Thanh Hóa: Dự án lưới điện “đắp chiếu”, hàng trăm hộ dân sống cảnh đèn dầu

Kim Oanh 20/08/2019 08:42

Người dân huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) được nhà nước đầu tư 5 dự án lưới điện theo chương trình 30a và 135 để thoát cảnh “đèn dầu”, nhưng 10 năm dự án vẫn "dậm chân tại chỗ" vì… đói vốn.

Cuộc sống của hàng trăm hộ dân tại các xã Đồng Lương, Tân Phúc, Giao An huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) đang gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn vì không có lưới điện để phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Dự án điện lưới 10 năm... chưa sáng

Trời bắt đầu nhá nhem tối, vừa đi làm về là người dân thôn Tân Cương, xã miền núi cao Tân Phúc phải vội vàng dọn rửa để ăn nhanh bữa cơm chiều, kẻo trời tối.

Hàng chục năm sống trong cảnh thắp đèn, đốt lửa để nhờ thứ ánh sáng le lói ấy sinh hoạt vào đêm, thiếu điện đồng nghĩa với việc người dân không thể sắm ti vi để xem tin tức, không được sử dụng các thiết bị điện tối thiểu để phục vụ cuộc sống.

Nhiều cột điện được dựng lên kiên cố nhưng chưa được kéo điện vì dự án bị... đói vốn

Nhiều cột điện được dựng lên kiên cố nhưng chưa được kéo điện vì dự án bị... đói vốn

Lắc đầu ngao ngán, chị Trần Thị H., thôn Tân Cương (xã Giao An) cho biết: “Khổ nhất là bọn trẻ con, những hôm trời nóng như rang chúng rủ nhau ngâm mình dưới khe suối để tránh nóng vì không có điện để bật quạt, tối đến thì thắp đèn dầu hoặc soi đèn pin để học bài. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng vẫn chưa được kéo điện”.

“Nhiều hộ dân có điều kiện trong thôn muốn có điện, họ phải tự bỏ tiền kéo “chui” từ nơi khác về dùng, với giá  gần 4.000 đồng/số điện. Thế nhưng, kéo được điện rồi, do khoảng cách quá xa nên điện rất yếu. Ngoài việc thắp sáng thì không thể sử dụng điện vào bất kỳ một hoạt động sản xuất, kinh doanh nào”, chị H cho biết thêm.

Tại xã Tân Phúc, có 3 thôn là Tân Biên, Tân Thuỷ, Tân Bình và thôn Cắm, thôn Nê (xã Đồng Lương) cũng chưa có lưới điện quốc gia. Hàng trăm hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường nhiều năm qua do chưa có điện lưới phục vụ sinh hoạt và sản xuất nên người dân bất đắc dĩ phải sử dụng điện “chui” với giá đắt đỏ.

Theo tìm hiểu của PV báo DĐDN, năm 2009, từ nguồn vốn của Chương trình 30a và 135, huyện miền núi Lang Chánh được Nhà nước đầu tư 3 công trình điện lưới phục vụ các thôn Xuốm, Cắm (xã Đồng Lương); thôn Khụ I, Khụ II, xã Giao An và Tân Cương, Tân Biên (xã Tân Phúc). Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, hiện các công trình điện mới chỉ chôn dựng được cột điện và 6 trạm biến áp đang nằm chỏng chơ ngoài trời.

Nguyên nhân dẫn đến các công trình điện này “đắp chiếu” là do thiếu nguồn vốn đầu tư. Hàng trăm hộ dân tại các xã được hưởng lợi từ chương trình đầu tư của dự án 30a, 135 đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương, ngành điện nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Tiếp tục đợi… kiến nghị

Theo thông tin từ UBND huyện Lang Chánh, dự án điện này là nguồn tiếp dư của dự án 30a cho các xã 135. Huyện này đã chọn 5 công trình điện/5 xã (Giao An, Quang Hiến, Tân Phúc, Đồng Lương, Giao Thiện) mỗi công trình 300 triệu đồng, các xã tự lựa chọn công trình, nhưng đến nay chỉ có Giao An và Quang Hiến là đóng điện được. Riêng công trình điện ở xã Tân Phúc, theo thiết kế dự toán hơn 1 tỷ đồng nên khi dựng xong cột thì cũng hết kinh phí. Vì vậy, các nhà thầu dừng lại từ năm 2009 đến nay.

Ông Dương Quang Thế - Phó Giám đốc Điện lực Lang Chánh cho biết: “Tại 2 thôn Nê và thôn Cắm hiện đã có phương án đầu tư sắp tới sẽ triển khai. Riêng thôn Tân Tiến, Tân Bình... được UBND huyện đầu tư từ rất lâu rồi nhưng đến nay, dự án triển khai đã hết nguồn vốn nên dừng dang dở, không thể bàn giao cho phía điện lực được. Bất cập ở chỗ, nếu điện lực đầu tư một đường dây mới vào các thôn bản trên thì cùng lúc sẽ có 2 đường dây chạy song song, lãng phí”.

“Ngành điện muốn tận dụng những hạng mục đầu tư từ dự án trước đây thì cần đến những thủ tục bàn giao, thanh quyết toán nhưng giấy tờ này lại không có nên không đủ cơ sở để bàn giao cũng như tiếp nhận. Đã nhiều lần phía điện lực kiến nghị lên chính quyền để có đầy đủ cơ sở pháp lý tiếp nhận lại dự án trên”, ông Thế cho hay.

Kim Oanh