Giải ngân đầu tư công bao giờ hết “tắc”?

Quốc Anh 23/09/2018 11:36

Động thái sửa đổi, bổ sung một số điều trong các Nghị định liên quan tới Đầu tư công được kỳ vọng sẽ chậm dứt cảnh “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả” trong việc giải ngân các dự án đầu tư công.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 120/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 77/2015 về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, Nghị định số 136/2015 về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công và Nghị định số 161/2016 về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

p/Dự án cầu vượt trung tâm quận Long Biên, Hà Nội – một trong những dự án đầu tư công bị than phiền nhiều về chất lượng.

Dự án cầu vượt trung tâm quận Long Biên, Hà Nội – một trong những dự án đầu tư công bị than phiền nhiều về chất lượng.

Có thể bạn quan tâm

  • Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư công

    11:33, 21/09/2018

  • Sửa đổi mức ứng trước vốn kế hoạch đầu tư công

    20:32, 14/09/2018

  • Vốn đầu tư công cho Vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL năm 2019 sẽ tăng 11,4%

    16:11, 31/08/2018

  • Đề xuất sửa đổi 18 nhóm chính sách liên quan đến Luật Đầu tư công

    01:14, 23/08/2018

  • Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

    23:45, 11/07/2018

  • Vì sao chất lượng dự án đầu tư công yếu kém?

    16:30, 11/07/2018

Cần chấm dứt cảnh “có tiền không tiêu được”

Tình trạng giải ngân chậm, “có tiền không tiêu được” đang xảy ra ở nhiều địa phương. Đơn cử như giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Bắc Kạn năm 2017 đạt hơn 68% kế hoạch được giao. Nguyên nhân mà tỉnh này đưa ra là một số dự án không đủ điều kiện thanh toán theo Luật Đầu tư công mới.

Cũng giống như Bắc Kan, Tỉnh Đắk Nông cũng có tỷ lệ giải ngân hết năm 2017 là hơn 1.150 tỷ đồng, chỉ đạt trên 74% kế hoạch. Thậm chí, tỉnh này còn có 2 nguồn vốn đến ngày 31/12/2017 giải ngân dưới 50% kế hoạch là chương trình mục tiêu quốc gia 40,9% và vốn trái phiếu chính phủ 9,85%.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều ví dụ về việc giải ngân chậm. Có lẽ cảm thấy sốt ruột trước các bất cập trong Đầu tư công, nên trong khi chờ sửa Luật này Chính phủ vẫn quyết định sửa đổi những Nghị định trên để đảm bảo tiễn độ các dự án.

Cũng phải nhắc lại là câu chuyện này đã được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, đưa ra với 8 vướng mắc trong Luật đầu tư công từ hơn một năm trước. Vướng mắc đầu tiên có thể kể đến là sự phức tạp của thủ tục. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP-Invest) cho biết, rào cản lớn nhất trong việc triển khai các dự án là cải tiến thủ tục về đầu tư xây dựng. Cách thức tổ chức thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng thiếu khoa học, làm tăng sự phức tạp và tốn kém. Từ 1 thủ tục phải xin ý kiến nhiều nơi thành 6 thủ tục.

Thủ tướng yêu cầu phải tập trung tháo gỡ thể chế pháp luật, nhất là những thủ tục rườm rà, những thái độ vô cảm, vô trách nhiệm của một số cơ quan, cá nhân làm chậm trễ quá trình đầu tư xây dựng.

Và vai trò độc lập của “người gác cổng”

Trong bối cảnh đó, Bộ KHĐT cũng đang tập trung nước rút để hoàn thiện xây dựng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Theo bà Cao Thị Minh Nghĩa, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH&ĐT), một trong những nội dung được tập trung sửa đổi lần này là các quy định liên quan đến việc phân loại dự án đầu tư. Chẳng hạn, theo quy định trước đây, tiêu chí dự án quan trọng quốc gia được định mức ở con số từ 10.000 tỷ đồng, nhưng nay, được đề xuất nâng lên 30.000 tỷ đồng. Hay việc các địa phương than phiền chuyện có quá nhiều thủ tục bất cập, do hầu hết các dự án đều phải gửi hồ sơ về Trung ương để thẩm định.

“Nâng lên mức 30.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 0,6% GDP là phù hợp với tiến trình phát triển của nền kinh tế, mặt khác cũng tạo sự chủ động hơn cho Chính phủ”, bà Nghĩa nói.

Động thái sửa đổi trên của Chính phủ hay việc gấp rút hoàn thiện dự thảo Luật Đầu tư công được giới đầu tư kỳ vọng sẽ giúp các dự án đầu tư công đẩy nhanh tiễn độ. Nhưng cũng cần nhắc lại vai trò “người gác cổng” là các cơ quan thẩm định, đánh giá dự án. Thực tế những năm qua việc các dự án đầu tư công gây thất thoát ngân sách vẫn nhức nhối. Vì vậy, đối với các dự án lớn, các chuyên gia quốc tế khuyên rằng, Việt Nam cần có một cơ quan độc lập với chủ dự án và với bộ chủ quản, thực hiện chức năng đánh giá độc lập. Đối với các dự án kém quan trọng hơn cần thu xếp để cho một cơ quan không có xung đột lợi ích thực hiện đánh giá. 

Ông Achim Fock, Giám đốc điều phối danh mục dự án của WB: Mở rộng thẩm định độc lập

Không ít trường hợp thủ tục đúng, nhưng triển khai lại sai. Ví dụ, quy định là sau 30 ngày, cơ quan nhà nước phải có kết luận, nhưng đến ngày thứ 29, cán bộ quản lý mới thông báo thiếu giấy tờ, thủ tục, thì để hoàn thành, có khi phải mất tới 60 - 90 ngày. Phân cấp theo xu thế là đúng, nhưng cũng không nên phân cấp đơn giản, thuần túy theo quy mô dự án, mà phải theo chức năng quản lý, để tránh tình trạng manh mún.

Dự thảo Luật đầu tư công cần rà soát và điều chỉnh các điều khoản liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư nhằm quy định các dự án quy mô lớn phải được thẩm định ý tưởng ban đầu, sau đó mới tiến hành nghiên cứu tiền khả thi, như quy định hiện hành đối với dự án ODA. Đồng thời, mở rộng các vấn đề cần thẩm định độc lập.

TS Trần Du Lịch – Chuyên gia kinh tế: Phải xóa “xin-cho”

Cần quy định cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền trong dự án Luật Đầu tư công và cả Luật Ngân sách nhà nước. Vì hiện nay Luật Đầu tư công vẫn chưa đột phá về xử lý cơ chế "xin-cho", khái niệm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương chưa được minh bạch nên sẽ không chống được lãng phí, thất thoát trong đầu tư.

Dự luật phải khuyến khích các địa phương sáng tạo, tăng nguồn thu để tăng đầu tư, tăng tự chủ và nâng cao vai trò của HĐND địa phương trong việc này. Nếu cứ mãi xin-cho thì HĐND còn có gì để quyết?

Quốc Anh