"Người dẫn đường" của Nhựa Đại Đồng Tiến
Ông Trịnh Chí Cường - Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Đại Đồng Tiến, là một trong hai doanh nhân được Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.
Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Đại Đồng Tiến - ông Trịnh Chí Cường là một trong hai doanh nhân được Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV (2021-2026).
Người "lột xác" Đại Đồng Tiến
CEO Trịnh Chí Cường sinh năm 1981, là con trai cả của ông Trịnh Đồng- Chủ tịch doanh nghiệp nhựa Đại Đồng Tiến.
Đại Đồng Tiến xuất phát từ một tổ hợp sản xuất nhỏ đầu những năm 80, do doanh nhân gốc Hoa - ông Trịnh Đồng (bố của Trịnh Chí Cường) tổ chức.
Trưởng thành từ cái nôi gia đình nhưng được đào tạo về quản lý và quản trị kinh doanh ở nước ngoài nên ở ông Cường có khát vọng hết sức mạnh mẽ.
Điều đặc biệt, ông Cường được đặt vào vị trí Tổng Giám đốc của Đại Đồng Tiến hoàn toàn bất ngờ, khi người cha của ông đột ngột lâm bệnh nặng vào năm 2007. Đó cũng là năm Đại Đồng Tiến vừa cổ phần hóa và thành lập chi nhánh tại Hà Nội. Khi đó, ông Cường mới 26 tuổi, vừa trở về từ Singapore sau 7 năm du học và làm việc ở nước ngoài.
Việc đầu tiên của ông khi ngồi vào ghế Tổng Giám đốc là lên kế hoạch thành lập phòng nghiên cứu và phát triển cho công ty. Điều này trước đây, lúc còn hoạt động theo mô hình công ty gia đình, Đại Đồng Tiến chưa từng nghĩ tới.
Cuối năm 2007, sản phẩm mang nhãn hiệu Sina, ứng dụng công nghệ kháng khuẩn nano Bạc ra đời chủ yếu phục vụ cư dân đô thị. Những hộp nhựa Sina có thể ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc, giữ cho thực phẩm tươi lâu hơn, là cột mốc giúp Đại Đồng Tiến có nhãn hàng mang phong cách hiện đại, chú trọng yếu tố bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Bước khởi đầu đột phá không tránh khỏi sóng gió. Chiến lược đẩy mạnh sản xuất hàng cao cấp của Cường chưa kịp đưa ra thị trường thì cơn bão khủng hoảng kinh tế ập tới vào năm 2008. Người tiêu dùng thờ ơ, nhà phân phối không mặn mà, sản phẩm làm ra phải xếp vào kho. Có thời điểm, công suất của nhà máy phải giảm đến 40%. Tuy nhiên, vị lãnh đạo trẻ kiên quyết “khó mấy cũng phải làm bởi sự sáng tạo, theo sát công nghệ hiện đại là sự sống còn của Công ty”.
Sau đó, nhờ chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Chính phủ năm 2009, Đại Đồng Tiến đã hồi phục rất nhiều, kéo doanh số tăng 7% năm 2008 lên 15% năm 2009, đạt 625 tỷ đồng.
Sau khi phục hồi hậu khủng hoảng, Đại Đồng Tiến đã tung chiêu khuyến mãi bán hàng, bốc thăm trúng thưởng với tổng giá trị đến 1,5 tỉ đồng tại các siêu thị, hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao. Nhiều khách hàng trong nước chưa từng biết đến Đại Đồng Tiến đã bắt đầu tìm mua sản phẩm. Lượng khách hàng mới này cộng với khách hàng quen đã giúp doanh số của Đại Đồng Tiến tăng nhanh sau những đợt bán hàng đó.
Từ bộ máy bán hàng 2 kênh là hàng tiêu dùng và công nghiệp chưa khai thác hết khách hàng tiềm năng, ông Cường chuyển thành 4 kênh: truyền thống, siêu thị, hàng công nghiệp trong nước và xuất khẩu. Nhờ mở rộng kênh bán hàng, Đại Đồng Tiến đã xuất khẩu sản phẩm sang nhiều nước lớn ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á, với doanh thu xuất khẩu các năm gần đây đạt khoảng 10 triệu USD, chiếm 20% tổng doanh thu. Nhưng ông Cường vẫn hướng tới con số đó phải tăng gấp đôi bằng cách chuyển hướng xuất khẩu mạng từ châu Á sang châu Âu và Mỹ.
Chiến lược "đẩy" và "kéo"
Công ty Đại Đồng Tiến được ông Trịnh Đồng (bố của Trịnh Chí Cường) thành lập từ năm 1983. Năm 1997, đơn vị trở thành công ty TNHH Nhựa Đại Đồng Tiến và đến 2007 thì chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần với tên gọi chính thức như hiện nay.
Từ một tổ hợp sản xuất nhỏ, đến nay Đại Đồng Tiến phát triển trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu của ngành công nghiệp nhựa Việt Nam. Đặc biệt, dưới thời của CEO Trịnh Chí Cường lãnh đạo, Đại Đồng Tiến đã liên tục thực hiện nhiều dự án táo bạo và có những bước chuyển mình hợp thời.
Khắc phục khó khăn cho công ty xong, ông Cường đưa ra chiến lược “đẩy và kéo”: Dùng đòn bẩy khuyến mãi để đẩy ra lượng lớn hàng hóa nhằm kéo lượng khách hàng lớn đến với công ty.
Chiến lược này đã mang lại cho Đại Đồng Tiến một lượng lớn khách hàng mới, giúp doanh số công ty tăng nhanh sau những đợt bán hàng đó, thậm chí tăng đến 30% so với dự kiến, mặc dù trước đó ý tưởng của ông bị các cổ đông cho là liều mạng.
Táo bạo và có logic – là những gì mà bà Trần Thị Huê - Phó Chủ tịch HĐQT của Đại Đồng Tiến, mẹ của ông Cường, nhận xét về con trai trong một lần trả lời phỏng vấn cách đây vài năm. “Tôi ủng hộ những ý tưởng táo bạo có logic của Cường. Nó làm việc có đầu có đuôi và suy nghĩ độc lập cả khi quản lý lẫn khi đề ra chiến lược kinh doanh. Có thể Cường chưa am hiểu hệ thống sản xuất như cha mình, nhưng Cường có suy nghĩ và lối làm việc hiện đại khiến tôi yên tâm…”, bà Huê nói.
“Tham vọng thương hiệu toàn cầu” là cụm từ mà vị doanh nhân trẻ hay nhắc đến. Thay vì lựa chọn học xong sẽ ở lại nước ngoài làm việc rồi lập nghiệp như bao bạn trẻ khác, ông Cường quyết định về quê tiếp tục sự nghiệp của cha mẹ. “Đọc nhiều sách về kinh tế học, tìm hiểu lịch sử kinh tế thế giới, mới thấy Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển. Tôi quyết định trở về”, doanh nhân 8X trả lời phỏng vấn vào năm 2018, sau khi Đại Đồng Tiến nhận giải thưởng thương hiệu quốc gia.
Vị thiếu gia ngành nhựa có thói quen đọc nhiều sách nghiên cứu và sách viết về các công ty gia đình nổi tiếng thế giới. Ông nói, hơn 90% công ty thành đạt trên thế giới xuất phát từ công ty gia đình. Ông cũng cho biết rất thích cách quản trị của cựu Tổng Giám đốc tập đoàn General Electric, ông Jack Welch và tính sáng tạo của cựu Tổng Giám đốc Apple, ông Steve Jobs.
Giống như các công ty gia đình khác, áp lực lớn nhất của ông Cường là làm thế nào để vượt qua cái bóng của người đi trước. Để làm được điều đó, ông tự cho mình quyền không hoàn hảo và cho phép đổ lỗi để học nhiều hơn.
“Không hoàn hảo để biết mình còn phải học hỏi nhiều hơn nữa. Đổ lỗi một chút để biết rằng mình cần những người thân xung quanh và họ thật quan trọng trên mỗi bước đường thử thách. Tuy nhiên, tuyệt đối không ỷ lại”, ứng cử viên ĐBQH khoá XV từng chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm