Chân dung 6 tỷ phú USD Việt góp mặt trong danh sách những người giàu nhất hành tinh
Tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2021. Trong đó, Việt Nam lần đầu tiên có 6 đại diện nắm gần 17 tỷ USD.
Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách những tỷ phú giàu có nhất hành tinh năm 2021. Việt Nam cũng chứng kiến sự thay đổi đáng kể khi góp mặt tới 6 tỷ phú USD trong danh sách năm nay - đánh dấu năm có số lượng tỷ phú đô la nhiều nhất.
6 tỷ phú USD của Việt Nam gồm: Chủ tịch Vingroup - Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air - Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát - Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank - Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco - Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan - Nguyễn Đăng Quang. Tổng cộng 6 người này nắm trong tay khối tài sản 16,7 tỷ USD.
Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup
Năm nay, ông Phạm Nhật Vượng lần thứ 9 góp mặt trong danh sách này, với tài sản 7,3 tỷ USD, đứng thứ 344 thế giới và giảm so với năm ngoái khi ông đứng ở vị trí 286. Ông lần đầu được Forbes vinh danh năm 2013, với 1,5 tỷ USD, đứng thứ 974.
Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bên cạnh những giao dịch bất động sản đứng đầu, khuấy động cả thị trường Việt Nam thì còn liên quan, nắm giữ nhiều cổ phần quan trọng tại nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau, do đó, từng bước đi, nước cờ của tập đoàn đều được các nhà đầu tư cũng như dư luận trong nước tập trung chú ý.
Nhìn lại năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19, tập đoàn vẫn có những giao dịch đáng chú ý, những “nước cờ” thuận theo thời thế và được tính toán kỹ lưỡng để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thị trường và mang lại lợi nhuận.
Báo cáo tài chính của Vingroup cho thấy, năm 2020, doanh thu thuần doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đạt 110.462 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 13.962 tỷ đồng.
Đến thời điểm cuối năm, tổng tài sản tập đoàn đạt 424.268 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 135.757 tỷ đồng, tăng lần lượt 5% và 13% so với cuối năm 2019 bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh do coronavirus gây ra.
Cùng với đó, báo cáo tài chính kiểm toán của Tập đoàn Vingroup (VIC) cho biết, trong năm 2020, Vingroup chi hàng chục ngàn tỷ đồng để mua các công ty mới và thu lãi gần 17.000 tỷ đồng từ các giao dịch bán buôn.
Bước sang năm 2021, báo cáo của tập đoàn cũng cho biết thêm, trong tháng 3 vừa qua, Vingroup đã hoàn tất thủ tục mua cổ phần tương ứng 56% tỷ lệ lợi ích tại một công ty nước ngoài với tổng giá phí là 11,4 triệu USD.
Với những động thái này, có thể thấy rõ những tính toán chiến lược của Vingroup khi lựa chọn cơ sở nền tảng đầu tư chú trọng về chỉ số sáng tạo công nghệ cao, khả năng chuyển giao công nghệ cũng như kiểm định chất lượng, đồng thời tạo bước đệm chuẩn bị nguồn lực (tài chính, nhân lực, vật lực) chất lượng cao cho những dự án đồ sộ sau này.
Nữ tướng hàng không Nguyễn Thị Phương Thảo
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng lần thứ 5 góp mặt trong danh sách những người giàu nhất hành tinh, với tài sản 2,8 tỷ USD, đứng thứ 1.111. Bà Thảo hiện giữ vai trò phó chủ tịch HĐQT HDBank, Phó chủ tịch và CEO hãng hàng không VietJet Air.
Tên tuổi nữ doanh nhân này gắn liền với VietJet Air, hãng hàng không tư nhân có quy mô vốn hóa gần 3 tỷ USD (thời điểm giữa tháng 2/2019).
Với Vietjet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã làm nên một kỳ tích trong lịch sử ngành hàng không vốn thuộc về phái mạnh khi là nữ doanh nhân duy nhất khởi nghiệp thành công và điều hành một hãng hàng không thương mại của riêng mình.
Ông John Leahy, Tổng giám đốc thương mại toàn cầu của Airbus, từng gọi bà Thảo là "người phụ nữ thú vị nhất trong đàm phán" bởi bà có sự kiên định bên trong vẻ ngoài dịu dàng mỗi khi đàm phán những giao dịch tỷ USD - điều mà thị trường hàng không toàn cầu không dễ gì chứng kiến.
Hàng không cũng chính là lĩnh vực đưa bà Thảo trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của khu vực.
Năm 2020, doanh thu của hãng hàng không giá rẻ ghi nhận 18.209 tỷ đồng, giảm 64% so với năm 2019. Sau khi trừ đi thuế, lợi nhuận của Vietjet ghi nhận 70 tỷ đồng, giảm 54 lần so với năm 2019 song đây là kết quả hiếm hoi của ngành hàng không Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang chịu tác động tiêu cực từ Covid 19.
Bà Thảo còn có 15 năm làm việc tại HDBank trong lịch sử 30 năm hoạt động của ngân hàng này, đồng thời trực tiếp nắm giữ 3,67% cổ phần của HDBank. Về cơ cấu sở hữu hiện tại của HDBank, Sovico là cổ đông lớn duy nhất của nhà băng này với 13,34% cổ phần. Bà Thảo là Chủ tịch kiêm người đại diện phần vốn góp của Sovico ở HDBank.
Trần Bá Dương
Ông Trần Bá Dương được đưa vào danh sách của Forbes từ năm 2018, hiện sở hữu 1,6 tỷ USD, xếp thứ 1.931 thế giới. Tài sản của ông cũng tăng so với năm ngoái. Ông Dương thành lập Thaco vào năm 1997, khởi đầu là bán ô tô và sau đó lắp ráp cho các thương hiệu như Kia, Mazda hay Peugeot.
Bước ngoặt đến với Thaco vào năm 2008, khi được Jardine Cycle và Carriage, một nhà phân phối xe hơi ở Singapore rót vốn. Năm 2016, Thaco trở thành doanh nghiệp ô tô lớn nhất Việt Nam, nắm 32% thị phần.
Nếu như ô tô là khởi nghiệp, bất động sản là những cống hiến, đóng góp cho xã hội, thì nông nghiệp lại là cái duyên giữa ông Dương và Bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai.
Khủng hoảng nợ nần đã khiến Hoàng Anh Gia Lai không thể gượng dậy và đầu năm 2018, Bầu Đức đã mời gọi sự giúp sức của ông Dương để cùng mình vực dậy Hoàng Anh Gia Lai trong lĩnh vực nông nghiệp và hoàn thành các dự án bất động sản tại Myanmar. Ông Dương cho rằng Hoàng Anh Gia Lai là một tập đoàn kinh tế với những đóng góp lớn cho xã hội, cho đất nước nhưng vì điều kiện khách quan đã lâm vào tình cảnh khó khăn. Là một doanh nhân, ông hiểu được việc đối mặt những rủi ro do biến động thị trường là điều khó tránh khỏi và đi đến quyết định trợ giúp cho Bầu Đức.
Sau 2 năm đững ngoài hỗ trợ, mới đây Thaco đã quyết định mua lại công ty nông nghiệp của Bầu Đức, là Hoàng Anh Gia Lai Agrico.
Ông Hồ Hùng Anh
Ông Hồ Hùng Anh lần thứ 3 góp mặt trong danh sách tỷ phú thế giới. Tài sản của ông hiện tương đương ông Trần Bá Dương và cũng tăng so với năm 2020. Ông Hồ Hùng Anh là Chủ tịch ngân hàng Techcombank, một trong số những ngân hàng thương mại cổ phần lớn của Việt Nam.
Techcombank đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán vào tháng 6/2018. Ông từng tốt nghiệp cử nhân ngành Điện tử tại Đại học Bách khoa Kiev (Ukraine). Tại thị trường Nga, ông Hùng Anh chọn lĩnh vực mì gói và tương ớt để bắt đầu hành trình khởi nghiệp. Đến năm 1990, ông bắt đầu kinh doanh hàng hóa giữa Việt Nam và Đông Âu. Đến năm 1995, ông Hồ Hùng Anh bắt đầu đầu tư vào ngân hàng Techcombank.
Năm 2020, Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế đạt 15,8 nghìn tỷ và doanh thu đạt 27,0 nghìn tỷ; tăng lần lượt 23,1% và 28,4% so với cùng kỳ năm 2019, tiếp tục dẫn đầu thị trường về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) (46,1%) và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) (3,1%).
Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang
Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang năm nay quay lại danh sách tỷ phú, sau khi vắng bóng năm ngoái. Ông sở hữu 1,2 tỷ USD.
Năm 2020, Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 77.218 tỷ đồng và lợi nhuận thuộc về cổ đông của công ty đạt 1.234 tỷ đồng.
Năm 2021, MSN đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần hợp nhất rơi vào khoảng 92.000 – 102.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông từ 2.500 – 4.000 tỷ đồng. Theo Masan, đây là con số doanh thu cực kỳ tham vọng trong bối cảnh nền kinh tế cũng như sức mua nói chung chưa hồi phục mạnh sau đại dịch.
Ông Trần Đình Long - Tập đoàn Hòa Phát
Giới kinh doanh trong nước không còn xa lạ về truyện truyền kỳ: khi biết ông Trần Đình Long quyết định làm thép, một trùm buôn thép thời đó mỉa mai "biết gì về thép mà làm". Thời điểm đó, thủ phủ ngành thép ở Việt Nam đặt tại Thái Nguyên suốt mấy chục năm, ông chủ Hòa Phát chỉ là tân binh.
Nhưng nếu ai cũng chùn bước trước lời chê bai, không dám nghĩ khác làm khác, Việt Nam đã không có một tỷ phú đô la Trần Đình Long như hôm nay, một ông trùm giàu lên nhờ thép - thứ mà đồng nghiệp cùng ngành từng xem thường ông chẳng biết gì.
Hiện tại, tỷ phú thép sở hữu 2,2 tỷ USD, đứng thứ 1.444 thế giới. Ông Long thành lập Tập đoàn Hòa Phát vào năm 1992 ở Hà Nội. Giờ đây, Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép hàng đầu cả nước và đang mở rộng ra nhiều ngành nghề như bất động sản, nông nghiệp...
Năm 2020, Hòa Phát ghi nhận lãi sau thuế 13.506 tỷ đồng, tăng mạnh so với thức hiện năm trước và vượt xa kế hoạch đề ra.
Có thể bạn quan tâm
Câu chuyện khởi nghiệp của nữ tỷ phủ Abigail Johnson
04:23, 02/04/2021
Sở hữu hơn 1 triệu Bitcoin, ‘người bí ẩn’ Satoshi Nakamoto sẽ trở thành tỷ phú giàu nhất hành tinh?
15:02, 01/04/2021
Hành trình khởi nghiệp của tỷ phú thất học giàu nhất Trung Quốc
05:11, 31/03/2021
Hành trình khởi nghiệp từ đam mê của tỷ phú Larry Page
04:25, 27/03/2021