Ingvar Kamprad – Vị tỷ phú “lập dị”!
Với nhiều người, việc kiếm tiền là để hưởng thụ những thứ do đồng tiền mang lại. Nhưng Ingvar Kamprad, người sáng lập Ikea, “đế chế nội thất” của Thụy Điển lại không nghĩ vậy.
>>>IKEA khai tử một huyền thoại marketing 60 năm tuổi
>>>Câu chuyện khởi nghiệp của nhà sáng lập "đế chế" nội thất IKEA
Với giá trị tài sản ròng hơn 40 tỷ USD, Ingvar Kamprad, người sáng lập chuỗi nội thất Ikea, là một trong những người giàu nhất thế giới. Nhưng, nếu nói về tiết kiệm, ông là số hai thì chẳng có ai là thứ nhất.
Ikea, trong tiếng Thụy Điển có nghĩa là “tạm thời hết hàng”. Nhưng trên thực tế, nó là một từ viết tắt bao gồm các chữ cái đầu của người sáng lập lập dị, Ingvar Kamprad, cùng với chữ E là Elmtaryd, trang trại gia đình ông ở Thụy Điển và chữ A là từ Agunnaryd, ngôi làng nơi ông lớn lên.
Ingvar Kamprad sinh năm 1926 tại miền Nam Thụy Điển, ông bắt đầu kinh doanh từ nhỏ bằng việc bán những que diêm cho nhà hàng xóm. Từ diêm, ông mở rộng sang bán cá, rồi đến đồ trang trí cây thông Noel, hạt giống và sau đó là bút bi, bút chì.
Năm 17 tuổi, ông thành lập một công ty nhỏ để có thể đấu thầu hợp đồng cung cấp bút chì. Trong vòng 5 năm, Kamprad đã thành lập một công ty đặt hàng qua thư và gửi hàng đi cùng với những vòng giao sữa hàng ngày.
>>>Chuyện chưa kể về ông chủ đế chế đồ gỗ IKEA
Ngay sau đó, ông đến khám phá một nhà máy không sử dụng và bắt đầu chuyển sang sản xuất đồ nội thất. Mức giá thấp đã làm các tập đoàn đồ nội thất của Thụy Điển vào thời điểm đó tức giận, và họ áp đặt một cuộc tẩy chay đối với công ty của Kamprad vào cuối những năm 1950. Ông đã đáp lại bằng cách chuyển sang các nhà sản xuất Ba Lan để cung cấp các linh kiện rẻ tiền có thể được lắp ráp tại nhà. Một Ikea hiện tại đã ra đời từ đó.
Nói đến Ingvar Kamprad người ta thường nhắc đến tính cách tiết kiệm đến mức lập dị của ông. Người sáng lập của Ikea thường xuyên lui tới các nhà hàng giá rẻ, đi máy bay vé hạng phổ thông và mặc cả từng xu tại khu chợ ở ngôi làng Thụy Sĩ gần Lausanne, nơi ông sống lưu vong vì thuế.
Năm 2016, Ingvar Kamprad từng tiết lộ trong một bộ phim tài liệu phát sóng trên truyền hình Thụy Điển rằng ông luôn mua quần áo ở chợ trời để tiết kiệm tiền.
"Tôi không nghĩ rằng mình đang mặc bất cứ thứ gì không mua ở chợ trời. Điều đó có nghĩa là tôi muốn làm một tấm gương tốt. Làm thế quái nào tôi có thể yêu cầu những người làm việc cho tôi có khả năng tiết kiệm nếu tôi không làm vậy? Đó là một câu hỏi về khả năng lãnh đạo”, ông nói với kênh TV4 của Thụy Điển.
Chẳng thế mà trang web Listverse xếp Ingvar Kamprad ở vị trí thứ hai trong danh sách "10 triệu phú và tỷ phú lập dị nhất hành tinh". Listverse cho rằng những lý do khiến ông được xếp hạng là vì "vẫn lái chiếc Volvo có đến 20 tuổi, tái chế túi trà, “nhặt trộm” gói muối và hạt tiêu từ các nhà hàng". Thậm chí, “nhà của ông ấy còn được trang bị đồ nội thất Ikea do … chính tay ông tự lắp ráp”, tờ Listserve cho biết thêm.
Trong một bài báo do tờ AFP đưa tin, Ingvar Kamprad cho rằng thói quen chi tiêu là do nơi ông sinh ra và lớn lên. “Bản chất của Smaland là tiết kiệm”, ông nói khi đề cập đến vùng nông nghiệp phía nam của Thụy Điển, nơi ông lớn lên.
Mặc dù keo kiệt với bản thân như vậy, nhưng Ingvar Kamprad lại từng bỏ rất nhiều tiền để quyên góp từ thiện cho nhiều nơi gặp khó khăn trên thế giới. Năm 2016, Ikea đã từng quyên tặng 142 triệu Euro cho các đối tác, để sử dụng vào mục đích từ thiện. Và trong số đó, Việt Nam cũng là nước nhận được nhiều sự hỗ trợ.
Theo một số nguồn tin cho biết, Ingvar Kamprad đã từng có một cuộc gặp gỡ tình cờ với một doanh nhân đang làm ăn ở Việt Nam năm 1995 tại Sân bay Bangkok (Thái Lan), chính điều này đã khởi đầu cho việc ông phát triển mạng lưới các nhà cung cấp ở Việt Nam. Ingvar Kamprad đã từng đến thăm Việt Nam 3 lần.
Việt Nam cũng là nước mà ông đã từng đến cắt tóc với mục đích … tiết kiệm tiền. “Thông thường, tôi cố gắng cắt tóc khi ở một nước đang phát triển, lần trước là ở Việt Nam", ông từng chia sẻ với tờ báo Thụy Điển, Sydsvenskan.
Ngày 27/1/2019, cuộc đời Ingvar Kamprad đã khép lại, nhưng di sản của ông thì còn mãi. Chủ đề xã hội và đạo đức mạnh mẽ xuyên suốt cuộc đời của vị tỷ phú lập dị này. Sinh thời, có rất nhiều câu châm ngôn ông để lại: "Lãng phí tài nguyên là tội trọng", "Hạnh phúc không phải là đạt được mục tiêu mà là ở trên đường đi" hay là "Tôi hứa sẽ không mang bất cứ một xu nào xuống mồ".
Có thể bạn quan tâm
Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ, được công nhận bằng Giáo sư quốc tế
10:34, 17/11/2021
Doanh nhân Lê Ngọc Anh: Từ quý cô tuổi Dần cá tính tới CEO đầy bản lĩnh
11:00, 16/11/2021
Doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang: "COVID-19 là chất xúc tác cho những sự thay đổi"
03:00, 16/11/2021
Doanh nhân Đỗ Quang Hiển và nguyên tắc: “nói ít, làm nhiều”
03:00, 13/11/2021
Doanh nhân Vũ Duy Bổng lọt top 50 “Gương sáng pháp luật"
09:00, 10/11/2021
Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn được tôn vinh “Gương sáng Pháp luật”
22:06, 08/11/2021