Thanh Hóa: Chọn 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực để phát triển kinh tế

Kiều Phiên - Kim Oanh 19/12/2018 21:43

Chiều 19/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị cho ý kiến về Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực phát triển kinh tế giai đoạn 2019-2023.

Dựa vào tiền năng và lợi thế vốn có của Bắc Trung Bộ, nhiều năm qua, tỉnh Thanh Hóa chủ trương tập trung ưu tiên nguồn lực để phát triển nông nghiệp một cách bền vững. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 16-NQ/TU về tái cơ cấu nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung phát triển 20 sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có 7 sản phẩm trồng trọt, 5 sản phẩm chăn nuôi, 4 sản phẩm lâm nghiệp và 4 sản phẩm thủy sản. Ngoài ra, có trên 160 sản phẩm, nhóm sản phẩm có lợi thế của các địa phương thuộc 6 nhóm: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm, nội thất, trang trí.

Sản phẩm dưa lưới Taki

Sản phẩm dưa lưới công nghệ cao của Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Phong cách mới tại Thanh Hóa được đánh giá cao trên thị trường

Tuy đa dạng, phong phú về số lượng và chủng loại, song sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của Thanh Hóa cũng còn bộc lộ những hạn chế và khó khăn, thách thức, như: Chất lượng chưa đáp ứng được các yêu cầu, mẫu mã hạn chế; sức cạnh tranh yếu; số lượng sản phẩm có thương hiệu ít; thị trường tiêu thụ nội địa vẫn là chính, chưa có nhiều sản phẩm xuất khẩu; một số sản phẩm nông nghiệp vẫn ở tình trạng “được mùa rớt giá”.. Nguyên nhân có nhiều, song chủ yếu vẫn là: Sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ; sản xuất thủ công; thiếu sự liên kết giữa các “nhà” với nông dân; thiếu đầu tư về khoa học - kỹ thuật, công nghệ, vốn, nguồn nhân lực, công tác xúc tiến thương mại; công tác định hướng và phát triển sản phẩm lợi thế ở một số địa phương còn lúng túng...

Trên cơ sở phân tích các sản phẩm nông nghiệp lợi thế của tỉnh về quy mô, giá trị sản xuất, tỷ trọng giá trị sản xuất của sản phẩm chủ lực so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành, chuỗi liên kết - chế biến - tiêu thụ, tổng số lao động được tạo việc làm từ phát triển các sản phẩm nông nghiệp lợi thế và yêu cầu sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh phải nằm ngoài sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng danh mục các sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Thảo luận tại hội nghị, ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra danh mục 6 sản phẩm được xem là sản phẩm nông nghiệp chủ lực bao gồm: Mía đường và các sản phẩm từ đường, cây thức ăn chăn nuôi, cây dược liệu, bò sữa và các sản phẩm từ sữa, luồng và các sản phẩm từ luồng, các sản phẩm thủy sản từ nuôi trồng và khai thác. Những sản phẩm này đã bảo đảm được quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm tốt, tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho người sản xuất, đáp ứng được nhu cầu của thị trường và có giá trị kinh tế cao.

Ông Nguyễn Đức Quyền, phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa thống nhất đề xuất 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2019-2023. Tuy là Các sản phẩm địa phương nhưng phải được gia tăng giá trị lên tầm quốc gia, hướng tới quốc tế, có tác động mạnh mẽ tới thương hiệu, chất lượng hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp của tỉnh nhà. Cần phải phát huy tính sáng tạo của cộng đồng dân cư, mỗi người dân và các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong môi trường kinh tế thị trường. 

Có thể khẳng định, việc lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa là hướng đi đúng, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng sản xuất là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng ngành, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông nghiệp nông thôn theo hướng bền vững.

Kiều Phiên - Kim Oanh