Xác định đúng vai trò “siêu Ủy ban”
Cần xác định đúng vai trò Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp là giám sát, tư vấn... chứ không phải sử dụng 5 triệu tỷ đồng. Đây là quan điểm của PGS TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.
Theo PGS TS Hoàng Văn Cường, vốn nhà nước trong các doanh nghiệp hiện nay là khối tài sản rất lớn, theo ước tính có thể lên đến 5 triệu tỷ đồng và đang phân tán rải rác ở các doanh nghiệp thuộc nhiều bộ ngành cũng như UBND các tỉnh. Hoạt động của nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước và DNNN trong thời gian vừa qua được đánh giá là kém hiệu quả, các dự án bị thất thoát đều “dính” đến khu vực này.
- Việc thành lập Ủy ban trên sẽ có tác động thế nào đến các doanh nghiệp này, thưa ông?
Khi thành lập Ủy ban này sẽ có 3 lợi ích.
Thứ nhất, xóa bỏ cơ chế “vừa đá bóng vừa thổi còi”, các bộ chuyên ngành vừa là cơ quan ban hành chính sách, đồng thời trực tiếp quản lý các tập đoàn doanh nghiệp. Từ đây dẫn đến việc không quản lý chặt chẽ được hoạt động của các tập đoàn, DNNN, đồng thời tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng, để xây dựng Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm |
Thứ hai, toàn bộ vốn, tài sản nhà nước hiện đang phân tán tại nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, với quy mô rất lớn theo dự tính lên đến 5 triệu tỷ đồng bây giờ sẽ được tập trung vào một cơ quan thống nhất để quản lý và kiểm soát xem tiền vốn, tài sản này đang nằm ở đâu, lĩnh vực nào, loại hình doanh nghiệp gì. Trên cơ sở nắm được toàn bộ tổng lực như vậy sẽ có kế hoạch, lộ trình để xem lĩnh vực, ngành nào cần giữ lại, ngành, lĩnh vực nào cần thoái vốn nhanh hơn, để làm sao có lộ trình chuyển đổi từ khu vực nhà nước thành các thành phần kinh tế khác, được thực hiện một cách tuần tự, có kế hoạch; không tạo ra sự xáo trộn, chồng chéo.
Điều này dễ dàng nhìn thấy khi thực hiện cổ phần hóa ở một số tổng công ty như Sabeco hay Vinamilk. Nếu làm tốt sẽ thu lại giá trị rất lớn, nhưng việc này phải có lộ trình, còn làm không tốt như Hãng phim truyện hay Bóng đèn Điện Quang sẽ xảy ra thất thoát, tiêu cực.
Thứ ba, khi có một cơ quan như vậy sẽ chủ động, kế hoạch hơn trong việc điều chuyển các nguồn lực. Có thể có những lĩnh vực nhà nước cần phải duy trì hoạt động trong khoảng thời gian nào đó trước khi tiến hành cổ phần hóa. Có những doanh nghiệp cần vực dậy, đầu tư ưu tiên, tái cấu trúc lại… Với cơ quan này, họ sẽ biết nguồn lực hiện có của các doanh nghiệp mà không cần lấy từ ngân sách để thực hiện tái cấu trúc trong nội bộ các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó sẽ tiếp tục thực hiện quá trình cổ phần hóa.
Như vậy, việc có một Ủy ban đứng ra quản lý thống nhất thì chúng ta sẽ kỳ vọng quá trình thoái vốn hay cơ cấu lại doanh nghiệp sẽ hiệu quả, có kế hoạch và tạo ra sự phát triển bền vững.
- Tuy nhiên, vẫn còn những điểm nhiều người còn băn khoăn về Ủy ban này, thưa ông?
Theo tôi, băn khoăn thứ nhất là các doanh nghiệp loại này đang nằm trong rất nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Vậy làm thế nào để Ủy ban này có thể quản lý chặt chẽ, can thiệp được vào những hoạt động của tất cả những doanh nghiệp ở những ngành, lĩnh vực chuyên sâu khác nhau.
Những người trong Ủy ban có đủ năng lực làm được hay không? Hay Ủy ban này lại chia nhỏ những ngành, lĩnh vực để cuối cùng không còn là Ủy ban mà thành một cơ quan với các “bộ con” ở trong đấy? Khi đó sẽ là sự chia cắt và không đạt được mục tiêu như chúng ta đặt ra.
Thứ hai là lượng tiền vốn tài sản nhà nước rất lớn tập trung vào tay một cơ quan, như nhiều ý kiến tranh luận hiện nay liệu có hình thành một “siêu ủy ban” hay “siêu bộ” không? Vì quyền và tiền tập trung vào đây rất lớn, nếu như không có năng lực quản lý, cơ chế giám sát tốt thì sẽ xảy ra những vấn đề tiêu cực.
Hiện nay Chính phủ đã thành lập tổ công tác để thiết kế xây dựng lên cơ chế, cấu trúc vận hành Ủy ban này. Do đó, Chính phủ rất cần tiếp thu đóng góp của những nhà khoa học, quản lý ở nhiều chiều khác nhau để đưa ra một cơ chế vận hành làm sao phát huy được vai trò là người đại diện cho Chính phủ quản lý chặt chẽ tiền vốn ở tất cả các DNNN, nhưng lại không tạo ra tính độc quyền, tập trung quyền lực vào tay Ủy ban này. Chỉ khi đó mới tránh được nhiều điều mọi người đang băn khoăn lo ngại.
- Cá nhân ông đánh giá thế nào về vai trò của Ủy ban?
Chức năng chính của ủy ban là thay mặt cho nhà nước, Chính phủ kiểm soát hoạt động của các tập đoàn, doanh nghiệp và SCIC. Nếu xuất hiện mầm mống bất cập xảy ra thì Ủy ban phải có trách nhiệm giám sát và xử lý ngay. Ủy ban phải chịu trách nhiệm đến cùng, kể cả khi xảy ra thất thoát vốn ở một tập đoàn, doanh nghiệp nào đó mà Ủy ban không biết, thậm chí sau 3 – 5 năm. Ủy ban là người thay mặt nhà nước đi giám sát khối tài sản đó xem các doanh nghiệp sử dụng có hiệu quả hay không, chứ không phải đi dùng khối tài sản này.
Đồng thời, Ủy ban này phải có vai trò tư vấn cho Chính phủ nên tiếp tục cho doanh nghiệp nào duy trì, doanh nghiệp nào cần thu hẹp hay thoái vốn theo lộ trình nào. Làm được như vậy thì Ủy ban sẽ không vướng vào điều như chúng ta băn khoăn, vì Ủy ban không cầm tiền, không kinh doanh. Vai trò chính của Ủy ban là giám sát chứ không phải sử dụng vốn.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Ngăn lợi ích nhóm tại bộ, ngành Siêu Ủy ban sẽ lấy đi lợi ích nhóm của các Bộ, ngành đang sở hữu tại doanh nghiệp. Các Bộ, ngành sẽ chuyên tâm cho hoạt động quản lý Nhà nước, và thực hiện việc này một cách bình đẳng. Trung Quốc cũng từng gặp vấn đề tương tự khi DNNN đông nhưng hoạt động không hiệu quả. Để giải quyết tình trạng trên, họ đã thành lập các ủy ban kinh tế độc lập để quản lý vốn nhà nước. Đến thời điểm này, nhiều vấn đề còn tồn tại đã được Trung Quốc dần khắc phục, xử lý và giải quyết tốt. Việt Nam khi thành lập Ủy ban sẽ rút ra được bài học từ Trung Quốc. TS Võ Trí Thành - Nguyễn Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): Giảm thiểu xung đột lợi ích Việc thành lập “siêu” Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước sẽ giúp giảm thiểu xung đột lợi ích ở các Bộ. Bởi vốn dĩ, việc sở hữu tài sản công luôn tồn tại hai vấn đề không bao giờ giải quyết được triệt để đó là xung đột lợi ích và rủi ro đạo đức. Hơn nữa, nếu làm quyết liệt, Uỷ ban này sẽ đẩy nhanh được việc thu hẹp khu vực DNNN trước khi có thể quản lý các doanh nghiệp này một cách hiệu quả. Để đạt được kỳ vọng đó, “siêu” Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước cần phải có cơ chế minh bạch, công cụ giám sát, nhân lực của ủy ban phải thực sự có năng lực và chuyên nghiệp. H. Trang, Thy Hằng ghi |
- Trân trọng cảm ơn ông!