CEO Công ty Chánh Thu: Sẽ không còn khái niệm thị trường dễ tính
CEO Công ty Chánh Thu cho rằng, sản xuất nông nghiệp tử tế và kỹ lưỡng là bí quyết "chìa khoá" để xuất khẩu trái cây sang nhiều thị trường khó tính.
>>>Không minh bạch hóa thông tin, nông sản Việt sẽ bị ‘tuýt còi’
Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến: "Mở cửa thị trường nông sản – cơ hội từ những thị trường khó tính", bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu nhấn mạnh, sau 2 năm đại dịch Covid-19, nhờ có sự chuẩn bị tốt, chúng ta đã đạt được thành tựu rất đáng mừng.
Bản thân công ty Chánh Thu cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đã có một năm tăng trưởng cao. Như mặt hàng sầu riêng, bưởi... của Việt Nam đã mở cửa vào được các thị trường khó tính.
“Để có được thành tựu lớn đó, việc đầu tiên là chúng tôi thấy sự chuẩn bị của chúng ta rất tốt. Đơn cử như mặt hàng sầu riêng... Dù chúng ta đi sau Thái Lan nhưng sản phẩm của chúng ta đã vào được thị trường Trung Quốc”, bà Ngô Tường Vy đánh giá.
Chánh Thu cũng là một trong những doanh nghiệp được tham gia xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc. Bà Ngô Tường Vy chia sẻ, để đạt được điều này, trước khi xuất khẩu sầu riêng, Chánh Thu đã tham gia xuất khẩu nhiều sản phẩm sang các thị trường khó tính như Mỹ, Newzeland…, nên có nhiều kinh nghiệm.
Việc sầu riêng được xuất khẩu vào Trung Quốc là sự kiện mà công ty chờ đợi từ rất lâu rồi, để muốn khẳng định rằng: Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính nữa. Họ cũng đang nâng cao các tiêu chuẩn nhập khẩu các loại nông sản, trái cây, trong đó có các mặt hàng đến từ Việt Nam.
"Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn khẳng định, Chánh Thu có thể xuất khẩu sang bất cứ thị trường nào chứ không riêng gì thị trường khó tính hay dễ tính", bà Vy chia sẻ.
Chia sẻ bí quyết để “bẻ khoá” các thị trường khó tính, để các sản phẩm trái cây “rộng đường” xuất khẩu, theo bà Vy, kinh nghiệm của Chánh Thu là luôn có sự chuẩn bị tốt nhất, thường xuyên cập nhật các thông tin, các yêu cầu từ phía đối tác, cụ thể thông qua Cục Bảo vệ thực vật để nắm vững các thông tin này.
>>>Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cần bổ sung thông tin
Theo bà Ngô Tường Vy, chúng ta đã mất rất nhiều thời gian để đàm phán, để có được Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, phải mất tới 5-6 năm, thì đó cũng là khoảng thời gian để các doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện cần và đủ. Khi đối tác chính thức chấp nhận nhập khẩu là ta đã có sẵn hàng để đáp ứng.
"Vừa qua chúng tôi xuất khẩu bưởi sang Mỹ, lúc đầu cũng nghĩ không biết có cạnh tranh được không vì phía nước bạn yêu cầu rất cao, từ các điều kiện kỹ thuật như chiếu xạ hay chất lượng sản phẩm... Tuy nhiên, khi làm hàng xuất khẩu sang Mỹ, sản phẩm của chúng tôi được nước bạn đánh giá cao", Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu nhấn mạnh.
Theo bà Vy, muốn như thế doanh nghiệp phải thay đổi tư duy. Trước hết là tăng cường, nâng cao liên kết với nông dân, các nhà quản lý, các doanh nghiệp khác, đặc biệt phải đề cao tính tử tế trong sản xuất nông nghiệp.
“Tôi mong muốn làm sao tiêu chuẩn của Việt Nam ngày càng phù hợp hơn với các thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Trung Quốc để khi xuất khẩu nông sản sang thị trường "hàng xóm" này thì không còn sự e dè, ngại ngần nữa", bà Ngô Tường Vy nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cần bổ sung thông tin
11:02, 10/12/2022
Xuất khẩu nông sản gần chạm mốc 50 tỷ USD
03:45, 01/12/2022
Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam: tiềm năng nhưng nhiều thách thức
03:00, 29/11/2022
Bến tre: 40 tấn bưởi đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ
16:47, 28/11/2022
Doanh nghiệp Việt đưa chuỗi giá trị xuất khẩu bền vững ra thế giới
10:10, 24/11/2022