Điện Biên: Thăng hạng cạnh tranh bằng năng động, sáng tạo

Lê Trang 06/05/2020 05:05

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Ðiện Biên năm 2019 đạt 64,11 điểm, xếp hạng 44/63 tỉnh, thành phố trên cả nước tăng 3 bậc so với năm 2018.

Trong một thời gian ngắn, Điện Biên đã có những chuyển biến tích cực trong một khát vọng vươn lên trở thành một trong những đầu tầu về kinh tế, văn hoá, xã hội của vùng Tây Bắc tổ quốc... Thước đo của những chuyển biến đó là PCI (Chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh).

"Quả ngọt" từ sự nỗ lực của Chính quyền

Trước thực trạng Chỉ số PCI của Điện Biên trong một vài năm trước chưa đạt những kết quả khả quan, cụ thể đó là xếp hạng lúc tăng, lúc giảm đột ngột… Số liệu dẫn chứng cho thấy, nếu như vào năm 2011, Điện Biên đứng ở vị trí tốt, thứ 29 trong cả nước, thì năm 2012 Điện Biên tụt xuống vị trí thấp nhất của bảng xếp hạng (thứ 63). Nhận thấy tầm quan trọng của chỉ số này, chính quyền tỉnh Điện Biên đã quyết tâm vào cuộc. Bằng những nỗ lực của mình, năm 2013, PCI Điện Biên đã" nhảy" lên 20 bậc, đứng thứ 43, một dấu hiệu đáng mừng cho tỉnh.

Tuy nhiên, giữ được vị trí này không phải dễ, năm 2014, PCI Điện Biên một lần nữa lại quay về vạch xuất phát đứng vị trí 63. Trước thực trạng này, một lần nữa chính quyền tỉnh nhà quyết liệt giao trách nhiệm, phân cấp, phân quyền cho từng Sở, ngành, đơn vị địa phương để rồi năm 2015, PCI Điện Biên có lại có một bước “nhảy” ấn tượng tăng 10 bậc, vươn lên vị trí 53 và tiếp tục duy trì giữ vững vị trí 53 vào năm 2016 trong khi nhiều tỉnh thành tụt hạng.

Liên tục trong những năm tiếp theo, điểm số của Điện Biên đã ghi nhận những bước chuyển tích cực. Đến năm 2017 và 2018, Điện Biên lần lượt giữ vị trí 48 rồi 47 trong bảng xếp hạng tổng toàn quốc.

Không dừng lại ở đó, sáng ngày 5/5 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019. Điện Biên một lần nữa khẳng định sự nỗ lực không ngừng của mình khi đứng ở vị trí thứ 44 trên bảng xếp hạng PCI (tăng 3 bậc so với năm 2018).

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp và lãnh đạo UBND tỉnh ký kết quy chế phối hợp

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp và lãnh đạo UBND tỉnh ký kết quy chế phối hợp tại Hội nghị gặp mặt và đối thoại doanh nghiệp, nhà đầu tư tỉnh Điện Biên năm 2019

Đáng chú ý, Chi phí thời gian đạt 6.54 điểm tăng 0.94 điểm; Cạnh tranh bình đẳng đạt 6.98 điểm, tăng 1.68 điểm; Tính năng động của chính quyền tỉnh đạt được 5.60 điểm, tăng 0,86 điểm; Đào tạo lao động đạt được 6.60 điểm, tăng 0,95 điểm và Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự đạt được 7,08 điểm, tăng 0.96 điểm.

Điểm sáng thu hút đầu tư khu vực Tây Bắc

Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch của Bộ GTVT, sân bay Điện Biên có tổng nhu cầu sử dụng đất là 201,39ha. Dự án nâng cấp, phát triển sân bay Điện Biên được giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện. Theo đó, cảng hàng không Điện Biên sẽ được đầu tư đường cất hạ cánh và nhà ga hành khách mới để có thể đạt công suất 2 triệu hành khách/năm.

Nếu chỉ nhìn vào những con số, thì sự chênh lệch tăng giảm không phải điều đáng nói ở đây. Nhưng nhìn lại những hành động, sự quyết liệt của chính quyền các cấp, các ngành. Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên - Mùa A Sơn chia sẻ: Ngay từ đầu năm, trong kế hoạch của mình UBND tỉnh đã giao cho lãnh đạo 7 sở, ngành của Điện Biên phải chịu trách nhiệm cải thiện, nâng chỉ số PCI của Điện biên, cụ thể phải tăng 3 - 5 bậc trong năm 2019. Trong số đó có Sở, ngành còn phải tăng cao nữa, những 5-7 bậc, hoặc hơn nữa.

Với những Sở “nóng” khi thường xuyên phải tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp, nếu muốn cải thiện thang bậc thì cần quan tâm nhiều. Vì thế, người đứng đầu Chính quyền đã đưa chỉ tiêu rất cụ thể. Ví dụ, giao giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm về việc cải thiện từ 5 - 7 bậc xếp hạng chỉ số “tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất”; Giao giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công thương chịu trách nhiệm về việc cải thiện từ 3 - 5 bậc xếp hạng chỉ số “gia nhập thị trường”.

Còn ông Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh ủy cũng khẳng định Điện Biên không chỉ mời gọi, mà cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và luôn sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với tất cả các nhà đầu tư trên mọi lĩnh vực.

Và dường như “đã đến ngày được hái quả ngọt”, khi nhiều nhà đầu tư lớn, có tên tuổi đã đang tìm đến đầu tư tại Điện Biên như tập đoàn Vingroup, Sungroup, Công ty Cổ phần Mắc ca Tây Bắc... Theo báo cáo, trong năm 2019 Điện Biên đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 20 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký trên 2.700 tỷ đồng. Trong đó, có 9 dự án hoàn thành đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 135,8 tỷ đồng. Hiện Điện Biên đang tiếp tục vận động xúc tiến, tạo điều kiện để các tập đoàn lớn như ACV, FLC, Vingroup, TH Truemilk.... khảo sát, đề xuất đầu tư một số dự án lớn và tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án đã có chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch của Bộ GTVT, sân bay Điện Biên có tổng nhu cầu sử dụng đất là 201,39ha. Dự án nâng cấp, phát triển sân bay Điện Biên được giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện. Theo đó, cảng hàng không Điện Biên sẽ được đầu tư đường cất hạ cánh và nhà ga hành khách mới để có thể đạt công suất 2 triệu hành khách/năm.

Dự án nâng cấp, phát triển sân bay Điện Biên được giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện

Mặt khác, năm 2019, Điện Biên có 135 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn 1.400 tỷ đồng, tăng 20 doanh nghiệp so với năm 2018. Như vậy, với số lượng doanh nghiệp đăng ký mới trong năm 2019 đã nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm hiện tại 1.320 doanh nghiệp (trong đó 1.129 doanh nghiệp đang hoạt động) với tổng số vốn đăng ký 22.133 tỷ đồng và 210 chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký hoạt động tại địa phương.

Bên cạnh số doanh nghiệp đăng ký mới tăng, kinh tế tập thể và hộ kinh doanh tiếp tục được khuyến khích phát triển. Trong năm, thành lập mới 24 hợp tác xã với tổng số vốn đăng ký 41 tỷ đồng, nâng tổng số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh là 200 hợp tác xã với tổng số vốn đăng ký 477 tỷ đồng.

Có thể khẳng định rằng, cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, thủ tục hành chính thông thoáng sẽ đem lại những lợi ích lâu dài cho địa phương, thậm chí còn góp phần khắc phục những hạn chế, bất lợi về vị trí địa lý hay các điều kiện hạ tầng.

Với những kết quả ban đầu Điện Biên đạt được qua thước đo chỉ số PCI, Điện Biên hoàn toàn có niềm tin để chinh phục được khát vọng vươn lên trở thành một trong những đầu tầu về kinh tế, văn hoá, xã hội của vùng Tây Bắc tổ quốc.

Có thể bạn quan tâm

  • Điện Biên: Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19

    Điện Biên: Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19

    14:58, 18/04/2020

  • Điện Biên: Tăng cường phối hợp phòng chống dịch COVID-19 trên biên giới Việt – Lào

    Điện Biên: Tăng cường phối hợp phòng chống dịch COVID-19 trên biên giới Việt – Lào

    05:56, 13/04/2020

  • Cảng hàng không Điện Biên: Nút thắt cần gỡ

    Cảng hàng không Điện Biên: Nút thắt cần gỡ

    04:56, 09/03/2020

Lê Trang