Xu hướng mở quán trà sữa của giới trẻ: Giấc mơ ngọt ngào và hiện thực phũ phàng
Sự bùng nổ của thị trường trà sữa đã thu hút vô số giới trẻ với giấc mơ ngọt ngào. Tuy nhiên đằng sau giấc mơ mở một tiệm trà sữa ngọt ngào là hiện thực phũ phàng.
Sự bùng nổ của thị trường trà sữa đã thu hút vô số giới trẻ. Zhang He, chủ một cửa hàng trà sữa chữa sẻ: “Mặc dù tôi biết rằng uống trà sữa thường xuyên không tốt cho sức khỏe nhưng một ly trà sữa ngọt ngào đánh bay sự mệt mỏi trong ngày chẳng phải là điều tuyệt vời sao?”. Tuy nhiên đằng sau giấc mơ mở một tiệm trà sữa ngọt ngào là hiện thực phũ phàng.
Những người mới vào nghề sớm phát hiện ra rằng họ không chỉ cần đối mặt với sức ép của những gã khổng lồ để giành lấy thị trường mà còn cần sự dũng cảm và niềm tin vào tương lai đầy biến động. Ngày nay có quá nhiều người trẻ đổ xô vào thị trường này một cách mù quáng.
A Miao, người đã có một thời gian kinh doanh cho hay: "Thị trường trà sữa có vẻ sôi động. Nhưng chưa đến 10% thực sự có lãi, 90% còn lại đang đấu tranh để tồn tại" hay như Lin Jing nhớ lại lúc cô quyết định mở quán: "Nếu cho tôi một cơ hội nữa, tôi sẽ đặt dấu chấm hỏi về việc mở một quán trà sữa. Ít nhất, tôi sẽ không lạc quan mù quáng như vậy".
Vào năm 2019, Lin Jing, 23 tuổi, nhận thấy ngày càng có nhiều người uống trà sữa, đi đâu cũng có thể bắt gặp người dân mọi lứa tuổi với món đồ uống trên tay. Triển vọng tươi sáng của thị trường trà sữa khiến Lin Jing bắt đầu nảy sinh ý tưởng mở một cửa hàng. Cô kiên quyết vay bố mẹ 200.000 tệ làm vốn kinh doanh. Điều khiến Lin Jing vướng mắc là nên đăng ký nhượng quyền thương hiệu hay làm thương hiệu riêng. Nhượng quyền có nghĩa là đã có được sự chứng thực của thương hiệu và không quá tốn công sức để thu hút người tiêu dùng tuy nhiên người kinh doanh cần trả rất nhiều khoản phí. Ngược lại, một thương hiệu mới bắt buộc dành nhiều tâm sức cho việc quảng bá và tiếp thị bên cạnh việc tự tìm kiếm nguyên liệu và tạo ra hương vị.
Han Ke, một sinh viên đại học đã từng mở một quán trà sữa chỉ ra: “Phí nhượng quyền lên đến hàng chục nghìn nhân dân tệ và thương hiệu không đáng tin cậy như mong đợi. Hãy tạo nên thương hiệu riêng và có thể kiểm soát hướng đi của chính mình. Việc lựa chọn nguyên liệu, tạo hương vị, quảng bá và vận hành đều nằm trong tay bạn”. Lin Jing nghe theo ý kiến của đàn chị nhắm đến những người trẻ tuổi theo đuổi sở thích tươi mới, cô chủ ý trang trí quán bằng màu xanh lá cây nhạt, thể hiện phong cách trẻ trung và tinh tế trong LOGO thương hiệu, thiết kế cốc và quảng cáo.
Lin đã bỏ ra hàng nghìn nhân dân tệ để tìm hiểu quy trình làm trà sữa trên mạng, đồng thời mua một số loại trà đen về pha chế để trải nghiệm và nhận xét, sau đó dựa trên phản hồi của mọi người cải thiện hương vị. Sau ba tháng chuẩn bị, quán trà sữa của Lin Jing đã khai trương. Mặc dù phải cạnh tranh với những thương hiệu nổi tiếng như Gongcha và Naixue, cô nàng vẫn tự tin. Nhưng thực tế phũ phàng hơn Lin dự tính, sau khi khai trương, có rất ít khách hàng lui tới, vài ngày chỉ bán được một hai cốc trà sữa. Cửa hàng phải đóng cửa sau hai năm kinh doanh.
Trở lại với câu chuyện của Han Ke. Cô kể: “Bên kia nói với tôi rằng sau khi trả phí nhượng quyền 50.000 tệ, nhãn hàng sẽ tiến hành thiết kế trang trí quán trà sữa, cung cấp máy móc và nguyên liệu dưới giá thị trường, đẩy mạnh đào tạo marketing và hỗ trợ mọi mặt. Han đã tính toán chi phí mở cửa hàng, ngoài phí ban đầu là 50.000 tệ, tiền đặt cọc 30.000 tệ, còn thiết bị và nguyên liệu lô đầu tiên, số vốn đầu tiên là 100.000 tệ, cộng thêm tiền thuê cửa hàng và lương nhân viên, tổng cộng là 300.000 nhân dân tệ. Khoản này đã vượt quá kinh phí ban đầu nhưng lúc này cô tràn đầy tự tin: “Theo lời giới thiệu, chỉ cần một năm là có thể hoàn lại tất cả chi phí”.
Nhưng rắc rối nối tiếp rắc rối. Trước khi ký hợp đồng, nhân viên hãng từng nói thiết bị chỉ tốn từ 40.000 đến 50.000 tệ, nhưng thực tế khoản chi này tiêu tốn gần 100.000 tệ. Cô nàng phát hiện giá của nhiều thiết bị trong số này cao hơn đáng kể so với giá mà cô thấy trên Internet. “Một chiếc máy làm đá có giá gần 10.000 tệ, nhưng những chiếc tương tự của Taobao chỉ có giá vài nghìn tệ”, cô cho biết.
Khi kiểm tra, khi lập kế hoạch bán hàng cho cô, nhân viên công ty nói cô phải bán ít nhất 2.000 cốc mỗi tháng, điều này khiến Han đặt tăng thêm khối lượng trong đợt mua đầu tiên. Nhưng thực tế, sản lượng bán ra hàng tháng của cửa hàng chưa đến 300 cốc, dẫn đến lượng nguyên liệu tồn đọng trong kho rất lớn.
Phóng viên của Shell Finance cho biết, một số lượng lớn các công ty đào tạo nhanh cho các thương hiệu trà sữa đã xuất hiện trên thị trường trong những năm gần đây. Những lời quảng cáo “có cánh” tràn ngập thu hút những người mới tham gia. Sau khi hết hạn hợp đồng một năm, Han Ke quyết định rút lui, những thiết bị mua với giá cao ngất trời được đóng gói và bán cho một người tái chế phế liệu với giá 20.000 nhân dân tệ.
"Cốt lõi của việc điều hành một quán trà sữa không phải là nhượng quyền thương mại hay thương hiệu riêng mà là làm thế nào để thực hiện tốt công việc quản lý hàng ngày" A Miao, 30 tuổi nhưng đã có 5 năm kinh nghiệm quản lý quán trà sữa ở Chiết Giang chia sẻ. Anh nói: "Nhiều bạn trẻ nghĩ rằng gia nhập các thương hiệu trà sữa thì có thể nắm chắc phần thắng. Thực tế không phải như vậy".
Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, A Miao đã mở một cửa hàng trà sữa. Trong vài năm qua, anh đã chứng kiến quá nhiều người trẻ đổ vào thị trường này và thất bại sau một thời gian hoạt động ảm đạm. "Vào thời thịnh vượng nhất, có bảy hoặc tám cửa hàng trà sữa trên một con phố nhưng rất ít cửa hàng có thể tồn tại trong một năm", A Miao trả lời các phóng viên rằng ngay cả khi người mới đăng ký nhượng quyền một thương hiệu trà sữa đều chỉ là bước đi đầu. Cách vận hành quán trà sữa là yếu tố quyết định lợi nhuận cuối cùng. Từ việc lựa chọn địa điểm cho đến pha trà sữa, tuyển dụng và đào tạo nhân viên, tìm khách hàngkhông thể hoàn toàn trông chờ vào thương hiệu mà hơn hết phụ thuộc vào cách quản lý của chính chủ kinh doanh.
Ngoài ra, vị trí của quán trà sữa quyết định phần nào cơ hội tiếp cận khách hàng. A Miao rủ bạn bè đi tìm khắp thành phố để tìm được địa điểm phù hợp: "Trường học và các khu thương mại chắc chắn là những địa điểm tốt nhất vì dòng người qua lại tấp nập. Nhưng rất khó để mở cửa hàng ở vị trí đắc địa như vậy". Lần thứ hai, Amiao tìm kiếm xung quanh các khu thương mại nhưng câu trả lời anh nhận được là: các nhãn hiệu kém nổi tiếng không được phép kinh doanh.
Sau khi mở quán, A Miao làm việc gần 12 tiếng mỗi ngày. Ban ngày có khách, anh bận đặt hàng, pha trà sữa, thu dọn bàn ghế, tối đóng cửa sẽ dành thời gian phát triển sản phẩm mới, sáng tạo theo xu hướng thị trường. Anh cũng cạnh tranh với nhiều cửa hàng trà sữa lân cận mỗi ngày.
Biết rằng trà sữa của mình không thể cạnh tranh với các thương hiệu lớn, A Miao đã quyết định đi theo con đường Internet bên cạnh việc điều chỉnh giá và triển khai các hoạt động ưu đãi một cách thường xuyên. Anh từng chi rất nhiều tiền trên các nền tảng mạng xã hội như Xiaohongshu và Dianping, mời những người nổi tiếng trên Internet chụp ảnh và nhận xét. Hiện nay, công việc kinh doanh của A Miao ổn định ở mức khoảng 6.000 cốc mỗi tháng. Dựa vào lợi nhuận 10 nhân dân tệ mỗi cốc, anh ấy có thể kiếm được gần 60.000 nhân dân tệ/tháng.
Tuy nhiên bản thân A Miao cảm thấy việc kinh doanh trà sữa ngày càng sa sút. Với sự quảng bá của ngày càng nhiều thương hiệu trà sữa như Naixue's tea, doanh thu của các cửa hàng nhỏ đã giảm ít nhất 20% trong hai năm qua. “So với các thương hiệu trà sữa lớn, các cửa hàng trà sữa tự mở không thể so sánh về vốn hay tầm ảnh hưởng. Một chút bất cẩn có thể dẫn đến phá sản”, A Miao nói. Thực tế tàn khốc cũng khiến nhiều người dập tắt hy vọng về sở hữu một quán trà sữa. Mặc dù không phải tất cả đều thất bại nhưng người trẻ cần cảnh tỉnh trước khi lựa chọn con đường kinh doanh sau này.
https://doanhnghiephoinhap.vn/xu-huong-mo-quan-tra-sua-cua-gioi-tre-giac-mo-ngot-ngao-va-hien-thuc-phu-phang.html