Con đường thành công của những doanh nhân tuổi Hổ

Bài: Đình Đại - Thiết kế LILO 01/02/2022 04:02

Nhân dịp năm mới Nhâm Dần 2022, Diễn đàn Doanh nghiệp giới thiệu đến độc giả những doanh nhân nổi tiếng hàng đầu Việt Nam. Điểm chung ở họ đều là những người sinh năm Nhân Dần cầm tinh con Hổ.

Trong 12 con giáp, tuổi Dần đứng thứ 3, thường biểu trưng cho những người có tính cách bản lĩnh, cứng rắn, lành lùng. Tính cách người tuổi Nhâm Dần thường thiên về lý trí nhiều hơn tình cảm, tôn trọng lẽ phải và rất nghĩa khí. Họ cũng là người sống khá nội tâm, ít khi tâm sự ra ngoài. Đối với những việc cần quyết định, họ quyết nhanh chóng, mạnh mẽ, cương nghị, thể hiện tâm thế thẳng thắn, bộc trực và công tâm. Trong công việc, họ tập trung, tư duy cao độ, thường không bị tác động bởi ngoại cảnh.

Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức sinh năm Nhâm Dần (1962) tại tỉnh Bình Định. Ông được biết đến nhiều hơn với biệt danh “bầu Đức” cũng như tình yêu, sự quan tâm và đầu tư dành cho bóng đá nước nhà. “Ông Bầu” trong làng bóng từ hai bàn tay trắng đã xây dựng nên thương hiệu nổi tiếng Hoàng Anh – Gia Lai. Năm 2011, ông được Wall Street Journal đánh giá là một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á.

Sau 4 lần thi trượt đại học và trải qua nhiều công việc khác nhau để kiếm sống, vào năm 1990, bầu Đức khởi nghiệp bằng việc trực tiếp điều hành một phân xưởng mộc nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại Gia Lai. Sau một thời gian hoạt động kinh doanh có hiệu quả ông chuyển qua nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau như: trồng và chế biến gỗ, mủ cao su, sản xuất đá granit. Ông đã trở thành ông chủ của Tập đoàn tư nhân nổi tiếng trong nước và quốc tế -  Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Thừa thắng xông lên Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai mở rộng địa bàn kinh doanh ra các tỉnh trong cả nước và bổ sung ngành nghề kinh doanh mới là du lịch, địa ốc… Bầu Đức vốn nổi tiếng là người mê bóng đá, từ năm 2001, ông đã bỏ ra mỗi năm hơn 10 tỷ đồng đầu tư cho bóng đá. Nhờ bóng đá mà Hoàng Anh Gia Lại nhanh chóng trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước. Bầu Đức được xem là người đầu tiên ở Việt Nam sở hữu máy bay riêng với giá lên tới 7 triệu USD. Một lần nữa nhờ thương vụ mua máy bay mà tên tuổi của ông lại nổi như cồn. Hình ảnh của ông xuất hiện trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng.

Bầu Đức được xem là người đầu tiên ở Việt Nam sở hữu máy bay riêng với giá lên tới 7 triệu USD.

Vào cuối năm 2008, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai chính thức niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), với mã cổ phiếu là HAG và nhanh chóng nhận được sự quan tâm của giới đầu tư. Với trên 55% số cổ phiếu sở hữu, bầu Đức trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt 2008 do VnExpress.net bình chọn. HAG để lại dấu ấn khi liên tục huy động được vốn đầu tư nước ngoài. HAG cũng là doanh nghiệp tư nhân đi tiên phong trong việc đầu tư ra nước ngoài.

Tuy nhiên, với sự tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh điêu đứng. Thị trường chứng khoán tụt dốc, chỉ số VN-index dò dẫm tìm đáy, bất động sản đóng băng…, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh càng kinh doanh càng lỗ. Và HAG của bầu Đức cũng không ngoại lệ. Trong một thời gian dài, HAG liên tục bị hạ bậc tín nhiệm, nợ thuế và phải “ôm” món nợ khổng lồ. Hoạt động kinh doanh bất động sản gặp khó khăn khiến doanh nghiệp này lao đao.

Để cứu doanh nghiệp, bầu Đức đã cơ cấu lại hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, giảm đầu tư vào bất động sản, tập trung vào thủy điện, khai khoáng và đặc biệt là tham gia đầu tư vào mảng nông, lâm nghiệp. Chiến lược này lúc bấy giờ được bầu Đức gọi là chiến lược “đi bằng 4 chân”, nếu bất động sản yếu đi thì HAG vẫn vững 3 chân còn lại.

Không chỉ nổi tiếng trong kinh doanh, bầu Đức còn được biết đến là người có công lớn phát hiện và đưa HLV Park Hang Seo về với bóng đá Việt Nam. Không chỉ giới thiệu ông Park cho đội tuyển Việt Nam, bầu Đức còn kiêm luôn phần trả lương cho vị HLV người Hàn Quốc. Cụ thể, mỗi tháng, HLV Park Hang Seo nhận 22.000 USD (hơn 500 triệu đồng), cộng với 35% thuế thu nhập cá nhân cũng do bầu Đức chi trả, tổng cộng, mỗi tháng, bầu Đức chi khoảng 700 triệu đồng tiền lương cho HLV Park Hang Seo (trong thời gian 2 năm 2017-2019).

Mặc dù những năm gần đây, HAG vẫn chưa thoát khỏi khó khăn khi vẫn đang “ôm” một khoản nợ lớn. Nhưng nhắc đến Hoàng Anh Gia Lai, người ta vẫn nghĩ ngay đến bầu Đức. Người được xem là doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á. Người chưa từng tốt nghiệp đại học nhưng lãnh đạo hàng chục nghìn người có bằng cấp đại học và trên đại học.

Doanh nhân Đỗ Quang Hiển sinh năm Nhâm Dần (1962), tốt nghiệp khoa Vật lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp ra trường, ông làm việc cho Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình. Làm việc được 3 năm, ông xin nghỉ và ra nhập Viện nghiên cứu Công nghệ Quốc gia, để thỏa mơ ước nghiên cứu, cho ra những công trình mang tầm quốc gia.

Tuy nhiên cơ chế, môi trường cơ quan Nhà nước không thể giữ ông lại, vì thế, ông đã quyết định nghỉ công việc “bàn giấy” để lao vào kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông… với dấu mốc là thành lập Công ty Công ty TNHH Công nghệ và thương mại T&T vào năm 1993.

Lựa chọn mặt hàng kinh doanh có phần phù hợp với “máu” khoa học có lẽ là một trong những lý do quan trọng giúp ông Hiển nhanh chóng gây dựng sự nghiệp bền vững khi T&T được chọn làm đại lý độc quyền tại thị trường Việt Nam cung cấp các sản phẩm thuộc các nhãn hàng danh tiếng của Nhật Bản như Panasonic, Mitsubishi, National…

Năm 1998, trong lúc hoạt động kinh doanh liên tục phát triển, ông Hiển cũng như nhiều doanh nhân kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh… chịu cú sốc lớn khi Công ty Tân Trường Sanh nhờ sự giúp sức của một số cán bộ hải quan đã “tuồn” vào trong nước lượng hàng điện tử, điện lạnh… với khối lượng rất lớn, khiến Nhà nước thất thu tới gần 1.000 tỷ đồng thời điểm đó, các công ty phân phối trong nước điêu đứng vì không bán được hàng.

Khi đã xây dựng được vị thế trong ngành điện tử, điện lạnh… đồng thời nhận thấy ngành này cạnh tranh ngày càng khốc liệt, ông Hiển đã mạnh dạn đầu tư sang một thị trường nhiều tiềm năng là xe máy.

Dù gia nhập thị trường này khá sớm nhưng do áp lực cạnh tranh đến quá nhanh và khốc liệt nên ông Hiển gần như đã tính đến chuyện ngừng dây chuyền sản xuất xe máy nhưng cuối cùng vẫn kiên trì và thành công trong mảng này.

Năm 2006, doanh nhân Đỗ Quang Hiển bước chân vào lĩnh vực ngân hàng với khoản đầu tư vào Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái, tiền thân của ngân hàng SHB. Từ mức vốn điều lệ chỉ 500 tỷ đồng, đến nay, vốn điều lệ của SHB đã tăng lên mức 19.260 tỷ đồng, tương đương mức tăng lên tới… gần 40 lần sau khoảng 15 năm.

Vào năm 2012, ông Hiển quyết định sáp nhập ngân hàng yếu kém Habubank vào SHB. Sau khi sáp nhập, ngay lập tức SHB của ông Đỗ Quang Hiển đã ghi nhận mức lỗ lên tới 1.700 tỷ đồng trong quý III/2012. Tỷ lệ nợ xấu tăng vọt từ 2,2% lên 13,2%. Đó là chưa kể đến các khoản nợ xấu tiềm ẩn và áp lực thoái lãi dự thu.

Chỉ một vài năm gần đây, lợi nhuận của SHB mới phục hồi lại được mức tương xứng với quy mô ngân hàng và SHB dự kiến phải mất cả thập kỷ từ khi sáp nhập để giải quyết triệt để các vấn đề liên quan.

Bầu Hiển rất thành công trong lĩnh vực đầu tư bóng đá.

Năm 2006 cũng là năm ông thành lập Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá T&T Hà Nội và cái biệt danh “bầu Hiển” cũng gắn bó với ông từ đây. Chỉ sau 3 năm thành lập, CLB này đã lên 3 hạng từ hạng 3 lên hạng chuyên nghiệp và giành quyền thi đấu ở V-League từ năm 2009.

Bóng đá là niềm đam mê lớn với bầu Hiển. Ngay từ khi thành lập CLB, ông đã cẩn thận xây dựng một đội trẻ từ lứa U15 bài bản và có chiều sâu, lấy đào tạo làm nền tảng cho phát triển bóng đá. Kết quả, CLB đã vô địch V.League tới 5 lần.

Đến thời điểm hiện tại, cơ ngơi đồ sộ của bầu Hiển trải dài trên rất nhiều lĩnh vực kinh doanh bao gồm: Tài chính & Đầu tư; Bất động sản; Công thương; Nông nghiệp, Lâm nghiệp & Thủy sản; Hạ tầng giao thông, cảng biển & logistic; Năng lượng và Môi trường; Y tế, Giáo dục và Thể thao.

Doanh nhân Nguyễn Duy Hưng sinh năm Nhâm Dần (1962), tại Khánh Hòa. Vào những năm 1980, trong khi còn là một cậu sinh viên trường Đại học tổng hợp TP.HCM, ông đã bắt tay vào kinh doanh từ những mặt hàng nhỏ như phụ kiện mỹ nghệ. Nhưng việc học của ông vẫn được đảm bảo song song công việc kinh doanh hái ra tiền và ông đã tốt nghiệp bằng cử nhân Luật.

Doanh nhân Nguyễn Duy Hưng từng giành được cho mình tấm vé du học tại Đông Đức - Cộng hòa dân chủ Đức vào năm 18 tuổi. Khoảng thời gian sinh sống và học tập tại nơi đây đã giúp ông có nhiều trải nghiệm và kích thích ông quan tâm tới việc mua bán hàng hóa giữa 2 đất nước Đông Đức và Việt Nam. Tuy nhiên không thể hoàn thành chương trình học của mình bên nước ngoài bởi một lần mang vali giấy ảnh về Việt Nam không được thông quan, ông quyết định khởi đầu sự nghiệp với tấm bằng đại học trong nước.

Cơ duyên thể hiện tài năng nói tiếng Đức của vị doanh nhân này là “đúng người đúng thời điểm" khi một đoàn công tác của Đức sang Việt Nam và về tỉnh Khánh Hòa làm việc thì ông Nguyễn Duy Hưng vinh dự được chọn là thư ký riêng cho vị Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Vị doanh nhân đảm nhiệm chức vụ này từ năm 1988 tới năm 1992.

Vào năm 1991, ông cùng với những người bạn của mình thành lập công ty riêng Pancific. Công ty Pancific của ông trở thành một doanh nghiệp chuyên tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài; có thể nói dự án Khách sạn Metropole và liên doanh nhà máy ô tô Hòa Bình là hai thương vụ nổi tiếng trong đầu những năm 90 mà công ty ông đã tư vấn thành công.

Vào những năm 1997-1998 là những năm kinh tế tài chính khủng hoảng tại châu Á; công ty của ông không có khách hàng. Sau đó, năm 1998 ông đã chuyển hướng công ty Pancific trở thành công ty dịch vụ cung cấp các dịch vụ lau chùi, quét dọn tạo ra nhiều công ăn việc làm mới cho những người làm công việc dọn dẹp vệ sinh tại các tòa nhà cao ốc. Từ việc chuyên làm dịch vụ văn phòng, ông định hướng công ty chuyển sang đầu tư vào chuỗi giá trị kép trong nông nghiệp.

Sự nghiệp của doanh nhân Nguyễn Duy Hưng mới chỉ thật sự bùng nổ vào năm 1999, khi ông sang Thái Lan học hỏi về đầu tư sau đó trở về Việt Nam sáng lập ra Công ty CP chứng khoán Sài Gòn (SSI), chuyên môi giới và tư vấn đầu tư. SSI hiện là công ty chứng khoán có quy mô lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Từ tháng 1/2006, ông trở thành Chủ tịch SSI, kiêm Tổng Giám đốc của công ty này.

Tính đến nay, SSI đã tồn tại và phát triển được hơn 20 năm và là một trong số các công ty chứng khoán ra đời sớm nhất trên thị trường chứng khoán tại Việt Nam. "Đứa con tinh thần" của doanh nhân Nguyễn Duy Hưng đồng thời là công ty tư nhân nhỏ nhất và duy nhất tự tin gia nhập vào lĩnh vực chứng khoán dẫu bao thách thức ở Việt Nam khi đó.

Nhìn lại quãng đường đó “ông trùm” chứng khoán Việt Nam cho rằng, đến giờ này “bí kíp” sự thành công luôn là chọn con đường làm ăn minh bạch và dẫn dắt để SSI trở thành định chế tài chính hàng đầu và uy tín trên thị trường Việt Nam.

Không dừng lại với những gì đã có, vào năm 2015, khi ấy ông đã 58 tuổi,  nhận thấy thị trường nông nghiệp có một tiềm năng phát triển rất lớn. Bởi Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, với hơn 80% là nông dân nên ông đã chuyển hướng đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Để thực hiện chiến lược này, doanh nhân Nguyễn Duy Hưng bắt đầu đẩy mạnh phần còn lại của Pan Pacific để tạo ra một vòng tròn trong nông nghiệp mà ông gọi là "Farm - Food - Family". Với tên gọi mới là Pan Group, công ty đã huy động được gần 100 triệu USD và nắm giữ phần lớn cổ phần trong số 10 doanh nghiệp vừa và nhỏ cung cấp hạt giống hoặc sản xuất nông sản. Các sản phẩm khá đa dạng, từ gạo, hạt điều đến hải sản và hoa.

Để thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, PAN Group đã thực hiện kết hợp các yếu tố là nguồn lực con người, tiền bạc, mối quan hệ…, tức là kết nối nhà tài chính, nhà khoa học, nhà nông nghiệp và nông dân. Ông không làm thay những người nông dân, những người làm nông nghiệp lâu năm với rất nhiều kinh nghiệm. 

Sự nghiệp thành công của doanh nhân Nguyễn Duy Hưng có lẽ chưa dừng lại ở đó bởi ông rất tâm huyết với PAN Group do mình tạo dựng ra - tập đoàn hiện nằm giữ nhiều công ty nông nghiệp tăng trưởng tốt của Việt Nam.

Doanh nhân Hà Thu Thanh sinh năm Nhâm Dần (1962), tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tài chính - Kế toán (nay là Học viện Tài chính Hà Nội), bà được phân công về công tác tại Bộ Tài chính. Lúc đó, cuộc sống của bà bộn bề khó khăn khi ông xã quay trở lại quân ngũ và được điều về công tác ở miền núi phía Bắc, bà phải nuôi con một mình. Ngoài công việc kế toán tài chính, bà nhận cả công việc hành chính văn thư trong gần hai năm.

Với bà Thanh, thời gian làm hành chính tại vụ Chế độ kế toán và kiểm toán hồi đó đặc biệt quý báu bởi bà có cơ hội được nghiên cứu và tìm tòi, học hỏi những thứ không có trong giáo trình đại học: văn phong và tư duy của người làm chế độ chính sách.

Hai năm sau, bà trở lại với đúng chuyên ngành kế toán giữa lúc chiến dịch cải cách kế toán toàn quốc diễn ra mạnh mẽ vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX. Trực tiếp tham gia lĩnh vực chế độ kế toán ngành nông nghiệp, bà Hà Thu Thanh đã trải những bước đi thực tế tới những nông trường quốc doanh, các hợp tác xã nông nghiệp, từ miền Bắc qua miền Trung tới các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Một trong các sự kiện của những ngày đầu tiên đất nước mở cửa, kêu gọi đầu tư nước ngoài là sự ra đời của ngành kiểm toán độc lập Việt Nam với Quyết định số 165 ngày 13/5/1991 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc thành lập công ty kiểm toán đầu tiên của Việt Nam - Công ty Kiểm toán Việt Nam VACO, tiền thân của Deloitte Việt Nam ngày nay. Bởi thế, bấy lâu nay, dân “trong nghề” vẫn chia sẻ, chặng đường 30 năm phát triển và thành công của Deloitte Việt Nam cũng chính là chặng đường phát triển của ngành kiểm toán độc lập Việt Nam. Và cũng bởi thế, bà Hà Thị Thu Thanh còn được mệnh danh là “người đàn bà thép” của ngành kiểm toán Việt Nam.

Trong hành trình 30 năm phát triển của ngành kiểm toán độc lập Việt Nam, Deloitte Việt Nam luôn là một điểm sáng, là ngọn cờ tiên phong. Và rằng, bà vô cùng tự hào khi Deloitte Việt Nam cho đến nay đã là công ty tư vấn và kiểm toán số 1 tại Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á, về quy mô doanh thu, về tốc độ tăng trưởng và về sự phát triển bền vững với nền tảng văn hóa doanh nghiệp đẳng cấp quốc tế mang đậm bản sắc Việt Nam.

Và hơn hết, bà tự hào về việc Deloitte Việt Nam đang “sở hữu” một đội ngũ hùng hậu hơn 1.000 cán bộ, nhân viên, chuyên gia được đào tạo bài bản, có năng lực và trình độ quốc tế, am hiểu văn hóa và pháp luật của Việt Nam. Sở hữu nhiều “báu vật” như vậy, nên Deloitte Việt Nam trong 3 thập kỷ vừa qua luôn là sự lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp muốn tìm kiếm các dịch vụ tư vấn chuyên ngành, giúp doanh nghiệp quản trị minh bạch, phát triển bền vững và đưa ra những tư vấn chiến lược hiệu quả.

Không chỉ giữ cương vị Chủ tịch Deloitte - một trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất Việt Nam, bà Hà Thu Thanh còn là nữ doanh nhân triển khai nhiều chương trình tư vấn, đào tạo nhằm trợ giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế ngày càng hội nhập. Trong đó, bà đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quản trị công ty và tăng cường quyền năng cho phụ nữ tại doanh nghiệp.

Tại phần giới thiệu về bà Hà Thu Thanh trong danh sách 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019, Forbes Việt Nam viết: “Bà là một trong số ít nữ lãnh đạo quốc gia của Tập đoàn Deloitte toàn cầu. Bà tham gia tích cực vào các hoạt động đẩy mạnh tính bình đẳng và đa dạng về giới trong kinh doanh”.

Bài: Đình Đại - Thiết kế LILO