Người phụ nữ không muốn an phận
Doanh nhân Bùi Tú Ngọc – Giám đốc Cty CP Oliu Hà Nội (Hanoli) chia sẻ “Quyết định “rẽ ngang” và từ bỏ nghề giáo tại một trường học nổi tiếng ở Hà Nội để có thể làm được nhiều việc hơn cho thế hệ trẻ”.
>>Phụ nữ tại những nền kinh tế ở Đông Nam Á nổi lên như những doanh nhân vững vàng nhất
Doanh nhân Bùi Tú Ngọc từng là giáo viên Tiếng Anh tại trường THCS Giảng Võ – Hà Nội. Cuộc sống của một giáo viên – người mẹ của hai con gái nhỏ là động lực để chị cùng thành lập Tổ hợp giáo dục Equest và bây giờ là tự mình kinh doanh dầu oliu với vai trò là “đại sứ oliu Hy Lạp” tại Việt Nam.
- Sau nhiều năm gắn bó “nghề giáo” lý do nào để bà chuyển sang nghề kinh doanh?
Trong thời gian du học tại Úc năm 2000-2003, tôi được biết đến oliu khi thưởng thức oliu của Hy Lạp ở Úc. Khi về Việt Nam, tôi đã kiếm tìm những sản phẩm oliu chất lượng như đã từng được thưởng thức tại Úc nhưng không có những sản phẩm có chất lượng thật sự tại thị trường Việt Nam lúc đó.
Tôi luôn đặt câu hỏi tại sao người Việt Nam mặc dù ăn dầu thực vật từ năm 1975 mà tỉ lệ người mắc bệnh mỡ máu vẫn tăng cao? điều gì ảnh hưởng đến thể chất của người Việt nói chung và trẻ em nói riêng?. Tôi cũng có điều kiện tham gia một dự án của Microsoft với tư cách là giảng viên chủ chốt quốc gia về ICT nên có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu thông tin trên mạng và đi thực tế tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tôi đã bắt đầu hướng đến sản phẩm oliu tại các nước Địa Trung Hải. Từ đó mong muốn đem đến những sản phẩm tốt nhất cho gia đình mình cũng như cho trẻ em và các gia đình Việt Nam luôn nhen nhóm trong tôi. Tôi bắt đầu suy nghĩ: “có nên chuyển từ giáo viên để thành doanh nhân không?
Để đưa ra quyết định “rẽ ngang” và từ bỏ nghề giáo tại một trường học nổi tiếng ở Hà Nội, tôi đã dành 2 năm tìm hiểu và tham gia các khóa học liên quan; sau đó mới đi đến quyết định tự thành lập doanh nghiệp.
- Bà có lường trước được những khó khăn mình phải đối mặt không, thưa bà?
Quả thực tôi không thể lường trước được hết những khó khăn, đặc biệt là vấn đề tâm lý. Từ một giáo viên dạy tiếng Anh tại một trường nổi tiếng nhất nhì Hà Nội với những thành tích như giáo viên sáng tạo toàn cầu, giáo viên giỏi chuyên đào tạo nhiều lớp học sinh giỏi quốc gia và thành phố, giảng viên cấp cao của dự án đào tạo ICT của Microsoft, tôi nhận được sự kính trọng của phụ huynh, học sinh và đồng nghiệp. Giờ đây tôi đối diện với mọi người với tư cách một “bà buôn” (từ nói đằng sau lưng của nhiều người). Tôi nhìn thấy sự thương hại trong ánh mắt của nhiều người quen biết, đồng nghiệp kể cả phụ huynh, học sinh cũ khi nhìn thấy cô giáo chở hàng đi giao bán, giới thiệu tại các trường học trong thành phố.
Mặc dù hồ nghi về “con đường” trước mắt của tôi nhưng rất may mắn tôi vẫn nhận được sự ủng hộ của gia đình cả về tài chính lẫn động viên tinh thần.
Để trở thành doanh nhân giỏi thật không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là quá khó khăn. Giai đoạn đầu khởi nghiệp, tôi đã nhận được rất nhiều bài học vì sự “ ngu ngơ” của mình. Trong những tháng đầu tiên khi 40 container hàng về Việt Nam, trị giá cao nhưng hàng hóa chưa có tên tuổi, thậm chí khách hàng còn nhầm Hy lạp là Egypt (Ai Cập) mà hàng bán ra vô cùng chậm. Tôi đã có lúc tuyệt vọng không biết xoay trở thế nào.
- Việc mở trung tâm đào tạo tiếng Anh (thương hiệu EQUEST) phải chăng đây là “duyên nợ” với nghề giáo, thưa bà?
Tri thức và sức khỏe luôn song hành. Là giáo viên tôi hiểu giáo dục là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của đất nước song sức khỏe tốt là điều không thể thiếu cho mỗi cá nhân nói riêng và thế hệ người lao động Việt Nam nói chung.
- Xin cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm