Dự án tiêu úng 600 tỷ tại Thanh Hóa thiếu mặt bằng khiến chủ đầu tư “ì ạch” triển khai

Kim Oanh 15/06/2019 01:00

Là dự án được kỳ vọng sẽ giúp người dân thoát cảnh ngập lụt mỗi mùa mưa bão, tuy vậy, dự án tiêu úng Vùng III đang triển khai một cách "ì ạch" do thiếu mặt bằng.

Dự án trăm tỷ… gặp khó đủ đường

Dự án tiêu úng Vùng III huyện Nông Cống được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt năm 2017 gồm 3 chủ đầu tư là Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 3 (thuộc Cục Quản lý xây dựng công trình), Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hoá và UBND huyện Nông Cống.

Dự án có tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng huy động từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Đây là dự án thủy lợi quan trọng, góp phần tiêu nước lũ cho diện tích 6.183 ha của các xã thuộc vùng III huyện Nông Cống, như Công Liêm, Thăng Thọ, Thăng Bình, Vạn Thiện...

Cứ vào mùa mưa bão, nhiều xã tại huyện Nông Cống bị ngập lụt, nhiều nhà cửa, hoa màu của người dân bị mất trắng

Cứ vào mùa mưa bão, nhiều xã tại huyện Nông Cống bị ngập lụt, nhiều nhà cửa, hoa màu của người dân bị mất trắng

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc, do nhiều hộ dân bị ảnh hưởng vẫn chưa nhận được bồi thường, tại một số tuyến đường vẫn chưa thực hiện được công tác giải phóng mặt bằng. Điều này dẫn đến tiến độ thực hiện các hợp phần của dự án đều chậm so với kế hoạch đã cam kết với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Theo đó, BQL dự án đầu tư và xây dựng Thủy lợi 3, được giao nhiệm vụ thực hiện mở rộng trục tiêu Bãi Bằng dài 2,55km và đắp đê tả Bãi Bằng; nâng cấp đê hữu sông Mực dài 3,66km; xây dựng mới 5 trạm bơm tiêu (Đò Bòn 1, Đò Bòn 2, Xóm Mới, Quần Bối 1, Quần Bối 2). BQL dự án đầu tư xây dựng NN&PTNT Thanh Hóa triển khai mở rộng trục tiêu và đắp đê ngăn lũ Khe Lườn - Đò Bòn, dài 6,5km; mở rộng trục tiêu và đắp đê ngăn lũ Khe Ngang - Bột Dột, dài 6,8km; đê ngăn lũ cầu Gạo dài 0,87km. UBND huyện Nông Cống tổ chức thực hiện hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án ( GPMB).

Có thể bạn quan tâm

  • Thanh Hóa: Nhiều tổ chức, cá nhân vẫn ngang nhiên kinh doanh xăng, dầu không phép

    11:01, 12/06/2019

  • Thanh Hóa: Người dân bất lực nhìn sông “nuốt” đất sản xuất

    07:22, 09/06/2019

  • Thanh Hóa: Doanh nghiệp “đỏ mắt” tìm lao động kỹ thuật cao

    11:42, 08/06/2019

  • Thanh Hóa: Dự án 14 năm không triển khai vẫn tiếp tục được gia hạn

    06:16, 05/06/2019

  • Nhiều dự án trăm tỷ tại Thanh Hóa “chậm như rùa” do khâu giải phóng mặt bằng

    07:30, 29/05/2019

Tuy nhiên, theo đại diện của Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng Thủy lợi 3 thì một số hạng mục công trình triển khai bị chậm. Cụ thể, tuyến đường điện cao thế và trạm biến áp, đơn vị đã vận động nhà thầu cho UBND huyện Nông Cống ứng 174 triệu đồng để bồi thường cho dân, song huyện chưa thực hiện chi trả. Công tác thi công 4 trạm bơm đang chờ BQL dự án đầu tư xây dựng NN&PTNT Thanh Hóa đắp các tuyến đê đến cao trình +2.50 để làm đường thi công...

Đối với 3 gói thầu số 13,14,15 do BQL dự án đầu tư xây dựng NN&PTNT Thanh Hóa thi công cũng đang gặp khó khăn do thiếu mặt bằng để triển khai, thiếu đường vào bãi tập kết vật liệu…

Ông Cao Bát Chí - Phó Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng NN&PTNT Thanh Hóa cho biết, cả 3 gói thầu mà đơn vị này được giao thi công đều đang gặp khó khăn. Cụ thể, đối với gói thầu số 13 (nâng cấp, mở rộng trục tiêu, đê bao Bột Dột - Khe Ngang đoạn từ K0+070-K3+650... hiện chưa được GPMB nên chưa có đường vào để triển khai thi công.

Nhiều gói thầu thuộc Dự án Tiêu úng vùng III triển khai một cách

Nhiều gói thầu thuộc Dự án Tiêu úng vùng III triển khai một cách "ì ạch" do thiếu mặt bằng sạch

Gói thầu số 14 (nâng cấp, mở rộng trục tiêu, đê bao Bột Dột - Khe Ngang, đoạn từ K3+650-K5+061,7... đến nay chưa có mặt bằng triển khai thi công; gói thầu số 15 (nâng cấp, mở rộng trục tiêu, đê bao Khe Lườn - Đò Bòn đoạn đê tả từ K0 (cầu Đò Bòn) - K6+540, đê hữu đoạn từ K3+200-K5+600 và đê hữu đoạn từ K0 (cầu Bừng) - K0+465 thì gặp khó khăn về mỏ vật liệu và đường vào bãi vật liệu số 2, dẫn đến tiến độ thi công chậm...

Cũng theo ông Chí, gói thầu số 13,14 chưa được kiểm kê GPMB, nên chưa có mặt bằng thi công. Gói thầu còn lại cũng chưa được bàn giao mặt bằng bãi thải, thi công gặp nhiều khó khăn...

Đẩy nhanh tiến độ dự án trước mùa mưa bão

Nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh  đã chỉ đạo UBND huyện Nông Cống và các đơn vị liên quan, bàn giải pháp đẩy nhanh thực hiện GPMB, thực hiện thi công các công trình dự án tiêu úng vùng III huyện Nông Cống.

Theo đó, ông Nguyễn Đức Quyền yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp UBND huyện Nông Cống rà soát, thực hiện lại phương án GPMB .chi tiết từng loại đất, phạm vi ảnh hưởng cụ thể, đến từng công trình, hộ dân, đồng thời giao Sở Tài chính phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho tỉnh bố trí nguồn vốn đảm bảo hoàn thành sớm công tác GPMB, đồng thời bố trí quỹ đất tái định cư, bố trí các phương án di dời các hộ dân đến nơi ở mới... nhằm thực hiện đúng tiến độ trước ngày 31/12/2020.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2016 – 2020, ngành Nông nghiệp Thanh Hóa được đầu tư 15 dự án thủy lợi lớn với tổng vốn đầu tư gần 6.510,3 tỷ đồng, trong đó có 5 dự án ODA và 10 dự án từ vốn đầu tư công trong nước.

Liên quan đến 15 dự án nói trên, đã có nhiều công trình, hạng mục công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả, như: 48 đầu mối công trình thủy lợi (14 công trình trạm bơm, 34 hồ chứa); gần 40 km đê và kè, 38 cống dưới đê, trồng được 23 ha cây chắn sóng…

Tuy nhiên, thực trạng phát triển hạ tầng thủy lợi của Thanh Hóa vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Về tưới, hiện toàn tỉnh vẫn còn khoảng 20.858 ha đất nông nghiệp thường xuyên có nguy cơ thiếu nước. Về tiêu, hiện có từ 8.000 đến 12.000 ha có khả năng xảy ra ngập úng khi có mưa lũ, tập trung ở các địa phương: Tĩnh Gia, Hà Trung, Nga Sơn, Nông Cống, Yên Định, Thọ Xuân, Quảng Xương, Đông Sơn, Vĩnh Lộc, TP Sầm Sơn… Toàn tỉnh có 131 hồ chứa không bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, hiện tỉnh đã chỉ đạo không tích nước 15 hồ có hư hỏng nặng.

Với giai đoạn 2021 – 2025, Thanh Hóa đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên phát triển 8 dự án thủy lợi lớn từ vốn ODA và vốn đầu tư trong nước với tổng nhu cầu vốn hơn 12.131 tỷ đồng; đồng thời đầu tư hoặc hỗ trợ tỉnh hoàn chỉnh sửa chữa nhiều hệ thống tiêu thoát lũ, bảo đảm an toàn hồ chứa khác…

Kim Oanh