Kinh tế Việt Nam: Dự cảm tốt cho 2019 “bứt phá”!
Năm 2018 ghi nhận sự thành công trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Năm 2019 dự báo sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn song cũng đòi hỏi sự nỗ lực mạnh mẽ của doanh nghiệp.
Đó là chia sẻ của chuyên gia NGUYỄN TRÍ HIẾU với DĐDN những ngày đầu năm 2019.
Ông Hiếu khẳng định: “Phải thừa nhận rằng, so với quốc tế, các chỉ tiêu tăng trưởng, lam phát, ngân sách, tỷ giá, cán cân thương mại… Việt Nam đã có nền tảng vững chắc hơn”. Mục tiêu kép là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát đã được Chính phủ duy trì. Đây cũng chính là một nền tảng quan trọng để Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng, thiên về cải cách.
- Nhưng cũng có ý kiến cho rằng cần quan tâm đồng thời tới chất lượng tăng trưởng, thưa ông?
Băn khoăn đó đúng, nhưng rõ ràng là Chính phủ cũng đã chú ý đến chất lượng tăng trưởng. Chúng ta thấy rõ ràng, Chính phủ đã không mở rộng tín dụng quá lớn; không khai thác thêm dầu, than để thúc đẩy tăng trưởng...
Ngay cả việc xử lý sai phạm ở các dự án và ngay cả trong ngành tài chính ngân hàng cũng đã đóng góp vảo việc tăng chất lượng tăng trưởng và đưa cả nền kinh tề vào quỹ đạo tuân thủ các qui định pháp luật và qui định quốc tế cũng như nguyên tắc thị trường. Một điểm nữa được coi là đáng kể trong năm qua là cải thiện môi trường kinh doanh qua yêu cầu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành của Chính phủ đã được thực hiện khá nghiêm túc. Đó có lẽ cũng là điểm tích cực mà các định chế xếp hạng tín nhiệm quốc gia của thế giới đã nhìn nhận định để tăng bậc triển vọng cho Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”.
Tuy nhiên, khi nói đến điểm tín nhiệm quốc gia của Việt Nam thì mặc dầu mức triển vọng (Outlook) của Việt Nam được một vài tổ chức tăng bậc nhưng hạng tín nhiệm của Việt Nam ở cả ba công ty xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới (Moody’s, S&P và Fitch Ratings) vẫn ở mức không khuyến khích đầu tư và mang tính đầu cơ. Việt Nam cần phải cố gắng để được tăng bậc tín nhiệm lên mức khuyến khích đầu tư. Bởi thế, những băn khoăn về chất lượng tăng trưởng bắt đầu có lời giải hợp lý.
- Vậy phải chăng đây chính là nền tảng để 2019 “bứt phá” như phương châm hành động của Chính phủ nhắc tới?
Đúng vậy! Nếu xem xét Nghị quyết 01, 02 vừa được Chính phủ ban hành, thì rõ ràng cách thức đảm bảo và cải thiện chất lượng tăng trưởng không có nhiều điểm khác biệt. Cái khác biệt căn bản nhất là quy rõ trách nhiệm. Đó chính là một trong những động lực cần thiết để “bứt phá” như Thủ tướng đã xác định.
Áp lực, và cũng là động lực cho Chính phủ là chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước rằng: “Năm 2019 phải hơn 2018 về mọi phương diện”.
Tuy nhiên, “bứt phá” không thể mang tính cách khẩu hiệu, mà phải có chiến lược thực hiện, chẳng hạn “bứt phá” ở mặt thể chế kinh tế. Hay việc triệt tiêu những nhóm lợi ích đục khoét ngân sách quốc gia và tạo ra rào cản cho sự phát triển kinh tế trong sự công bằng và ổn định cũng phải đưa vào những kế hoạch cụ thể trong chủ trương “bứt phá”.
Có thể bạn quan tâm
Từ đất công bàn về... động lực tăng trưởng
14:00, 01/01/2019
Kinh tế Việt Nam 2019: Thách thức và động lực tăng trưởng!
09:05, 30/12/2018
Kinh tế Việt Nam: Vượt rào để... tăng trưởng
05:00, 30/12/2018
8 giải pháp trọng tâm hiện thực mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% năm 2019
11:00, 28/12/2018
Tăng trưởng GDP cả năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm qua
14:30, 27/12/2018
Lý giải đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018
02:30, 25/12/2018
- Nhưng chế độ trách nhiệm đôi khi cũng có tác động ngược. Rất có khả năng nó sẽ gây ra hiệu ứng… sợ trách nhiệm đối với người đứng đầu?
Thực tế năm 2018 cho thấy, 12 chỉ tiêu đã vượt hoặc đạt được chứng minh năng lực điều hành của Thủ tướng và Chính phủ. Cứ nhìn vào lĩnh vực cải thiện môi trường kinh doanh sẽ thấy điều đó. Chúng ta biết các Nghị quyết 19 đã duy trì liên tục áp lực cải cách môi trường kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, môi trường vẫn còn là một vấn đề lớn của Việt Nam. Sông ngòi và bờ biển bị ô nhiễm do chất thải từ các khu công nghiệp, nạn chặt phá rừng, lụt lội, lở đất và ngay tại các đô thị lớn vấn đề ô nhiễm không khí, ngập úng là một vài điểm tiêu biểu cho thấy vấn đề môi trường còn cần rất nhiều cố gắng của chính phủ để cải thiện. Nhưng tựu chung, đó cũng chính là những điểm mà một chính phủ “kiến tạo” phải đưa ra những quyết sách để giải quyết: những gì chưa hoàn thành được trong năm 2018 sẽ được hoàn thành trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Nên nhớ rằng, chỉ riêng việc cắt giảm điều kiện kinh doanh mà 2018 đã tiết kiệm cho doanh nghiệp hàng chục triệu ngày công và hàng nghìn tỷ đồng.
- Ông tỏ ra kỳ vọng vào Nghị quyết 02, phiên bản mới của các Nghị quyết 19 trước đây?
Với phiên bản mới chúng ta thấy rõ từng bộ trưởng đều được giao chỉ tiêu để đạt được mục tiêu. Còn lại các giải pháp đều không được nhắc đến. Điều ấy có nghĩa là các bộ trưởng đều được quyền chủ động, sáng tạo đề ra giải pháp. Đây là cách làm phù hợp với thông lệ tốt, tạo ra áp lực cụ thể, thúc đẩy sáng tạo và tránh được các giải pháp… chung chung.
Tuy nhiên, tại mỗi kỳ họp thường niên của Quốc hội, các bộ trưởng phải báo cáo cụ thể về việc thực hiện các chỉ tiêu đã giao và nhất là những kế hoạch và giải pháp đã thi hành để đạt chỉ tiêu. Một điều quan trọng nữa là các bộ trưởng và các lãnh đạo các đơn vị trực thuộc phải được giao chỉ tiêu cho từng cá nhân và các cá nhân có trách nhiệm giải trình về việc thực hiện các chỉ tiêu đã giao cho riêng mình.
- Nhưng thành quả kinh tế 2018 không chỉ là cải cách vĩ mô, thưa ông?
Năm nay, ta để ý rằng, nông nghiệp đã phục hồi và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng khi nó đạt tỉ lệ tăng trưởng tới 3,76%. Nếu 2019, Chính phủ cùng với các địa phương làm tốt, thậm chí chỉ cần thay đổi một chút trong việc sử dụng nguồn lực đất đai thì chắc chắn nông nghiệp sẽ lại là một yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng chung.
Ngày nay Việt Nam không chỉ sản xuất nông phẩm cho tiêu dùng trong nước mà phải xuất khẩu, bán trên thị trường thế giới. Chính phủ phải đưa ra những thông tin về thị trường giá cả, trong nước và thế giới để nông dân và ngành nông nghiệp xây dựng những kế hoạch nuôi trồng, sản xuất, chế biến và tiêu thụ hợp lý. Bên cạnh đó việc đào tạo nhà nông hiểu biết về các chuẩn mực an toàn thực phẩm, các chuẩn mực quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm là điều còn rất thiếu sót và cần tăng cường trong năm 2019.
Nhưng phải thấy rõ, dư địa của nông nghiệp vẫn còn rất lớn khi nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghiệp chế biến gắn với nông nghiệp vẫn đang chiếm tỷ trọng chưa được như kỳ vọng. Nhưng như trên đã nói các nông dân cần được huấn luyện và chỉ dẫn với những phương thức sản xuất mới phù hợp với thị trường trong nước và ngoài nước.
- Vâng, vậy với các điều kiện khác mà Chính phủ đã kiến tạo trong những năm qua, theo ông, 2019 các yếu tố ấy sẽ phát huy thế nào vào phát triển bền vững?
Đáng chú ý có quan điểm cho rằng: để theo kịp các nước, tăng trưởng của Việt Nam phải duy trì liên tục 9-10%, thậm chí là 15%. Đây là một trong các ý kiến tôi chú ý nhất và cho rằng: chúng ta không thể bằng lòng với những gì đã đạt được.
Các trung tâm kinh tế như Hà Nội, TP HCM chắc chắn phải trở thành hai cực tăng trưởng lan tỏa cho cả nước. Tuy nhiên, tăng trưởng ở mức trên 10%/năm là mức tăng trưởng quá cao, chúng ta nên cẩn trọng. Tăng trưởng nhanh có thể phải trả giá rất đắt với ô nhiễm môi trường, sức lao động bị tận dụng đến kiệt quệ và khi hạ tầng cơ sở không phát triển kịp sẽ phá hủy các cấu trúc kinh tế, xã hội và cả chính trị.
- Với CPTPP hay EVFTA, ông nghĩ Việt Nam sẽ làm gì để tận dụng được cơ hội mới?
Đương nhiên, các hiệp định thương mại tự do này giúp Việt Nam trước hết là mở rộng, đa dạng hóa thị trường, không quá phụ thuộc vào một thị trường nào. Nhưng chắc chắn nó cũng mang đến áp lực, hay nói đúng hơn là cơ hội để Chính phủ tiếp tục thực hiện các cải cách nền tảng. Bởi chỉ có các cải cách bên trong mới giúp Việt Nam đủ sức tiếp nhận thật tốt các cơ hội đó.
- Tôi muốn quay lại vấn đề “bứt phá” mà Thủ tướng và Chính phủ đã nhấn mạnh. Ông nghĩ trọng tâm của “bứt phá” sẽ nằm ở đâu?
Như tôi đã nói, những thành tựu của 2018 cơ bản đã xác định nền tảng cho điều hành của Chính phủ. “Bứt phá” mà Thủ tướng và Chính phủ đã xác định, nhất là trong Nghị quyết 01, 02 nằm ở khâu tổ chức thực hiện. Điều ấy buộc tất cả các cấp, các ngành, thậm chí là mỗi cán bộ, công chức phải nỗ lực tối đa để vai trò của tập thể và cá nhân đều được phát huy. Một điều rất quan trọng là Chính phủ tiếp tục điều hành qua việc lắng nghe các thành phần kinh tế trong một tinh thần dân chủ, tự tin và đồng cảm với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp.
Áp lực, và cũng là động lực cho Chính phủ là chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước rằng: “Năm 2019 phải hơn 2018 về mọi phương diện”. Đây là một chỉ đạo hết sức quan trọng. Chúng ta có thể thấy 8 nhóm nhiệm vụ mà Chính phủ cụ thể trong 188 đề án là cơ sở để mục tiêu “bứt phá” có thể đạt được. “Bứt phá” đây đồng nghĩa với việc cải tổ thể chế, dám xóa bỏ những ràng buộc về thể chế trong quá khứ để đi vào quỹ đạo phát triển của thế giới và khu vực.
Thủ tướng và Chính phủ đã xác định phải hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, nhưng cũng có một chỉ đạo sát sao rằng: “Phải hành động nhanh nhưng phải bắt đầu từ những việc nhỏ có hiệu quả lớn”.
- Xin cảm ơn ông!