Người "truyền lửa" sáng tạo
Bà Tô Thụy Diễm Quyên, Nhà sáng lập, CEO InnEdu - là một trong bốn doanh nhân được Forbes Việt Nam vinh danh trong danh sách "20 Phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng năm 2021".
Từng là trẻ tự kỷ và mắc chứng khó đọc, nhưng giờ bà Tô Thụy Diễm Quyên trở thành "người truyền lửa sáng tạo" hướng dẫn các phương pháp giáo dục tích cực để học sinh hạnh phúc khi học tập. Bà cũng là một trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu, giảng viên chương trình đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục, người truyền lửa cho nhiều cán bộ lãnh đạo giáo dục Việt Nam trên 40 tỉnh thành.
Từ nghề giáo tới... khởi nghiệp giáo dục
Bà Quyên cho biết, động lực mạnh mẽ để bà cống hiến cho sự nghiệp giáo dục bắt đầu bằng câu chuyện từ chính con trai bà.
"Tôi vẫn nhớ như in bức tranh của cậu con trai hồi họp phụ huynh năm lớp 1. Cháu vẽ em trai ngồi đọc sách chăm chỉ, bạn gái ngồi xích đu bay cao an nhiên. Khi nhìn sang hình ảnh cháu vẽ chính mình, tôi đã giật mình hoảng hốt. Cháu vẽ một cậu bé đang chuẩn bị thắt cổ. Áp lực về học tập, cách cư xử từ phía thầy cô khiến cháu bị xuống tinh thần nghiêm trọng trong một khoảng thời gian”, bà Quyên kể.
Những nét vẽ ngây thơ của cậu con trai năm nào là một dấu ấn giúp bà quyết tâm nhìn nhận lại những lỗ hổng trong môi trường giáo dục, để từ đó tự tạo thay đổi cho chính bản thân mình, sau này là cho hàng chục ngàn thầy cô khác được truyền lửa bởi những cải tiến sáng tạo trong giáo dục của bà.
Bà tự học online, nhờ bạn bè quốc tế làm cầu nối để tiếp cận đồng nghiệp các nước cùng học qua mạng Internet, liên tục đề xuất các ý tưởng cải tiến cho các chương trình, cuộc thi quy mô quốc tế và không ngừng nghỉ trong việc đào tạo giáo viên tại các tỉnh thành trên cả nước.
Vì những nỗ lực ấy, mọi người gọi bà là "người truyền lửa sáng tạo".
Những nỗ lực ấy được chứng minh bởi các thành tích đáng nể như Giải Nhất quốc gia dạy học tích hợp, sau đó đại diện Việt Nam tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu tại Tây Ban Nha; giám khảo châu Á duy nhất trong 18 giám khảo của Diễn đàn giáo dục toàn cầu tại Mỹ; người Việt Nam đầu tiên và là một trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu.
Thế nhưng, bỏ lại công việc mà nhiều người mơ ước là làm chuyên gia ngành giáo dục và đào tạo, bước ngoặt khiến bà chuyển hướng sang hành trình khởi nghiệp giáo dục là khi bà đọc được báo cáo từ tổ chức Microsoft. Theo báo cáo từ Microsoft, "doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy phát triển giáo dục toàn cầu bởi sự năng động và chuyển đổi mạnh mẽ.
Hơn nữa, nhu cầu sống còn của một doanh nghiệp giáo dục là chất lượng hàng đầu của sản phẩm và dịch vụ giáo dục. Vì thế, để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp tư nhân về giáo dục đã vô tình trở thành những người tiên phong và dẫn đầu xu thế. Xu hướng này khiến bà nhận thấy mình cần dấn thân để tạo thêm nhiều tác động mang tính tiên phong.
Trung tâm tư vấn và phát triển giáo dục InnEdu ra đời.
Khác với các doanh nghiệp tập trung vào kinh doanh giáo dục, bà Quyên đưa InnEdu theo mô hình doanh nghiệp tạo tác động xã hội, lấy điểm cốt lõi của doanh nghiệp mình là lan tỏa giá trị giáo dục và phát triển các sản phẩm giáo dục mà học sinh ở mọi tầng lớp, dù giàu hay nghèo, cũng đều có cơ hội trải nghiệm.
"Không có đứa trẻ nào bỏ đi"...
Khởi nghiệp giáo dục tạo tác động xã hội, bà quyên cho rằng, yếu tố quan trọng của người lãnh đạo đó là tình thương và cái tâm mang tới thay đổi tích cực là nền tảng. Một khi nền tảng này được xây dựng vững chắc thì họ sẽ tự biết cách giải quyết và xử lý những khó khăn trong quá trình điều hành doanh nghiệp.
Người làm doanh nghiệp về giáo dục cần hiểu về giáo dục hiện đại, hiểu về con người, đối tượng chính sẽ làm việc cùng (phụ huynh, học sinh hay thầy cô…). Từ đó, liên tục cập nhật, đổi mới, sáng tạo. Làm về giáo dục, dù đi theo mảng nào (giáo dục sớm, giáo dục kỹ năng, giáo dục hòa nhập) quan trọng nhất vẫn là mục tiêu giáo dục là gì. Các xu hướng giáo dục nổi bật trong thời gian gần đây đó là giáo dục kết hợp công nghệ, giáo dục cảm xúc và dạy người học cách tự linh hoạt trong nhận thức, tự phản biện và giải quyết vấn đề.
Tham gia tập huấn cho nhiều giáo viên, bà Quyên luôn chú trọng phần tạo động lực cho giáo viên nhiều hơn là cung cấp kiến thức. Bởi theo bà, giáo viên không thể biết tất cả mọi thứ. Có những kiến thức thầy không biết nhưng học sinh lại biết và các em có thể học từ nhiều nguồn chứ không chỉ học ở thầy cô. Vì vậy người thầy, gia đình và xã hội phải thay đổi.
Thay đổi ở đây theo bà, người thầy phải nhận diện được học sinh của mình có năng lực gì và nhu cầu như thế nào. Sau khi nhận diện rồi phải biết cách tạo, duy trì động lực cũng như định hướng cho học sinh. Muốn duy trì động lực cho học sinh, người thầy phải kiên trì, bản lĩnh, đủ năng lực và kiến thức.
"Tôi luôn tâm niệm không một đứa trẻ nào là "bỏ đi" hết. Tôi tìm hiểu kiến thức về quy luật của não bộ để hiểu mỗi người có những cách kết nối nơron thần kinh khác nhau", bà Quyên chia sẻ.
Khi thầy nói "Tại sao tôi giảng cả lớp hiểu hết mà em không hiểu?" thì không chắc đứa trẻ đó không thông minh mà có thể do kết nối thần kinh của em hiểu vấn đề theo một cách khác. Thậm chí em đó có thể là thiên tài nữa.
"Thomas Edison từng bị đuổi học với lý do "con của bà không học được đâu". Và chúng ta hãy nhìn xem, ông ấy đã làm được gì. Hiểu học sinh của mình là điều kiện tiên quyết để thành công trong việc dạy học", bà Quyên tâm niệm.
Có thể bạn quan tâm
Chân dung 4 doanh nhân vào top phụ nữ Việt truyền cảm hứng
03:00, 28/04/2021
Cuộc dấn thân định mệnh của "Vua gạch không nung" Đinh Hồng Kỳ
03:00, 27/04/2021
Bài học thất bại của ông chủ bánh ngọt Bảo Ngọc
03:00, 26/04/2021
Cái kết buồn của "ông trùm" bất động sản Trung Quốc
03:00, 25/04/2021
"Vua thép" Trần Đình Long: Từ buôn đồ cũ đến tỉ phú USD
03:30, 24/04/2021
Người "chìm nổi" với “hạt ngọc” ngon nhất thế giới
03:14, 23/04/2021