sản phẩm cũng luôn là điều bí ẩn bởi hãng sản xuất không công bố thông tin.
Thậm chí từng công bố Bphone 3 đã “xuất ngoại” sang Myanmar khi thành lập chi nhánh, chuẩn bị nhân sự với 3 trung tâm bảo hành, 27 điểm tiếp nhận. Tuy nhiên, đến nay, chưa có thông tin về việc Bphone bán ra sao tại Myanmar và tình hình kinh doanh của thương hiệu này tại Myanmar ra sao cũng là điều bí ẩn.
Với sự hoài nghi mới nhất, khi CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng thông tin, doanh nghiệp này vừa xuất khẩu lô Bphone đầu tiên sang châu Âu. Đơn hàng này đến từ một cường quốc về quân sự và máy sẽ được sử dụng cho các yếu nhân (nhân vật quan trọng), VIP. Đáng nói, những nghi hoặc của dư luận lại xuất phát từ chứng từ xuất nhập khẩu, hợp đồng tới cách ghi tên công ty...
Bên cạnh đó, mẫu điện thoại được công bố sẽ bán tại Châu Âu "dành cho các yếu nhân, VIP" với hệ điều hành bảo mật riêng dựa trên nền tảng của BOS vốn là 2 model giá rẻ ra mắt cùng B86 nhưng chưa có cơ hội lên kệ tại thị trường Việt Nam. Chẳng lẽ các VIP toàn cầu lại tin tưởng nhanh đến thế?
Điều này chắc chính những người tin tưởng nhất cũng chẳng dám khẳng định. Bởi cùng với việc “bán sản phẩm cho yếu nhân, ông Quảng cũng tuyên bố dừng bán 2 sản phẩm Bphone tại Việt Nam vì… "không còn phù hợp". Thật ra chẳng người tiêu dùng nào công bố rằng “hợp hay không”?
Nhưng với BKAV, thương hiệu được phổ biến, được nhận diện từ chính nhân hiệu “Quảng Nổ” và những hoài nghi được tích tụ một cách không mong muốn.
Có lẽ vị CEO này khá “lạc quan” khi cho rằng, những lời chỉ trích đối với sản phẩm, cá nhân là sự phản biện cần thiết để BKAV không ảo tưởng, luôn cân bằng và có động lực đi tiếp. Bởi “kiêu hãnh và định kiến” không dành cho kinh doanh, cho chiếm lĩnh thị trường và thực tế hơn là doanh thu từ sản phẩm. Và bài toán lớn nhất của BKAV, của ông Nguyễn Tử Quảng ngay lúc này đó là thay đổi định kiến và ưu tiên xây dựng lòng tin của người dùng trong dịch vụ khách hàng, hoàn thiện chuỗi cung ứng…
Giá trị của niềm tin
Có lẽ, ông Nguyễn Tử Quảng và BKAV đang rất nghiêm túc trong việc muốn đưa Bphone trở thành thương hiệu smartphone của người Việt và dành cho người Việt. Nhưng thị trường Việt cũng cực kì kén chọn. BKAV hay bất kì một hãng smartphone nào khác ở Việt Nam, nếu muốn thâu tóm thị trường thì chỉ có thể đi theo 1 trong 2 con đường, đó là: Giá cao, có thương hiệu, chú trọng R&D như Samsung, Oppo và Apple, hoặc thông số khủng với mức giá thấp như Xiaomi, Realme, Redmi.
Những bước đi thời gian qua có thể BKAV đang đi sai đường khi lựa chọn con đường ở giữa: Không cao cấp hẳn, không có thương hiệu, không rẻ, không thông số khủng. Họ tạo ra những chiếc máy mà những ai ít tiền thì không thể mua, còn những ai dư tiền thì lại chọn máy cao cấp hẳn.
Nếu so sánh Bphone với Apple quả là một sự so sánh khập khiễng, tuy nhiên câu chuyện của Apple là cả một bài học lớn đáng tham khảo. Apple cũng sản xuất điện thoại, máy tính hay phần mềm nhưng với họ, họ không đi bán sản phẩm mà đi "quyến rũ" người dùng. Apple tập trung vào việc đem lại giá trị thông qua chức năng, thiết kế, những chi tiết nhỏ nhất để làm hài lòng người dùng. Và đôi khi người dùng mải miết chạy theo những sản phẩm của Apple bởi những sản phẩm đó là xu hướng và Apple làm cho người dùng cảm thấy họ cũng có thể "think different" và làm khác đi. Và “ông lớn” này cũng rất minh bạch trước người dùng khi số lượng đơn vị được bán ra đều được công bố hàng quý.
Trong nhiều bài phỏng vấn, ông Quảng thường nhắc đến việc thúc đẩy ngành công nghệ Việt Nam. “Chỉ có điều chúng ta phải tin nhau. Tôi đã nói rất nhiều về niềm tin và được nhận danh hiệu "nổ" rất nhiều nhưng bây giờ đối với tôi là bình thường, là sứ mệnh đến chừng nào mọi người coi điều nổ đó là thật", ông Quảng nói.
Slogan của BKAV, “hãy làm việc hết mình, những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn” có lẽ cũng đã truyền tải được quyết tâm của vị CEO: “Mình tin vào điều đó nên cứ làm thôi”.
Thay lời kết
Nhưng người tiêu dùng có quyền đặt câu hỏi - chúng tôi tin bằng gì? “Nửa sự thật không là sự thật - và niềm tin không một nửa bao giờ” - muốn để được tin, được yêu, được phát triển, được lựa chọn và được mua - có lẽ doanh nhân Nguyễn Tử Quảng và BKAV còn nhiều “định kiến” phải vượt qua.
Có thể bạn quan tâm