“Phép màu” nào đưa Yên Bái trở thành điểm sáng cải cách hành chính?
Trong 10 năm (2011 – 2020) Chỉ số CCHC Yên Bái từ thứ hạng 56/63, năm 2016 vươn lên thứ hạng 26/63 tỉnh, thành, năm 2019 (tăng 30 bậc). “Phép màu” nào giúp Yên Bái trở thành điểm sáng cả nước?
Trao đổi với DĐDN tại Hội nghị thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, định hướng giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Yên Bái diễn ra sáng 31/7, ông Nguyễn Chiến Thấng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) trong đó cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được Yên Bái quan tâm, chỉ đạo và xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu với nhiều kết quả tích cực, nổi bật; được Văn phòng Chính phủ đánh giá cao và là điểm sáng trong công tác CCHC với việc thành lập và đưa vào hoạt động Bộ phận Phục vụ hành chính công 03 cấp.
Đột phá từ cải cách TTHC
Báo cáo CCHC Yên Bái cho thấy, việc kiểm soát TTHC được thực hiện đầy đủ, chặt chẽ, có chất lượng, các TTHC được công bố kịp thời, thường xuyên cập nhật các quy định về TTHC của các Bộ, ngành, TƯ để triển khai thực hiện. Cụ thể, Yên Bái đã ban hành 239 Quyết định công bố TTHC được sửa đổi, bổ sung, thay thế, TTHC bị bãi bỏ, TTHC ban hành mới thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã, với tổng số: 6.318 TTHC. Các TTHC sau khi công bố được đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC…
Ngoài ra, Yên Bái cũng ban hành 03 Quyết định kiến nghị các Bộ, ngành có liên quan xem xét sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định hành chính, TTHC không cần thiết với 29 TTHC (24 thủ tục đơn lẻ và 04 nhóm thủ tục). Tiếp nhận, xử lý 03 phản ánh kiến nghị của cá nhân về TTHC. Ban hành 11 Quyết định phê duyệt danh mục TTHC đưa ra thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh, Bộ phận PVHCC cấp huyện, cấp xã; 24 Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ các TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã.
Điều đáng nói, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC được triển khai tại 19/19 cơ quan chuyên môn của tỉnh; 9/9 huyện, thị xã, thành phố; 180/180 xã, phường, thị trấn (từ ngày 1/02/2020 là 173/173 xã, phường, thị trấn) và tại các cơ quan TƯ được tổ chức theo ngành dọc tại địa phương.
Đánh giá việc, Yên Bái đã thành lập và đưa Trung tâm PVHCC tỉnh đi vào hoạt động từ ngày 08/6/2018, ông Thắng cho hay từ ngày 01/4/2019, Yên Bái thành lập và đưa vào hoạt động Bộ phận PVHCC cấp huyện, cấp xã theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
“Các TTHC đưa ra thực hiện tại Trung tâm PVHCC tỉnh, Bộ phận PVHCC cấp huyện đạt 96%, riêng cấp xã đạt 100%” ông Thắng nói.
Đối với cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, Yên Bái đã triển khai từ năm 2017 với tổng số 2.199 dịch vụ công, trong đó có 1.730 dịch vụ công mức độ 2; 322 dịch vụ công mức độ 3; 147 dịch vụ công mức độ 4…
Giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh đã có 152 giải pháp, sáng kiến về TTHC được áp dụng qua đó đã góp phần giải quyết tốt các TTHC cho tổ chức, cá nhân, bảo đảm nhanh, gọn, rút ngắn thời gian. Các sở, ban, ngành, địa phương đã tiếp nhận kịp thời các thông tin, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết TTHC; niêm yết công khai TTHC tại các trụ sở cơ quan, đơn vị trực tiếp tiếp nhận và giải quyết TTHC theo đúng quy định..
Con người là yếu tố cốt lõi
Nhìn nhận về “phép màu” trong 10 năm (2011 – 2020) Chỉ số CCHC Yên Bái vươn lên từ thứ hạng 56/63 năm 2016 lên thứ hạng 26/63 tỉnh, thành phố năm 2019 (tăng 30 bậc), ông Thắng chia sẻ, sở dĩ CCHC Yên Bái có sự bứt phá mạnh mẽ bởi, Yên Bái đặc biệt chú trọng đến yếu tố con người.
“Chất lượng cán bộ, công chức, viên chức được đảm bảo ngay từ khi tuyển dụng. Cơ cấu công chức, viên chức thông qua việc Yên Bái phê duyệt Đề án vị trí việc làm của các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện” ông Thắng nhấn mạnh.
Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án điều chỉnh vị trí việc làm đối với 05 cơ quan (Sở VH, TT và DL, Sở LĐ - TB và XH, Sở Tư pháp, Sở KH và CN, Sở Y tế); các cơ quan, địa phương khác đang khẩn trương thực hiện theo quy định. Đối với Đề án vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp công lập, UBND tỉnh đã phê duyệt Khung danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và Khung năng lực của từng vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Yên Bái.
Từ năm 2011 đến nay, Yên Bái đã tuyển dụng 112 công chức (ngạch chuyên viên và tương đương là 110 người, ngạch cán sự là 02 người); tuyển dụng viên chức với tổng số là 3.534 người. Tổ chức thi nâng ngạch từ ngạch nhân viên, cán sự hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên hoặc tương đương: 97 người; thi nâng ngạch từ ngạch chuyên viên lên ngạch chuyên viên chính: 159 người…
Mặt khác, Yên Bái thực hiện nhiều loại hình đào tạo, gắn đào tạo với thực tiễn, kết hợp giữa ngắn hạn với dài hạn, đào tạo theo chuyên đề, theo vị trí công tác của CBCCVC. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, đào tạo cán bộ có trình độ thạc sỹ, tiến sĩ và tương đương từ nguồn ngân sách nhà nước. Đồng thời, định hướng, khuyến khích CBCCVC tự học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đảm bảo đáp ứng được tiêu chuẩn, vị trí việc làm.
Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ thông tin, các mô hình, phương pháp, công nghệ hiện đại trong quản lý đội ngũ CBCCVC được thực hiện hiệu quả thông qua triển khai xây dựng và sử dụng phần mềm “Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, CBCCVC trong các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh Yên Bái”. Phần mềm đã được triển khai đồng bộ đến các sở, ban, ngành, các hội, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh; UBND cấp huyện và cấp xã.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của CBCCVC gắn với thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý kỷ luật CBCCVC có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm; từng bước nâng cao chất lượng phục vụ và uy tín của các cơ quan hành chính, chính quyền các cấp đối với tổ chức, doanh nghiệp, người dân.
Chất lượng công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên. Tính đến 31/12/2019, tổng số cán bộ, công chức cấp xã toàn tỉnh có chuyên môn nghiệp vụ đạt chuẩn chiếm: 96,74% (trong đó công chức đạt chuẩn chiếm: 98,92%; cán bộ đạt chuẩn chiếm: 95%); tăng 52,19% so với năm 2010.
Tạo bước đột phá giai đoạn 2021 – 2030
Qua phân tích, đánh giá 8 lĩnh vực trong kết quả Chỉ số CCHC (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tỉnh Yên Bái năm 2019, đặc biệt là những ý kiến tham luận của các sở, ban ngành, ông Đinh Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Yên Bái đề nghị: “Các sở, ban, ngành UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao duy trì kết quả đạt được, chủ động rà soát các tiêu chí, tiêu chí thành phần không đạt kết quả năm 2019, đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các chỉ số năm 2020 theo Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 31/3/2020 của UBND tỉnh”.
Ở góc độ TƯ, ông Nguyễn Duy Hoàng, Cục phó Cục kiểm soát TTHC Văn phòng Chính phủ cho rằng, sự “ghi điểm” của Yên Bái là việc Yên Bái thành lập được Trung tâm Hành chính công, đây là điểm sáng trong công tác CCHC. Điều này được minh chứng, năm 2019 Yên Bái được Chính phủ tăng cờ thi đua đơn vị dẫn đầu khối thi đua 7 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, được Thủ tướng tặng bằng khen.
Tuy nhiên, ông Hoàng cho rằng, trong giai đoạn 2021 – 2030, Yên Bái thực hiện việc cắt thời gian giảm TTHC ở các xã 30% là một áp lực rất lớn, bởi đặc thù các xã Yên Bái vùng sâu vùng xa, năng lực trình độ cán bộ, người dân về ứng dụng công nghệ còn hạn chế. Vì vậy, Yên Bái cần có những giải pháp đào tạo nâng cao trình độ cán bộ cũng như người dân ứng dụng công nghệ thông tin thì mới đạt được tính hiệu quả. Cùng với đó Yên Bái cần tập trung số hoá, để đảm bảo khâu kiểm tra giám sát các TTHC…
“Trung tâm Hành chính công tốt rồi, Yên Bái triển khai thêm quầy “bắc ái” hỗ trợ người già, người tàn tật khó khăn” ông Hoàng nói.
Thực tế, để tạo bước đột phá trong CCHC, Yên Bái xác định một số mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 -2030 gồm, thứ nhất 100% văn bản quy phạm pháp luật của địa phương được xây dựng, ban hành đúng quy định, có tính khả thi cao, đem lại hiệu quả, phục vụ tốt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thứ hai, duy trì và nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại 100% cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh. TTHC được cải cách cơ bản, mức độ hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp về TTHC đạt trên 90% vào năm 2030.
Thứ ba, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị, bộ máy chính quyền cấp cơ sở ngày càng tinh gọn; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp, các ngành; tiếp tục phân cấp quản lý theo quy định nhằm nâng cao tính chủ động, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của các cấp các ngành…
Vói những mục tiêu cụ thể, ông Thắng khẳng định, Yên Bái sẽ tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác CCHC. Thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện công tác CCHC hàng năm của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Gắn nhiệm vụ CCHC với nhiệm vụ chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Lấy kết quả thực hiện CCHC là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm.
Quy định rõ trách nhiệm của các bộ phận liên quan trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; kiểm tra công việc của công chức trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia giải quyết hồ sơ cho cá nhân, tổ chức. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, xác định đây là khâu đột phá để tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của nhân dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và xã hội hoá một số loại hình dịch vụ công cộng. Thực hiện nghiêm quy chế, quy định, quy trình tiếp nhận, chuyển hồ sơ, xử lý, trình ký, trả lại tổ chức, công dân…
Phát huy các sáng kiến, trong quá trình thực hiện, nhân rộng mô hình xây dựng một nền hành chính phục, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Có chế độ khen thưởng những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt và có biện pháp xử lý đối với những tổ chức, cá nhân chưa thực hiện tốt công tác CCHC. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện CCHC…
Có thể bạn quan tâm
Tích cực cải thiện môi trường đầu tư, PCI Yên Bái tiếp tục tăng cao
03:31, 17/05/2020
Yên Bái hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó vì COVID - 19
05:00, 02/05/2020
Yên Bái: Thống kê công dân từ Hà Nội trở về địa phương
16:43, 13/03/2020
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Yên Bái phải xóa nghèo cho gia đình chính sách
20:17, 09/01/2020
Khởi nghiệp nông nghiệp: Nông dân Yên Bái làm giàu thành công từ trồng nấm rơm
04:39, 12/06/2020