Điện Biên cùng VCCI hiện thực hoá cam kết ”nói và làm”

Khắc Lãng thực hiện 02/05/2018 06:07

Việc ”bắt tay” giữa tỉnh và VCCI được cụ thể hoá bằng việc Điện Biên đã ký Bản cam kết với VCCI về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

“Điện Biên mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với VCCI nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp; nỗ lực, tận tâm xây dựng chính quyền điều hành theo mô hình chính quyền phục vụ; tháo gỡ những nút thắt hiện hữu; hiện thực hoá cam kết địa phương đặt ra cùng VCCI là “nói và làm...”, ông Mùa A Sơn - P.Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên chia sẻ.

Điện Biên là một trong 63 tỉnh, TP đã ký cam kết với VCCI đúng theo tinh thần của Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020. VCCI cam kết sát cánh cùng chính quyền địa phương trong cải cách môi trường kinh doanh, tạo môi trường hệ sinh thái cho doanh nghiệp khởi nghiệp…

- Vậy cụ thể Điện Biên và VCCI đã làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh, thưa ông?

Việc ”bắt tay” giữa tỉnh và VCCI được cụ thể hoá bằng việc Điện Biên đã ký Bản cam kết với VCCI về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh phát triển vào ngày 22/9/2016.

Trên cơ sở các nội dung cam kết, VCCI đã giúp Điện Biên thực hiện một số nhiệm vụ trong triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017; Nghị quyết số 35/NQ –CP ngày 17/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Việc ”bắt tay” giữa tỉnh Điện Biên và VCCI được cụ thể hoá bằng việc Điện Biên đã ký Bản cam kết với VCCI về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp vào ngày 22/9/2016.

Cùng với đó, VCCI đã giúp Điện Biên trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đến cộng đồng doanh nghiệp và các đội ngũ lãnh đạo, công chức thuộc các ngành, các cấp trong tỉnh. Bên cạnh đó, VCCI đã tích cực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc như văn phòng công tác hiệp hội, Báo DĐDN... chủ động giúp Điện Biên tuyên truyền về những nỗ lực của tỉnh trong xây dựng, cải thiện môi trường kinh doanh, những tiềm năng thế mạnh của tỉnh đang thu hút đầu tư…

Đặc biệt, VCCI đã hỗ trợ Điện Biên trong việc thành lập Hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh, qua đó giúp cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh có cơ hội tăng cường kết nối, tiếp xúc, giao lưu tìm hiểu cơ hội kinh doanh trong nước và quốc tế. VCCI đã hỗ trợ tỉnh trong việc giới thiệu tiềm năng thế mạnh của tỉnh tại các Hội nghị, Hội thảo do VCCI tổ chức; Tập huấn, đào tạo cho các doanh nghiệp về quản trị doanh nghiệp, thuế, hải quan; Tổ chức diễn đàn khởi nghiệp…

- Điện Biên đã cụ thể hoá chương trình hợp tác trên như thế nào?

Tỉnh đã triển khai rất nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy, tạo lập môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Cụ thể, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.

p/Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.

Điện Biên đã xây dựng Chương trình hành động để cụ thể hoá và triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao. Bên cạnh đó, Điện Biên xây dựng và ban hành kế hoạch hành động thực hiện Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Điện Biên năm 2017.

Theo đó, Điện Biên tập trung cải thiện chất lượng điều hành, cải cách TTHC; xây dựng, tổ chức sắp xếp bộ máy quản lý tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động; lấy nhân dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ; Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Đẩy mạnh phối hợp giữa các ngành, các cấp trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Chính vì vậy, trong thời gian qua các chỉ số đo lường chất lượng điều hành và năng lực cạnh tranh của Điện Biên liên tục được cải thiện. Minh chứng, chỉ số PCI của Điện Biên năm 2017 đạt 60,57 điểm, tăng 4,09 điểm, xếp thứ 48/63 tỉnh/thành phố trong cả nước, tăng 5 bậc so với năm 2016 - nằm trong nhóm các tỉnh đứng đầu khu vực miền núi phía Bắc, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

- Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có công văn yêu cầu các tỉnh thành tập trung cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt 10 chỉ số thành phần trong PCI. Với Điện Biên ông có đề xuất gì từ VCCI?

Góp phần đẩy mạnh hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn Điện Biên tôi cho rằng, năm 2018 và những năm tới VCCI tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong các hoạt động xây dựng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực tranh của tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo tinh thần chỉ đạo của TƯ. Đặc biệt, Điện Biên và VCCI cần chủ động, thường xuyên hơn nữa trong các hoạt động phối hợp, trao đổi các thông tin liên quan, đánh giá kết quả thực hiện các nội dung đã cam kết. Trên cơ sở đó, đề ra các nội dung phối hợp, hỗ trợ thiết thực, cụ thể để tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Mặt khác, VCCI tiếp tục đẩy mạnh việc lắng nghe các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước nói chung và Điện Biên nói riêng, qua đó đề xuất, tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, Bộ ngành trong công tác hoạch định chính sách và thực thi các cơ chế, giải pháp để giảm tối đa các điều kiện kinh doanh không cần thiết... VCCI phát huy hơn nữa vai trò kết nối, bảo vệ lợi ích chính đáng và hợp pháp của cộng đồng doanh nghiệp thông qua các biện pháp phòng vệ, tự vệ, chống bán phá giá và giải quyết tranh chấp thương mại, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ… trong thực thi các Hiệp định thương mại song phương và đa phương.

5 giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp

Điện Biên xác định động lực chính để phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới là thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng hoạt động, đặc biệt là chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân; Khai thác hợp lý và có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu... với 5 nhóm giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, thực hiện tốt phân cấp quản lý tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức theo quy định pháp luật; phát huy trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đơn vị; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức…

Thứ hai, tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, chống lãng phí...

Thứ ba, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, thế mạnh; thành lập quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp NVV Điện Biên.

Thứ tư, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp dưới nhiều hình thức; chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng... Bên cạnh đó, tăng cường hiệu quả công tác thông tin, dự báo, công tác hỗ trợ tư vấn pháp lý...

Thứ năm, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và xem nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Người đứng đầu các đơn vị liên quan phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thừa hành của cấp dưới; rút ngắn quy trình xử lý các TTHC, đặc biệt TTHC liên quan đến doanh nghiệp như: thuế, hải quan, tín dụng, bảo hiểm xã hội, quy hoạch, xây dựng, đất đai...

- Xin cảm ơn ông!

Khắc Lãng thực hiện