Thanh Hoá: Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, bà nội trợ lo sợ, người nuôi lao đao
Sau vài ngày tỉnh Thanh Hóa công bố xuất hiện ổ dịch tại huyện Yên Định, mặc dù dịch nhỏ, đang được khống chế nhưng thông tin cũng khiến cả người nuôi và người tiêu dùng lo lắng.
Chưa kịp vui mừng vì vừa bán được lứa lợn với giá cao trước Tết Nguyên Đán, ông Lê Ngọc Kim, một chủ trang trại lợn trên địa bàn xã Quý Lộc (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) đang như người ngồi trên đống lửa vì chính quyền địa phương vừa công bố thông tin xuất hiện dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.
Khá lo lắng ông Kim cho biết: “Trợi lợn gia đình tôi hiện có hơn 600 con lợn đang đến kỳ xuất chuồng nhưng sau khi có thông tin công bố ổ dịch tả lợn Châu phi trên địa bàn huyện thì gọi cho lái buôn họ cũng không dám đến mua nữa. Hai ngày 25-26/2 chính quyền xã cũng lập các chốt chặn tất cả các lối vào để không cho lợn bên ngoài vào và cũng không cho bên trong xuất ra. Lợn nhà tôi đã có thể bán được rồi nhưng cứ để kéo dài thì lỗ vốn”.
Cùng chung nổi lo với ông Kim, ông Trịnh Xuân Đống trú tại thôn 7, xã Quý Lộc cũng đứng ngồi không yên khi giá lợn đang có dấu hiệu giảm, ông Đống thở dài: “Nhà tôi còn 300 lợn thịt đang gọi lái buôn cả tuần nay mà không thấy đến, giờ có thông tin dịch thế này thì chúng tôi biết phải xoay sở làm sao. Việc xã lập các chốt dịch cũng là để đảm bảo dịch không bị lây lan nhưng nếu cứ lập chốt kéo dài 15 đến 20 ngày thì gia đình tôi cũng chẳng biết vay mượn đâu ra tiền mua bột cho 300 con lợn ăn nữa. Hơn nữa, thông tin xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi mới xuất hiện 2 ngày mà giá lợn đã giảm từ 48.000 đồng/kg xuống còn 43.000 đồng/kg khiến chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.
Không chỉ có những người chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Yên Định lo lắng mà những người bán hàng thịt lớn, bà nội chợ cũng tỏ ra khá hoang mang trước thông tin lợn dịch. Dạo quanh một vòng chợ Quán Lào (huyện Yên Định), PV ghi nhận các quầy hàng thịt lợn khá ế ẩm, người mua tỏ ra khá rè rặt khi chọn loại thực phẩm này. Chị Phạm Thi Hoa, một chủ quầy hàng thịt lợn cho biết: “Sau hôm có thông tin lợn dịch thì quần thịt lợn của tôi ế ẩm hẳn, bình thường mỗi ngày tôi phải bán được 50 - 60kg thịt lợn, nhưng giờ ngồi cả ngày cũng chỉ bán được khoảng 30 kg thôi”.
Người bán thì ế ẩm, người mua thì muốn ăn cũng không dám mua, chị Hoàng thị Hạnh (thị trấn Quán Lào) cho biết: “Đã lâu gia đình tôi không dám ăn thịt lợn, hết đợt dịch lợn tai xanh xong giờ lại đến dịch tả lợn châu Phi. Mặc dù con trai tôi kêu thèm thịt lợn lắm nhưng tâm lý lo sợ không an toàn nên tôi cũng chẳng dám mua”.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch huyện Yên Định (Thanh Hóa) cho biết, ngày 23/2, địa phương này đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi và tiến hành tiêu hủy 266 con lợn được xác định nhiễm bệnh. UBND huyện đã công bố dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn. Để ngăn chặn dịch bùng phát, địa phương này đã lập các chốt chặn 24/24, nghiêm cấm không để lợn ra vào khu vực thôn Tân Ngữ 2, đồng thời huyện này cũng đã phun hóa chất để tiêu độc, khử trùng theo quy định. Hiện trên địa bàn huyện Yên Định có tổng đàn lợn trên 46.000 con với hơn 5000 hộ nuôi.
Sau khi nhận được thông tin, ngày 24/2, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa – Nguyễn Đình Xứng đã ký công điện khẩn số 02 gửi Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Công điện nêu rõ, tại Việt Nam, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xuất hiện bệnh bịch tả lợn châu Phi tại 03 tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng và hiện nay, vào ngày 24/2/2019 bệnh dịch tả lợn đã xuất hiện tại hộ chăn nuôi ông Lê Văn Thanh, thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long, huyện Yên Định (Thanh Hóa) và buộc phải tiêu hủy toàn bộ số lợn 226 con (Kết quả dương tính với vi rút Dịch tả lợn Châu Phi ASF được xác định tại Phiếu trả lời kết quả số 247/CĐXN-CĐ ngày 24/02/2019 của Chi cục Thú y vùng 3) làm cho nguy cơ dịch bệnh lây lan ra diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng và thiệt hại cho ngành chăn nuôi lợn tỉnh ta là rất cao.
Để phòng, chống, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi có thể lây lan ra diện rộng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các sở và Thủ trưởng các ban, ngành tập trung cao độ, chỉ đạo đồng bộ, kiên quyết các biện pháp cấp bách để khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo đúng quy định của Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg và của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tại Công điện số 15/CĐ-UBND ngày 06/9/2018 về việc ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Yên Định xem xét, quyết định công bố bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã Định Long, huyện Yên Định theo quy định tại Điều 26, Luật Thú y. Trực tiếp chỉ đạo tập trung các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh hoặc lợn đã chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất,...); phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không có nguồn gốc suất xứ, nhiễm bệnh theo đúng quy định.
Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật và thành lập đoàn công tác, phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng thành viên triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại các xã, phường, thị trấn để phát hiện sớm các ổ dịch và bao vây dập tắt dịch ngay khi còn ở diện hẹp, kiên quyết không để dịch lây lan ra diện rộng.
Tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; đóng cửa chợ, cơ sở giết mổ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các doanh nghiệp, người chăn nuôi và cộng đồng nắm vững, nắm chắc, hiểu rõ mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và các chính sách hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định.