[Emagazine] 9 tỷ phú mới nổi nhờ Vaccine COVID-19
Ít nhất đã có 9 tỉ phú mới nổi kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra nhờ vào lợi nhuận kếch xù của các hãng dược lớn sở hữu độc quyền vaccine COVID-19.
Tổng tài sản ròng của 9 tỉ phú mới nổi lên đến 19,3 tỷ USD, nhiều gấp 1,3 lần số tiền cần thiết để tiêm ngừa cho toàn bộ dân số các quốc gia thu nhập thấp nhất. Chiếm 10% dân số thế giới, nhưng những quốc gia này chỉ mới nhận được 0,2% nguồn cung vaccine toàn cầu do sự thiếu hụt vaccine trầm trọng.
Liên minh vaccine cho tất cả mọi người – thành viên bao gồm Global Justice Now, Oxfam và UNAIDS, đã phân tích dữ liệu Danh sách tỉ phú của Forbes và chỉ ra một nhóm nhỏ đếm trên đầu ngón tay những người thu lợi khổng lồ từ vaccine do nguồn ngân sách công đầu tư.
Bà Anna Marriott, Quản lý Chính sách Y tế của Oxfam cho biết: "Đây là minh chứng cho thất bại của nhân loại trong việc kiểm soát con virus quái ác này, khi chúng ta nhanh chóng tạo ra những tỉ phú vaccine mới, nhưng lại không thể tiêm chủng cho hàng tỉ người đang vô cùng cần cảm giác được an toàn".
"Những tỉ phú này là chủ nhân của khối lợi nhuận khổng lồ mà các hãng dược lớn đang thu được từ việc nắm giữ độc quyền vaccine. Vaccine COVID-19 được đầu tư từ tiền ngân sách công, nên trước hết phải là tài sản công, không phải một cơ hội kiếm lời của một số ít người. Chúng ta cần phải khẩn cấp chấm dứt sở hữu độc quyền để nhân rộng sản xuất vaccine, giảm giá thành và triển khai tiêm chủng cho toàn thế giới".
Các tỉ phú vaccine nổi lên khi cổ phiếu của các công ty dược tăng mạnh, với kỳ vọng về những khoản lợi nhuận lớn thu được từ độc quyền vaccine COVID-19. Liên minh vaccine cho tất cả mọi người cảnh báo rằng sự độc quyền này cho phép các tập đoàn dược kiểm soát hoàn toàn nguồn cung và giá vaccine, đẩy lợi nhuận của họ lên cao trong khi tạo thêm khó khăn cho các nước nghèo tìm kiếm đủ số vaccine cho người dân.
Dưới đây là 9 tỷ phú vaccine mới nổi xếp theo thứ tự tài sản ròng:
Stéphane Bancel là một kỹ sư lão luyện từng làm lãnh đạo tại hãng dược phẩm Eli Lilly và bioMerieux. Năm 2011, ông Bancel nhận chèo lái con thuyền Moderna với tham vọng có thể phát triển hàng trăm loại vaccine.
Bước ngoặt đến vào năm 2013, khi Bancel thuyết phục được đại gia dược phẩm AstraZeneca trả 240 triệu USD cho bản quyền các loại thuốc tạo ra từ nghiên cứu của Moderna. Moderna sau đó cũng hợp tác với Merck để phát triển vaccine ung thư và nhiều loại khác. Tháng 2/2018, Moderna huy động được 500 triệu USD từ Pictet Group, Arrowmark Partners, Viking Global Investors và nhiều nhà đầu tư khác.
Dù vậy, đầu năm nay, Moderna vẫn là một cái tên vô danh, cho đến khi họ sản xuất ra loại vaccine Covid-19 được đánh giá rất tiềm năng và được đưa vào thử nghiệm với tốc độ nhanh chưa từng có. Moderna đang là cái tên dẫn đầu trong cuộc đua sản xuất vaccine tại Mỹ, cạnh tranh với hàng loạt đại gia dược phẩm. Bill Gates cũng từng viết trên tờ Washington Post rằng ông "rất hào hứng" với mRNA.
Nhờ các tiến triển trong việc tạo ra vaccine Covid-19, cổ phiếu Moderna niêm yết trên sàn Nasdaq đã tăng hơn gấp 3 so với đầu năm. Hãng hiện có khoảng 820 nhân viên toàn thời gian, với vốn hóa thị trường 27 tỷ USD. Còn tài sản của ông Stéphane Bancel đã tăng lên 4,3 tỷ USD.
BioNTech là công ty do Sahin sáng lập cùng vợ ông - Ozlem Tureci. Ban đầu, công ty Đức này chỉ tập trung sản xuất thuốc chữa ung thư. Sahin là cổ đông duy nhất của một công ty Đức hiện kiểm soát 18% cổ phần BioNTech. Năm ngoái, BioNTech đã huy động 150 triệu USD từ IPO tại Mỹ.
Trong vòng 11 tháng, vaccine mRNA mà BioNTech cùng hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer của Mỹ phát triển đã được cấp phép sử dụng tại Anh. Chỉ một tuần sau đó, nó trở thành loại vaccine đầu tiên được Mỹ phê duyệt. Kể từ tháng 12-2020 đến nay, hàng chục triệu người trên toàn thế giới đã được tiêm loại vaccine này.
Gần một năm trước, hai vợ chồng bà Ozlem Tureci và ông Ugur Sahin vẫn còn là những cái tên chưa được biết đến nhiều trong thế giới của những hãng dược phẩm lớn. Công ty công nghệ sinh học nhỏ của họ có tên BioNTech được thành lập vào năm 2008. Và công việc của cặp vợ chồng nhà khoa học tập trung chủ yếu vào nghiên cứu ung thư.
Nhưng do đại dịch Covid-19 tàn phá, họ đã nhanh chóng quyết định khởi động dự án của BioNTech có tên "Lightspeed" vào giữa tháng 1-2020 để áp dụng công nghệ mà họ đã nghiên cứu trong hai thập kỷ nhằm phát triển vaccine ngừa Covid-19. Nghiên cứu của họ được đối tác Mỹ Pfizer hợp tác sản xuất, đã chứng minh hiệu quả hơn 90% trong việc tạo ra khả năng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 phiên bản gốc, và các báo cáo cho thấy vaccine cũng chống lại các biến thể virus ở Anh và Nam Phi.
Vaccine của Pfizer - BioNTech đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ khắp nơi trên thế giới vì hiệu quả cao. Một nghiên cứu được đánh giá ngang hàng ở Israel cho thấy, vaccine này có tỷ lệ hiệu quả là 94% trong việc ngăn ngừa Covid-19 không có triệu chứng.
Tháng 3/2021, hai vợ chồng nhà khoa học Ozlem Tureci và Ugur Sahin đã được Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trao Huân chương Danh dự vì đã đóng góp vào việc "ngăn chặn đại dịch Covid-19". Đây là Huân chương cao quý nhất của nước Đức.
Springer là nhà nghiên cứu miễn dịch và giáo sư hóa sinh tại Trường Y Harvard. Ông là nhà đầu tư sáng lập Moderna năm 2010 và hiện nắm 3,5% cổ phần công ty này.
Rất lâu kể từ trước khi Covid-19 bùng phát, giáo sư Springer đã có nhiều suy nghĩ về việc làm thế nào để công nghệ mRNA đột phá của công ty có thể giúp phát triển vaccine.
Ngoài vị thế của một tỷ phú đầu tư, ông Timothy Springer còn là giáo sư hoá học sinh học và dược học phân tử tại Đại học Y Havard, nơi ông bắt đầu công việc giảng dạy vào năm 1977 và hiện đang giữ vị trí cố vấn cho sinh viên bằng tiến sĩ tại phòng thí nghiệm.
Trong nghiên cứu của mình với tư cách là nhà miễn dịch học tại Havard, giáo sư Spinger đã phát hiện ra các phân tử liên quan đến chức năng tế bào lumpho, dẫn đến sự phát triển của một số loại thuốc dựa trên kháng thể được FDA chấp thuận.
"Triết lý của tôi là hãy đầu tư vào những gì bạn biết. Bản thân tôi luôn là một nhà khoa học. Tôi thích khám phá mọi thứ. Nhiều nhà khoa học bắt đầu mở công ty nhưng rất ít người thành công. Tôi là một nhà đầu tư tích cực và cũng là một nhà khoa học khá cứng nhắc, tôi nghĩ rằng đó là lý do vì sao tôi có được những ‘vụ đánh cược’ thành công", Giáo sư Springer, 72 tuổi chia sẻ với Forbes.
Chào đời tại Lebanon nhưng cha, mẹ ông Noubar Afeyan là người Armenia. Họ cùng gia đình di cư đến Canada khi ông còn ở độ tuổi thiếu niên.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Noubar Afeyan đến Mỹ và theo chương trình tiến sĩ sinh hóa của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Ở tuổi 24, ông thành lập công ty đầu tiên và điều hành nó trong 10 năm.
Trong 10 năm ấy, Afeyan còn thành lập hoặc đồng sáng lập thêm 5 doanh nghiệp. Đến nay, Afeyan sở hữu hơn 100 bằng sáng chế và là đồng sáng lập 38 công ty. Năm 2009, ông đồng sáng lập công ty công nghệ sinh học Moderna, với trụ sở tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts.
Làn sóng nghi ngờ đổ dồn về Moderna ngay từ khi công ty ra đời, vì họ ứng dụng công nghệ mRNA trong sản xuất thuốc, trong khi đây là phương pháp mà giới khoa học chưa từng kiểm chứng. Ngoài ra, trong nhiều năm qua, công ty vẫn chưa thương mại hóa bất kì sản phẩm nào. Với số vốn 2 triệu USD của Afeyan, công ty không thể chiêu mộ các nhà khoa học giỏi nhất.
Năm 2011, Afeyan thuyết phục kĩ sư Stéphane Bancel - người từng giữ chức vụ điều hành tập đoàn dược phẩm Eli Lilly và bioMerieux vì ông thích tính cách tò mò và quyết đoán của Bancel.
Noubar Afeyan còn là Giám đốc điều hành công ty đầu tư mạo hiểm Flagship Pionangu. Ông còn là nhà đồng sáng lập công ty công nghệ sinh học Moderna, có trụ sở tại Cambridge, Massachusetts, Mỹ, vào năm 2010.
Juan Lopez-Belmonte Lopez là chủ tịch hội đồng quản trị của Laboratorios Farmaceuticos Rovi, một công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Madrid.
Con trai ông Juan Lopez-Belmonte Encina là Giám đốc điều hành của công ty; hai người con trai khác giữ chức vụ phó chủ tịch của Rovi, như công ty được biết đến.
Lopez-Belmonte và các con trai của ông cùng nhau sở hữu hơn 60% cổ phần của công ty niêm yết tại Madrid.
Vào tháng 7 năm 2020, Rovi và công ty Moderna của Hoa Kỳ đã đồng ý hợp tác sản xuất và đóng gói ứng cử viên vaccine Covid-19 của Moderna.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã cấp phép khẩn cấp cho vaccine Covid-19 của Moderna vào tháng 12 năm 2020 và Liên minh Châu Âu ngay sau đó đã chấp thuận.
Robert Langer là một nhà khoa học và giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts. Ông cũng là lãnh đạo Phòng thí nghiệm mang tên mình - Langer.
Langer là cổ đông sáng lập của công ty công nghệ sinh học Moderna có trụ sở tại Cambridge; ông sở hữu 3% cổ phần của công ty và chưa bao giờ bán cổ phần.
Ông cũng sở hữu cổ phần của SQZ Biotechnologies và Frequency Therapeutics, cả hai đều được thành lập bởi các sinh viên từ phòng thí nghiệm của ông.
Langer được ước tính là kỹ sư được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử, với hơn 320.000 trích dẫn và hơn 1.500 bài báo được xuất bản.
Ông cũng nắm giữ hơn 1.400 bằng sáng chế, đã được cấp phép hơn 400 lần cho các công ty công nghệ sinh học và dược phẩm.
Zhu Tao là đồng sáng lập và giám đốc khoa học của CanSino Biologics, nhà cung cấp các sản phẩm vaccine. Zhu chịu trách nhiệm chính trong việc nghiên cứu vaccine. Ông tốt nghiệp Đại học Pittsburgh với bằng tiến sĩ kỹ thuật hóa học năm 2003. Ông thực hiện nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Carnegie Mellon cho đến năm 2004.
Tiến sĩ Zhu được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành vào ngày 13 tháng 1 năm 2009 và là giám đốc khoa học từ tháng 1 năm 2009.
Ngoài ra, Tiến sĩ Zhu cũng giám sát việc quản lý các vấn đề pháp lý và lâm sàng. Cùng với các chuyên gia từ Học viện Khoa học Quân y, Tiến sĩ Zhu đã dẫn đầu việc phát triển và nghiên cứu tiền lâm sàng của loại vaccine ebola tái tổ hợp duy nhất hiện có ở Trung Quốc, việc sản xuất vaccine này đã được CFDA phê duyệt.
Ông cũng dẫn đầu dự án vaccine tổ hợp và dự án PBPV, cả hai dự án này đã được chọn là một trong những dự án khoa học và công nghệ lớn trong Kế hoạch 5 năm quốc gia lần thứ 12 về “Tạo ra thuốc mới quan trọng”. Thành tựu của ông cũng bao gồm việc thiết lập nền tảng công nghệ liên hợp và phát triển nhiều loại vectơ bao gồm CRM197, cộng với phát triển quy trình, nghiên cứu tiền lâm sàng và ứng dụng lâm sàng của một số sản phẩm, bao gồm MCV4, và phát minh ra bảy bằng sáng chế ở CHND Trung Hoa.
Tháng 8/2020, Cục Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc cho biết Ad5-nCOV của hãng dược CanSino Biologics được cấp bằng sáng chế và đây là vaccine Covid-19 đầu tiên được cấp bằng sáng chế ở Trung Quốc.
Qiu Dongxu là đồng sáng lập công ty CanSino Biologics. Ông được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành vào ngày 13 tháng 1 năm 2009 và giữ chức phó chủ tịch cấp cao từ tháng 1 năm 2009.
Ông chịu trách nhiệm chính trong việc cố vấn về kinh doanh và phát triển chiến lược của công ty CanSino Biologics. Tiến sĩ Qiu có khoảng 25 năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ sinh học. Ông đã dẫn đầu một số vòng tài trợ doanh nghiệp cũng như chuyển giao công nghệ.
Từ tháng 1 năm 1993 đến tháng 4 năm 1997, ông là nhà khoa học nghiên cứu tại Biomira. Inc. Từ năm 1999 đến năm 2000, ông là phó giám đốc hoạt động sản phẩm tại Altarex Inc., chịu trách nhiệm phát triển phân tích và xây dựng sản phẩm. Tiến sĩ Qiu trở thành người đứng đầu các hoạt động khoa học tại ARIUS Research Inc.
Từ năm 2000 đến năm 2002, chủ tịch khu vực Châu Á của MDS Capital từ tháng 5 năm 2003 đến tháng 9 năm 2005, phó tổng giám đốc tại Công ty TNHH Công nghệ Dược phẩm Jima Thượng Hải từ năm 2006 đến năm 2009, và tổng giám đốc tại ChinaBio LLC từ tháng 3 năm 2007 đến tháng 4 năm 2011.
Mao Huihua lấy bằng thạc sĩ kỹ thuật hóa học và bằng tiến sĩ kỹ thuật hóa học tại Học viện Khoa học Trung Quốc năm 1984 và 1988.
Huihua Mao năm nay 56 tuổi, bà là Phó chủ tịch cấp cao và Phó tổng giám đốc của CanSino Biologics từ năm 2009. Bà chịu trách nhiệm chính về các vấn đề pháp lý quốc tế. Tiến sĩ Mao từng là phó chủ tịch cấp cao về hoạt động chất lượng và giám đốc chất lượng của CanSino Biologics và thiết lập hệ thống quản lý chất lượng để đáp ứng các quy định của CFDA, WHO, USFDA và EU GMP cho nghiên cứu và phát triển vaccine, sản xuất và thương mại hóa vật liệu thử nghiệm lâm sàng.
Tiến sĩ Mao có hơn 25 năm kinh nghiệm trong nghiên cứu và phát triển dược phẩm và sinh học, chuyển giao công nghệ, chất lượng và tuân thủ quy định.
CanSino Biologics Inc. phát triển, sản xuất và thương mại hóa vaccine ở Trung Quốc. Công ty phát triển Ad5-EBOV, một loại vaccine virus Ebola; vaccine MCV2 và MCV4 để phòng ngừa N. meningitides; vaccine DTcP cho trẻ sơ sinh và vaccine DTcP Booster;…
CanSino Biologics Inc. cũng hợp tác với Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia của Canada để cải tiến vaccine chống lại COVID-19; và thỏa thuận đồng phát triển với Precision NanoSystems, Inc. để phát triển vaccine hạt nano lipid mRNA chống lại COVID-19.