Thanh Hóa: Xây dựng nông thôn mới từ cấp thôn, bản

Kiều Phiên 08/10/2018 14:00

Cùng với cả nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Thanh Hóa đã chủ trương xây dựng mô hình NTM từ cấp thôn, bản đến các huyện để phù hợp với nội lực của nhân dân.

Thanh Hóa là một tỉnh đất rộng người đông, có xuất phát điểm về kinh tế thấp, chưa tự cân đối được ngân sách, có trên 80% dân số ở vùng nông thôn, trong đó có 102 xã thuộc 7 huyện nghèo đang thực hiện chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Năm 2012, Thanh Hóa là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành thực hiện bộ tiêu chí thôn, bản nông thôn mới (NTM). Mặc dù không được chọn làm điểm xây dựng nhưng bằng cách làm sáng tạo với tất cả sự nỗ lực của đội ngũ lãnh đạo, sự chung tay vào cuộc của toàn dân, đến nay Thanh Hóa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Vườn cao gia đình chị Minh Hải, xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân đưa lại nguồn thu nhập kinh tế cao

Vườn cam gia đình chị Minh Hải, xã Xuân Hòa, mô hình sản xuất quả an toàn huyện Như Xuân đưa lại nguồn thu nhập kinh tế cao 

Nhận thấy các tiêu chí xây dựng NTM có đến 14/19 tiêu chí liên quan trực tiếp đến thôn, bản; vì vậy, bên cạnh việc xây dựng nông thôn mới cấp xã như toàn quốc đang triển khai, Thanh Hóa đã chủ trương xây dựng mô hình NTM cấp thôn, bản ở các huyện miền núi, với phương châm có nhiều thôn, bản NTM ắt sẽ có xã NTM.

Để có sự thống nhất trong cách thức triển khai thực hiện, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh mở các lớp tập huấn kiến thức xây dựng NTM cho các đối tượng là trưởng thôn, trưởng bản, Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã và cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện. Đồng thời cử cán bộ tỉnh, huyện trực tiếp xuống địa bàn “3 cùng” với người dân theo hướng cầm tay chỉ việc. Nhằm khuyến khích và động viên kịp thời các thôn, bản khu vực nông thôn, miền núi xây dựng NTM.

Năm 2013 Thanh Hóa bắt đầu thực hiện thí điểm xây dựng NTM từ cấp thôn, bản và năm 2014 thực hiện diện rộng trên toàn tỉnh. Sở NNPTNT với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đã phân công cho các đơn vị ngành nông nghiệp trực tiếp theo dõi, hướng dẫn, đỡ đầu thôn, bản xây dựng NTM bằng nhiều hình thức, như: Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, hỗ trợ tiền mặt, hiện vật...Bên cạnh đó tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ 100 triệu đồng cho mỗi thôn, bản đạt chuẩn NTM; khen thưởng hàng năm và khen thưởng giai đoạn cho các thôn, bản đặc biệt khó khăn tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phong trào “Chung sức xây dựng NTM” (thưởng 50 triệu đồng/thôn, bản đối với thôn, bản được khen thưởng giai đoạn). 

Năm 2017, Thanh Hóa còn chủ động triển khai thực hiện thí điểm mô hình thôn NTM kiểu mẫu. Trên cơ sở kế thừa và phát triển bộ tiêu chí thôn, bản NTM, tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng Điều phối NTM xây dựng dự thảo bộ tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu gồm 14 tiêu chí, 50 chỉ tiêu cụ thể, theo hướng nâng cao toàn diện các chỉ tiêu, tiêu chí làm cơ sở cho việc rà soát, đánh giá, lựa chọn và triển khai thực hiện xây dựng thí điểm mô hình thôn NTM kiểu mẫu. Theo đó, đợt 1 đã triển khai ở 3 thôn gồm: thôn 3(xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân); thôn Bái Sơn (xã Hà Tiến, huyện Hà Trung); thôn Xuân Lập(xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân). Và năm 2018, tiếp tục triển khai xây dựng ở 3 thôn thuộc khu vực miền núi.

Ông Vũ Ngọc Nam - Chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân cho biết: Trong quá trình thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trước đây và hiện nay là xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, bài học kinh nghiệm là mọi việc phải dân chủ, công khai, minh bạch và đặc biệt là phải nêu bật những tấm gương điển hình tiên tiến, cán bộ phải đi trước. Ngọc Phụng là xã về đích đầu tiên xây dựng của huyện miền núi Thường Xuân. Đây là bước tạo đà cho các thôn phấn đấu trở thành thôn NTM kiểu mẫu. Sau một năm triển khai thực hiện xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh, thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân đã có nhiều đổi thay, đặc biệt thu nhập người dân đạt 35 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,26%, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa…

cánh đồng lúa

Những cánh đồng lúa đưa lại năng suất cao khi áp dựng khoa học công nghệ sản xuất tiên tiến của xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa

Sau 5 năm triển khai thực hiện việc xây dựng NTM cấp thôn, bản đã tạo nền tảng, sự lan tỏa sâu rộng và đạt được những kết quả đáng khích lệ cả về số lượng và chất lượng. Mô hình này giúp cho người dân thực sự phát huy vai trò chủ thể và chủ động hơn trong công việc của mình, giảm phụ thuộc, trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của nhà nước. Đồng thời, tạo ra khí thế thi đua sôi nổi giữa các gia đình, dòng họ, giữa các thôn, bản với nhau.

Bà Lê Thị Lý, người dân thôn Xuân Lập, cho biết: Nhận thấy xây dựng thôn NTM kiểu mẫu là hướng tới người dân, mọi người trong thôn hồ hởi, chung tay xây dựng. Ngoài những đổi thay về cơ sở vật chất, vườn của các gia đình cũng trở thành vườn sản xuất hàng hóa sau khi hưởng ứng phong trào cải tạo vườn tạp. Riêng nhà tôi, trước kia cây cối rậm rạp, từ khi được tuyên truyền, gia đình đã phát quang, phát triển vườn thanh long với diện tích 5 sào.

Việc triển khai thực hiện xây dựng thôn, bản NTM ở các xã miền núi thời gian qua đã khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn, cách làm sáng tạo, phù hợp và hiệu quả của tỉnh Thanh Hóa, đóng góp quan trọng vào thành công của Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, giúp thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa miền núi và đồng bằng trong tiến trình xây dựng NTM.

Kiều Phiên