Xin đừng... đầu độc đồng bào!
“Hành vi của bà Loan là dùng pin, đập lõi than và pha trộn vào nước để ngâm với phế phẩm cà phê…”.
Mô tả này của Đại tá Lê Vinh Quy, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Đắc Lắc về vụ việc “cà phê pin” chắc làm nhiều người rùng mình.
Bởi hành vi này là khó có thể chấp nhận được trong xã hội loài người. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân hồi còn làm Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam từng nói: “Không thể kiếm lợi nhuận bằng cách đầu độc chính đồng bào của mình”.
Quy trình tồi tệ
Dĩ nhiên, như là một sự thận trọng, Đại tá Quy nói rằng: "Nếu xác định bà Loan dùng cà phê này để chế biến thực phẩm thì có đủ cơ sở để truy cứu hình sự về hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015".
Sự thật trọng của ông Quy là điều dễ hiểu. Nhưng cũng chính bà Loan đã thừa nhận đã mua cà phê vụn, thải loại, vỏ cà phê xay trộn với bột đá rồi ngâm qua nước bột pin. Tất cả nguyên liệu này được cho vào một máy trộn bê tông để tạo màu, sau đó đem sấy, đóng bao bán ra thị trường.
Chiều tối 23-4, Công an tỉnh Đắk Nông cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án nhuộm phế phẩm cà phê bằng pin tại cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (ở thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) theo Điều 317 BLHS 2015 về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cơ quan điều tra đã tạm giữ khẩn cấp năm đối tượng gồm: Bà Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975, chủ cơ sở, trú thôn 14, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp), Nguyễn Xuân Bảo (chồng bà Loan), Ngô Ngọc Sơn (người trực tiếp thực hiện hành vi nhuộm phế phẩm cà phê với pin) và hai người khác.
Trước đó, sáng 23-4, tại hội nghị trực tuyến về Giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu nên điều tra, khởi tố nghiêm túc, bắt tạm giam các đối tượng có liên quan.
Thôi thì thủ tục tố tụng phải tuân thủ, việc chứng minh tội phạm cứ phải để cơ quan tố tụng thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng việc phát hiện ra “quy trình sản xuất” dùng lõi pin Con Ó trong quy trình sản xuất là không thể coi thường.
Hành vi trộn lõi pin vào phế phẩm cà phê không có cách hiểu nào khác hơn là “đầu độc chính đồng bào của mình” dù chế phẩm ấy dùng vào việc gì đi nữa.
Bởi dù sao đi nữa, những chế phẩm hay phế phẩm loại này sẽ âm thầm hủy hoại con người theo thời gian. Trong khi đó, quy định tại điều 317, BLHS 2015, dù được đánh giá là có nhiều tiến bộ trong việc xử lý tội phạm liên quan đến an toàn thực phẩm, thì có vẻ vẫn chưa đủ sức răn đe.
Điều luật này cho phép phạt tù từ 1 đến 5 năm với hành vi “Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết rõ là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây ngộ độc cho từ 05 người đến 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.
Thậm chí, mức cao nhất của tội này cũng chỉ là từ 12 đến 20 năm tù và hình phạt bổ sung cao nhất cũng chỉ 200 triệu đồng.
Nhìn ra quốc tế
Nhìn sang các nước, tội phạm loại này được xử lý nghiêm minh hơn rất nhiều. Chẳng hạn như Trung Quốc, sau nhiều bê bối thực phẩm bẩn, nước này đã sửa đổi Luật An toàn thực phẩm vào năm 2015, vừa nâng mức phạt khi vi phạm, vừa định ra “giới hạn đỏ” để cấm tội phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm bị tuyên án tù vĩnh viễn không được tham gia sản xuất kinh doanh thực phẩm.
Có thể bạn quan tâm |
Đáng chú ý, từ năm 2008-2014, ít nhất 6 em nhỏ thiệt mạng và gần 300.000 bé khác nhập viện do uống phải sữa nhiễm melamine gây sỏi thận. Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn sữa Tam Lộc, bà Điền Văn Hoa đã bị toà tuyên phạt tù chung thân vì phải chịu trách nhiệm cho những bê bối tại Tập đoàn sữa Tam Lộc. Tuy nhiên, sau đó bà này được giảm án nhiều lần, xuống còn 18 năm tù.
Trong vụ này, 2 đối tượng bán sữa trộn hóa chất melamine cho Tam Lộc là Trương Ngọc Quân và Cảnh Kim Bình đã bị xử tử hình. Không chỉ có những đối tượng trực tiếp, mà những đối tượng liên quan khác cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Chẳng hạn nhân viên của cơ quan kiểm nghiệm thực phẩm nếu bị xét xử hình sự do vi phạm Luật An toàn thực phẩm hoặc bị đuổi việc do cung cấp “báo cáo láo” sẽ bị cấm vĩnh viễn không tham gia kiểm nghiệm thực phẩm.
Còn ở Mỹ mấy năm trước, xảy ra vụ việc "táo dại Mexico" có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá mức cho phép. Cơ quan chức năng lập tức thu hồi, truy ra kho lạnh chứa táo dại Mexico và đem đi tiêu hủy. Đáng nói hơn, nhân viên bảo vệ thực vật và người phun thuốc trừ sâu, một công ty nhỏ chuyên lái trực thăng đi phun... đều bị khởi tố các tội hành chính liên quan tới việc dùng thuốc trừ sâu sai quy định. Tìm hiểu cho thấy, khởi tố các vi phạm liên quan tới an toàn thực phẩm ở Mỹ là “chuyện thường ngày ở huyện” với những quy định pháp luật rất rõ ràng. Đặc biệt, không có chuyện viện cớ vì nghèo, thiếu hiểu biết để vi phạm. Vì nguyên tắc là thực phẩm bẩn, độc hại đương nhiên gây ra hậu quả cho người tiêu dùng.
Thế nhưng, ngay trong Điều 317, BLHS 2015, vẫn còn những câu chữ như: “biết rõ”, hoặc định lượng những hậu quả bằng số lượng người ngộ độc, người chết… Điều này có thể là “nhân đạo”, mở đường cho người phạm tội ăn năn hối cả. Nhưng có một nguyên lý rằng: “nhân đạo với tội ác chính là… tội ác”.
Phải chăng, cần phải có những điều chỉnh, sửa đổi theo hướng nghiêm khắc hơn cho những hành vi sản xuất cà phê pin khi BLHS 2015 có dịp sửa đổi? Còn trong thời điểm này, phải chăng pháp luật cần “nghiêm minh” hơn, dù rằng sự thận trọng là cần thiết?
Để gần 100 triệu dân Việt thoát khỏi nguy cơ bị chính đồng bào mình đầu độc!