CEO& Founder Chu Phương Linh: 4.0 và cơ hội lớn của ngành thời trang

KHÁNH LINH - LILO NGUYỄN 21/01/2022 03:44

"Thời đại 4.0, doanh nghiệp có nhiều lợi thế trong tạo mẫu kỹ thuật số, tạo hình ảnh và quản lý, cùng với đó là việc tiếp cận được tệp khách hàng trực tuyến mà không cần đầu tư lớn".

CEO& Founder Chu Phương Linh

CEO& Founder Chu Phương Linh

Hiện nay, lĩnh vực thời trang được khá nhiều người lựa chọn để kinh doanh. Cũng bởi, đời sống người dân ngày càng cải thiện và nhu cầu làm đẹp của con người thay đổi mỗi ngày. Tuy nhiên, việc kinh doanh và khởi nghiệp trong lĩnh vực thời trang cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là sự phát triển của sàn thương mại điện tử và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trò chuyện với CEO& Founder Chu Phương Linh, của LINN Design - thương hiệu thời trang ứng dụng với những chiếc áo dài độc và lạ về câu chuyện này.

- Thưa bà, cơ duyên nào đưa bà đến với ngành thời trang?

Tôi yêu thời trang từ nhỏ, ngày bé, tôi có thể say sưa chơi búp bê cả ngày và thiết kế cho búp bê vô vàn quần áo đẹp. Thời trang với tôi là một phần không thể thiếu, nó như hơi thở, chừng nào còn thở là ngày đó còn mặc đẹp, còn yêu thời trang. Trước khi khởi nghiệp, tôi nắm bắt được xu hướng của giới trẻ là thích sản phẩm thiết kế nên thay vì nhập khẩu như số đông thì tôi chọn con đường tự thiết kế sản phẩm. Đến nay, tôi đã có thương hiệu của riêng mình- LINN Design.

CEO& Founder Chu Phương Linh: Gia đình là số 1

CEO& Founder Chu Phương linh với những chiếc áo dài cách tân độc và lạ

- Khi khởi nghiệp, bà đã gặp khó khăn gì và vượt qua như thế nào?

Bất cứ ai khi khởi nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn và tôi không phải ngoại lệ. Đó là những ngày tháng tôi rong ruổi ở chợ vải, lên mẫu, tìm kiếm chất liệu và làm quen với việc bán hàng. Những tháng đầu tiên mới khởi nghiệp, tôi phải đi gặp từng khách hàng để tư vấn, lấy số đo cá nhân và giới thiệu cho họ từng sản phẩm của mình. Ấy thế mà có người còn không ưng, nghe tư vấn xong rồi thôi. Thật sự, những lúc ấy, tôi buồn lắm. Không hiểu, mình có “lỡ lời” hay làm gì phật ý khiến khách hàng không hài lòng,… Dần dần, tôi rút được kinh nghiệm, lắng nghe những phản hồi của khách hàng. Đến nay, thương hiệu của tôi đã được nhiều người biết đến. Khách hàng đã tự tìm đến mình, số lượng sản phẩm ngày càng nhiều hơn. Tất cả của ngày hôm nay với tôi là thành quả trọn vẹn trong đúng như câu "hữu xạ tự nhiên hương". Tôi làm việc với cả trái tim và mình chiếm được trái tim khách hàng.

CEO& Fouder Chu Phương Linh, làm việc với cả trái tim và sự nhiệt huyết

CEO& Fouder Chu Phương Linh, làm việc với cả trái tim và sự nhiệt huyết

- Hiện nay, thương mại điện tử đang được nhiều doanh nghiệp hướng đến. Quan điểm của bà như thế nào?

Tôi cho rằng, đó là xu thế của thời đại. Đã qua rồi cái thời mở một cửa hàng trên phố và đợi khách vãng lai vào mua hàng. Tôi tin, tương lai của mua sắm là trực tuyến và doanh nghiệp phải dần thích ứng với điều này. Sàn thương mại điện tử là yếu tố không thể thiếu trong kinh doanh 4.0 và điều đó đúng với cả ngành thời trang. Thay đổi để tồn tại và phát triển bền vững với thương hiệu vượt ra khỏi “ao làng” - chính là những gì ngành thời trang cần làm lúc này.

Hơn nữa, ở thời đại 4.0, doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế từ sự ra đời các công nghệ mới trong tạo mẫu kỹ thuật số, tạo hình ảnh và quản lý sản xuất kỹ thuật số khác liên quan. Cùng với nó là việc tiếp cận được tệp khách hàng trực tuyến mà không cần đầu tư lớn, đó thực sự là một lợi thế. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là một cơ hội mới, đòi hỏi sự thay đổi nhanh nhạy của ngành thời trang truyền thống. Về mặt này tôi cảm thấy ngành thời trang đã, đang và sẽ làm rất tốt nhằm bắt kịp xu hướng của thời đại.

Từ thực tế, không thể phủ nhận rằng công nghệ đang dần phát triển và thay đổi thế giới toàn cầu. Các nền tảng thương mại điện tử và các mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới như Shopee, Lazada, Zalora, Facebook, Instagram, TikTok,... đã góp phần mở ra cơ hội mua sắm phong phú, đa dạng. Chỉ cần một click sẽ giúp việc mua hàng xuyên biên giới trên nền tảng kỹ thuật số trở nên dễ dàng hơn và thời trang cũng không nằm ngoài sự thay đổi tất yếu này.

CEO& Founder Chu Phương Linh: Gia đình là số 1

CEO& Founder Chu Phương Linh tỉ mỉ từng đường nét với thiết kế thời trang

- Theo bà, với sự phát triển thương mại điển tử, doanh nghiệp thời trang sẽ gặp khó khăn, thách thức như thế nào?

Tuy nhiên, khi phát triển thương mại tiện tử, doanh nghiệp có nhiều lợi thế. Thứ nhất, là việc tiết kiệm được chi phí thuê - đào tạo nhân lực và không mất nguồn phí khổng lồ cho việc thuê mặt bằng. Thứ hai, khách hàng có được sự linh hoạt trong mua sắm khi mọi sản phẩm của tôi đều được cập nhật đồng bộ trên hệ thống chỉ với những cái click chuột. Thứ ba, chính là việc tôi không phải bỏ ra nhiều tiền để tiếp thị thương hiệu của mình mà vẫn có được sự tiếp cận thương hiệu như mong muốn. Đặc biệt, sàn hỗ trợ trong việc vận chuyển, chăm sóc khách hàng, giải quyết khiếu nại với các chương trình ưu đãi, freeship cho khách hàng.

Tuy nhiên, ngoài sự phát triển tích cực thì mạng xã hội cùng các nền tảng thương mại điện tử đem tới không ít rủi ro. Thứ nhất, vì là kênh bán hàng thụ động nên doanh thu hầu như phụ thuộc vào hoạt động của sàn. Thứ hai, việc khách hàng chỉ nhớ sàn mà không nhớ shop nên việc xây dựng thương hiệu riêng trên sàn không khả thi và bị lệ thuộc vào sàn nên việc chăm sóc khách hàng hay đơn hàng sẽ không dễ dàng.

Dù vậy, tôi luôn đặt khách hàng lên hàng đầu. Khách hàng luôn luôn đúng, thái độ quan trọng hơn trình độ. Khách hàng đến với tôi đôi khi không phải vì sản phẩm mà đơn giản là để được phục vụ. Bên cạnh mẫu mã đẹp, sản phẩm chất lượng thì đó là thời gian sản xuất. Muốn có được thị trường thì mình phải là người tạo ra xu hướng và cung cấp được sản phẩm trong thời gian ngắn nhất, đến tay khách hàng nhanh nhất.

CEO& Founder Chu Phương Linh: Gia đình là số 1

Chu Phương Linh thư giãn với những phút giây thư giãn

- Trước sự “tấn công” của các thương hiệu thời trang quốc tế vào Việt Nam, theo bà thời trang Việt sẽ như thế nào?

Hiện nay, thị trường Việt Nam tràn lan các thương hiệu thời trang quốc tế với mức giá bình dân, mẫu mã đa dạng như Zara, H&M, Uniqlo... Đây là  thách thức vô cùng lớn với ngành thời trang Việt. Tuy nhiên, thời trang Việt vẫn có những thế mạnh riêng đó là hiểu được nhu cầu của người Việt, các dòng sản phẩm đơn giản gần gũi, chất lượng tốt và giá thành rẻ hơn.

Ngành thời trang đứng thứ hai chỉ sau ngành bán lẻ tiêu dùng trên thương mại điện tử, đây chính là cơ hội của mình cũng như cơ hội lớn cho các thương hiệu lớn trong nước. Trong khó khăn vẫn có những cơ hội. Đặc biệt, là cơ hội cho những local brand trẻ và năng động, họ nắm bắt xu hướng và thị hiếu rất nhanh. Tiếp cận trực tiếp những người trẻ, là đối tượng có nhu cầu lớn về thời trang.

- Theo bà, xu hướng thời trang 2022 tại Việt Nam sẽ là gì?

Việc nắm bắt được xu hướng là một trong những yếu tố then chốt quyết định đến sự phát triển của thời trang. Năm 2022, trong giai đoạn hồi phục sau đại dịch, thế giới thời trang hứa hẹn sẽ có những bước chuyển mình ấn tượng. Tuy nhiên, thời trang sẽ đơn giản hơn, tính ứng dụng cao hơn bởi nhu cầu tiệc tùng ăn chơi đều giảm mạnh sau đại dịch Covid-19. Vì vậy, theo tôi ngành thời trang sẽ thiên về những sản phẩm sử dụng được trong nhiều dịp, do người tiêu dùng cân nhắc nhiều hơn về giá nên giá thành giảm cũng sẽ là một yếu tố rất quan trọng.

Nếu trong năm 2020 – 2021, mọi quan tâm về thời trang “khựng” lại vì đại dịch, khách hàng sẽ ưu tiên những món đồ có thể mix max, tận dụng và mặc được nhiều lần. Trang phục công sở và, đồ tập trong rèn luyện thể thao thể lực, đồ bộ mặc ở nhà sẽ là những sản phẩm được đẩy mạnh. Thì năm 2022 sẽ là sự bùng nổ khi được “bung tỏa” khỏi vùng an toàn, được lộng lẫy để bù lại khoảng thời gian “lockdown covid” đã qua. Đó là hy vọng của ngành thời trang bước vào một giai đoạn mới tươi sáng hơn, màu sắc hơn và nhiều năng lượng tích cực hơn với những gam màu tự tin.

Cá nhân tôi đã mở rộng từ bán offline lên sàn thương mại điện tử và bước đầu kết quả khá khả quan. Trong quá trình phục hồi Covid-19, sức mua của người tiêu dùng đã bắt đầu mạnh trở lại. Khi các thương hiệu nước ngoài vẫn còn đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ thì các thương hiệu trong nước đã nhanh chóng cho ra đời mẫu mã mới và sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng.

CEO& Founder Chu Phương Linh: Gia đình là số 1

CEO& Founder Chu Phương Linh luôn dành một góc quỹ thời gian cho những người  bạn đặc biệt 

- Phụ nữ làm kinh doanh sẽ vất vả, vậy bà cân bằng công việc và gia đình như thế nào?

Tôi cho rằng, phụ nữ phải biết cách cân bằng cuộc sống của bản thân, công việc và gia đình. Cân bằng nghe có vẻ đơn giản nhưng thật ra lại khá phức tạp. Tôi luôn phân biệt rõ giữa công việc và gia đình. Đặc biệt là không bao giờ mang công việc về nhà làm. Tôi luôn có những cuối tuần và dịp lễ tết dành riêng cho gia đình. Đưa nhau đi du lịch, tận hưởng một kỳ nghỉ dài trước khi quay trở lại với công việc bộn bề.

Quan điểm của tôi thì công việc là để kiếm tiền và giúp cho cuộc sống của mình dễ chịu hơn. Vì thế gia đình là số 1, cuộc sống là số 2, công việc là số 3. Nhưng những lúc làm việc mình tập trung vô cùng cao độ, không để những việc khác sao nhãng. Nói một cách dễ hiểu đó là: làm ra làm, chơi ra chơi.

CEO& Founder Chu Phương Linh: Gia đình là số 1

Với CEO& Founder Chu Phương Linh, gia đình là số 1

- Bà có lời khuyên gì cho các bạn trẻ đam mê thời trang và muốn khởi nghiệp ngành thiết kế và kinh doanh thời trang hiện nay?

Kinh doanh - thiết kế thời trang tại Việt Nam là vô cùng chông gai, nhất là với người mới khởi nghiệp. Trong đó, rào cản lớn cho khởi nghiệp là nhân sự, chi phí vận chuyển, hàng hóa, gian hàng, kho xưởng sản xuất. Trong cuộc đua kinh doanh khốc liệt, mỗi doanh nghiệp cần xác định được khách hàng tiềm năng và khách hàng mục tiêu mình hướng tới. Phải hiểu rõ được nhu cầu của khách hàng và đáp ứng các nhu cầu đó tốt nhất. Các bạn trẻ hãy nắm bắt nhu cầu của khách hàng, bán cái mà khách hàng cần chứ đừng chỉ bán cái bạn có. Nếu như những ngành khác bạn khởi nghiệp bằng đam mê thì với thời trang bạn phải đam mê gấp 2 lần.

- Xin cảm ơn bà./.

Có thể bạn quan tâm

  • Ùn tắc nông sản biên giới: Đẩy mạnh kênh tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử

    Ùn tắc nông sản biên giới: Đẩy mạnh kênh tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử

    03:15, 18/01/2022

  • Vì sao Vietnam Airlines

    Vì sao Vietnam Airlines "lấn sân" sàn thương mại điện tử?

    06:40, 08/01/2022

  • Logistics - mắt xích quan trong trong cuộc đua thương mại điện tử

    Logistics - mắt xích quan trong trong cuộc đua thương mại điện tử

    04:00, 04/01/2022

  • Thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên thương mại điện tử - kinh tế số

    Thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên thương mại điện tử - kinh tế số

    05:38, 03/01/2022

  • Sôi động thị trường thương mại điện tử dịp cuối năm

    Sôi động thị trường thương mại điện tử dịp cuối năm

    03:30, 30/12/2021

KHÁNH LINH - LILO NGUYỄN