Quảng Ninh: Làn sóng đầu tư vào dịch vụ du lịch
Tính từ cuối năm 2013 tới nay, Quảng Ninh đã thu hút hơn 100 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 5,5 tỷ USD. Đáng chú ý, làn sóng đầu tư mạnh mẽ nhất tập trung vào lĩnh vực dịch vụ du lịch.
Cách đây 5 năm, Quảng Ninh vẫn còn rất khiêm tốn trong thu hút đầu tư. Nguyên nhân được chỉ ra là do cơ sở hạ tầng, khoảng cách di chuyển; cơ chế chính sách; nguồn nhân lực.
Nhận diện những rào cản
Cụ thể, về vấn đề cơ sở hạ tầng, hệ thống đường cao tốc của Quảng Ninh kết nối với các tỉnh thành chưa thuận tiện, chưa có sân bay; các dự án giao thông của tỉnh đang trong giai đoạn xây dựng (cao tốc Hạ Long – Hải Phòng; Sân bay Vân Đồn), sẽ mất khoảng 1-2 năm nữa để hoàn thiện và đi vào hoạt động.
Trong khi đó, TP.Hải Phòng đang nổi lên như một điểm sáng, điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và nước ngoài do có cơ sở hạ tầng đồng bộ: đường bộ (Quốc lộ 5B), đường biển (Cảng Lạch Huyện), đường hàng không (Sân bay Cát Bi), đường sắt (Hải Phòng – Hà Nội). Bên cạnh đó, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam đều có khoảng cách địa lý không xa tới Hà Nội, cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện tạo thành chuỗi liên kết đầu tư.
Do đó, thực trạng này được xem như là một thách thức rất lớn của tỉnh Quảng Ninh trong việc cạnh tranh với các tỉnh để thu hút các nhà đầu tư tầm cỡ đến với Quảng Ninh.
Về khía cạnh nguồn nhân lực, Quảng Ninh cũng không có lợi thế trong việc cạnh tranh với các tỉnh khác về nguồn nhân lực giá rẻ, nguồn nhân lực được đào tạo có kỹ năng và tay nghề đủ để đáp ứng cho các ngành sử dụng nhiều lao động.
Vượt rào hái trái ngọt
Nhận diện được những khó khăn, thách thức nói trên, Quảng Ninh đã quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp.
Theo đó, Quảng Ninh đã xây dựng các công trình, dự án hạ tầng giao thông quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển, nhất là đường cao tốc nối với Hải Phòng - Hà Nội, sân bay Vân Đồn, cảng biển quốc tế... Đồng thời, đẩy mạnh phát triển hạ tầng các khu đô thị hiện đại, khu công nghiệp, khu kinh tế; hạ tầng thương mại, du lịch, y tế, giáo dục... với quy mô và chất lượng theo chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Các thủ tục đầu tư, kinh doanh ở Quảng Ninh ngày càng được đơn giản hóa và giải quyết công khai, minh bạch, nhanh chóng, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận thông qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Ninh những năm qua luôn ở vị trí 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu Việt Nam, và trong năm 2018 PCI của Quảng Ninh xếp đầu toàn quốc…
Với những nỗ lực nêu trên, tỉnh Quảng Ninh được các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao và xác định là một điểm đến hấp dẫn. Và những nguồn vốn đã không ngừng đổ vaò Quảng Ninh.
Tham vọng trong thời gian tới
Mang đậm dấu ấn là Tập đoàn Tuần Châu gắn với cụm cầu cảng khách quốc tế lớn nhất Việt Nam; khu vui chơi, giải trí ngoài trời; khu biệt thự, khách sạn ven biển 4 sao dài nhất Việt Nam; khu ẩm thực, sân golf… với tổng giá trị đầu tư gần 50.000 tỷ đồng.
Mỗi ngày Khu du lịch quốc tế Tuần Châu đón khoảng 10.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng và xuống tàu tham quan, khám phá Vịnh Hạ Long. Đảo Tuần Châu là dự án đầu tư đầu tiên trong lĩnh vực du lịch, thương mại của một nhà đầu tư trong nước đổ vào Quảng Ninh, cũng là dự án động lực tạo sức bật cho ngành công nghiệp “không khói” của tỉnh.
Một tên tuổi không thể không nhắc đến là Sun Group. Tập đoàn này đã đầu tư Tổ hợp vui chơi, giải trí thiết kế theo mô hình Công viên Disneyland với vòng quay Mặt trời và cáp treo Nữ hoàng Hạ Long, Công viên giải trí Sun World Ha Long…
Đây là khu vui chơi lớn với nhiều điểm nhấn đem lại sự hấp dẫn cho du khách đến Hạ Long. Hiện Tập đoàn này cũng đang dốc sức thi công dự án Quảng trường Mặt trời Hạ Long (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) với tổng mức đầu tư trên 2.300 tỷ đồng. Dự án nhằm phục vụ cho Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2018 do tỉnh Quảng Ninh đăng cai tổ chức.
Bên cạnh đó, từ năm 2013, Tập đoàn Vingroup, FLC cũng đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cho sự ra đời Khu khách sạn nghỉ dưỡng biển cao cấp tại đảo Rều - Vinpearl Ha Long Bay Resort; Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Hạ Long, quy mô 224 ha. Đây là khu phức hợp bao gồm nhiều hạng mục như sân golf 18 lỗ, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ, khách sạn 5 sao, khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp...
Hiện bên cạnh dự án cảng hàng không quốc tế, khu nghỉ dưỡng có casino và 13km đường trục chính do Sun Group đang triển khai, Quảng Ninh đang kêu gọi 5 "siêu dự án" tại Vân Đồn, đó là: Dự án Khu du lịch sinh thái đảo Phượng Hoàng, quy mô 691ha với tổng mức đầu tư dự kiến 5.500 tỷ đồng; dự án đảo Nất Đất quy mô 116ha, tổng mức đầu tư khoảng 3.150 tỷ đồng; dự án Khu du lịch biển Hòn Soi Nhụ quy mô 120ha với tổng mức đầu tư 637 tỷ đồng; dự án Khu du lịch sinh thái rộng 452ha gồm sân golf, khách sạn 3 - 5 sao, khu vui chơi giải trí… với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng; khu Hòn Chín được quy hoạch quy mô 28ha với tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng.
Trong kế hoạch phát triển, tỉnh này cũng đang xúc tiến kêu gọi đầu tư 14 dự án bất động sản du lịch sinh thái quy mô lớn (giai đoạn 2016 - 2020) cùng nhiều dự án khác nhằm phát triển 4 trung tâm du lịch trọng điểm: Hạ Long; Móng Cái - Trà Cổ; Vân Đồn - Cô Tô; Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên.
Với các nhà đầu tư đang muốn tìm một bến đỗ cho những kế hoạch sản xuất, kinh doanh thì nơi này chắc chắn sẽ là địa chỉ không thể bỏ qua. Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long nói: “Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước thì Quảng Ninh phải chờ đến 10 năm nữa hoặc lâu hơn nữa. Nhưng chờ đợi đồng nghĩa với đánh mất cơ hội. Giấc mơ phải trở thành hiện thực. Với quyết tâm ấy, Quảng Ninh đã mạnh dạn, năng động tìm nhà đầu tư theo hình thức xã hội hóa, bằng chính sách thông thoáng, hài hòa các lợi ích, Quảng Ninh sẵn sàng mở mọi cảnh cửa, mọi con đường, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư”.