Dệt may hướng đến "sản xuất xanh"
Ngoài những sức ép từ rào cản thương mại thì sản xuất xanh cũng là một bài toán không dễ đối với doanh nghiệp may xuất khẩu vào thị trường EU.
>>Dệt may, giày dép Việt Nam và “bài toán” nguyên phụ liệu
Nhằm đáp ứng các điều kiện về thương mại, hướng tới nền kinh tế xanh, trong đó có yêu cầu xanh hóa trong sản xuất, dần chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn, đang là điều kiện ‘bắt buộc’ với lĩnh vực may mặc xuất khẩu. Để rõ hơn về những rào cản thương mại của yêu cầu này, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc - Tổng Công ty May 10.
- Thưa ông, để đáp ứng các điều kiện thương mại “xanh hóa” khi vào thị trường Châu Âu, doanh nghiệp may xuất khẩu sẽ phải thực hiện những quy định nào ?
Sản xuất xanh đang trở thành một trong những mô hình được nhiều doanh nghiệp hướng tới, nhằm đáp ứng với yêu cầu mới, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới. Trong lĩnh vực dệt may, quy định mới của EU yêu cầu hàng dệt may vào thị trường này phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng được.
Để đạt được tiêu chuẩn đó, nhà sản xuất phải sử dụng sợi hữu cơ, sợi tái chế, không chứa chất độc hại, thân thiện với môi trường... Yêu cầu các nhà máy phải có chứng chỉ RCS/GRS…
Hiện nay các thị trường lớn sẽ yêu cầu sản phẩm phải đáp ứng nhiều hơn các điều kiện liên quan tới truy xuất nguồn gốc nguyên liệu; sử dụng nhiều vật liệu tái chế hoặc tái sinh hơn; giảm lượng khí thải carbon và hạn chế việc sử dụng hóa chất của sản phẩm cùng với chỉ số đo lường tác động môi trường của quá trình sản xuất... Chính vì vậy, chúng tôi luôn chủ động tìm hiểu về những quy định mới từ các FTAs liên quan đến các lĩnh vực, ngành hàng mình hoạt động để từ đó hiểu đúng về những cơ hội thực tế. Đồng thời, qua đó cũng sẽ tự chủ được những khó khăn có thể gặp phải như các tiêu chuẩn cao của EU khi xuất khẩu hàng hóa vào Liên minh này.
- Liên quan tới việc "xanh hoá" trong sản xuất, kế hoạch năm 2022 củaTổng Công ty May 10 được thực hiện ra sao, thưa ông?
Với May 10, trong thời gian qua, doanh nghiệp đã và đang chú trọng hơn sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, nhiên liệu, hóa chất không gây độc hại. Lựa chọn những công nghệ phù hợp với mình; chuẩn bị đầu tư bài bản để đổi mới công nghệ theo các tiêu chí xanh của sản phẩm, tận dụng các nguồn vốn sẵn có và ưu đãi cho đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ cao thân thiện môi trường. Sẵn sàng chấp nhận và loại bỏ các công nghệ cũ, đã lỗi thời không đảm bảo chất lượng sản phẩm và gây tổn hại cho môi trường.
>>Doanh nghiệp dệt may chuyển đổi số thích ứng "bình thường mới"
Tuy nhiên, sản xuất xanh là một bài toán không dễ dàng, đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng chung tay giải quyết. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, rất cần những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp, tạo các hành lang pháp lý để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất xanh và bền vững.
Đồng thời, cần siết chặt các tiêu chuẩn, tiêu chí bảo vệ môi trường trong sản xuất nhằm nỗ lực gìn giữ môi trường, để các nguồn tài nguyên thiên nhiên có cơ hội và thời gian tái tạo. Về phía góc độ người tiêu dùng, cần ý thức rõ nhu cầu sử dụng sản phẩm “xanh” của mình để mở ra một thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp sản xuất tiếp cận và khai thác.
- Hiện nay với các rào cản thương mại, Tổng Công ty May 10 còn gặp những cản trở nào gây khó cho doanh nghiệp không, thưa ông?
Thách thức lớn hiện nay với các nhà sản xuất dệt may là tìm được nguồn vải đúng chất lượng và giá cả cạnh tranh ở Việt Nam. Có thể nói, vấn đề quy tắc xuất xứ là vấn đề của đầu vào vẫn là ‘nút thắt’ lớn nhất của doanh nghiệp dệt may. Để gỡ dần nút thắt này thì rất cần tìm lối ra cho vấn đề quy tắc xuất xứ của sản phẩm dệt may, có sự kết nối giữa doanh nghiệp “đầu vào” và “đầu ra” của Việt Nam.
Hiện nay những doanh nghiệp Việt Nam đang phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc và một số nước có ngành dệt nhuộm phát triển, bất cập này sẽ không đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ sợi với Hiệp định CPTPP và từ vải với Hiệp định EVFTA.. Do đó rất khó để doanh nghiệp may Việt Nam có thể hưởng ưu đãi thuế quan từ hai Hiệp định lớn này.
Để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của ngành Dệt may, tôi cho rằng ngành thời trang và dệt may Việt sẽ cần mở rộng và đẩy mạnh việc tự chủ chuỗi cung ứng như đầu tư sản xuất sợi, vải, may để có thể tận dụng được các Hiệp định mới ký kết như EVFTA/ CPTPP, nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh với các nước khác.
- Trong thời gian vừa qua, chúng ta thấy rất rõ những tác động của các FTAs như CPTPP, EVFTA, UKVFTA… trong hoạt động xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp cần tận dụng tốt hơn nữa những cơ hội từ các FTAs này ra sao, thưa ông?.
Riêng đối Hiệp định RCEP giữa ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand đã được ký tháng 11/2020 và có hiệu lực từ đầu năm 2022. Đây là điều kiện cần thiết để Việt Nam đưa hàng hóa vào thị trường ASEAN cũng như thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, đứng về góc độ doanh nghiệp tôi cho rằng RCEP là Hiệp định mà ở đó có thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường rất quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Từ trước đến nay, chúng ta khai thác thị trường Trung Quốc chủ yếu thông qua xuất khẩu tiểu ngạch. Tuy nhiên, với RCEP mở ra khả năng và yêu cầu chúng ta phải thay đổi cung cách “làm ăn” và coi đây là thị trường cấp cao. Nếu thay đổi cách nghĩ, cách làm sẽ mở ra được cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt.
Rào cản phi thuế quan trong quá trình thực hiện các FTA cũng gây khó cho doanh nghiệp. Nhiều quy định về tiêu chuẩn chất lượng của các quốc gia nhập khẩu như giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của hàng xuất khẩu, doanh nghiệp không thể đáp ứng được. Mặc dù Bộ Công Thương có công bố những thông tin liên quan đến các Hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký trên website của Bộ. Nhưng để tận dụng được lợi ích của các FTA, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp phải chủ động hơn nữa tìm hiểu các thông tin, những hướng dẫn thực thi của các FTA để đón nhận cơ hội này.
- Với Tổng Công ty May 10, việc phát huy lợi thế từ các FTAs đang được triển khai ra sao, thưa ông?
May 10 đang phát huy lợi thế từ 2 FTA chính là CPTPP và EVFTA, trong đó, việc khai thác các thị trường là thành viên EVFTA thuận lợi hơn, bởi nguyên tắc quy định nguồn gốc xuất xứ của EVFTA dễ dàng hơn CPTPP. Có thể thấy, vượt qua 2 năm đại dịch đầy thách thức, đến nay, các doanh nghiệp đều đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm ứng phó, xoay chuyển tình thế để duy trì sản xuất, đáp ứng đơn hàng xuất khẩu.
Sự thích ứng này thể hiện ở mức tăng trưởng xuất khẩu 19% và xuất siêu trên 4 tỷ USD trong năm 2021. Bước sang năm thứ 3 đại dịch, khi vaccine phòng COVID-19 đã được bao phủ ở mức cao, việc giữ cho các nhà máy luôn sáng đèn, sản xuất đạt hiệu suất cao chắc chắn là điểm nhấn để các nhà mua hàng tiếp tục chọn Việt Nam là đối tác. Hiện nay, toàn bộ mặt hàng truyền thống của May 10 đều kín đơn hàng đến hết quý 3/2022.
Việc đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các FTA là một trong các giải pháp để thực hiện ba đột phá chiến lược được Đại hội XIII của Đảng đề ra. Các cam kết đưa ra, đặc biệt là trong các FTA thế hệ mới, đều phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện đồng bộ thể chế, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống chính sách, pháp luật, từ đó, tạo ra cơ chế thông thoáng, linh hoạt nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
‘Sản xuất xanh’ được coi là điều kiện bắt buộc với doanh nghiệp Dệt may xuất khẩu
20:11, 19/05/2022
Dệt may, giày dép Việt Nam và “bài toán” nguyên phụ liệu
03:30, 09/05/2022
Doanh nghiệp dệt may chuyển đổi số thích ứng "bình thường mới"
04:00, 29/04/2022
Doanh nghiệp dệt may gặp nhiều "sóng lớn"
00:45, 31/03/2022
Xu thế “xanh hóa” ngành dệt may
11:00, 23/03/2022