Tại sao doanh nghiệp khởi nghiệp nên giữ chân nhân tài?
"Nhân viên là tài sản quan trọng nhất của công ty chúng tôi” là câu nói thường xuyên được bắt gặp hầu hết ở mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp.
Trên thực tế, quản lý nhân sự đã khó, giữ chân nhân tài lại càng khó hơn. Vậy làm thế nào để giữ được nhân tài cho công ty?
Tại sao doanh nghiệp nên giữ chân nhân viên, đặc biệt là nhân tài?
Con người là yếu tố sống còn của doanh nghiệp
Để thành công trong kinh doanh, doanh nghiệp cần rất nhiều yếu tố: sản phẩm và dịch vụ tuyệt vời, chiến lược marketing hợp lý, các quy trình vận hành hiệu quả,… Nhưng không phải nhà quản lý nào cũng nhận ra yếu tố quan trọng quyết định đến sự sống còn của một doanh nghiệp chính là nhân sự. Chính yếu tố này sẽ xây dựng và thực hiện các chiến lược, kế hoạch hay hệ thống quy trình hoàn hảo để đưa doanh nghiệp đi tới thành công.
Ngày nay việc tự động hóa các hệ thống điều khiển giúp giảm thiểu sự can thiệp của con người, nhưng nó cũng không thể thay thế các đóng góp và tương tác của con người.
Sự cạnh tranh trên thị trường lao động
Với thị trường việc làm rộng mở như hiện nay, không khó để một nhân viên tìm được một nơi làm việc có chế độ đãi ngộ phù hợp với năng lực. Vì thế, nếu doanh nghiệp không tạo được môi trường làm việc tốt, đãi ngộ và chế độ lương thưởng phù hợp, nhân sự trong doanh nghiệp có thể sẵn sàng tìm việctại các công ty khác, thậm chí là họ còn đầu quân cho đối thủ của doanh nghiệp.
Nhân tài chất lượng chính là yếu tố quan trọng đối với thành công của doanh nghiệp. Khi có nguồn nhân lực chất lượng, doanh nghiệp sẽ tạo ra các sản phẩm cùng dịch vụ tốt hơn, tiếp thị và bán chúng hiệu quả hơn so với đối thủ khi họ sở hữu nhóm nhân sự yếu hơn.
Cạnh tranh trong cùng một lĩnh vực sẽ diễn ra ở mọi cấp độ doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không giữ được những nhân viên tiềm năng nhất của mình thì khả năng đối thủ của bạn sẽ có thể thuê họ. Cũng giống như việc bạn đang cố gắng bảo vệ các bí mật thương mại và tài sản trí tuệ của mình khỏi các đối thủ cạnh tranh, bạn cũng nên làm như vậy với nhân viên của mình.
Thay thế, đào tạo một nhân viên mới luôn tốn kém hơn là phát triển một nhân viên lâu năm
Theo nghiên cứu và báo cáo của Hiệp hội Quản lý nguồn nhân lực, chi phí trung bình để thay thế một nhân viên cũ khi họ rời đi là 6 - 9 tháng tiền lương. Còn theo nghiên cứu của CAP, chi phí trung bình để thay thế một nhân viên là 16% tiền lương hàng năm cho các công việc lương thấp (dưới 30.000 đô/năm). Và khoảng 20% tiền lương hàng năm cho các vị trí tầm trung (30.000 đến 50.000 đô/năm). Với các vị trí điều hành có trình độ học vấn cao, chi phí thay thế là 213% tiền lương hàng năm.
Nghệ thuật dùng nhân tài cho doanh nghiệp
Đặt ra deadline phù hợp
Đặt mục tiêu rõ ràng cho từng dự án sẽ giúp nhân viên tìm ra phương hướng và cần nỗ lực ra sao để theo kịp tiến độ, hoàn thành phần công việc được giao. Nếu doanh nghiệp đảm nhận một dự án lớn, hãy triệu tập tất cả các thành viên để đặt ra mục tiêu ngắn và dài hạn.
Các lãnh đạo cấp cao cũng cần cho nhân viên cơ hội trình bày ý kiến, quan điểm để đưa ra các câu hỏi. Mỗi nhân viên sẽ biết chính xác kết quả cuối cùng cho nỗ lực của mình là gì. Từ đó nhà quản trị sẽ có những đánh giá khách quan hơn về trình độ năng lực của từng nhân viên.
Xây dựng quyền tự chủ ở nơi làm việc
Muốn khai thác hết tài năng của từng cá nhân, bạn hãy cho nhân viên được tự do làm việc theo cách mà họ muốn. Nếu bạn đã đặt ra mục tiêu rõ ràng thì việc họ làm việc ra sao để đạt được mục tiêu đó không quan trọng. Ai cũng cần có không gian của riêng mình mà không bị gò bó bởi ai và cũng chẳng ai muốn bị điều hướng phải làm thế này, phải làm thế kia. Phong cách quản lý vi mô chỉ làm mai một dần sự sáng tạo và khiến nhân viên bất mãn, khó chịu.
Có những nhân viên tài năng lại không phát huy hiệu quả trong môi trường làm việc quá quy củ. Họ thường tạo ra sản phẩm có giá trị cho công ty theo cách của riêng mình.
Cho nhân viên thứ họ cần
Để làm ra được một chiếc bánh ngon thì cần có đầy đủ nguyên liệu. Bạn không thể đòi hỏi nhân viên làm việc xuất sắc nếu không cung cấp đủ kiến thức và tài nguyên mà họ cần. Điều này cũng cho nhân viên biết rằng công ty luôn quan tâm và muốn họ gặt hái những thành công về cho bản thân nói riêng và doanh nghiệp nói chung.
Chẳng hạn như nhân viên đang gặp khó khăn trong việc sử dụng phần mềm tại công ty thì bạn nên tổ chức một vài buổi đào tạo cho tất cả những nhân viên chưa nắm rõ. Nhận được sự quan tâm đúng mực và sự ủng hộ từ phía quản lý, nhân viên mới có tinh thần để làm việc tốt hơn.
Không ngần ngại hỗ trợ nhân viên
Để được nhân viên tôn trọng và yêu quý một nhà quản lý không chỉ biết tự tay điều hành mọi việc mà khi thấy họ cần giúp đỡ, đừng ngần ngại giúp họ một tay. Có thể là tư vấn cho một nhân viên đang gặp khó khăn một dự án nào đấy hay thảo luận với đồng nghiệp khác hoặc hỗ trợ một dự án đang mắc kẹt. Người quản lý nhân viên cần là một người có thể hỗ trợ họ khi họ cần, chứ không phải một người chỉ biết chỉ tay năm ngón.
Hy vọng HR Insider đã giúp các bạn hiểu hơn cách giữ chân nhân tài hiệu quả cho doanh nghiệp của mình, đồng thời có thêm thông tin, kiến thức để ứng dụng vào những dự án quản lý nhân sự trong tương lai.
Công Ty Cổ Phần Navigos Group Việt Nam GPKD: 0304836029 do sở KH & ĐT TP.HCM Trụ sở: Tầng 20, tòa nhà e.town Central, 11 Đoàn Văn Bơ, phường 12, Quận 4, Tp. Hồ Chí Minh Điện thoại: (84 28) 5404 1373 Email: Jobsupport@vietnamworks.com Website: https://www.vietnamworks.com/ Facebook: https://www.facebook.com/VietnamWorksFanpage Twitter: https://twitter.com/VietnamWorksVN Youtube: https://www.youtube.com/user/VietnamWorks2002 SlideShare: https://www.slideshare.net/VietnamWorksPage/ Linkedin: https://www.linkedin.com/in/vietnamworks Zalo: https://zalo.me/2477265076863435153 Tiktok: https://www.tiktok.com/@vietnamworks_official |