Lần đầu tiên Quảng Ninh được công nhận hai bảo vật quốc gia
Thủ tướng vừa quyết định công nhận bảo vật quốc gia cho 22 hiện vật, nhóm hiện vật. Quảng Ninh lần đầu tiên được công nhận có hai bảo vật quốc gia là Bình gốm Hoàng Tân và hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử.
Ngày mồng 6 tháng 3 năm 1998, trong chuyến công tác để khảo sát sơ bộ khu di chỉ núi Đầu Rằm, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và sưu tầm được chiếc Bình gốm Hoàng Tân đang được gia đình anh Nguyễn Xuân Thủy lưu giữ. Sau khi được sự đồng ý của gia đình, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh tiến hành bàn giao để đưa về Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, bảo quản và phát huy.
Bình gốm Hoàng Tân phát hiện tại di chỉ Đầu Rằm - Hoàng Tân thuộc thời đại Kim khí có niên đại cách ngày nay khoảng 3000 năm. Bình được chế tác bằng đất nung pha lẫn vỏ nhuyễn thể đập nát. Xương gốm có màu nâu sẫm, áo gốm màu gạch đỏ. Bình cao 25 cm, rộng vai 14 cm, miệng 6,5 cm. Bốn mặt của phần thân bình được trang trí tỉ mỉ bằng các hoa văn chấm dải xen với các đường khắc vạch được bố trí đối xứng và liên tục hình chữ S. Chữ S được uốn cách điệu mềm mại như những mầm cây được nối tiếp nhau bằng những hình kỷ hà chắc khỏe.
Đáng chú ý là thân bình có một lỗ tròn, có thể được dùng để làm vòi. Gần vai bình là các vòng tròn văn chìm kết hợp văn chấm dải. Đế bình cao 6,8 cm, hình thang cân, được làm riêng rồi lắp liền rất khéo vào thân bình trước khi nung, tạo dáng bình giống với chiếc gùi tre đan của người Thái.
Người tìm thấy chiếc hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử là Đại đức Thích Quảng Hiền, trụ trì chùa Trung Tiết (Đông Triều, Quảng Ninh). Chiếc hộp chỉ có trọng lượng tương đương 1,5 cây vàng nhưng có giá trị đặc biệt về văn hóa và lịch sử. Phần thân của chiếc hộp được trang trí hoa văn cánh sen, toàn bộ hộp mang hình dáng của một bông hoa sen đang độ đẹp nhất, hoa văn điêu khắc đạt đến độ tinh xảo.
Chiếc hộp được xác định có niên đại dao động trong các thế kỷ XIII và XIV. Đây có thể là loại đồ ngự dụng được sử dụng trong vương triều Trần. Việc một hiện vật bằng vàng còn nguyên vẹn được tìm thấy tại Đông Triều, nơi phát tích và cũng là địa điểm xây dựng các lăng mộ vua Trần từ sau năm 1320 là phát hiện vô cùng quan trọng với ngành khảo cổ.
Có thể bạn quan tâm