Doanh nhân Sao đỏ Vũ Văn Tiền và sứ mệnh "người thắp lửa"
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa thì Doanh nhân Vũ Văn Tiền là người luôn luôn ước mơ và tràn đầy nhiệt huyết, sự kiên trì, quyết tâm cùng nghị lực phi thường của một người mang sứ mệnh tiên phong.
- Ông biết ông Vũ Văn Tiền trong hoàn cảnh nào?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Thoáng cái, chúng tôi quen biết nhau cũng đến nửa đời người rồi. Hồi đó, tôi mới gần 40 tuổi, còn anh Tiền mới ngoài 30 – rất trẻ trung và cũng rất chín chắn, quyết đoán.
- Hồi ấy hình như ông đang là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả. Tôi thấy ở Việt Nam này chắc không có ai làm Vụ trưởng, Viện trưởng lâu như ông, đến tận chừng hai mươi mấy năm mà vẫn “giậm chân tại chỗ”.
TS. Lê Xuân Nghĩa: Số mệnh cả rồi! Mọi chuyện tuỳ duyên mà! (cười).
- Có lẽ con đường quan lộ của ông gập gềnh vì ông không chí thủ quan trường chăng?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Đó là chuyện xưa rồi… (cười).
- Nghe nói ông có chút quan hệ làm ăn với ông Vũ Văn Tiền à?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Có, nhưng không thành công.
- Tại sao vậy? Đường đường là một chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam, cố vấn kinh tế cho nhiều đời Thủ tướng, rồi lại là người kinh qua đủ các chức vụ trong hệ thống tài chính, ngân hàng mà thất bại ư?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi và ông Tiền có góp vốn làm chung một doanh nghiệp, ông Tiền 70%, còn tôi 30%. Nhưng sau đó, tôi bán lại luôn cho ông Tiền (cười). Tôi không thành công là bởi tôi bán cho ông Tiền rồi thì giờ dự án đó là của ông Tiền chứ đâu còn của tôi nữa! Nói chung là tôi không có duyên kinh doanh!
- Khi trực tiếp hợp tác, ông thấy tư duy và quan điểm kinh doanh của ông Tiền như thế nào?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi thấy lửa.
- Lửa đó bắt nguồn từ đâu? Ai là người châm lửa?
TS. Lê Xuân Nghĩa:Ông Tiền sinh ra tại quê lúa Thái Bình, một nông dân nghèo khó chính hiệu, đậm chất lúa. Những năm đầu 80 của thế kỷ trước, Vũ Văn Tiền đang theo học Sỹ quan kỹ thuật – Học viện Kỹ thuật quân sự, vì ham tìm hiểu về kinh tế nên đã xuất ngũ, thi vào trường Đại học Kinh tế quốc dân. Năm 1986, sau khi tốt nghiệp đại học, ông Tiền bắt đầu làm việc tại Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp. Đến năm 1992, ông ấy quyết định xin nghỉ việc để ra ngoài làm kinh doanh. Khi đó, đất nước mới chập chững bước vào thời kỳ đổi mới.
Ngọn lửa đầu tiên mà ông Tiền thắp lên, chính là việc thành lập doanh nghiệp tư nhân và vận động Chính phủ chính thức công nhận doanh nghiệp, đó là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Việt Nam được phép kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp.
Ông Tiền là mô hình thí điểm đầu tiên của Chính phủ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tên gọi thân mật là ông Sáu Dân). Geleximco cũng ra đời trong hoàn cảnh đó. Nếu không có những người đi tiên phong như vậy, làm sao có hàng loạt các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực xuất nhập khẩu của Việt Nam sau này?
Ngọn lửa thứ hai, đây chính là hình mẫu đầu tiên của việc liên doanh với nước ngoài. Ông Tiền tiên phong liên doanh lên đến 30% cổ phần với Honda để thành lập công ty chuyên sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy cung cấp cho các hãng Yamaha, Suzuki, Kawasaki và Honda Việt Nam. Ngoài ra, liên doanh còn lắp ráp xe máy Honda với công suất 400.000 xe/năm. Xe máy Honda do Công ty lắp ráp đã từng có thời kỳ làm khuynh đảo thị trường cả nước. Thậm chí, nhiều người chỉ biết đến Vũ Văn Tiền với cái tên thân mật là “Tiền Honda”.
Sau sự mở đầu đó, ông Tiền tiếp tục mở rộng liên doanh, kêu gọi đầu tư. Semen Gresick, Tập đoàn Xi măng lớn nhất Indonesia đã từng bỏ một lượng vốn lớn đầu tư vào Xi măng Thăng Long. Maybank, ngân hàng lớn nhất Malaysia và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của WorldBank đã bỏ vốn vào ABBank để sở hữu 30% cổ phần, mức tối đa dành cho nhà đầu tư nước ngoài; Marubeny đầu tư vào Nhà máy Giấy An Hòa; Kaidi đầu tư vào Dự án Nhà máy nhiệt điện Thăng Long…
Có thể thấy, ông Vũ Văn Tiền là người tiên phong thắp lửa ra nước ngoài dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải (tên gọi thân mật là ông Sáu Khải).
Giờ nhìn lại thấy đơn giản, nhưng vào những năm tháng đó, việc đi xin giấy phép xuất nhập khẩu và liên doanh với nước ngoài của một doanh nghiệp tư nhân là chuyện kinh thiên động địa, không phải ai cũng làm được.
Khi đó, ông Tiền cũng nói với tôi rằng, không có duyên làm dịch vụ và bất động sản bằng làm công nghiệp. Nguyên nhân vì sao thì mãi sau này ông ấy mới chia sẻ.
- Tại sao ông Vũ Văn Tiền lại quyết định bỏ công tác trong khu vực nhà nước để chuyên sang làm kinh tế tư nhân trong bối cảnh lúc bấy giờ?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Bởi vì ông ấy có tư duy rất đổi mới, có tầm nhìn xa và sáng suốt, ngay cả bây giờ cũng thế.
Ông ấy quan niệm chỉ phát triển kinh tế tư nhân mới thấy hiệu quả, phù hợp với quy luật cạnh tranh của thị trường.
Ông Tiền là người thích ứng nhanh, tự ra quyết định, tự chịu trách nhiệm đến cùng. Đó là những điều chỉ có ở kinh tế tư nhân. Chứ còn với cơ chế “trình với bẩm” thì rất khó phát triển, lỡ mất cơ hội.
Ông Tiền chán, phải ra ngoài làm kinh tế tư nhân là điều hết sức bình thường. Bởi ông ấy là người quyết đoán, thích độc lập, tự chủ, không muốn bị ràng buộc, không muốn bị phụ thuộc nên khó có thể trụ lại được trong một môi trường với cơ chế nặng bao cấp.
Mặc dù vào thời điểm đó, làm trong Nhà nước sẽ nhận được rất nhiều ưu ái về đất đai, cơ sở hạ tầng, nhân lực… Hầu hết các lĩnh vực kinh doanh, chỉ doanh nghiệp Nhà nước mới được tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài và được xuất khẩu.
- Khi đó, đâu là những cơ hội và khó khăn ông Tiền phải đối mặt?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Có rất nhiều cơ hội. Lĩnh vực xuất nhập khẩu ông Tiền chọn là lĩnh vực béo bở.
Hồi đó, quan trọng nhất là làm thế nào để có được ngoại tệ. Thứ hai là tiếp cận được vốn ngân hàng – thường chỉ doanh nghiệp Nhà nước có cơ hội chứ doanh nghiệp tư nhân gần như là điều không tưởng.
Đó là hai trở ngại lớn nhất, cộng thêm về phương diện chính sách, lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu không được ưu tiên cho doanh nghiệp tư nhân, việc liên doanh với nước ngoài lại càng khó.
Nhưng tôi cho rằng, thách thức nặng nề nhất vẫn là không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.
- Ông chứng kiến ông Tiền vượt qua trở ngại tiếp cận vốn vay bằng cách nào?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Hồi đó, không có bất động sản để thế chấp như bây giờ mà ông Tiền chủ yếu dùng tiền gửi tiết kiệm để thế chấp vay tiền. Sau khi dùng sổ tiết kiệm thế chấp để vay được một khoản, lại đi gửi vào chỗ khác và lại thế chấp để vay được một khoản khác. Nghệ thuật xoay vòng sổ tiết kiệm để vay được vốn là cả một câu chuyện dài.
- Như ông nói thì Geleximco là doanh nghiệp tư nhân hiếm hoi lúc bấy giờ. Nhớ lại thời kỳ đó, có điều gì khiến ông ấn tượng?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Hồi đó, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khổ lắm. Vào thập niên 90, chỉ có Nhà nước mới được phép hoạt động xuất nhập khẩu, và cơ chế cho kinh tế tư nhân còn rất nhiều khó khăn, hạn chế. Nếu không cẩn thận, đi tù như chơi. Thậm chí là phải đánh đổi bằng sinh mạng.
- Hình như ông Tiền phải mất 9 tháng trời ròng rã đi khắp các bộ, ngành xin gần ba chục con dấu để trình lên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Rồi tiếp đó, ông ấy đã dày công thuyết phục được Thủ tướng, bằng những lập luận xác đáng để Geleximco có thể ra đời?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Đúng rồi.Điều này cho thấy, ông Vũ Văn Tiền có sự kiên trì và quyết tâm phi thường để vượt ra khỏi vòng kim cô của nền kinh tế lúc bấy giờ. Đây là thách thức, cũng là số phận của người đi tiên phong.
- Nghe ông nói thì doanh nghiệp của ông Tiền chính là sự thử nghiệm cho những mô hình mới của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nhờ có sự ủng hộ của ông Sáu Dân mà ông Tiền mới được trao cơ hội?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Đó là điều rất tốt! Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người ủng hộ kinh tế tư nhân, nhưng vì cả hệ thống chính trị thời điểm đó đang như thế nên Thủ tướng cũng phải cho làm từ từ.
Geleximco của ông Tiền chính là mô hình thí điểm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đây như lò thử để thử nghiệm chính sách.
Thực ra, khi Thủ tướng đặt niềm tin vào ông Tiền là cũng đặt cược rất nhiều vấn đề chứ không phải tự nhiên trao cho cơ hội như vậy.
Ông Tiền bứt phá lên được là nhờ liên doanh với Honda, tôi nhớ mấy năm đầu tiên chia cổ tức khoảng 14 – 15 triệu USD, ai cũng phải ngạc nhiên, ai cũng phải trầm trồ. Thời điểm giữa thập niên 90, số tiền này kinh khủng lắm.
- Lúc bấy giờ, thái độ ủng hộ dành cho kinh tế tư nhân của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta như thế nào?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Gần như là chưa có gì. Trong xã hội luôn tồn tại một câu cửa miệng muôn thuở, đó là “xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo”, không hề đả động gì tới kinh tế tư nhân. Tất nhiên, người ta có thể lập luận là “kinh tế nhiều thành phần” thì hàm ý có kinh tế tư nhân ở trong đó. Nhưng sự thực thì sao?
Phần lớn lợi thế của nền kinh tế từ chuyện tiếp cận tín dụng, rồi mua bán ngoại tệ để xuất khẩu, đến tiếp cận đất đai để xây dựng nhà máy và nguồn vốn quốc tế, liên doanh, liên kết… đều thuộc về khu vực kinh tế Nhà nước.
Với những kiến thức kinh tế học được ở trường cùng những kinh nghiệm đúc rút được trong thời gian lăn lộn vào đời, đặc biệt là với sự nhanh nhạy của chính bản thân mình, sau khi thành lập được Geleximco, ông Vũ Văn Tiền đã nhìn thấy bầu trời cơ hội mở ra phía trước. Ông ấy đã tìm mọi cách vượt ra khỏi những rào cản của cơ chế bằng nỗ lực của chính mình để tìm kiếm các hợp đồng nước ngoài đầu tiên. Dần dần, từ những nỗ lực của Geleximco và một vài doanh nghiệp khác, mới có thị trường xuất nhập khẩu ở Việt Nam. Cũng từ những sự tìm kiếm trên thị trường, bằng quan hệ cá nhân, đặc biệt là chữ tín được coi như kim chỉ nam trong từng hợp tác của ông Vũ Văn Tiền, thì mới có liên doanh nước ngoài đầu tiên cho một doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam.
Tất nhiên, người đi tiên phong, mở đường bao giờ cũng gặp rất nhiều chông gai, thất bại cũng là điều không tránh khỏi. Và vì thế nên trong mọi hoàn cảnh, ông Tiền không nản chí, luôn nỗ lực vượt qua.
- Thời kỳ ấy, có nhiều doanh nhân làm được như ông Tiền không, thưa ông?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Rất hiếm.
Thời điểm đó, ngoài Geleximco của ông Vũ Văn Tiền thì ngoài miền Bắc nổi lên chỉ có Mía Đường Lam Sơn – Thanh Hóa của Anh hùng Lao động Lê Văn Tam. Trong miền Nam có Nông trường sông Hậu của Anh hùng Lao động Trần Ngọc Sương (bà Ba Sương) là để lại nhiều ấn tượng.
- Ban đầu, Geleximco chủ yếu buôn bán hàng tiêu dùng và tư liệu sản xuất từ Nga và Đông Âu. Nhưng sau khi có những thành quả ban đầu thì ông Tiền bắt đầu chuyển hướng theo mô hình phát triển kinh tế đa ngành, trong đó sản xuất công nghiệp là lĩnh vực trụ cột. Tại sao xuất nhập khẩu hàng tiêu dùng đang béo bở như vậy mà ông ấy lại quay sang làm công nghiệp?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Ông Vũ Văn Tiền là người đi tiên phong đầu tư vào sản xuất công nghiệp. Ông ấy nói với tôi rằng, không có duyên kinh doanh dịch vụ, mảng dịch vụ giao cho vợ làm, khách sạn các thứ là vợ quản lý.
Khi đã thành công trong lĩnh vực công nghiệp, sau khủng hoảng tài chính năm 2008, ông ấy mới bắt đầu đi vào bất động sản. Lúc bấy giờ, đầu tư vào công nghiệp là ý định lớn quá trời, như: Nhà máy Giấy và Bột giấy An Hòa, Nhà máy Xi măng Thăng Long, Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long, Liên doanh Honda, Acecook…
Theo thời gian, Geleximco ngày càng lớn mạnh, trở thành tập đoàn đa ngành, đầu tư vào bốn lĩnh vực kinh doanh chính: Sản xuất công nghiệp; Kinh doanh bất động sản; Tài chính ngân hàng và Thương mại dịch vụ; Đào tạo và Công nghệ thông tin.
Tôi cho rằng, sự chuyển hướng đó rất phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, phù hợp với quy luật của thị trường và bối cảnh quốc tế. Ông Tiền đã chủ động xây dựng cho mình một mô hình phát triển kinh tế đa ngành, lấy sản xuất công nghiệp làm lĩnh vực ưu tiên.
Nhìn vào danh mục đầu tư, có thể gọi ông Tiền là một trong những doanh nhân kinh doanh đa ngành nhất Việt Nam (cười).
- Đó có phải là sự nhanh nhạy trong kinh doanh?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Nền công nghiệp mà ông Tiền lựa chọn phần lớn dựa trên khai thác tài nguyên có sẵn: Công nghiệp xi măng, công nghiệp điện, công nghiệp giấy. Ông ấy kết hợp được hài hòa ba yếu tố: Thị trường xuất khẩu, công nghệ của nước ngoài cộng với nguyên vật liệu nội địa có sẵn.
Đi vào công nghệ như vậy có lợi thế là chủ động được thị trường cung cấp và cũng có thể tiết kiệm chi phí nhưng lại có nhược điểm là thị trường chủ yếu ở nước ngoài, rất dễ bị tổn thương, bao vây, cấm vận hoặc thị trường trong nước cũng dễ bị tổn thương vì khủng hoảng tài chính.
Nếu giờ dừng xây dựng thì ngành xi măng “toi” ngay, nhưng ông Tiền đoán được cái “toi” đó là tạm thời để tạo bước đệm dài hạn; suy giảm là tạm thời và tăng trưởng là dài hạn, kể cả giấy cũng vậy. Ông ấy sẵn sàng chấp nhận rủi ro ngắn hạn để duy trì chiến lược kinh doanh dài hạn là điều không phải doanh nhân nào cũng làm được.
Không riêng gì công nghiệp, với bất động sản, ban đầu ông Tiền cũng là người đi vào khá sớm và chấp nhận rủi ro. May mắn mỉm cười với ông ấy khi dự án đầu tiên là Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Nội ra mắt đúng thời điểm sốt đất, giá tăng. Đây là dự án đầu tay, chất lượng chưa tốt như mong muốn, kể cả về kiến trúc, cơ sở hạ tầng… nhưng so với người lần đầu nhảy vào bất động sản và mặt bằng thị trường lúc bấy giờ thì như thế đã là rất khá rồi.
Dù còn góc này, góc kia nhưng nhìn toàn bộ quy mô, chúng ta vẫn phải công nhận đó là khu đô thị tốt. Các dự án sau này càng làm càng bài bản hơn với tiêu chí xanh – sạch – tốt. Như dự án Thành phố giao lưu, Geleximco đã dành đến 15% quỹ đất làm hồ An Bình. Đó là sự hy sinh rất lớn cho môi trường sống, khi đường xá sạch đẹp, có cây cối, hoa lá tươi tốt xung quanh hồ nước.
Chúng ta mất khoảng hơn 20 năm sau đổi mới, tâm trạng của xã hội khi nói tới tư nhân luôn nghĩ là những người đi buôn bán với nhiều mánh khoé không mấy thiện cảm, kể cả buôn bán bất động sản. Người ta bảo nhau đi buôn bất động sản chứ không nói là đầu tư, kinh doanh bất động sản, đó là cách gọi với hàm ý miệt thị. Quan niệm hằn sâu trong nhận thức của cả lãnh đạo và dân chúng là tư nhân thì không làm công nghiệp, không làm cơ sở hạ tầng được mà chỉ có đi buôn, đi bán.
Trong những lần trò chuyện với tôi, ông Vũ Văn Tiền chia sẻ rằng, với người kinh doanh, “phi thương bất phú”. Nhưng đến giai đoạn này thì sản xuất vẫn phải là gốc. Làm công nghiệp cần nhiều vốn, vất vả mà lại không sinh lãi nhanh, nhưng lại bền vững lâu dài. Muốn vững thì gốc rễ phải bền chặt. Sự thực là khi ông Tiền làm công nghiệp đã khiến nhiều người sững sờ, kể cả lãnh đạo cấp cao. Có người đã thốt lên với tôi rằng: “Ông Tiền điên thật rồi, khéo mà phá sản sớm”.
Như vậy, ông Vũ Văn Tiền là doanh nhân đầu tiên đi vào sản xuất công nghiệp, đã người thắp lên ngọn lửa thứ ba là tiên phong đi vào lĩnh vực khó khăn nhưng đầy ý nghĩa là công nghiệp một cách bài bản và góp phần thay đổi quan niệm về kinh tế tư nhân Việt Nam.
Thời điểm mới khởi sự kinh doanh, ông Tiền đã rất có uy tín. Uy tín cả với cộng đồng và với Chính phủ. Uy tín của ông lớn tới mức khi thành lập Ngân hàng An Bình (ABBANK), dù ông chỉ chiếm có 7% cổ phần nhưng lại có sức ảnh hưởng chi phối. Tôi đã chứng kiến một vị Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói: “Chỉ khi ông Tiền làm Chủ tịch thì mới cấp phép cho ra đời ABBANK”.
Ông Tiền lại không muốn làm Chủ tịch ABBANK, bởi ông nhiều lần nói với tôi rằng mình không có số kinh doanh dịch vụ, sau tôi tìm hiểu thì mới biết, về phong thuỷ ông không hợp. Nhưng cuối cùng, ông cũng phải miễn cưỡng chấp nhận thì ngân hàng mới được cấp phép.
Ông Tiền nhận được sự tín nhiệm rất lớn của Chính phủ và đặc biệt là Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải. Chính vì thế, mỗi bước đi của Geleximco đều rất chắc chắn và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ rất lớn từ người đứng đầu Chính phủ. Tất nhiên, điều đó rất quan trọng, nhưng như tôi đã nói, tâm lý xã hội còn khá nặng nề nên trở ngại còn rất lớn.
- Nhưng theo quan sát của tôi, Geleximco có vẻ phát triển hơi an toàn quá thì phải?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Tập đoàn Geleximco tăng trưởng khá ổn định, dài hạn và gần như không chịu ảnh hưởng bởi những cú sốc tài chính, không chịu tác động từ các cuộc khủng hoảng, kể cả các cú sốc làm điên đảo thị trường tài chính hay cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản (2009 – 2013) và nhiều giai đoạn khác. Tập đoàn này thú vị ở chỗ phát triển khá ổn định, với tốc độ vừa phải. Tại sao lại như vậy?
Ông Tiền có tư duy kinh doanh rất mới, rất hiện đại.
Ví dụ ở châu Âu thời điểm đó, về mặt lý thuyết người ta đưa ra tư duy kinh doanh dựa vào tài sản. Không phải kiểu tay không bắt giặc, đầu tư rủi ro, mà tư duy kinh doanh của ông Tiền là tư duy nền tảng dựa vào tài sản. Về mặt lý thuyết kinh doanh thì người ta đã khái quát và đưa ra luận điểm như vậy, nhưng tôi chắc chắn là ông Tiền cũng không biết, không đọc mà tự ông nhận ra điều đó và áp dụng vào hoạt động kinh doanh của mình. Ông Tiền nói với tôi: “Làm gì thì làm, kinh doanh gì thì kinh doanh nhưng phải có tài sản làm nền tảng. Tài sản lớn thì kinh doanh lớn, tài sản bé thì kinh doanh bé”.
Sự chắc chắn tới mức, kể cả quy định cho vay sau này ông đặt ra cho Ngân hàng An Bình cũng vậy, đều phải có tài sản đảm bảo. Tài sản theo quan điểm của ông phần lớn là bất động sản có khả năng thanh toán. Ngẫu nhiên là từ thực tiễn, ông tổng kết lại thành tư duy kinh doanh như vậy.
Điều này cho thấy ông là nhà kinh doanh thực tiễn nhưng có khả năng khái quát về kinh tế rất tốt. Khả năng khái quát kinh tế tốt như vậy trước hết dựa vào nền tảng kinh tế vĩ mô, coi đó là đầu vào chiến lược cho tất cả các quyết định kinh doanh của mình. Khi tư duy về kinh tế vĩ mô tương đối rõ ràng, cộng thêm năng lực thực tiễn đã được kiểm chứng sẽ đem lại những quyết định chắc chắn và sáng suốt.
Tôi từng chứng kiến rất nhiều nhà kinh doanh của Việt Nam thiếu hiểu biết về kinh tế vĩ mô lại càng không có tư duy nền tảng về kinh doanh, cứ nghĩ nay chộp chỗ này mai giật chỗ kia để kiếm ít tiền. Họ gần như tay không bắt giặc và nghĩ rằng, đó là con đường đi ra thương trường. Thật buồn khi đó là con đường sụp đổ nhanh nhất.
Cũng bởi vì có khả năng khái quát và là người rất nhanh nhạy trong các thông tin về kinh tế vĩ mô, đồng thời có quan hệ khá rộng trong giới kinh tế cho nên, ông muốn các nhà kinh doanh quan tâm và am tường về kinh tế vĩ mô. Tôi cho rằng, đó tiếp tục là một ngọn lửa hồng rực sáng.
Khi doanh nhân có được nhãn quan đó thì văn hóa kinh doanh và tầm nhìn sẽ rất khác. Đó là tầm nhìn sâu, rộng, dài và đồng thời, người ta cũng nhận biết được những rủi ro lớn trong nước và trên thế giới.
Ông Tiền luôn là người như vậy. Dự đoán trước xu hướng của kinh tế vĩ mô, dự đoán trước được những rủi ro lớn để có phương án phòng ngừa chủ động. Đi trong “bầu trời” kinh tế vĩ mô với sự am tường cộng thêm nền tảng kinh doanh dựa vào tài sản thì mới xây dựng được doanh nghiệp vững vàng, ổn định dài hạn. Geleximco là một doanh nghiệp tư nhân hiếm hoi ở Việt Nam làm được cả hai điều đó.
Cũng có khá nhiều doanh nhân nhìn thuần túy vào cơ hội, dựa vào tài chính, công nghệ để tận dụng cơ hội, nhưng không biết được kinh tế vĩ mô sẽ diễn biến như thế nào và có thể có những khủng hoảng gì, ngay cả khi chọn hướng kinh doanh như vậy cũng không biết được rủi ro sẽ ra sao. Thành công có thể đến trong ngắn hạn, còn về lâu dài thì không. Nghĩa là nhìn ra cơ hội là một chuyện, chớp lấy cơ hội cũng quan trọng, nhưng phải biết được rằng, làm như vậy rồi sẽ đi về đâu.
Ông Tiền là người hiếm hoi hiểu được điều đó. Có thể có nhiều người thành công mà không cần biết về kinh tế vĩ mô; họ dựa vào những vấn đề khác, kể cả may mắn, quan hệ, tận dụng được cơ hội… chứ không phải là kinh doanh nền tảng. Tôi nghĩ đó chỉ là chuyện lóe lên, bộc phát và như vậy rủi ro rất lớn.
Ông Tiền là người có đóng góp khá lớn về tư duy và dự báo kinh tế vĩ mô cho nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. Ông cũng đưa ra cảnh báo rất đúng cho giới tư vấn của Chính phủ, các nhà nghiên cứu, phân tích tài chính, hoạch định chính sách. Những ý kiến đó đều được ông tổng kết từ thực tiễn một cách công phu và có tầm chiến lược. Ông ấy quan niệm, mình biết thì góp ý, còn việc áp dụng những góp ý đó như thế nào là quan điểm của Chính phủ. Theo quan sát của tôi, nhìn chung phần lớn những góc nhìn từ thực tiễn được khái quát về kinh tế vĩ mô của ông Tiền khá chuẩn xác và nhiều giá trị.
- Có dự báo cụ thể nào khiến ông thực sự ấn tượng?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Nhiều lắm. Hơn ba mươi năm từ khi tôi và ông Tiền quen nhau, lần nào gặp gỡ, ông ấy cũng đều chia sẻ về những ý tưởng và dự báo kinh tế vĩ mô. Có một số dự báo khiến tôi và nhiều người nghiên cứu về kinh tế Việt Nam thực sự ngạc nhiên, ấn tượng mà nếu như được nghiên cứu kỹ và nghiên cứu sớm, có thể kinh tế Việt Nam đã khác.
Tiêu biểu là những dự báo của ông Tiền về lạm phát. Ông ấy quan sát thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng quá nóng và tập trung phần lớn vào bất động sản và những tập đoàn kinh doanh có nền tảng tài chính rất yếu, thường xuyên “nổ” trên các diễn đàn hoành tráng nhưng lại không có tiền. Từ rất sớm, ông Tiền đã đi tới kết luận: “Tình hình này có thể dẫn tới sụp đổ tài chính cục bộ, thậm chí là toàn diện. Cuộc khủng hoảng 2007 – 2008 của Mỹ sẽ tác động rất mạnh vào Việt Nam”.
Ông Tiền dự đoán Việt Nam nhất định sẽ gặp khủng hoảng lớn, mà trước hết bùng ra từ hệ thống ngân hàng và bất động sản. Điều này sau đó đã diễn ra và ảnh hướng rất nặng nề đến kinh tế Việt Nam.
Ví dụ khác là liên quan đến hiện tượng ngân hàng cho “sân sau” vay tiền sai quy định, vượt ngoài tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Bởi cơ chế giám sát của Ngân hàng Nhà nước là có hạn.
Đây không chỉ là mối lo ngại của ông Tiền mà giới nghiên cứu về tài chính cũng đã từng nhiều lần cảnh báo. Chúng ta dễ dàng nhận thấy, có một số tập đoàn kinh tế phát triển với tốc độ thần tốc mà không biết tiền ở đâu ra. Họ không phải là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, nhưng lại đang phát triển thần tốc thì quả thực đáng lo ngại.
Theo dự đoán của ông Tiền, nguồn vốn có thể xuất phát từ các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần lớn, không loại trừ quan hệ thân hữu, “sân sau” biến tướng và có thể làm lũng đoạn hệ thống tài chính – tiền tệ. Cho đến tận bây giờ, ông ấy vẫn kiên trì cảnh báo, kiến nghị đến Chính phủ và giới chuyên gia cần xử lý sớm hiện tượng nguy hiểm này.
- Khi ông Tiền có tư duy như vậy thì các quyết định kinh doanh của chính ông ấy sẽ như thế nào?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Rất chắc chắn. Gần như là nắm chắc phần thắng hơn là rủi ro (cười). Gần như ông Tiền chưa “thua” bao giờ.
- Chắc chắn quá thì có mất đi cơ hội tăng tốc không?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Ông ấy có quan điểm, những tập đoàn lớn có sự phát triển đột phá nhưng chưa chiếm lĩnh được thị trường thì đều là nguồn lực ảo. Nói cách khác, nguồn lực phần lớn từ ngân hàng chứ không phải tự thân nên kết quả tài chính cũng là ảo. Có những tập đoàn tăng trưởng nhanh khủng khiếp mà chỉ thuần túy là đi buôn bất động sản. Không thấy họ đầu tư bất động sản mà chỉ đi mua bất động sản thì tiền ở đâu ra?
Như ông Phạm Nhật Vượng xây nhà để bán – nghĩa là hoạt động đầu tư theo đúng nhu cầu của thị trường thì có dòng tiền. Ông Tiền cho rằng như vậy mới là chắc chắn.
Nhiều tập đoàn khác chúng tôi thấy mua nhiều, liên tục mua vào nhưng không thấy bán. Cả tôi và ông Tiền đều cho rằng đó là tăng trưởng ảo, có tính giả tạo và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Ông Tiền nói rằng, ông kinh doanh thật, đầu tư kiếm tiền thật mà còn khó khăn, thì những người kia không hiểu bằng cách nào có thể phát triển nhanh như vậy, nên có điều gì đó không trung thực.
Cả về động cơ kinh doanh, quan hệ chính trị, danh tiếng, thương hiệu… ông Tiền là người mà làm gì thì làm nhưng phải làm thật.
Tôi cho rằng, nếu trong một nền kinh tế mà mọi thứ minh bạch thì sẽ không có doanh nghiệp ảo và khi đó, chỉ có những doanh nhân như ông Tiền tồn tại được. Nhiều ông nổ này, nổ kia nhưng nợ ngân hàng đầm đìa, cứ lấy nợ mới thay nợ cũ.
- Lợi thế khi ông Tiền làm Ngân hàng An Bình là gì, có phải “sân sau” cho Geleximco không?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Ngân hàng An Bình là ngân hàng tư nhân được thành lập sớm bậc nhất ở Việt Nam, không phát triển theo lối giống các ngân hàng khác, rất đặc biệt.
Ông Tiền duy trì quy mô ngân hàng khá vững chắc, không để xảy ra rủi ro. Ông ấy không tham mở rộng tín dụng mà kinh doanh khá bảo thủ(cười). Bảo thủ theo nghĩa đặt sự an toàn lên trên hết và trước hết. Mặc dù đây là ngân hàng quy mô tương đối nhỏ nhưng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài thông thường cũng rất cẩn trọng. Họ coi ngân hàng không phải là nơi mà các doanh nghiệp lợi dụng vốn để đầu tư. Tôi cũng đồng ý rằng, ngân hàng thì phải bảo thủ một tý để an toàn.
- So với chuẩn mức quốc tế thì sao?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Được, ổn. Ông ấy không bao giờ chạy đua theo trào lưu, là một người làm ăn thực chất.
- Tôi khá tâm đắc với bí kíp để có được thành công như ngày hôm nay của ông Tiền. Đó là với sự cạnh tranh khốc liệt, phải có tư duy khác biệt, nếu không sẽ thua ngay trên sân nhà. Bên cạnh đó, Geleximco cũng đang nỗ lực xây dựng văn hóa hợp tác và xây dựng một ngọn cờ đại diện.
TS. Lê Xuân Nghĩa: Nhìn chung, về khía cạnh hợp tác thì các doanh nghiệp Việt Nam đều rất yếu. Họ làm một mình thì khá tốt, thành công, nhưng khi hợp tác với nhau trong các dự án lớn hoặc dự án mang tầm cỡ chiến lược của một ngành thì yếu.
Ông Tiền có nhiều cố gắng tạo ra một xung lực mới trên phương diện hợp tác với các doanh nghiệp trong nước, nhưng tôi có cảm giác chưa thành công lắm. Còn một số mô hình hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực phát triển dự án công nghiệp thì có vẻ như ông Tiền đã thành công. Sự hợp tác này khá minh bạch, rõ ràng, đồng thời ông Tiền có những thủ pháp để đảm bảo những hợp tác đó có lợi cho mình, không bị thua thiệt, lép vế hay bị lừa.
Nhưng không phải lúc nào điều đó cũng đạt được, ví dụ như hợp tác của ông với Honda của Nhật Bản. Họ cứ tăng vốn làm cổ phần ông Tiền bé dần lại, đến hạn phải chuyển giao công nghệ thì người ta không chuyển giao.
Sau này, trong lĩnh vực công nghiệp, ông thường không hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài dưới hình thức liên doanh nữa, mà làm theo hướng vay tiền mua công nghệ. Doanh nghiệp nước ngoài có thể thi công, tổng thầu nhưng ông Tiền giám sát toàn bộ, như trường hợp dự án điện hay cảng.
Cách làm này của ông Tiền giống hệt cách làm của Hàn Quốc, không có liên doanh mà chỉ vay vốn để làm và tôi kiểm soát toàn bộ. Đó là một tư duy sáng tạo, đột phá để tận dụng tất cả những lợi thế về công nghệ, nhân lực và nhà cung cấp nội địa.
Nhìn chung, Hàn Quốc không thích đầu tư trực tiếp dưới dạng liên doanh. Họ cho rằng, như vậy càng ngày càng khiến đất nước của họ phụ thuộc vào nước ngoài, không có tính độc lập. Và đúng là như vậy, ngày hôm nay Samsung ở Việt Nam thì GDP tăng nhanh, nhưng ngày mai Samsung sang Ấn Độ thì GDP lại sụt giảm. Đó là câu chuyện đương nhiên, và chúng ta phải suy ngẫm một cách nghiêm túc. Ông Tiền làm ngược lại: “Nếu như tôi vay vốn đầu tư thì lại là câu chuyện khác. Tôi làm chủ và sẽ mãi mãi làm chủ”. Đó là tư duy tiến bộ và đầy trách nhiệm với đất nước.
Hàn Quốc luôn làm như vậy và ví thế mới nhanh chóng tạo ra một nền kinh tế độc lập, tạo nên nền tảng công nghệ của một quốc gia. Bởi khi đi vay thì có tiền nhập khẩu và buộc phải làm chủ công nghệ, chứ cứ liên doanh thì công nghệ nước ngoài họ đưa vào họ vẫn làm chủ. Họ đưa cho doanh nghiệp Việt một tỷ suất lợi tức nào đó còn lại họ nắm toàn bộ, công nghệ cũng không có, chuyển giao cũng không được.
Đã có những tư duy tương tự xuất hiện ở Việt Nam, như trường hợp Vingroup tự cường làm Vinfast, TH táo bạo làm trang trại sữa sạch lớn nhất Đông Nam Á… Những chiến lược rất đáng biểu dương và cần thúc đẩy hơn nữa.
- Tư duy này có góp phần lan tỏa niềm tự hào dân tộc, ý chí tự cường của một quốc gia?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Đúng thế, và vĩ đại như thế đó. Đây là tư duy ở một đẳng cấp chiến lược rất cao mà tôi cho rằng, ông Tiền có nhiều công lao khởi xướng. Xét về mặt lợi ích quốc gia thì đó là tư duy khôn ngoan nhất. Tôi có thể vay vốn, mua công nghệ để tôi làm chủ công nghệ. Bởi khi mua công nghệ thì nó là của tôi, tôi có thể đào tạo công nhân, kỹ thuật làm chủ công nghệ ấy và sau này, tôi phát triển trên nền tảng công nghệ ấy, còn vốn vay thì tôi trả.
Đó là tư duy thuộc về tầm vóc vĩ đại của Park Chung Hee chứ chúng ta chưa làm được, Việt Nam chưa làm được.
Do không đủ tầm về công nghệ, không đủ tầm về bản lĩnh, về quản trị để làm được như thế nên cái gì cũng liên doanh. Khi không liên doanh được thì 100% vốn đầu tư nước ngoài. Như thế thật đáng lo ngại. Nền kinh tế mà cứ như vậy sẽ không thể bứt phá và phát triển hùng cường được.
- Nói như ông thì ông Tiền đang tiên phong thay đổi tư duy nhiều hơn là thay đổi thực tiễn?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Đúng thế. Trên cơ sở tư duy, mới có cách làm của thực tiễn. Sau này, ông Phạm Nhật Vượng, bà Thái Hương và một số doanh nhân hiếm hoi khác cũng thay đổi theo cách đó. Vay vốn trong nước và quốc tế mua công nghệ để độc lập và làm chủ, kể cả sản xuất ô tô và điện thoại, chứ không liên doanh.
Nếu như không có công nghệ, không làm chủ được công nghệ thì không có nền công nghiệp hiện đại.
Nói như vậy có nghĩa là ông Tiền đã thắp thêm ngọn lửa thứ năm, dù ngọn lửa đó mới dừng lại ở tầm tư duy, chứ thực tiễn vẫn còn đang nhen nhóm và còn rất nhiều gió bão đang rình rập.
- Để ngọn lửa đó không bị dập tắt, cần thêm điều gì, thưa ông?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Phải có chính sách lớn của cả Đảng và Nhà nước. Còn những doanh nghiệp như ông Tiền, khi họ lớn mạnh, có đủ tiềm lực, vị thế nhất định thì họ có thể làm được mọi thứ. Nhưng nếu không tiếp sức thì ngày đó còn xa lắm. Chắc lúc đó, thế hệ doanh nhân như ông Tiền cũng không còn đủ sức để mà làm nữa. Đời người ai chẳng phải già đi!
- Ông Tiền có phải là con người tự tin?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Ông ấy rất tự tin. Tất cả những việc như vay vốn đầu tư, điều tra, khảo sát nghiên cứu dự án… ông ấy đều đích thân làm. Như vậy, sự tự tin đi đôi với sự cầu toàn, chắc chắn. Đó là con người luôn ước mơ và tràn đầy nhiệt huyết. Chỉ khi có mơ ước thì mới có ý tưởng và có con đường để đi.
- Tại thời điểm này, ông ấy đang ở độ chín của sự nghiệp và kinh nghiệm thương trường. Ông nghĩ sao về việc ông ấy nên tập trung hỗ trợ, chắp cánh cho những doanh nghiệp startup, tư vấn, giúp đỡ những doanh nghiệp nhỏ để họ cùng vươn ra biển lớn, chinh phục đại dương mênh mông?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Cái này tôi không rõ lắm. Chỉ biết rằng ông ấy rất năng nổ trong Hội Doanh nhân Sao Đỏ, rực lửa một thời.
Tôi chỉ mong ông ấy có thể truyền cho các doanh nhân trẻ ý thức làm chủ theo lối độc lập tự cường. Từ nhà máy giấy, nhà máy điện, nhà máy xi măng… của ông ấy đều là vốn vay để làm chủ công nghệ. Đó là điều tuyệt vời hơn bất cứ sự hỗ trợ nào khác.
- Làm việc, hợp tác với ông Tiền, đã bao giờ hai người xảy ra mâu thuẫn, cãi vã?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi thấy bình thường ông ấy chẳng bao giờ to tiếng với ai, kể cả đối với tôi cũng vậy. Nhưng khi bắt tay vào công việc, Vũ Văn Tiền là người hoàn toàn khác. Ông ấy rất cầu toàn, quyết liệt và luôn kiên định với con đường mình đã chọn.
Ông ấy không to tiếng, cũng không thích nổi tiếng. Không thích hô to gọi lớn mà giản dị, chân thành.
Đó là con người mà lúc còn nghèo, còn nhỏ thì không tự ti. Lúc lớn mạnh, giàu có thì không ngạo mạn, đó có thể coi là chìa khóa thành công lớn nhất của một doanh nhân.Nhiều người còn bé thì tự ti không dám làm gì, còn ông Tiền ngay lập tức đã dám liên doanh với nước ngoài. Khi giàu hơn, bản lĩnh hơn và cả kinh nghiệm hơn thì dám làm chủ công nghệ. Đáng trân trọng là khi có nhiều tiền, ông Tiền cũng không hề ngạo mạn. Đó là nhân cách của doanh nhân dân tộc, là tinh thần của một doanh nhân dám đổi mới, hiếm có ở Việt Nam.
Có thể coi đây là biểu tượng về sự thành công của doanh nghiệp Việt Nam. Các cụ ngày xưa có dạy: “Người nghèo chết vì tự ti và người giàu chết vì ngạo mạn. Bao nhiêu danh hiệu Việt Nam sụp đổ chỉ vì ngạo mạn”.
- Ở tuổi này, ông Tiền có phần sống chậm lại và chiêm nghiệm hơn?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Đúng là như vậy. Nhưng không phải lý do tuổi tác đâu!
Đây là người có tầm vóc của một doanh nhân lớn, không bàng quan về chính trị, không bàng quan với thời cuộc, với xu thế lớn của thời đại, và không bàng quan với sự vận động của thị trường, của nền kinh tế. Ông dùng những nhãn quan của mình, tham khảo ý kiến của người khác, tìm hiểu thêm thông tin để có được sự nhận biết và dự đoán riêng.
Thêm nữa, ông ấy là người rất giàu kinh nghiệm thực tiễn, với sự từng trải kinh doanh trên nhiều lĩnh vực nên dễ dàng đề xuất được những chiến lược, sách lược hợp lý, vừa tránh được rủi ro, vừa tận dụng được cơ hội. Đó là tư duy kinh doanh rất hiện đại, coi hỗn loạn là yếu tố bình thường mới. Vì thế nên lúc nào cũng phải phòng tránh rủi ro, tìm kiếm cơ hội.
Vũ Văn Tiền vốn dĩ từ thời trai trẻ không phải là người suốt ngày ăn nhậu, xa hoa. Ông ấy trầm lắng, khiêm tốn và giản dị.
Giờ đây, ông ấy càng không tiệc tùng hoang phí mà cơm nước thanh đạm đồng quê. Các buổi tiếp khách chủ yếu là để chuyện trò, không dùng rượu mạnh mà chỉ uống một chút rượu vang. Tiếp khách để tìm kiếm thêm thông tin, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận thêm cái mới.
- Vì sao có được một Vũ Văn Tiền như vậy?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Văn hóa, xuất phát từ nền tảng văn hóa tuyệt vời. Đây là con người có trí tuệ, có tâm, có tầm nhìn dài rộng và là một nhân cách lớn.
Động lực làm giàu của ông Vũ Văn Tiền thực sự đơn giản lắm. Vì quá nghèo. Vì muốn con mình, cháu mình có sữa để uống. Vì muốn lo cho tương lai của ba cô con gái. Vì muốn lo được nhiều hơn cho những người thân yêu của mình, rồi tiếp đó là cộng đồng, xã hội.
Tôi vẫn nhớ câu chuyện ông Tiền chia sẻ, trước khi bước vào thương trường, ông ấy đã vào Sài Gòn – Chợ Lớn để trải nghiệm. Chính những tiểu thương ở đây đã dạy cho ông Tiền bài học về đồng tiền: Khi kiếm được từng đồng tiền, sẽ thấy được giá trị của đồng tiền và biết cách để tiếp tục kiếm ra tiền và bảo vệ đồng tiền. Ông ấy luôn tâm niệm rằng, kiếm tiền có thể chậm vài tháng, vài năm, nhưng một doanh nhân phải biết tìm ra con đường đi dài nhất của cuộc đời mình.
Gần đây, tôi thấy ông ấy đã giúp đỡ người nghèo khó và đóng góp cho xã hội nhiều hơn. Nhưng tất cả đều làm trong sự thầm lặng. Nhưng tôi tin, con số đóng góp cũng thuộc nhóm đầu các doanh nhân Việt Nam.
- Ông có cảm nhận được sự chân thành của ông Tiền trong các mối quan hệ của ông ấy mà ông chứng kiến?
Tôi hỏi câu hỏi này, ông Nghĩa không trả lời ngay mà lại đi châm một điếu thuốc. Ông rít, ông hà hơi, rồi trong làn khói mờ mờ ảo ảo, ông quả quyết:
TS. Lê Xuân Nghĩa: Cái này hơi nhạy cảm. Làm gì ở đất nước mình cũng phải có quan hệ hay gọi là “bôi trơn” (cười), nhưng quan hệ, “bôi trơn” của ông Tiền có điều gì đó thật lòng, nhân văn, không quá trớn. Đó như là một lời cảm ơn của những người sống có trách nhiệm với nhau và có trách nhiệm với đất nước chứ không mang tính chất tham nhũng, hối lộ.
Ông Tiền luôn giữ được quan hệ lâu bền, kể cả với những người khi không còn quyền lực hay kể cả khi họ đã chết. Tôi đã từng chứng kiến nhiều câu chuyện mà có lẽ đây chưa phải là lúc để nói ra.
Ví dụ như, ông giữ mối quan hệ tình cảm tận tình với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đến tận khi ông qua đời. Hay có những chính khách bị kỷ luật, thất thế nhưng ông Tiền vẫn trọng tình và sống vẹn nghĩa. Mà ông ấy thường tự tay mình chăm chút cho các mối quan hệ chứ không giao cho người khác giúp. “Thi ân bất cầu báo, dữ nhân vật truy hối” là ở chỗ đó.
Không biết có phải ông châm điều thuốc nhiều quá không, mà ông nói hăng say và cảm xúc đến thế:
Khi ông ứng xử chân thành cũng nhận lại được sự chân thành. Riêng với những người đương chức, đương quyền, ông sống không quá vồ vập. Ông giúp được rất nhiều người, kể cả cấp dưới nhưng không bao giờ kể công, không bao giờ cần người khác phải biết tới. Có những sai phạm làm thất thoát của ông rất nhiều tiền nhưng ông cũng tha. Khi cơ quan công an làm tới thì ông đứng ra xin. Sống vị tha đã trở thành bản tính của Vũ Văn Tiền. Khổng Tử nói: “Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi” (Tức: Lấy sự yên vui để đối đãi người giả cả, lấy chữ tín để đối đãi bạn bè, lấy sự yêu mến để đối đãi con trẻ). Ông Tiền là người sống như vậy.
- Sự chân thành và giản dị của ông Vũ Văn Tiền có tạo nên văn hóa của cả tập đoàn Geleximco hay không?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Định hướng đó quá tuyệt vời, nhưng làm được hay không là câu chuyện không hề đơn giản. Không phải chỉ một mình ông Tiền làm mà được.
Ông Tiền áp dụng triết lý quản trị của cựu chủ tịch Tập đoàn IBM, Thomas J.Watson Jr: “Luôn đặt con người ở vị trí số một và tôn trọng nhân viên chính là chìa khóa thành công của những nhà quản lý”. Tôi cho rằng, với người truyền lửa Vũ Văn Tiền, Geleximco sẽ xây dựng được và giữ được văn hoá đó. Vấn đề là cần thời gian.
- Ông thấy có sự khác biệt gì giữa tư duy kinh doanh, phẩm chất và năng lực của ông Tiền với các doanh nhân trẻ bây giờ?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Giới doanh nhân trẻ bây giờ rất giỏi nhưng có nhiều người rất hay khoe khoang, trách mình, trách đời, trách Chính phủ, trách thể chế…
Nhiều bạn trẻ không biết rằng, ngay sau khi được vinh danh là Sao Đỏ đầu tiên năm 1999, các doanh nhân tư nhân như Vũ Văn Tiền vẫn bị coi là “công dân hạng hai”.
Ông Tiền là người ít nói, thích ca hát. Ông ấy chỉ thích nói chuyện với những người có sự hiểu biết và tầm tư duy sâu.
Đó là sự khác biệt. Nhiều người không kiềm chế được, nói không dứt được, và chỉ thích khoe khoang. Những người thực sự tự tin là những người ít nói, ít thể hiện mà thích hành động.
- Nói như vậy nghĩa là rất khó truyền lửa của Vũ Văn Tiền cho thế hệ trẻ?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Dân kinh doanh thực thụ người ta thường kín đáo và người duy nhất trên thế gian này mà tôi thấy truyền lửa được một cách mạnh mẽ, đó là Mã Vân. Đơn giản bởi ông ấy xuất thân là nhà giáo, một người thích giảng giải, diễn thuyết. Họ có tâm huyết và năng lực truyền lửa thực sự cho thế hệ trẻ, không chỉ ở Trung Quốc mà trên cả thế giới. Từ những thất bại ê chề đau đớn, Mã Vân trở thành một doanh nhân hàng đầu thế giới với vô vàn thứ để nói với thế hệ trẻ để củng cố niềm tin.
Với Vũ Văn Tiền, mục tiêu truyền lửa của ông rất khác. Ông ấy truyền lửa chủ yếu bằng tư duy, bằng phong cách sống và quan niệm kinh doanh. Đó như là một tấm gương tự thân, không cần nói ra, không màu mè khoa trương, ai biết, ai nhìn thấy, ai học được thì học, không học được thì thôi.
Vũ Văn Tiền tốt nghiệp cả Học viện Kỹ thuật Quân sự và Đại học Kinh tế quốc dân, với tư duy kỷ luật – khoa học – logic và kinh tế, đã củng cố và tạo nên một Vũ Văn Tiềngiàu tính thực tiễn, giỏi khái quát thực tiễn thành những tư tưởng lớn.
Như tôi phân tích ở trên, tư duy kinh doanh tài sản, là một tư tưởng lớn; tư duy tự chủ, độc lập về công nghệ là một tư tưởng lớn. Sau thất bại và rút ra bài học từ việc liên doanh với Honda, ông ấy đã rất nhanh nhạy và sáng tạo để hình thành nên tư tưởng kinh doanh tiến bộ. Tôi cho rằng, "nếu như nghiên cứu kỹ về tư tưởng của ông Vũ Văn Tiền, thì không chỉ là những ngọn lửa đã được truyền, mà còn có cơ hội thổi bùng lên những ngọn lửa khát vọng, đem lại sự phồn vinh cho đất nước".
- Hơn 20 năm trước, khi những doanh nhân Sao Đỏ đầu tiên được vinh danh, ai cũng nghĩ đến khát khao kinh doanh “để thoát nghèo”. Thế hệ của các anh và nhất là thế hệ trẻ sau này, động cơ và mục đích làm giàu có khác biệt nhiều so với những doanh nhân Sao Đỏ đời đầu không?
Anh Nguyễn Cảnh Hồng: Thực ra mục đích làm giàu không thay đổi. Bởi chúng tôi đều mong muốn kinh doanh để có cuộc sống tốt hơn và làm giàu cho cá nhân, gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, khác biệt là thời điểm và bối cảnh làm giàu. Trước đây, trong giai đoạn đầu hình thành nền kinh tế thị trường, còn rất nhiều khó khăn. Doanh nhân như anh Vũ Văn Tiền kinh doanh trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ, về công nghệ và thậm chí hồi đó còn chưa có internet. Rồi góc nhìn của xã hội và cơ chế, chính sách của Nhà nước cũng chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển. Điều đó cần một nỗ lực vượt lên rất lớn, đáng khâm phục và tự hào.
Thế hệ trẻ sau này có rất nhiều điều kiện về thông tin, học tập, giao tiếp để có thể làm giàu tốt hơn thế hệ của anh Vũ Văn Tiền.
- Anh cảm nhận ra sao về tư duy và khát vọng kinh doanh của Sao Đỏ Vũ Văn Tiền?
Anh Nguyễn Cảnh Hồng: Anh Vũ Văn Tiền là thế hệ đàn anh của chúng tôi, luôn mang trong mình khát vọng rất lớn.
Trong giai đoạn những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi vừa Đổi mới, khó khăn còn rất lớn. Tôi nhìn thấy ý chí và nghị lực thoát nghèo từ rất sớm để thay đổi cuộc sống với hai bàn tay trắng của anh Vũ Văn Tiền.
Khi đi ra từ khu vực Nhà nước, anh Tiền đã góp phần làm thay đổi tư duy làm giàu bằng cách lập doanh nghiệp tư nhân để rồi vươn lên mạnh mẽ, đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng doanh nhân.
Bài học về đồng tiền và cách kinh doanh của những doanh nhân như anh Vũ Văn Tiền cũng đã góp phần thay đổi mạnh mẽ quan niệm và góc nhìn về hình ảnh của người doanh nhân trong xã hội.
- Anh học được điều gì lớn nhất ở Sao Đỏ Vũ Văn Tiền?
Anh Nguyễn Cảnh Hồng: Ở anh Vũ Văn Tiền, tôi luôn nhìn thấy khát khao và niềm tin vươn lên mạnh mẽ. Đó là nghị lực và quyết tâm làm giàu cho bản thân, gia đình và đất nước. Cùng với đó là tư duy quyết đoán, đổi mới và sáng tạo để góp phần phát triển kinh tế tư nhân và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
- Năm 2018 đã diễn ra Lễ chuyển giao vị trí Chủ tịch Câu lạc Bộ Doanh nhân trẻ Sao Đỏ giữa Sao Đỏ 1999 Vũ Văn Tiền và Sao Đỏ 2008 Nguyễn Cảnh Hồng. Hôm đó, người tiền nhiệm đã nói với anh điều gì?
Anh Nguyễn Cảnh Hồng: Anh ấy luôn khát khao làm giàu và cống hiến cho xã hội. Và khi đó, anh ấy muốn cùng với chúng tôi, thông qua phong trào doanh nhân trẻ Sao Đỏ, tiếp tục cống hiến và vun đắp ngọn lửa nhiệt huyết, tạo hy vọng cho thế hệ trẻ khởi nghiệp, sáng tạo và làm giàu chính đáng.
Trong vai trò cố vấn Câu lạc bộ doanh nhân trẻ Sao Đỏ, anh Vũ Văn Tiền khẳng định sẽ tiếp tục dẫn dắt, truyền cảm hứng, kinh nghiệm và luôn khát khao đồng hành cùng các doanh nhân trẻ.
- Sao Đỏ Vũ Văn Tiền đã thắp lửa, truyền lửa kinh doanh và cách sống cho các thế hệ doanh nhân Sao Đỏ sau này như thế nào?
Anh Nguyễn Cảnh Hồng: Các Sao Đỏ thời kỳ đầu đã có sự trưởng thành nhất định. Anh Tiền luôn muốn quy tụ những doanh nhân đã trưởng thành để truyền cảm hứng cho thế hệ doanh nhân trẻ có cùng chí hướng khởi nghiệp và cách làm giàu chân chính.
Anh Tiền quan niệm, những doanh nghiệp nhỏ làm được ra tiền, doanh nghiệp lớn hơn một chút nghĩ ra tiền, còn các tập đoàn lớn thì nhìn đâu cũng thấy tiền. Muốn cùng nhau phát triển, không có cách nào khác, cộng đồng các doanh nghiệp phải hợp tác với nhau. Anh ấy cũng mong các doanh nghiệp phải xây dựng văn hóa hợp tác để “cùng thắng”.
- Con đường tiếp nối các Sao Đỏ đời đầu như doanh nhân Trương Gia Bình, Vũ Văn Tiền… xây dựng những thương hiệu quốc gia còn rất nhiều thách thức. Anh có tin các doanh nhân trẻ sẽ làm được?
Anh Nguyễn Cảnh Hồng: Trong xã hội hiện nay, cộng đồng các doanh nhân trẻ Việt Nam mang trong mình khát khao làm giàu cho bản thân và quê hương, đất nước. Chúng tôi mong muốn Câu lạc bộ Sao Đỏ sẽ không chỉ kết nối các Sao Đỏ mà còn truyền lửa kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm thực tiễn từ những gương doanh nhân thành công tới các thế hệ doanh nhân trẻ.Chắc chắn, cộng đồng doanh nhân trẻ Việt Nam, với những nguồn lực tự thân và sự trợ giúp, đồng hành của những Sao Đỏ như anh Vũ Văn Tiền sẽ phát triển bền vững và thành công.
- Nghiên cứu tư tưởng của những doanh nhân Việt Nam cũng là cách để Chính phủ có thêm góc nhìn để thiết kế và phát triển nền kinh tế?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Đúng vậy. Ví dụ như tư duy của ông Vũ Văn Tiền là tư duy tập hợp các nguồn lực chất lượng. Đó là những nguồn lực cần thiết cho sự phát triển của đất nước.
Khi có những vấn đề quan trọng, ông Tiền thường trực tiếp viết thư, trực tiếp gửi kiến nghị đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Ví dụ, khi thấy cách xử sự với doanh nghiệp Trung Quốc có điều gì đó không ổn, ông ấy đã trực tiếp gặp lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Ban Kinh tế Trung ương… để nói về chuyện này. Rằng mình phải giữ mối quan hệ lâu dài với doanh nghiệp Trung Quốc.
Chính vì thế, các nhà lãnh đạo của Việt Nam đánh giá rất cao ông Tiền. Tôi cho rằng, đó là người kinh doanh đàng hoàng, có chiến lược rõ ràng và có tinh thần dân tộc rất lớn.
- Nhân ông nhắc đến chuyện ông Tiền có phản ứng trước những thái độ ứng xử không hợp lý với doanh nghiệp Trung Quốc, tôi cũng muốn ông lý giải vì sao nhiều dự án có vốn Nhà nước hoặc của doanh nghiệp Nhà nước sử dụng nhà thầu Trung Quốc thường hay bị chậm tiến độ hoặc đội vốn, nhưng ông Tiền vẫn có thái độ ủng hộ với nhà thầu từ nước này?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Tháng 5/2018, nhà máy nhiệt điện Thăng Long thuộc Tập đoàn Geleximco – nhà máy nhiệt điện đầu tiên ở Việt Nam do tư nhân đầu tư – đi vào vận hành thương mại. Dự án này với tổng vốn đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng, được xây dựng trong thời gian kỷ lục 3 năm, với các mốc vận hành thương mại đều sớm trước hẹn, tiết kiệm chi phí vài trăm tỷ đồng cho chủ đầu tư.
Đáng chú ý là, dự án này sử dụng nhà thầu Trung Quốc. Ông Tiền luôn quan niệm rằng, dù dùng nhà thầu nào đi chăng nữa thì cũng phải đảm bảo hiệu quả, đảm bảo môi trường, công nghệ G7.
Ông ấy nói với tôi rằng, dùng nhà thầu nào không quan trọng, miễn là chọn được nhà thầu theo yêu cầu của tôi là công nghệ cao, môi trường đảm bảo, tiến độ phải vượt, hiệu suất, hiệu quả tốt.
Ông Tiền cũng thẳng thắn nói về việc vay vốn Trung Quốc để làm dự án vì gần như “10 năm nay ngân hàng ở các nước G7 không cho vay” đầu tư dự án do nguồn tiền của họ cũng hạn chế.
Có một thực tế là, những dự án gắn liền với các tai tiếng thường chủ yếu thuộc về dự án có vốn Nhà nước.
Ông Vũ Văn Tiền cho rằng, nếu hai doanh nghiệp Nhà nước của Trung Quốc và Việt Nam làm với nhau thì kiểu gì cũng phát sinh chậm tiến độ, đội vốn, kém hiệu quả. Nhưng nếu hai doanh nghiệp tư nhân của hai nước làm với nhau thì “khỏi phải suy nghĩ, các vấn đề giải quyết được hết”.
- Tôi nghe nói ông Tiền cũng không hề “nuông chiều” doanh nghiệp Trung Quốc?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Thậm chí là ông ấy còn “bắt nạt” được doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc. Có những dự án, ông ấy bắt nhà thầu Trung Quốc phải đặt cọc bảo đảm, bảo hành công nghệ hàng trăm triệu USD. Ông ấy giám sát đến khi nào bảo đảm được công nghệ và chất lượng thì mới trả hết tiền đặt cọc. Nhiều dự án mà hiện nay, Geleximco vẫn còn đang giữ tiền đặt cọc.
Cũng có nhiều dự án, ví dụ như Nhà máy sản xuất Giấy và Bột giấy An Hòa, nếu như không có Trung Quốc giúp đỡ thì trong vài ba tháng, sẽ không thể giải quyết nổi những vấn đề ô nhiễm môi trường. Chi phí xử lý rất thấp, thấp hơn cả chi phí do Đại học Bách khoa xử lý, mà ao có thể thả cá, cá sống được. Sau đó, họ còn hỗ trợ tái cơ cấu, quản trị miễn phí cho ông Tiền.
Mặc dù là người đi vay tiền nhưng ông Tiền luôn đưa ra điều kiện hợp tác rõ ràng. Và kết quả rất khả quan.
Thực ra, theo quan sát của tôi, doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc rất coi trọng chữ tín và luôn gắng giữ chữ tín, làm ăn nghiêm chỉnh để còn có cơ hội làm ăn, hợp tác lâu dài chứ không phải nhăm nhăm chộp giật để rồi tự triệt đường sống của mình. Vấn đề là hợp tác với ai và điều kiện, tiêu chí hợp tác như thế nào mà thôi.
- Khổng Tử đã từng nói “nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã”, hay “nhân vô tín nhi bất lập”.
TS. Lê Xuân Nghĩa: “Thâm tín bất nghi”. Doanh nghiệp Trung Quốc đã quý ai, tin ai thì không nề hà bất cứ thứ gì. Ông Tiền là người được doanh nghiệp Trung Quốc quý và tin.
- “Cách chơi” này của ông Tiền có ý nghĩa ra sao, thưa ông?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Bạn thấy đó, không phải nhà thầu Trung Quốc mới gây ra đội vốn, chậm tiến độ. Dự án của các nhà thầu Nhật Bản như đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội, dự án Bến Thành – Suối Tiên cũng bị chậm tiến độ, đội vốn nhiều lần.
Cho nên, ông Tiền nhấn mạnh, quan trọng là con người quyết định. Việc đàm phán, quản lý dự án phải thật tốt. Nếu đàm phán không tử tế và vô trách nhiệm thì dự án sẽ chết.
Ông Tiền còn từng đề xuất cùng đối tác Trung Quốc xây dựng sân bay Long Thành "hiện đại và văn minh" trong khoảng 3 – 5 năm mà giá thấp từ những năm 2016, 2017. Hay như đề xuất làm đường cao tốc Bắc Nam đoạn Thanh Hóa – Hà Tĩnh và TP.HCM đến Khánh Hòa, Dự án đường bộ cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái và Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam cũng với doanh nghiệp Trung Quốc.
Ông ấy còn nghiên cứu làm đường sắt cao tốc Lào Cai – Hải Phòng để nối lại tuyến đường sắt Vân Nam – Hải Phòng kết hợp các trung tâm Logistics nhưng chưa thể thực hiện được. Nếu làm được tuyến đường đó thì thật tuyệt vời, bởi cả tỉnh Quảng Tây Trung Quốc không hề có một cảng biển nào. Để đi ra được cảng của họ thì còn xa hơn đi ra Hải Phòng nhiều. Xét về mặt kinh tế, nếu làm được dự án đó, nhiều chuyên gia cho rằng còn hiệu quả không kém gì đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Ông ấy đã lên Lào Cai, xuống Hải Phòng, qua Trung Quốc khảo sát rất kỹ càng và dày công nghiên cứu. Tôi thấy lửa nhiệt huyết ở trong đó. Nhưng ông Tiền cũng gặp phải không ít trở ngại.
Hay như việc Geleximco giới thiệu Viện Thiết kế và quy hoạch TP. Hàng Châu (Trung Quốc) tham gia quy hoạch hai bên bờ sông Hồng; cùng doanh nghiệp Trung Quốc xin đầu tư một số dự án nhà máy nhiệt điện theo hình thức PPP (đối tác công – tư) như: Quỳnh Lập 1, Quỳnh Lập 2, Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2 và Hải Phòng 3… cũng từng khiến nhiều người bất ngờ.
Tôi cho rằng, quan hệ của ông Tiền với doanh nghiệp Trung Quốc đã góp phần cải thiện quan hệ đối ngoại Việt – Trung, nghĩa là đã góp phần làm cho mối quan hệ đó trở nên ấm hơn khi có chỗ để đầu tư, có chỗ để cho vay và làm ăn.
Cách hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc là một tiềm năng lớn trong phát triển dài hạn ở Việt Nam. Vấn đề là cách thức hợp tác và trách nhiệm của các đối tác hợp tác. Ông Tiền là người đi tiên phong trong việc tạo ra quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc dựa trên nền tảng hiệu quả thực sự.
Đó là tư duy hợp tác tiến bộ, theo đúng tinh thần các cuộc gặp của lãnh đạo cấp cao hai nước. Đó tiếp tục là một ngọn lửa quý của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
- Làm được điều đó phải thực sự rất dũng cảm?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Ông ấy “chơi” với doanh nghiệp Trung Quốc nhưng không hề che giấu mà luôn minh bạch mọi thứ. Tôi biết một vài người, làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc nhưng toàn “đi đêm” vì vừa sợ dư luận, vừa sợ khách hàng. Họ mua đồ Trung Quốc về dán mác Việt Nam bán khắp thế giới.
Tất nhiên, “chơi” được với doanh nghiệp tư nhân lớn của Trung Quốc như ông Tiền đã làm cũng không hề đơn giản. Cần phải có bản lĩnh, giữ gìn uy tín và trọng chữ tín. Đó là tư duy không co cụm.
Ông Tiền làm gì cũng đàng hoàng và công khai, dựa trên tư duy độc lập chủ quyền và hợp tác cùng có lợi.
- Ông thấy ông Tiền có phải là người lạc quan không?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Ông Tiền là người có tâm hồn nghệ sỹ, thích đàn hát, ca múa dân dã. Ông ấy thích những ca khúc dân ca, hát chèo, nhạc cách mạng và luôn hát một cách say sưa.
Ông ấy là người sống rất vững vàng, có ý chí và sức chịu đựng ghê gớm. Và vì thế nên dù thân hình nhỏ con, lại trải qua những cơn bạo bệnh nhưng ông vẫn rất vững chãi. Ông Tiền là một trong những nguời ghép gan thành công nhất ở Việt Nam. Đây là con người không phải thấy khó khăn mà hoảng sợ hay thấy thành công mà khoe khoang, ngạo mạn.
Đó là một lối sống tương đối hướng Phật. Khi tĩnh tâm lắm, an nhiên và tự tại lắm thì thành công mới không quá đỗi vui mừng, thất bại không quá đỗi hoảng sợ. Ở tầm tuổi này, ông Tiền tạo ra lối sống ung dung tự tại, vượt lên cả sự lạc quan lẫn bi quan.
Con người lạc quan là vui cũng cười, thắng cũng cười, thua thì buồn, thì khóc. Còn ông Tiền thì khác. Thành công rực rỡ cũng không vui mừng quá mức. Thất bại thảm hại cũng không sợ hãi. Đó là một tầm giác ngộ khác.
Những người ở độ tuổi này như ông Tiền mà bảo sống lạc quan, yêu đời thì không phải. Tầm của họ đã khác rồi. Họ đã bắt đầu hiểu đời, hiểu mình.
Ông Tiền đã bắt đầu nhìn thấy đạo, thấy rõ được con đường của mình.
- Bắt đầu kinh doanh với số vốn 200.000 USD, đến giờ, tổng tài sản có thể lên tới 3 tỷ USD, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco vẫn chưa hết khát khao làm kinh doanh. Ông Vũ Văn Tiền vẫn khẳng định sẽ khởi nghiệp cả đời vì khát khao cống hiến cho đất nước. Ông đánh giá sao ra về phương châm sống và kinh doanh này?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Ông Tiền có một câu nói nổi tiếng là ông nhìn chỗ nào cũng ra tiền, chỗ nào cũng thấy cơ hội kinh doanh và có cơ hội kiếm tiền.
Câu nói này bao hàm ý nghĩa là một mặt, ông là người có tiền, tạo ra tiền nhưng mặt khác, cũng là con người rất am hiểu về thương trường. Ông đã có rất nhiều tổng kết sắc sảo, thông minh để nhận biết được cơ hội kinh doanh trong nền kinh tế hỗn loạn, trong dòng chảy kinh doanh sôi động ào ạt tưởng chừng như rất khó nhận biết được đâu là thật, đâu là giả, đâu là thắng, đâu là bại thì ông là người có thể nhận ra. Ông biết cách ném đồng tiền của mình vào đâu và có thể biến những cơ hội thành hiện thực.
Đến nay, Geleximco đã trở thành một tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh bậc nhất Việt Nam – có vốn chủ sở hữu gần 15.000 tỷ đồng; tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 10.000 lao động. Những đóng góp cho xã hội như Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, hoạt động từ thiện – nhân đạo, Ủng hộ phòng – chống Covid-19… không thể đong đếm hết.
Ở tuổi này, ông khẳng định vẫn sẽ khởi nghiệp cả đời vì khát khao cống hiến cho đất nước, xuất phát từ ý nghĩa trên, cộng với tinh thần dân tộc và ý thức về trách nhiệm với tổ quốc. Ông ấy quan niệm “một dòng nước không chảy sẽ trở thành ao tù vẩn đục”. Chứ không phải ông là người trên mây, trên gió, giờ mới khởi nghiệp cho vui đâu.
Ông Tiền đã bắt đầu làm chủ được kinh nghiệm thực tiễn, bằng trí tuệ của chính mình để biết mình có thể làm được gì, không làm được gì một cách rất rõ ràng. Chứ nhiều người trẻ bây giờ thì thấy cái gì cũng có thể khởi nghiệp, cắm đầu, cắm cổ lao vào. Như vậy, chắc chắn sẽ chuốc lấy thất bại.
- Như ông nói thì việc ông Tiền khởi nghiệp cả đời không phải vì để kiếm tiền, mà mục đích cao cả hơn là để cống hiến cho đất nước, là trách nhiệm với đất nước, với dân tộc?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Ông Tiền là doanh nhân đặc biệt. Những điều ông nói, ông mong muốn thay đổi không phải phục vụ cho việc kinh doanh của ông mà là vấn đề của đất nước.
Như việc cảnh báo về những nguy cơ, rủi ro của hệ thống tài chính, thường ông ngầm lồng ghép trong các câu chuyện riêng với tôi, hoặc cố tình nói ra thật nhiều để giúp tôi hiểu và có thể biến thành một tư vấn chính sách từ Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, cho Chính phủ. Ông ấy nói ra để tôi có được góc nhìn thực tiễn hơn, bổ sung thêm cho tư duy của mình. Những người hoạt động thực tiễn như ông sẽ nhìn nhận vấn đề này như thế nào, cảm thấy có điều gì tốt, có điều gì bất an… là điều mà những người như tôi rất cần và ao ước tiếp cận được.
Hiếm có một doanh nhân nào như thế. Thường thì doanh nhân, ở một góc độ nào đó, họ không quan tâm tới chính trị, không thực sự để tâm đến những vấn đề đất nước mà chỉ quan tâm tới họ, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp họ. Thậm chí, họ không muốn gặp những nhà nghiên cứu kiểu như tôi, bởi vì nói chuyện chính sách thì họ không quan tâm.
Nhưng ông Tiền thì hoàn toàn khác. Ông coi công việc mà tôi đang làm như là việc của ông. Ông coi trách nhiệm của tôi phải làm như là trách nhiệm của ông và ông có trách nhiệm với tôi. Những kiến nghị chính sách của tôi có giàu tính thực tiễn hay không là nhờ vào những người như ông Tiền.
- Tôi thấy việc một doanh nhân quan tâm nhiều tới các vấn đề chính trị sẽ có những trở ngại, bất lợi?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Thật ra thì các doanh nhân vẫn quan tâm tới các vấn đề chính trị, nhưng thường họ sẽ quan tâm theo kiểu họ được lợi gì, có quan hệ như thế nào, làm thế nào để có quan hệ lợi ích. Nói cách khác, đó là những con cờ trong ván cờ kinh doanh của họ. Một ngày đẹp trời nào đó, họ phải lợi dụng quan hệ này.
Còn ông Tiền không bao giờ lợi dụng mà luôn coi trọng “trong chung có riêng, trong riêng có chung”. Quan tâm chính trị của ông theo nghĩa, ông muốn làm thế nào để Chính phủ có chính sách dài hạn, ổn định, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn. Vì vậy, sự quan tâm đó rất khách quan và trách nhiệm.
Chứ còn doanh nghiệp nào của Việt Nam cũng muốn có quan hệ vì mục đích kinh doanh.
- Tôi nghĩ như thế thì ông Tiền bị nhiều người đố kỵ!
TS. Lê Xuân Nghĩa: Đúng rồi. Người ta nghĩ làm như thế để làm gì. Nhưng đó là một tư duy ích kỷ, thiếu trách nhiệm.
- Ở các nước phát triển đều có những tập đoàn tư nhân lớn. Đó đều là doanh nghiệp tư nhân mang trong mình tinh thần, khát vọng của quốc gia, dân tộc. Ở Việt Nam thì hiện tại chưa có nhiều doanh nghiệp như vậy. Ông có cảm thấy lo lắng không?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi lo lắng, nhưng tôi thấy ông Tiền còn lo lắng hơn về điều này. Quả thực, ở những nước như Hàn Quốc, Chính phủ đặt cho doanh nghiệp tư nhân trách nhiệm là phải trở thành những tập đoàn quốc gia và Chính phủ sẽ hỗ trợ. Ngay từ đầu, Chính phủ đã xác định đây phải trở thành những tập đoàn quốc gia. Nếu không làm được hoặc nhụt chí, họ sẽ bị Chính phủ gạt bỏ, toàn bộ phần lợi mà họ được hưởng sẽ bị thay thế.
Ở Mỹ thì khác. Doanh nghiệp ở quốc gia này có quá trình phát triển lâu đời, không cần Chính phủ đặt ra nhiệm vụ, vai trò gì mà tự doanh nghiệp dựa vào thành tựu khoa học công nghệ để phát triển.
Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, từ Google, Microsoft… không phải lúc nào họ cũng thành công. Có những lúc họ cũng điêu đứng, thậm chí đứng bên bờ phá sản nhưng rồi lại vực được trở lại. Đó là cách đi lên của những tập đoàn tư bản lớn mà không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Chính phủ. Họ vọt lên nhưng nếu vi phạm gì đó, bị chê bai, nguyền rủa, vu khống… và thất bại, rồi sẽ bò dậy làm lại từ đầu.
Với những tập đoàn của Hàn Quốc, Nhật Bản thì cứ thế đi lên bởi sau lưng họ là Chính phủ và quốc gia. Tôi lấy ví dụ, với ô tô của Hyundai, toàn bộ người dân Hàn Quốc dùng; tivi, điện thoại Samsung cũng toàn bộ người dân Hàn Quốc sử dụng. Ưu tiên sử dụng hàng nội địa quốc gia đã trở thành một quốc sách. Họ được ưu đãi về thuế, đất đai, vốn ngân hàng và họ có một nghĩa vụ lớn mà quốc gia đặt ra, đó là sản phẩm phải được thế giới thừa nhận, phải trở thành thương hiệu của quốc gia, làm giàu cho quốc gia. Hàn Quốc muốn dùng toàn bộ tiền bồi thường chiến tranh của Mỹ cho các doanh nghiệp, thậm chí Chính phủ đứng ra cam kết vay tiền của các ngân hàng thế giới cho các doanh nghiệp tư nhân của quốc gia.
Đặc biệt, họ yêu cầu không liên doanh với nước nào, phải “tự lực cánh sinh”, có trách nhiệm tạo ra một ngành công nghiệp mang thương hiệu quốc gia. Nhờ thế mới có được những tập đoàn lớn vĩ đại như ngày nay.
Kinh tế Việt Nam từ “ao bùn đi lên” và Chính phủ chưa có chính sách nào để khuyến khích như cách Hàn Quốc đã làm.
Những tập đoàn ấy phải tạo ra xương sống của nền kinh tế. Một quốc gia muốn phát triển nhất định phải có.
Nói thật, hệ thống chính sách của Việt Nam chưa đủ tầm cỡ để làm được điều này. Ông Tiền là người hiểu rất rõ điều đó và luôn nói với tôi rằng: “Chưa một quốc gia thịnh vượng nào nhờ liên doanh với nước ngoài. Các quốc gia thực sự là quốc gia công nghiệp thịnh vượng đều không (thể) dựa vào FDI. Tất cả khu vực Đông Nam Á đều đang dựa vào FDI, nên lúc nào cũng đi theo sau”.
Những doanh nhân như Phạm Nhật Vượng, Vũ Văn Tiền, Lê Viết Lam, Thái Hương, Trần Bá Dương… đều là những con người rất đáng khâm phục, bởi trong một xã hội hầu như chưa có chính sách gì đáng kể, họ dám đứng ra để xây dựng các nhà máy rộng lớn, độc lập về công nghệ, làm chủ công nghệ, với khát vọng trở thành những thương hiệu của quốc gia, dân tộc.
- Tôi nhớ khi phát biểu trong các hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nhân, ông Tiền thường nhắc đến điều cần thiết nhất là những cơ chế, chính sách phải minh bạch và sòng phẳng. Bởi khát vọng thì doanh nhân Việt Nam có thừa. Việc của Nhà nước là phải có cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế tư nhân và ông cho rằng, các chính sách thiết kế cho khu vực này cần nhìn xa trông rộng hơn.
TS. Lê Xuân Nghĩa: Hàn Quốc có những tập đoàn hùng mạnh như bây giờ là nhờ tới thời ông Park Chung Hee từ nửa thế kỷ trước.
Nhìn xa trông rộng có thể khiến đất nước nghèo trở thành quốc gia công nghiệp phát triển. Mà một quốc gia công nghiệp thì bắt buộc phải có công nghiệp chế tạo, đóng tàu, máy công nghiệp… là nơi thu hút lao động và tạo ra nền công nghiệp quốc phòng.
Nhà nước định hướng chọn ra một số doanh nghiệp tư nhân nổi trội và có chính sách hỗ trợ họ. Đó là cách làm của Hàn Quốc và các nước đang phát triển muốn bứt phá, muốn ngang hàng với châu Âu và Mỹ thì phải làm như thế. Đồng thời, phải bảo hộ thị trường. Có nhiều cách để bảo hộ nếu như Nhà nước chủ động tạo ra những rào cản với khối ngoại. Trong một thị trường đã mở toang, nếu cứ để các doanh nghiệp Việt Nam đi đứng run rẩy, cạnh tranh khốc liệt với những con gà “gô” thì lớn thế nào được?
Kể cả những doanh nhân lớn như ông Vũ Văn Tiền, ông Phạm Nhật Vượng cũng khó có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài. Cách đây 20 năm, ông Tiền ngồi với ông Mã Vân (Alibaba). Ông Mã Vân hỏi ông Tiền có bao nhiêu tiền, ông Tiền nói có 14 triệu USD. Ông Mã Vân bảo ông ấy có 8 triệu USD. Vào thời điểm đó, ông Tiền giàu hơn ông Mã Vân. Vậy mà tại thời điểm này, ông Tiền mới chỉ có 3 tỷ USD mà ông Mã Vân đã có 300 tỷ USD.
Nói như vậy để thấy rằng, những tập đoàn tầm cỡ quốc gia thì phải có chính sách quốc gia. Chứ nếu để doanh nghiệp tự lực cánh sinh thì khó có thể tồn tại.
- Trong bối cảnh hiện nay, tinh thần chỉ đạo “chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Chính phủ đã phát huy hiệu quả tích cực. Nhưng ông Tiền cũng đề xuất là lúc này, chúng ta cũng cần “cứu doanh nghiệp như cứu hoả”. Cái doanh nghiệp thiếu nhất hiện nay là dòng tiền, nhưng doanh nghiệp cũng không nên tìm cách “xin” tiền Nhà nước. Vì vậy, điều doanh nghiệp cần nhất lúc này là những quyết sách, cơ chế từ Chính phủ. Ông Tiền lấy ví dụ, với những dự án đang triển khai trước dịch, phải cho khởi động lại. Thậm chí có cơ chế vừa làm vừa hoàn thiện thủ tục nếu chưa hoàn thiện. Phải hành động quyết liệt như thời chiến. Chính phủ cũng cần xem xét từng lĩnh vực đặc thù và có chính sách đặc thù cho từng lĩnh vực như hàng không, du lịch, nghỉ dưỡng…
TS. Lê Xuân Nghĩa: Chính xác là như vậy. Làm được như vậy mới có thể giải phóng hệ thống ngân hàng ra khỏi đống tài sản thế chấp cũng như đống nợ xấu. Ở Việt Nam có những thủ tục doanh nghiệp mất cả chục năm trời vẫn chưa thể hoàn thành. Nếu Chính phủ đứng ra giải quyết thì những tài sản đó có thể thanh lý được, nợ xấu có thể xóa được và nguồn lực được khơi thông cho cả hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp.
Bạn biết đấy, có những doanh nhân cả một cuộc đời chỉ cần thắp lên được một ngọn lửa đã là điều đáng trân quý. Riêng ông Vũ Văn Tiền, với sáu ngọn lửa đã thắp lên, và hiện tại, vẫn phát biểu thắng thắn và tâm huyết như thế, là những giá trị hết sức có ý nghĩa đối với cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân và nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Tôi muốn nhấn mạnh thêm điều này:
Nếu xét về thực lực về tài sản ròng, ông Vũ Văn Tiền là người giàu thứ nhì hoặc ít nhất là thứ ba ở Việt Nam. Tôi cảm nhận được từ con người ông Tiền rằng, đến bây giờ, ông ấy làm giàu không còn vì nhu cầu bản thân và gia đình, mà trở thành niềm hạnh phúc khi được phục vụ cho nhân dân và xã hội.
Tôi chưa bao giờ thấy ông ấy có suy nghĩ mệt mỏi và muốn dừng lại. Chưa bao giờ thấy ông ấy đầu hàng trước khó khăn, ngay cả trong suy nghĩ, trong tâm tưởng.
Trong dòng máu của doanh nhân Vũ Văn Tiền, kinh doanh còn là lẽ sống. Ý chí và tinh thần kinh doanh vẫn đang cuồn cuộn chảy sự cho sự phát triển của đất nước.
Sáu ngọn lửa mà ông Tiền đã thắp lên đều hướng đến một ngọn lửa rực sáng là khát vọng Việt Nam. Ông ấy luôn quan niệm: “Còn khát vọng là còn tất cả”. Những doanh nhân như vậy cùng với cộng đồng doanh nhân Việt Nam mới biến khát vọng Việt Nam thành hiện thực được!