Điện Biên tạo chuỗi liên kết trong nông nghiệp
Ông Hà Văn Quân, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên sẽ đẩy mạnh thực hiện các nội dung cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên, qua 4 năm triển khai, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến nay, Điện Biên đã thu hút được 17 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; tổ chức xây dựng và xác nhận 11 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm nghiệp an toàn; Phê duyệt 02 dự án cánh đồng lớn quy mô 53 ha và chỉ đạo, hỗ trợ tổ chức sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 63 ha cho kết quả tốt.
Kết nối cung - cầu
Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã hình thành và tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, từng bước phát huy thế mạnh, lợi thế của từng địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Nhiều hộ gia đình đã chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo giá trị hàng hóa, tăng thu nhập trên địa bàn tỉnh và xóa đói giảm nghèo.
Ông Hà Văn Quân, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết: Để đẩy nhanh việc thực hiện cơ cấu lại nền nông nghiệp, tỉnh đã xác định 5 trụ cột: Một là, phải làm tốt công tác tuyên truyền để mọi đối tượng hiểu và nắm được vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nhất là nông dân phải nhận thức rõ vai trò chủ thể, trách nhiệm, quyền lợi của mình, đổi mới tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún, truyền thống sang sản xuất hàng hóa lớn liên doanh, liên kết; đổi mới hình thức sản xuất theo tổ hợp tác, hợp tác xã để làm đầu mối cho nông dân liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Hai là, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Doanh nghiệp là đầu tầu, là trụ cột để tổ chức triển khai thực hiện tái cơ cấu và cũng là hạt nhân của chuỗi liên kết để thúc đẩy sản xuất phát triển, không có doanh nghiệp thì không thể thực hiện được tái cơ cấu nông nghiệp. Ba là, triển khai, xây dựng và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh liên quan đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tăng cường vai trò chỉ đạo, lãnh đạo, hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, giám sát của các cấp đảm bảo tính quyết liệt, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Bốn là, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là tiến bộ về giống, kỹ thuật canh tác và cơ giới hóa trong sản xuất,… để tạo đột phá trong tăng năng suất, chất lượng và sản lượng hàng hóa nông sản. Năm là, huy động tối đa các nguồn lực của toàn xã hội để lồng ghép trong quá trình thực hiện các nội dung cơ cấu lại nông nghiệp của tỉnh; đẩy mạnh hoạt động vay vốn từ ngân hàng của các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân để bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư vào nông nghiệp.
Đến nay, Điện Biên đã thu hút được 17 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; tổ chức xây dựng và xác nhận 11 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm nghiệp an toàn.
“Thủ phủ” Mắc ca
Đặc biệt, những năm gần đây Điện Biên được coi là thủ phủ của cây Mắc ca. Đây là cây trồng cho giá trị kinh tế cao và được đánh giá phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương. Trước nhu cầu phát triển trồng cây Mắc ca của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tương đối lớn, để đảm bảo tính thống nhất trong định hướng phát triển cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng Đề án phát triển cây Mắc ca đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, làm cơ sở cho việc quản lý, chỉ đạo và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển, áp dụng cơ chế chính sách hỗ trợ, từ đó đảm bảo đưa cây Mắc ca trở thành cây trồng nông nghiệp chủ lực của tỉnh gắn với phát triển thành hàng hóa.
Đề án phát triển Mắc ca của tỉnh sẽ chủ yếu tập trung thực hiện trên địa bàn 4 huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên, Tuần Giáo với quy mô trồng khoảng 26.000 ha với diện tích quy hoạch khoảng 35.000 ha.
Theo chủ trương thu hút đầu tư vào nông nghiệp, UBND tỉnh Điện Biên đã chấp thuận cho một số doanh nghiệp khảo sát, xây dựng dự án trồng, chế biến Mắc ca như: Công ty cổ phần chế biến thực phẩm công nghệ cao thuộc Tập đoàn TH, Công ty TNHH xuất nhập khẩu thương mại và đầu tư Phú Thịnh, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Mắc ca Tây Bắc và Công ty cổ phần Macadamia Điện Biên. Đến nay, đã có 01 nhà đầu tư là Công ty cổ phần Macadamia Điện Biên đang triển khai thực hiện trồng Mắc ca và 02 nhà đầu tư: Công ty TNHH XNK và Đầu tư Phú Thịnh, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Mắc ca Tây Bắc được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư với quy mô 13.509 ha. Tổng diện tích Mắc ca đã trồng trên địa bàn toàn tỉnh là 2.171 ha (trồng thuần tập trung 1.628 ha, trồng xen các loài cây khác 543 ha); sản lượng quả tươi năm 2018 ước đạt 9,4 tấn.
“Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên sẽ đẩy mạnh thực hiện các nội dung cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2018-2020. Trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có thế mạnh để tạo thành hàng hóa; nhân rộng và phát huy kết quả của các chuỗi liên kết. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Mỗi xã một sản phẩm”; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn để tăng thu nhập cho người dân nông thôn một cách bền vững. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường hoạt động khuyến nông, khuyến lâm; khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi vào sản xuất; thực hiện tốt việc chuyển đổi đất lúa, rau màu kém hiệu quả sang trồng cây công nghiệp, cây ăn quả phù hợp; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm trong chăn nuôi, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; chú trọng phòng chống dịch, bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Tỉnh đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại gắn với từng sản phẩm thế mạnh của địa phương; phát triển, nhân rộng các Hợp tác xã, các mô hình kinh tế tập thể, mô hình trang trại hiệu quả trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp. Điện Biên tiếp tục kêu gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án phát triển nông, lâm nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh.”- ông Hà Văn Quân chia sẻ.