Hành trang khởi nghiệp của bạn có gì?
Kiến thức, kỹ năng, tư duy hay sở hữu bề dày kinh nghiệm 3 năm, 5 năm, 10 năm... ở một lĩnh vực cụ thể nào đó. Tất cả những điều trên đã đủ cần thiết cho một người khởi nghiệp hay chưa?
>>Khai giảng Khóa tập huấn về kinh tế tuần hoàn cho Doanh nghiệp khởi nghiệp
Phong trào “bỏ phố về quê” đã từng là một hiện tượng xã hội sau khi dịch Covid lan rộng, làm ảnh hưởng đến đời sống, công việc, sức khỏe của bao người. Nhiều bạn trẻ chọn cách rời bỏ công việc ở các thành phố lớn để quay trở về với mảnh đất quê hương của mình.
Nhiều người đã chia sẻ với tôi: “Về quê, em rất khó kiếm được một công việc với mức lương mong muốn như khi em đi làm ở các thành phố lớn...Em quyết định tự mình làm chủ, em có 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực công nghiệp (hoặc lĩnh vực nào đó), giờ em muốn khởi nghiệp, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu?
Nếu đó cũng là những quan tâm của bạn, thì những trải nghiệm của tôi được chia sẻ ở bài viết này cũng sẽ cho bạn thêm góc nhìn, cho bạn thêm những lựa chọn và chuẩn bị cho mình thêm những hành trang mới để bước đi trên hành trình khởi nghiệp.
Tôi chọn sứ mệnh cho cuộc đời mình là “người đi truyền lửa khởi nghiệp và phát triển bản thân” vì tôi biết ngoài kia có rất nhiều những giấc mơ, hoài bão, trăn trở...làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn, đáng sống hơn. Nhưng vì một lý do nào đó (có thể cơm áo gạo tiền, có thể là một nổi sợ, hoặc cũng có thể chưa biết bắt đầu từ đâu....) mà họ chưa dám, chưa sẵn sàng hành động cho những giấc mơ đó. Tôi biết rằng khi bạn đủ quyết tâm, đủ đam mê và hành động mạnh mẽ, những công ty, những nhà máy mới lại mọc lên, bao công ăn việc làm lại được tạo ra giúp cải thiện đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân, giúp cải thiện an sinh xã hội của người dân địa phương, chung tay xây dựng cộng đồng sống tích cực, còn việc làm nào tốt hơn thế.
Trước khi bắt đầu dấn thân vào hành trình khởi nghiệp đầy tuyệt vời nhưng cũng lắm gian nan này, hãy xác định chính xác “Lý do bạn muốn khởi nghiệp là gì?”, một số gợi ý sau đây bạn có thể tham khảo:
- Tôi muốn tự làm chủ công việc của mình, làm chủ thu nhập của mình
- Tôi muốn chứng minh bản thân, những gì người khác làm được tôi cũng làm được
- Tôi thích cái cảm giác “được gọi là giám đốc”
- Tôi cảm thấy được tôn trọng khi có một doanh nghiệp riêng
- Tôi muốn có mối quan hệ và địa vị xã hội
- Tôi thích có một công ty vì tôi thích được ra quyết định và kiểm soát người khác
- Đơn giản, tôi chỉ muốn có một công việc để kiếm tiền nuôi sống tôi
- Tôi muốn chiến thắng bản thân
- Tôi muốn tự do thời gian, tiền bạc, không lệ thuộc người khác, có quyền quyết định cuộc đời mình
- Tôi muốn được học hỏi, dấn thân, khám phá các giới hạn của bản thân mình
- Tôi thích thử thách, tôi muốn được trải nghiệp, tôi muốn đạt thành công trongtương lai và tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm với cuộc đời mình
Điều quan trọng nhất là bạn phải tìm ra được đam mê khởi nghiệp của mình. Bởi vì chỉ có đam mê mới giúp bạn đi xa trên hành trình khởi nghiệp đầy gian nan và thử thách.
Rất nhiều bạn trẻ dấn thân vào con đường khởi nghiệp nhưng lại chọn sai mục đích sống, sai đam mê dẫn đến thất bại rất đau đớn.
Sau khi xác định chính xác mình muốn gì, bây giờ bạn cần phải biết bản thân mình đang có gì, những hành trang bạn chuẩn bị cho bản thân mình sẽ quyết định sự thành công, thất bại hoặc đi xa trên hành trình bạn khởi nghiệp.
Kiến thức: Bạn có kiến thức trong lĩnh vực gì? Kiến thức bạn đang có, có hỗ trợ gì cho bạn trong hành trình khởi nghiệp bạn chọn không? Bạn có kiến thức, kỹ năng về phát triển sản phẩm, bán hàng, marketing, xây dựng thương hiệu, tài chính, kế toán, vận hành doanh nghiệp khởi nghiệp, quản trị.... không? Đừng mù quán dấn thân rồi lại nhận những bài học thất bại, nếu bạn chưa sẵn sàng học những kiến thức nêu trên thì tôi nghĩ bạn khoan vội hãy nghĩ đến chuyện khởi nghiệp. Đừng để những cảm hứng nhất thời dẫn lối bạn, khởi nghiệp cần phải có đam mê, cam kết và quyết tâm.
Thế mạnh: Bản thân bạn mạnh nhất về điều gì? Có người giỏi bán hàng, người khác giỏi marketing, có người lại giỏi về nghiên cứu và chế tạo sản phẩm...Mỗi người một thế mạnh. Điều quan trọng bạn cần biết bản thân mình giỏi về điều gì, những khiếm khuyết còn lại hãy tìm những người đồng đội có thế mạnh khác bạn để bổ sung vào
Mối quan hệ: Bạn có được bao nhiêu mối quan hệ? Chất lượng mối quan hệ đó như thế nào? Có ai sẵn sàng mua sản phẩm của bạn cho dù nó vẫn chưa hoàn thiện không (Với một thiện chí mong muốn giúp bạn), có ai sẵn sàng cố vấn hoặc giúp đỡ bạn về vật chất, tinh thần trên hành trình bạn sắp đi không?
Khả năng và tài năng : Bạn có năng lực gì nhất? Bạn có tài năng nào nổi trội mà người khác không có không? Bạn từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực nào? Bạn đang sở hữu những kỹ năng gì? Hãy trả lời chính xác và đánh giá xem những Khả năng và tài năng bạn sở hữu có phù hợp với lĩnh vực khởi nghiệp bạn đang muốn dấn thân không nhé
Tài chính: Bạn có sẵn tài chính để bắt đầu khởi nghiệp không hay bạn vẫn đang trắng tay, hay chỉ mới tích lũy được vài đồng ít ỏi và chuẩn bị phải đi vay mượn. Bạn có sống được nếu trong vòng 6 tháng, 1 năm tới không có nguồn thu nhập không? Bạn có các tài sản khác để có thể thế chấp, vay vốn không? Hãy kiểm tra lại “Sức khỏe tài chính của bạn” và khả năng sẵn sàng chi những đồng tiền cuối cùng của bạn nhé.
Cam kết và kỷ luật: Khởi nghiệp là hành trình dài và lắm gian nan, trước khi thực sự thành công bạn phải làm việc cật lực trong khoảng thời gian dài, đôi khi phải làm việc từ 12-14h/ngày. Và có khi phải ăn mì gói trong vài tuần để tiết kiệm tiền làm các hoạt động khác, bạn cũng hạn chế những cuộc nhậu vô bổ, hạn chế những buổi cafe vô nghĩa, kiểm soát việc mua sắm đồ...Cho tới khi thành công gọi tên bạn, thì gần như bạn phải kiểm soát mọi thứ từ hành vi đến thói quen sinh hoạt, làm việc của mình. Bạn làm được chứ?
Xác định được điều mình muốn, biết được hành trang mình có, nhưng “bắt đầu thế nào đây?” vẫn là câu hỏi lớn với rất nhiều người.
Sau nhiều năm đồng hành cùng khởi nghiệp trong vai trò người cố vấn, nhà đào tạo, thông qua những trải nghiệm, kinh nghiệm tôi có được, tôi đã khái quát lộ trình khởi nghiệp thông qua bộ câu hỏi sau đây.
- Bạn đang muốn kinh doanh/sản xuất gì ? Giải pháp bạn đưa ra sẽ giải quyết vấn đề gì? Giải pháp đó có nhiều người cần không ? (Trả lời câu hỏi này sẽ cho bạn biết: giá trị sản phẩm bạn cung cấp ra thị trường là gì). Trong trường hợp bạn vẫn chưa biết mình muốn gì và bắt đầu tư đâu, thì hãy hỏi bản thân “Điều gì mình làm tốt nhất, bây giờ?” và “Có ai cần điều mình làm đó hay không”. Vd: Bạn có khả năng làm bánh rất ngon và rất nhiều người đang cần nó cho bữa sáng của họ, bạn có thể khởi nghiệp cùng những chiếc bánh.
- Khoảng bao nhiêu người cần giải pháp này của bạn ? (Trả lời câu hỏi này sẽ cho bạn câu trả lời độ lớn của thị trường bạn chọn)
- Khách hàng của bạn là ai? Nam hay nữ? Họ ở đâu? (Trả lời câu hỏi này bạn sẽ biết ai là khách hàng tiềm năng, khách hàng của bạn)
- Làm thế nào để bạn có thể liên lạc, tiếp cận họ (Câu hỏi này sẽ giúp bạn biết cách làm sao marketing, bán hàng cho khách hàng tiềm năng của bạn)
- Họ có sẵn sàng trả tiền cho giải pháp của bạn, và họ sẵn sàng trả bao nhiêu?(dự kiến doanh thu)
- Các hoạt động từ tạo sản phẩm, bán hàng, marketing... tốn của bạn hết bao nhiêu tiền?(Dự kiến các khoản chi phí bạn sẽ phải bỏ ra)
Giải pháp bạn đưa ra có thực sự tốt hơn những giải pháp đang có trên thị trường không? Bạn có thể nêu ra được lợi thế cạnh tranh khác biệt của nó không (Unique Selling Point) (Đây chính là điểm khác biệt, điểm độc đáo của bạn)
Giải pháp của bạn đã đăng ký sở hữu trí tuệ chưa, nó có bằng sáng chế không, có được nghiên cứu không, có được đơn vị nào cấp phép không? (Đảm bảo tính pháp lý, giải pháp của bạn là độc quyền)
Lão Tử có câu “Đường đi ngàn dặm, bắt đầu từ bước đầu tiên”, tôi đã cung cấp cho bạn một bản đồ chỉ đường, việc còn lại của bạn là phải sử dụng bản đồ đúng cách và phải bước đi trên hành trình khởi nghiệp bạn đã chọn. Hãy chọn cho mình một động lực đủ lớn, hình thành cho mình những thói quen tốt và giữ vững các cam kết hành động và kỷ luật bản thân cho đến khi có kết quả thực sự.
Khởi nghiệp không đơn giản là một nghề, nó là cả một đam mê và tâm huyết !
Đây là bài viết chia sẻ của ông Nguyễn Bão Quốc - Founder & CEO BQ Training,
Phó chủ tịch thường trực Hội Khởi nghiệp Sáng tạo Tp. Tam Kỳ,
Thành viên Hội đồng cố vấn khởi nghiệp ĐMST Quốc gia - VSMA
Có thể bạn quan tâm