"Ông vua không ngai" trong làng phần mềm Ấn Độ

KHÁNH HÀ 02/11/2021 01:15

Azim Hashim Premji thường được nhắc đến với danh xưng không chính thức là "ông vua phần mềm" của Ấn Độ, chủ tịch Tập đoàn Wipro Limited.

Từ việc nỗ lực cứu công ty dầu mỏ đang mắc nợ của gia đình ở Amalner đến việc thành lập một tập đoàn chân chính có doanh thu hơn 10 tỷ USD, Azim Premji: The Man Beyond the Billions ghi lại hành trình phấn đấu kéo dài năm thập kỷ của Azim Premji. 

Năm thập kỷ với nhiều bước ngoặt

Tỷ phú Azim Hashim Premji

Tỷ phú Azim Hashim Premji

Cha của ông là Mohamed Hashem Premji là một doanh nhân nổi tiếng, người đã thành lập Công ty Western India Vegetable Products, chuyên kinh doanh các sản phẩm bơ, dầu thực vật hay xà bông. Các sản phẩm được biết đến nhiều với tên gọi "Kisan", "Sunflower" và "Camel".

Trong khi đó, ông đang theo đuổi ngành học công nghệ kỹ thuật điện tại trường Đại học Stanford, California. Tuy nhiên, Premji đã phải bỏ dở việc học của mình để về tiếp quản công ty sau cái chết đột ngột của cha vào năm 1966. Màn lột xác của một công ty kinh doanh dầu tinh chế cũng bắt đầu từ đó.

Chẳng bao lâu sau khi nắm quyền kiểm soát, ông bắt đầu mở rộng hoạt động kinh doanh, cung cấp đa dạng các mặt hàng, từ bóng đèn đến dầu gội trẻ em, bột và các sản phẩm tiêu dùng khác. Năm 1975, công ty này bắt đầu sản xuất xi lanh thủy lực và xe tải kéo. Do không còn chỉ kinh doanh với các sản phẩm từ thực vật nên Premji đã đổi tên công ty thành Wipro vào năm 1977.

Bước ngoặt nhà lãnh đạo trẻ và Wipro xảy đến khi chính phủ Ấn Độ trục xuất gã khổng lổ sản xuất máy tính IBM khỏi nước này vào năm 1979. Premji đã ngay lập tức nhận ra miếng bánh béo bở từ thị trường phần cứng, phần mềm máy tính và bắt đầu kinh doanh máy tính.

Vào những năm 1980, công ty đã hợp tác với một số doanh nghiệp khác trong lĩnh vực máy tính, trong đó có Sentinel Computer Corporation từ Mỹ. Sau khi nhận được giấy phép từ Sentinel, Wipro bắt đầu phát triển phần cứng máy tính, phần mềm và các mặt hàng liên quan đồng thời định vị mình trở thành công ty công nghệ hàng đầu Ấn Độ.

Nhờ việc chiêu mộ được những nhân tài hàng đầu về công nghệ phần mềm và cung cấp cho họ những khóa đào tạo đẳng cấp thế giới để trau dồi thêm các kỹ năng, Wipro đã phát triển được phần mềm chất lượng cao với chi phí thấp hơn đáng kể so với các đối thủ ở Mỹ, cho phép công ty xuất khẩu thành công phần mềm tùy chỉnh sang cường quốc này.

Từ một công ty sản xuất dầu thực vật, với doanh thu khoảng 2 triệu USD, đến năm 1999, Wipro đã trở thành công ty CNTT lớn thứ 2 Ấn Độ (chỉ sau TCS). Cũng nhờ vào sự gia tăng đáng kể của cổ phiếu công nghệ, giá trị của Wipro tăng vọt vào cuối những năm 1990, đồng thời giúp Premji trở thành một trong những doanh nhân giàu nhất thế giới khi ấy. Tờ "Business Week" cũng ca ngợi ông như một nhà doanh nhân vĩ đại bậc nhất vì đã biến Wipro trở thành một trong những công ty phát triển nhanh nhất thế giới.

Wipro sớm định vị mình trở thành công ty công nghệ hàng đầu Ấn Độ

Wipro sớm định vị mình trở thành công ty công nghệ hàng đầu Ấn Độ

Đến thời điểm hiện tại, Wipro là nhà xuất khẩu công nghệ thông tin lớn thứ 3 Ấn Độ, hoạt động tại 55 quốc gia với 108.000 nhân viên và doanh số khoảng 6 tỷ USD/năm. Các hoạt động kinh doanh bao gồm từ phần mềm, dịch vụ năng lượng xanh đến tư vấn và thuê ngoài. Trong khi đó, ông Premji có tài sản ròng trị giá 21,5 tỷ USD tính đến tháng 5/2019, là tỷ phú giàu thứ 3 Ấn Độ.

Người có trái tim nhân ái

Với cách sống chi tiêu tiết kiệm, ông được thế giới kinh doanh coi là Uncle Scrooge (nhân vật nổi tiếng trong loạt truyện về vịt Donald với sự giàu có và lối sống kín đáo).

Chưa hết, ông cũng quyên góp 75% tài sản của mình cho hoạt động từ thiện. Với tổng trị giá khoảng 21 tỷ USD, khoản quyên góp của ông cho Azim Premji Foundation, tổ chức phi lợi nhuận tập trung giáo dục, đã đưa Premji trở thành một trong những nhà từ thiện hàng đầu thế giới.

Chia sẻ về Premji, Nandan Nilekani, chủ tịch không điều hành của đối thủ Infosys, nói: “Ông ấy là một người đàn ông khác thường”. Và Premji đúng như vậy. Không giống hầu hết tỷ phú, ông không đi lại với tấm vé hạng nhất và cũng dành niềm tin vào các sản phẩm sản xuất tại Ấn Độ. Quản lý mọi thứ ở tầm vi mô, Premji đi sâu vào lĩnh vực của mọi vấn đề nhỏ. Ông mang theo tập giấy màu vàng nổi tiếng của mình, trong đó ông ghi chép tỉ mỉ những vấn đề ông tìm hiểu, quan sát được.

Ông dành phần lớn tài sản để nỗ lực cải thiện nền giáo dục Ấn Độ

Ông dành phần lớn tài sản để nỗ lực cải thiện nền giáo dục Ấn Độ

Sự tôn trọng của Premji với các nguồn tài nguyên được thể hiện rõ qua tính tiết kiệm của ông. Premji đi xung quanh để tắt đèn và quạt sau khi mọi người đã ra khỏi hoặc kiên trì yêu cầu cả hai mặt của một tờ giấy phải được sử dụng khi photocopy, hay khi ông đòi dùng tiền túi để trả cho các cuộc gọi cá nhân ông thực hiện tại nơi làm việc, điều tạo ra tiền lệ để tất cả noi theo.

Những thành tựu kinh doanh của Premji thường bị lu mờ bởi sự hào phóng nổi tiếng của Premji, phẩm chất mà ông thấm nhuần từ mẹ của mình là tiến sĩ Gulbanoo Premji, người đồng sáng lập Hiệp hội Phục hồi chức năng Trẻ em tàn tật Mumbai.

Tương tự như tỷ phú Bill Gates hay Warren Buffet, năm 2001, ông thành lập Quỹ Azim Premji phi lợi nhuận nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học ở các vùng nông thôn trên khắp Ấn Độ. Đến cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, tổ chức này đã mở rộng hỗ trợ máy tính cho hơn 16.000 trường học, thiết lập sẵn ngôn ngữ địa phương và cung cấp nội dung thân thiện với trẻ em.

Phần lớn những nỗ lực của ông Premji tập trung vào các bé gái – giúp cho họ được đi học để có một nền giáo dục cơ bản, đảm bảo giáo viên được đi làm, trao quyền nhiều hơn cho các nữ lãnh đạo ở cấp làng. "Làm thế nào bạn có thể đóng góp vào việc xây dựng xã hội và quốc gia Ấn Độ? Không có cách nào tốt hơn là nâng cấp chất lượng của những người trẻ tuổi ở trường, đặc biệt là các trường được điều hành bởi chính quyền bang trong các ngôi làng.", ông chia sẻ.

Mới đây, tỷ phú 74 tuổi tiếp tục tặng thêm 34% cổ phần tại công ty, trị giá gần 530 tỷ Rupee (7,5 tỷ USD) cho quỹ từ thiện mang tên mình, nâng tổng số tiền ông đã chi cho quỹ này lên 21 tỷ USD, bao gồm 67% cổ phần tại Wipro.

Khi dịch bệnh Covid-19 gõ cửa Ấn Độ, tập đoàn Wipro đã quyên tặng khoảng 180 triệu USD, số tiền hỗ trợ lớn nhất từ một công ty Ấn Độ, bên cạnh việc phân phát hàng triệu suất ăn và giường bệnh.

Tại một buổi thuyết trình với sinh viên trường kinh doanh Stanford, Mỹ, Premji đã tóm tắt cách ông đối mặt những thành công và thất bại trong sự nghiệp của mình: “Không thể tạo ra một vài ý tưởng tốt mà không có nhiều ý tưởng tồi. Thất bại nên được tha thứ và lãng quên hoàn toàn”.

KHÁNH HÀ