Chân dung 4 doanh nhân vào top phụ nữ Việt truyền cảm hứng

HÀ TRANG 28/04/2021 03:00

Top phụ nữ truyền cảm hứng vinh danh 4 nữ doanh nhân gồm bà Nguyễn Thị Phương Thảo, bà Trần Thị Lệ, bà Tô Thụy Diễm Quyên và bà Văn Đinh Hồng Vũ.

Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách "20 Phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng năm 2021", nhằm tôn vinh những phụ nữ dù khác biệt về lĩnh vực, tuổi tác, cương vị, mức độ ảnh hưởng, nhưng có điểm chung là "sở hữu nguồn năng lượng dồi dào, đủ lực để xóa đi các bức tường dù hữu hình hay vô hình lâu nay vẫn cản trở sự phát triển của phụ nữ".

Trong đó, lĩnh vực kinh doanh có 4 nữ doanh nhân được vinh danh gồm bà Trần Thị Lệ, bà Tô Thụy Diễm Quyên, bà Nguyễn Thị Phương Thảo và bà Văn Đinh Hồng Vũ.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, 51 tuổi, CEO Hãng hàng không Vietjet

Forbes Việt Nam đánh giá, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của châu Á góp phần phát triển ngành hàng không của Việt Nam thông qua cạnh tranh lành mạnh.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Nguồn: Vietjet

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Nguồn: Vietjet

Nữ CEO Vietjet là Tiến sỹ Học viện Mendeleev ngành điều khiển học kinh tế, Cử nhân Tài chính tín dụng tại Học viện Thương mại Moskva, Cử nhân ngành Quản lý kinh tế lao động Trường Kinh tế Quốc dân Moskva, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn Lâm Nghiên cứu Hệ thống Liên Bang Nga.

Là một trong những nhà sáng lập, bà Thảo được bầu là phó chủ tịch của Vietjet từ 2007 và hiện là tổng giám đốc công ty. Trước khi tham gia HDBank, bà cũng là nhà quản lý ngành tài chính ngân hàng, sáng lập viên và thành viên hội đồng quản trị một số ngân hàng thương mại.

Mới đây, bà Thảo là một trong 6 người giàu nhất Việt Nam được lọt vào danh sách tỷ phú thế giới năm 2020 do Tạp chí Forbes bầu chọn. Theo đó, bà đứng vị trí 1.111 trên bảng xếp hạng với khối tài sản 2,8 tỷ USD.

Bà Thảo cũng là nữ doanh nhân Việt đầu tiên nhận Bắc đẩu bội tinh - Huân chương cao quý nhất của Pháp. Trước đó, nữ tỷ phú từng được vinh danh là nhân vật có ảnh hưởng nhất châu Á trong công tác thiện nguyện do tạp chí danh tiếng Tatler trao.

Ngoài ra, bà Thảo còn có mặt trong top 100 nhân vật làm thay đổi kinh tế châu Á do tạp chí Business Insider Australia đánh giá; Top 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới, Top các nhà lãnh đạo nữ quyền lực nhất châu Á, giải thưởng Nữ doanh nhân xuất sắc nhất tại khu vực ASEAN, CEO của năm 2019 khu vực châu Á – Thái Bình Dương do cộng đồng doanh nhân thế giới bình chọn... Bà cũng được đưa vào đề tài nghiên cứu, giảng dạy của Đại học Harvard - Mỹ.

Bà Trần Thị Lệ, 48 tuổi, Tổng giám đốc, Phó chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood

Bà Trần Thị Lệ được biết đến như một "nữ tướng" đã thành công trong việc “đánh thức” Nutifood, đưa công ty trở thành doanh nghiệp sữa đặc trị của Việt Nam có tiếng tại nhiều thị trường lớn trên thế giới.

Bà Trần Thị Lệ - Nguồn: NutriFood

Bà Trần Thị Lệ - Nguồn: NutriFood

Vào những năm 90, bà Lệ thấy rằng cứ 10 trẻ em đến nhập viện thì có 2-3 trẻ tử vong vì tình trạng suy dinh dưỡng, không thể đáp ứng được yêu cầu điều trị. Lúc bấy giờ, một vị bác sĩ đã mày mò kết hợp các loại thực phẩm cho vào chiếc máy xay sinh tố xay nhuyễn kèm men tiêu hóa, giúp nuôi các em ăn qua ống thông dạ dày. “Việc làm tưởng chừng đơn giản đó đã cứu sống hàng ngàn trẻ em” - bà Lệ nhớ lại.

Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp nhất thời, các bác sĩ ở trung tâm cảm thấy thực sự cần phải có một cơ sở sản xuất thực phẩm dinh dưỡng. Từ đó, họ cùng nhau nghiên cứu và lập nên một cơ sở như vậy, mang cái tên rất ý nghĩa là Đồng Tâm.

Khi ấy, bà Trần Thị Lệ yêu thích nghiên cứu dinh dưỡng, lại có khiếu kinh doanh nên từ năm 1999 đã được phân công về làm trợ lý cho chủ nhiệm cơ sở Đồng Tâm - tiền thân của NutiFood ngày nay.

Là một bác sĩ đi làm sữa đặc trị, bà Lệ có sẵn nền tảng kiến thức về y khoa cũng như cái tâm hết lòng vì người tiêu dùng. Suốt nhiều năm, bà cho biết mỗi ngày chỉ ngủ chưa tới 5 tiếng vì ban ngày vừa sản xuất vừa bán sữa, đến tối lại cắp sách đi học thêm quản trị doanh nghiệp, marketing…

Bà được mời về làm Giám đốc vào năm 2000 và khi đó quy mô công ty vẫn còn rất nhỏ. Với tham vọng đưa thương hiệu ra vượt khỏi dải đất hình chữ S. Bà đổi tên cơ sở thực phẩm Đồng Tâm sang NutiFood.

Năm 2003, khi ở tuổi 30, bà Lệ trở thành cổ đông lớn nhất của NutiFood. Đây cũng là thời điểm mà nữ doanh nhân này trở thành Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm.

Hiện NutiFood là một trong những công ty sữa lớn nhất Việt Nam với danh mục hoàn chỉnh các sản phẩm cho mọi đối tượng, từ trẻ sơ sinh cho đến các lứa tuổi, sữa đặc trị cho các bệnh lý khác nhau và thực phẩm dinh dưỡng hàng ngày cho mọi gia đình. Công ty có 6 nhà máy ở Việt Nam, trang trại bò sữa ở Gia Lai, nông trường cà phê ở Đắk Lắk, và một nhà máy ở Thuỵ Điển cùng 5.300 nhân viên.

Tháng 10/2020, tại Asia Pacific Enterprise Awards, NutiFood là công ty sữa duy nhất của Việt Nam nhận cùng lúc 3 giải thưởng: Doanh nghiệp Xuất sắc châu Á (Corporate Exellence Award), Thương hiệu Truyền cảm hứng châu Á (Inspirational Brand Award) và Doanh nhân Xuất sắc châu Á (Master Entrepreneur Award) dành cho bác sĩ Trần Thị Lệ.

Bà Lệ cũng từng nhận kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp dân số, gia đình và trẻ em" và năm 2019 được tạp chí Forbes bầu chọn là Top 25 phụ nữ quyền lực ở châu Á.

Bà Lệ từng nhận kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp dân số, gia đình và trẻ em" và năm 2019 được tạp chí Forbes bầu chọn là Top 25 phụ nữ quyền lực ở châu Á. Năm 2017, Forbes Việt Nam cũng bầu chọn bà Lệ là một trong những phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam.

Bà Tô Thụy Diễm Quyên, 54 tuổi, chuyên gia giáo dục, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành InnEdu

Theo Forbes Việt Nam, bà Tô Thụy Diễm Quyên từng là trẻ tự kỷ và mắc chứng khó đọc, nhưng hiện trở thành "người truyền lửa sáng tạo" hướng dẫn các phương pháp giáo dục tích cực để học sinh hạnh phúc khi học tập.

Doanh nhân Tô Thụy Diễm Quyên. Ảnh: Giáo dục Việt Nam

Doanh nhân Tô Thụy Diễm Quyên. Ảnh: Giáo dục Việt Nam

Khi còn là giáo viên, bà Quyên từng đạt giải nhất quốc gia dạy học tích hợp, sau đó đại diện Việt Nam tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu tại Tây Ban Nha. Bà cũng là giám khảo châu Á duy nhất trong 18 giám khảo của Diễn đàn giáo dục toàn cầu tại Mỹ và là người Việt Nam đầu tiên và là một trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu.

Năm 2012, bà Quyên quyết định chuyển hướng từ chuyên gia giáo dục và đào tạo, sang khởi nghiệp giáo dục, bằng việc sáng lập Công ty Tư vấn và Phát triển Giáo dục InnEdu. Giai đoạn đầu, công ty chủ yếu trong lĩnh vực đào tạo giáo viên. Sau 8 năm hoạt động, InnEdu đã đào tạo hơn 60.000 lượt giáo viên trên hơn 40 tỉnh thành, góp phần quan nâng cao chất lượng dạy học của đội ngũ giáo viên tại nhiều trường học, thay đổi tư duy quản lý của nhiều đơn vị giáo dục.

Năm 2014, bà Quyên đã đại diện cho Việt Nam tham dự Diễn đàn giáo dục toàn cầu tại Barcelona (Tây Ban Nha). Cùng năm, bà được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu.

Bà Quyên cũng thường xuyên được chọn làm giám khảo cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin cấp quốc gia. Năm 2015, bà là một trong 20 giáo viên toàn cầu được công nhận là MIE - Fellows (người dẫn dắt hỗ trợ đội ngũ chuyên gia sáng tạo giáo dục của Microsoft toàn cầu).

Khi quyết định chuyển hướng từ chuyên gia giáo dục và đào tạo sang khởi nghiệp giáo dục, bà Quyên đã sáng lập Công ty Tư vấn và Phát triển Giáo dục InnEdu.

Giai đoạn đầu, công ty chủ yếu trong lĩnh vực đào tạo giáo viên. Từ năm 2017 – 2020, InnEdu chuyển sang nghiên cứu về giáo dục STEAM, đồng thời bắt đầu xây dựng, vận hành trung tâm STEAM lớn và hiện đại hàng đầu Việt Nam.

Bà Văn Đinh Hồng Vũ, 38 tuổi, đồng sáng lập, CEO ELSA

Bà Văn Đinh Hồng Vũ tốt nghiệp xuất sắc Trường đại học Ngoại thương TP. HCM vào năm 21 tuổi. Bà từng là người châu Á đầu tiên làm trợ lý Tổng giám đốc Maersk tại Đan Mạch - tập đoàn vận tải có chi nhánh khắp 136 quốc gia, trước khi chuyển đến Mỹ để tiếp tục hành trình học thuật với hai tấm bằng Thạc sĩ giáo dục và MBA tại Đại học Stanford.

Bà Đinh Văn Hồng Vũ - Nguồn: FBNV

Bà Đinh Văn Hồng Vũ - Nguồn: FBNV

Năm 2015, bà Vũ khởi nghiệp thành công ở thung lũng Silicon (Mỹ) với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo nhận diện giọng nói để tạo ra phần mềm học phát âm tiếng Anh ELSA. Ứng dụng hiện có hơn 13 triệu người dùng trên toàn cầu.

Năm 2019, startup này đã huy động thành công 7 triệu USD từ vòng Series A. Đầu năm 2021, ELSA gọi vốn thành công thêm 15 triệu USD.

Ứng dụng học phát âm ELSA cũng là sản phẩm của người Việt đầu tiên giành giải nhất tại Triển lãm công nghệ giáo dục SXSWedu tại Mỹ (2016); Top 5 ứng dụng trí tuệ nhân tạo của Google; đứng đầu top 13 công ty công nghệ đáng kỳ vọng nhất ở Đông Nam Á…

Bà Vũ cũng là đại diện thanh niên Việt Nam đi qua 10 nước, tham dự Hội nghị thượng đỉnh về các vấn đề giáo dục và hướng nghiệp toàn cầu. Bà còn sáng lập Quỹ VietSeeds, cung cấp học bổng cho học sinh nghèo Việt Nam vào đại học.

Hồi năm 2018, bà Vũ được vinh danh là một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu.

HÀ TRANG