Điện Biên: Điểm sáng trong thu hút đầu tư vùng Tây Bắc
Phát huy lợi thế vị trí tiếp, nguồn tài nguyên dồi dào cùng sự cầu thị, năng động, thân thiện của chính quyền tỉnh Điện Biên đã giúp bức tranh thu hút đầu tư vào tỉnh có nhiều “gam màu sáng”
“Tỉnh Điện Biên sẽ làm hết sức mình để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư” là khẳng định của Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên Trần Văn Sơn. Thực tế cho thấy, Điện Biên đã và đang tích cực triển khai cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp để tạo động lực, sự đột phá thu hút đầu tư vào tỉnh.
Tỉnh đã ban hành, áp dụng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi quy định chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm giúp đỡ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ thu hút đầu tư đa dạng (trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến, khoa học công nghệ…). Qua đánh giá của VCCI, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Ðiện Biên năm 2019 xếp hạng 44/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng 3 bậc so với năm 2018.
Năm 2019, chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh của tỉnh tiếp tục có sự cải thiện tích cực. Đến nay, hệ thống ứng dụng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Điện Biên đã được triển khai, thực hiện ở 19 sở, ban ngành, 10 huyện, thị xã, thành phố và 130 xã, phường, thị trấn, trong đó, cung cấp 1.785 dịch vụ công mức độ 2, 243 dịch vụ công mức độ 3 và 88 dịch vụ công mức độ 4.
Qua báo cáo thống kê, đến nay cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đã đáp ứng 100% việc xử lý các bộ thủ tục hành chính theo cơ chế "Một cửa" và "Một cửa liên thông", đảm bảo cung cấp đầy đủ các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
Hiện nay, toàn tỉnh có 3 dự án hoạt động theo hình thức đối tác công tư đã được chấp thuận và phê duyệt chủ trương đầu tư; 2 dự án đã trình Ban Cán sự Ðảng UBND tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư. Ngoài ra còn một số dự án đang được cho chủ trương khảo sát lập đề xuất, như: Dự án đường Trần Văn Thọ kéo dài; trung tâm thương mại và nhà ở thương mại tại TP. Ðiện Biên Phủ; đầu tư tổ hợp dịch vụ Vinfast; dự án dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf, dự án khu nông nghiệp công nghệ cao...
Riêng về Thủy điện, theo kế hoạch trong năm 2020, Điện Biên có 10 dự án triển khai đầu tư xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động, đấu nối lên lưới 110kV tổng công suất dự kiến 200,5MW. Hiện đang hoàn tất thủ tục để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), đồng thời đang tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư và đã có một số nhà đầu tư lớn đang tham gia nghiên cứu.
Để nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Điện Biên tiếp tục tăng cường hơn nữa việc đối thoại giữa chính quyền các cấp với cộng đồng doanh nghiệp để tạo đồng thuận, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn những nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, phát huy vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp với vai trò là cầu nối giữa chính quyền tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp.
Để tạo sức hút trong đầu từ đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, ông Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Trong năm qua Điện Biên đã cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước để tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế, xã hội; thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính nhất là cải cải thủ tục hành chính, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Tỉnh ủy. Giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền biên giới quốc gia, an ninh trật tự và khối đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Có thể bạn quan tâm