“Loay hoay” nông nghiệp sạch
Trong khi xuất khẩu gặp khó vì dư lượng kháng sinh thì theo thống kê mỗi ngày VN chi hơn 2,3 triệu USD, tương đương gần 53 tỷ đồng để nhập khẩu mặt hàng thuốc trừ sâu và nguyên liệu thuốc trừ sâu.
Thực tế, dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng trong nông sản luôn là vấn đề tồn tại của ngành từ nhiều năm nay. Hậu quả là nông sản bị trả về, bị cảnh báo trên thị trường thế giới khiến nông sản Việt tổn thất nặng nề về mặt kinh tế và thương hiệu.
Xuất khẩu “gặp khó” vì dư lượng thuốc
Có thể bạn quan tâm |
Ngành hồ tiêu từng hoang mang bởi hồ tiêu xuất khẩu sang EU, Ấn Độ có nguy cơ bị “cấm cửa” vì dính dư lượng Metalaxyl (hoạt chất trừ nấm). Mặc dù sau đó EC đã tạm ngừng việc xem xét dư lượng Metalaxyl, nhưng dự kiến sẽ được tái thực hiện trong năm 2018. Không riêng câu chuyện của tiêu, hơn 221 loại thuốc trừ sâu đã được phát hiện có trong rau củ, trong đó gần một nửa vượt quá nồng độ tối đa cho phép hoặc bị cấm.
“Khoảng 10 năm qua, các nước như Úc, Mỹ, Nhật, EU đã từ chối 483 sản phẩm rau củ của Việt Nam với trị giá hơn 1 tỷ USD. Nguyên nhân các sản phẩm nông sản xuất khẩu Việt Nam thường xuyên bị trả về là do nông dân bón phân và phun thuốc trừ sâu quá mức cho phép”, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Thành viên Liên minh Nông nghiệp Việt Nam cho biết.
TChỉ tính riêng quý 1/2018, Việt Nam chi hơn 208 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng thuốc trừ sâu và nguyên liệu thuốc trừ sâu, trong đó hơn 50% giá trị nhập khẩu này là từ Trung Quốc.
Hiện nay, thị trường đang có khoảng 1.400 loại phân bón. Trong khi tại nhiều nước có nền nông nghiệp phát triển, con số này chỉ dừng ở 300 loại. Mặt khác, các hình thức chế tài quản lý và xử lý vi phạm trong ngành này chưa đủ mạnh nên thị trường đang tràn lan phân bón giả và phân bón kém chất lượng.
Kiểm soát theo chuỗi
Có thể nói, xu hướng chung của nông nghiệp thế giới là thiên về các sản phẩm tự nhiên, sản phẩm hữu cơ sử dụng rất ít các chế phẩm sinh học tác động đến quá trình sinh trưởng của cây. Trong khi đó Việt Nam vẫn đang xoay sở với câu chuyện dư lượng thuốc trong nông sản, gây khó khăn khi thuyết phục người tiêu dùng quốc tế chịu sử dụng nông sản Việt. Tình trạng lạm dụng phân, thuốc hóa học kéo dài đã làm cho rất nhiều vùng sản xuất bị “nhiễm độc”, khó lòng quay lại canh tác hữu cơ hay canh tác tự nhiên bởi từ nguồn đất đến nguồn nước đều tồn dư chất hóa học độc hại.
Đáng buồn là để thay đổi tình trạng này rất khó, tính tiện dụng của phân, thuốc hóa học đã làm tập quán canh tác của đa số nông dân lún sâu vào thói quen lạm dụng. GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp cho rằng: “Cơ quan chức năng cần xử phạt thật nặng những đại lý buôn bán thuốc BVTV có chất cấm, không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó không hạn chế nhập từ Trung Quốc được nhưng cần có chính sách khuyến khích nhập thuốc sinh học có lợi cho môi trường. Bởi thực tế đã có quy định thuốc nào được cho phép, sử dụng trên cây gì khi nhập khẩu vào Việt Nam nhưng “có cũng như không”.