Thanh Hóa hút mạnh đầu tư vào nông nghiệp

Kiều Phiên 25/10/2018 08:12

Tính đến tháng 9/2018, Thanh Hóa đã thu hút được 915 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này lên 388 doanh nghiệp so với năm 2015.

Kinh tế Thanh Hóa với gần 70% là từ ngành nông nghiệp, chính vì vậy tầm quan trọng của doanh nghiệp trong chiến lược phát triển nông nghiệp là rất lớn. Thời gian qua cùng với việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng, phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi và bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng kinh tế.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư bài bản vào quá trình sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đã gặt hái được hiệu quả kinh tế như: Công ty CP Mía đường Lam Sơn trong hợp tác với nông dân sản xuất mía đường. Gần đây, để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp, công ty đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chuyển giao tiến bộ khoa học hiện đại cho nhiều tập thể và cá nhân khác; đồng thời trồng nhiều cây loại cây hàng hóa trong nhà lưới trên vùng đồi Lam Sơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hơn 2 năm gần đây, doanh nghiệp này còn thuê đất tại các huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Triệu Sơn, với tổng diện tích 280 ha để sản xuất mía và lúa hữu cơ - một hướng đi mới trong lĩnh vực trồng trọt.

jdhfkdjvkdh

Nhiều khó khăn, đầu tư lĩnh vực nông nghiệp được xem là “xí nghiệp ngoài trời khiến doanh nghiệp Thanh Hóa khó tiếp cận nguồn vốn vay

Gần đây nhất, hai tập đoàn FLC và Vingroup đều tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh. Theo đó, Tập đoàn FLC vừa được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận đầu tư vào dự án Nông trường Lam Sơn có trụ sở tại xã Lam Sơn, huyện Ngọc Lặc với tổng diện tích đang quản lý là gần 1.300 ha, bao gồm 530 ha mía nguyên liệu, 530 ha cao su...

Để thuận lợi hơn trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh cũng chủ động tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho việc xây dựng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Đến thời điểm hiện tại có 25 đơn vị cấp huyện thực hiện tích tụ ruộng đất, với tổng diện tích 10.089,9 ha (trong đó lĩnh vực trồng trọt 2.348 ha, chăn nuôi 6.093,4 ha và thủy sản 1.648,4 ha).

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó đối tượng được ưu tiên hỗ trợ là các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong Quyết định số 5643/2015/QĐ-UBND, ngày 31-12-2015 về việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020, của UBND tỉnh đã có riêng một chính sách hỗ trợ mặt bằng cho các doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp có dự án đầu tư các cơ sở chế biến nông, lâm sản, các cơ sở giết mổ tập trung, các cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, cá rô phi đơn tính trên địa bàn tỉnh, bảo đảm các điều kiện được nêu cụ thể trong quyết định, sẽ được tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch để xây dựng nhà xưởng, máy móc, thiết bị, nhà kho, hệ thống bể (đối với các cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, cá rô phi đơn tính).

Ông Nguyễn Đình Thọ - Giám đốc Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Phú Giang, cho biết: Được UBND huyện Thọ Xuân tạo điều kiện, tháng 5/2016, công ty triển khai đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là trồng cây ăn quả trên địa bàn xã Hạnh Phúc với diện tích 30 ha, đến nay, diện tích trồng cây ăn quả đã được mở rộng ra các xã Thọ Nguyên, Xuân Phú, với tổng diện tích 60 ha. Tuy nhiên, theo ông cái khó hiện nay của doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp là vướng mắc quy định về đất đai, thời gian thuê đất ngắn, chỉ có 5 năm khiến doanh nghiệp e ngại khi đầu tư. Hơn nữa, để phát triển sản xuất lâu dài, bền vững đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống thiết bị, công nghệ, vì vậy cần nguồn vốn lớn, trong khi việc tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng, nhất là vốn vay ưu đãi gặp nhiều khó khăn. Không những thế, đầu tư lĩnh vực nông nghiệp vốn được xem là “xí nghiệp ngoài trời”, nên tiềm ẩn rủi ro lớn về thiên tai, dịch bệnh.

Mặc dù tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã có chuyển biến tích cực, song vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: những năm gần đây, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đều hướng đến sự đầu tư sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, chú trọng đến vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm cho các sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhiều doanh nghiệp đang có hướng đầu tư các nhà sơ chế cho sản phẩm nhằm bảo đảm chất lượng sau thu hoạch. Tuy nhiên, do phần lớn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thời gian thành lập không lâu, nên nguồn vốn hạn chế, vì vậy quy mô đầu tư vẫn còn nhỏ, lẻ, việc tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu là thị trường nội tỉnh.

Kiều Phiên