Tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh cao nhất trong 6 năm gần đây
Trong 9 tháng đầu năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh ước tăng 10,7% (quý I tăng 9,3%; quý II tăng 10,9%, quý III tăng 11,7%), cao nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây.
Theo báo cáo mới đây của tỉnh này, hoạt động kinh tế trên các lĩnh vực tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm của 3 khu vực kinh tế: khu vực I: nông, lâm, thủy sản tăng 3,4%, đóng góp 0,2 điểm %; khu vực II: công nghiệp - xây dựng tăng 9,2%, đóng góp 4,5 điểm %; khu vực III: dịch vụ tăng 13,8%, đóng góp 4,8 điểm % trong tổng mức tăng chung. Thuế sản phẩm tăng 11,5%, đóng góp 1,2 điểm %.
Điển hình, khu vực dịch vụ sôi động, nhiều cơ sở dịch vụ, sản phẩm du lịch mới được đầu tư và đưa vào sử dụng, các sự kiện trong khuôn khổ Năm du lịch quốc gia đã thu hút đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài nước. Khu vực công nghiệp – xây dựng tăng khá, tăng cao nhất là ngành công nghiệp chế biến – chế tạo (tăng 12,0%; đóng góp 1,4 điểm %); công nghiệp khai khoáng trên đà phục hồi (tăng 6,5%; đóng góp 1,2 điểm %); các dự án, công trình động lực, nhất là hạ tầng giao thông được đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản duy trì sự ổn định.
Kinh tế tăng trưởng đạt mức kỷ lục trong 6 năm qua như vậy, theo bà Vũ Thị Kim Chi - Phó trưởng Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh (IPA), do Quảng Ninh là một trong những địa phương tiên phong trong cả nước áp dụng các mô hình, phương thức mới trong thu hút đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm theo hình thức đầu tư PPP như: đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn; đẩy nhanh xây dựng cảng hàng không Quảng Ninh... nhằm tạo thuận lợi tối ưu cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Cũng theo bà Chi, một yếu tố khác không kém quan trọng được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chú trọng là nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, nhất là đội ngũ quản trị, những người đứng đầu để từ đó có những giải pháp, quyết sách phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp nhưng phải luôn song hành với lợi ích của người dân trong dài hạn, nâng cao trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Ngoài ra, việc xây dựng cơ chế, chính sách thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh cũng được chú trọng.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh: Gian nan 18 nghìn hộ kinh doanh “lên đời” doanh nghiệp
07:00, 26/09/2018
Quảng Ninh kêu gọi đầu tư dự án bãi đỗ xe
17:00, 25/09/2018
Quảng Ninh: Nguy cơ tận diệt nguồn thủy sản
06:00, 21/09/2018
4/10-7/10: Tuần Văn hóa, Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh lần thứ II
14:44, 18/09/2018
Dù vậy, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng nhìn nhận những yếu kém còn tồn tại trong thời gian qua, như tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp thành lập mới tăng thấp, chưa đạt tiến độ kế hoạch năm. Tiến độ triển khai một số dự án, công trình, nhiệm vụ trong tâm còn chậm so với yêu cầu; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như đất đai, đô thị, tài nguyên, môi trường còn một số hạn chế.
Để phấn đấu năm 2018 đạt mức tăng trưởng trên 11%, tỉnh này đưa ra các giải pháp, trong đó tiếp tục tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Tích cực đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cẩm Hải - Vân Đồn; Cầu Bạch Đằng và nút giao cuối tuyến; Cảng khách quốc tế Hòn Gai; hạ tầng các khu công nghiệp (Cảng Nam Tiền Phong, Texhong Hải Hà, Đầm Nhà Mạc). Chuẩn bị thủ tục đầu tư để sớm khởi công các dự án: Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả và triển khai lập dự án Hầm đường bộ qua Vịnh Cửa Lục.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và các hoạt động xúc tiến đầu tư, du lịch, thương mại, tạo mọi điều kiện để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.