Thanh Hà luôn mở lòng với các nhà đầu tư

Nguyễn Hà thực hiện 10/11/2018 09:40

“Là một huyện thuần nông nên Thanh Hà sẽ ưu tiên thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và du lịch”

Ông Trịnh Văn Thiện – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà (Hải Dương) chia sẻ với DĐDN về định hướng phát triển của huyện trong thời gian tới. 

Ông Trịnh Văn Thiện cho biết, Lễ hội vải thiều - Hải Dương 2018 vừa qua không chỉ tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản độc đáo chủ lực, mang đặc trưng địa phương mà còn gắn kết thương hiệu này với phát triển du lịch của tỉnh.

- Ông có thể phân tích cụ thể hơn về sự gắn kết này?

Lễ hội chính là dịp để các doanh nghiệp xuất khẩu, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng nông sản, siêu thị kết nối trực tiếp với người nông dân. Chúng tôi không chỉ thành công về xúc tiến thương mại mà còn thành công cả xúc tiến du lịch.

Trước đó, từ năm 2015, Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã có Quyết định xác lập kỷ lục Việt Nam “Cây vải thiều lâu năm nhất” cho “Cây vải tổ” ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn. Để tuyên truyền, quảng bá, thu hút du khách về thăm cây vải thiều tổ, UBND huyện đã hoàn thành Dự án bảo tồn cây vải tổ. Sau khi hoàn thành đã thu hút hàng nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến thăm.

- Điểm nhấn của Dự án bảo tồn cây vải tổ là gì, thưa ông?

Khuôn viên bảo tồn cây vải thiều tổ đã khang trang hơn với nhiều hạng mục. Ngoài khu vực nhà thờ cụ Hoàng Văn Cơm (một người dân thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà có công mang cây vải thiều đầu tiên về trồng, đến nay, cây có tuổi đời khoảng 200 năm) được xây mới còn có ao sen, tường rào, nhà khách, dãy ghế phục vụ du khách nghỉ chân. Trong khuôn viên, ngoài cây vải tổ còn có những cây vải thế hệ thứ 2 và thứ 3 được chiết từ cây vải tổ.

Du khách sau khi tham quan chụp ảnh lưu niệm tại đây, có thể nghỉ chân, thưởng thức những quả vải ngọt mát được trồng theo quy trình sạch. Sau đó, tham quan, trải nghiệm hái vải tại các vườn vải VietGAP ở địa phương, mua sản vật từ cây vải gồm: Vải tươi, vải khô, mật ong hoa vải…

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, để giữ vững thương hiệu vải Thanh Hà, đến nay 100% diện tích vải của huyện được sản xuất theo quy trình VietGAP, trong đó có trên 350 ha vải được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 93 ha được sản xuất theo các tiêu chuẩn để xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Úc, EU... và có 30 ha áp dụng quy trình GlobalGAP vào sản xuất.

- Được biết, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển đã chỉ đạo sớm triển khai "Hạ tầng du lịch sinh thái sông Hương", gắn phát triển nông nghiệp với du lịch tại Thanh Hà, thưa ông?

Huyện đã xây dựng Đề án hạ tầng du lịch sinh thái sông Hương trở thành khu du lịch sinh thái với nhiều loại hình sản phẩm du lịch, chủ đạo là du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch trải nghiệm và tham quan du lịch sông nước kết hợp du lịch di tích lịch sử văn hóa và tâm linh.

Trong dự án có đề xuất tạo dựng một khu chức năng là khu bảo tàng, bảo tồn lúa nước gắn liền với du lịch sinh thái, có vai trò phục dựng - lưu giữ - bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa nông nghiệp lúa nước đặc trưng của vùng đồng bằng Sông Hồng.

  Huyện Thanh Hà, Hải Dương luôn sẵn lòng chào đón các doanh nghiệp đến đầu tư vào  lĩnh vực chế biến, tiêu thụ sản phẩm. 

Huyện quán triệt chỉ đạo các xã, thị trấn phải quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Hướng dẫn các hộ nông dân sản xuất theo đúng quy trình đảm bảo vệ sinh ATTP để phục vụ người tiêu dùng và xuất khẩu.

- Thưa ông, với định hướng rõ ràng như vậy, Thanh Hà sẽ có chính sách thu hút nhà đầu tư như thế nào?

Chúng tôi luôn sẵn lòng chào đón các doanh nghiệp đến đầu tư vào lĩnh vực chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là việc liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất trong việc đầu tư các mô hình sản xuất lớn tập trung gắn với bao tiêu sản phẩm.

Đối với công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, huyện tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, thành lập doanh nghiệp mới trên cơ sở tạo việc làm cho lao động dôi dư của huyện Thanh Hà; đặc biệt huyện sẽ phối hợp tạo điều kiện cho việc xây dựng Khu Công nghiệp của huyện đã được phê duyệt tại xã Thanh Cường, Thanh Hồng, Vĩnh Lập.

Riêng về du lịch, chúng tôi tiếp tục đầu tư và kêu gọi xây dựng hạ tầng Khu du lịch sinh thái sông Hương; các Tiểu vùng du lịch sinh thái nhằm thu hút đầu tư phát triển Du lịch.

Huyện tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Dự án cải tạo nâng cấp đường 390 đoạn thị trấn - Cầu Hợp Thanh;Triển khai, hoàn thiện Dự án nâng cấp đường 390E (Việt Hồng - Thanh An - Thanh Lang) và nâng cấp đò Giải lên Phà Giải.

Huyện cũng đề nghị Tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đường gom đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đoạn Cầu vượt Ba hàng đến đường 390B (xã Hồng Lạc). Đồng thời, tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh phối hợp với TP Hải Phòng xây dựng Cầu Quang Thanh, giữa huyện Thanh Hà (Hải Dương) và huyện An Lão (Hải Phòng). Huyện rất mong mỏi dự án này triển khai và sớm hoàn thành để tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế cho Thanh Hà. Đồng thời tiếp tục đề nghị Bộ GTVT và các cơ quan liên quan mở nút giao giữa đường Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường tỉnh 390, tại xã Vĩnh Lập.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hà thực hiện