Kinh tế chia sẻ “đặt hàng” gì cho chính sách?

Huyền Trang thực hiện 13/01/2019 05:28

Thạc sĩ NGUYỄN PHAN ANH - giảng viên trường Đại học Thương mại khẳng định đã đến lúc các nhà lập pháp phải nhận ra, chấp nhận sự hình thành và tồn tại của nền kinh tế chia sẻ.

Đồng thời, cần hoàn thiện hành lang pháp lý để có thể quản lý các loại hình công nghệ thời 4.0.Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về quản lý ô tô đang được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến, nhiều doanh nghiệp trong đó có BE GROUP kỳ vọng đây sẽ là hành lang pháp lý đủ rộng để tạo môi trường kinh doanh công bằng, bền vững trong lĩnh vực vận tải.

- Ông có đánh giá như thế nào về các quy định trong dự thảo lần này?

Việc ban hành nghị định mới hoặc bổ sung sửa đổi một số điều của nghị định cũ tuy có phần chậm trễ nhưng là việc làm cần thiết.

Công bằng mà nói, dự thảo lần này có nhiều điều khoản điều chỉnh hoạt động của “taxi công nghệ” nhưng đáng tiếc, cách tiếp cận mà nhà quản lý tại dự thảo lần này lại coi các loại hình công nghệ thời 4.0 là công ty vận tải có áp dụng công nghệ chứ không phải là một mô hình công nghệ mới. Với cách tiếp cận này, cơ quan quản lý nhà nước coi Uber, Grab hoặc các ứng dụng gọi xe là “taxi” và quản lý như taxi truyền thống.

Nếu điều này đúng, và cách tiếp cận này đúng, thì cơ quan quản lý cấp Bộ chuyên trách sẽ phải sửa rất nhiều Nghị định khác nữa, bởi vì nền kinh tế chia sẻ phát triển sẽ chia sẻ mọi thứ chứ không riêng gì việc chia sẻ phương tiện đi lại.

Có thể bạn quan tâm

  • Mô hình kinh tế chia sẻ trong xây dựng thương hiệu

    06:35, 21/12/2018

  • "Để quản lý tốt Uber-Grab, nên tách bạch kinh tế chia sẻ và kinh tế nền tảng"

    11:03, 01/11/2018

  • Cần một khu “đầu tàu” để phát triển kinh tế chia sẻ

    00:10, 17/10/2018

  • Kinh tế chia sẻ và sự bắt nhịp của tư duy

    13:39, 08/09/2018

  • Từ Uber-Grab... đến chính sách cho mô hình kinh tế chia sẻ

    06:35, 05/09/2018

- Dường như đến lúc này, các cơ quan quản lý vẫn lúng túng với các mô hình quản lý mới, thưa ông?

Với các mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới, phương thức mới, đôi khi chúng ta còn chưa hiểu rõ, chưa hiểu kỹ về những mô hình, công nghệ, phương thức đó; chúng ta cũng không có những nghiên cứu hay báo cáo đánh giá đầy đủ về xu hướng phát triển, tác động tích cực, tác động tiêu cực và khuyến nghị chính sách từ các chuyên gia quản lý, các học giả trong và ngoài nước.

Trước khi đưa ra Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 mới, cơ quan quản lý cũng đã “bật đèn xanh” cho các hãng này bằng đề án thử nghiệm và từ đó nghiên cứu và quản lý. Tôi cho rằng đây cũng là điểm tích cực nhưng cũng thận trọng của các nhà quản lý đối với một vấn đề mới.

Hoặc tôi cũng suy đoán rằng tâm lý chờ đợi, xem xét vấn đề thực tế xảy ra như thế nào rồi mới đưa ra biện pháp, chứ không phải là chủ động nghiên cứu và đón nhận, định hướng nó có lợi cho nền kinh tế vĩ mô của chúng ta.

Về quan điểm cá nhân, tôi vẫn mong muốn là cơ quan quản lý nhà nước nếu có thể thì tích cực hơn và chủ động hơn thay vì đợi rơi vào thế bị động mới đưa ra dự thảo hoặc các quyết sách vì như thế có thể làm mất đi nhiều cơ hội của người dân hoặc của doanh nghiệp hoặc của cả hai.

- Hiện nay, vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc định danh kinh tế chia sẻ là gì. Theo ông, kinh tế chia sẻ là gì?

“Nền kinh tế chia sẻ” là một thuật ngữ đề cập đến mô hình kinh doanh khai thác các yếu tố tài nguyên sẵn có của người dùng cuối cùng và kết hợp với các yếu tố công nghệ để hợp thành một mô hình kinh doanh. Mô hình này thường do các doanh nghiệp khởi nghiệp khởi xướng – đối tượng này không sở hữu bất kỳ một nhà máy hay một kho hàng nào nhưng lại có cả một kho tài nguyên sẵn có trên toàn cầu và chúng luôn sẵn sàng gia nhập vào các hệ thống.

Kinh tế chia sẻ phát triển sẽ chia sẻ mọi thứ chứ không riêng gì việc chia sẻ phương tiện đi lại.

Tại Việt Nam và các nước trên thế giới, mô hình nền kinh tế chia sẻ sẽ tiếp tục phát triển mạnh thông qua nhiều dạng thức, mô thức khác nhau, từ chia sẻ xe cộ, chỗ ở, thiết bị thể thao, thiết bị nông nghiệp… với các quy mô và mức độ ứng dụng khác nhau.

- Vậy, Việt Nam cần phải làm gì để kinh tế chia sẻ có thể phát triển trong thời gian tới? Thưa ông?

Để kinh tế chia sẻ có thể phát triển trong thời gian tới bản thân các cơ quan quản lý cần có hướng tiếp cận thị trường theo thời gian thực. Tức là cơ quan quản lý nhà nước nên chủ động nghiên cứu và đánh giá về vấn đề nghiên cứu một cách nghiêm túc, có sự tham vấn của các chuyên gia để có thể đưa ra các quyết sách nhanh hơn, chính xác hơn, ổn định hơn, có tính dài hạn hơn.

Đồng thời, Việt Nam nên chào đón và rộng mở, ưu đãi chính sách dành cho các startup công nghệ trong lĩnh vực này, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu về nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở và cả vấn đề về chính sách quản lý vĩ mô.

Bên cạnh đó, cũng cần có các nghiên cứu và dự đoán về các mô hình kinh doanh mới sẽ có thể có tại Việt Nam trong những năm tiếp theo hoặc tương lai xa hơn để thử nghiệm và phát triển trước.

Để tránh được các rủi ro mà các mô hình kinh doanh mới có thể mang lại, chúng ta cần xây dựng nhiều hơn một kịch bản đối phó với các rủi ro đó nếu xảy ra.

Và Đề án mô hình kinh tế chia sẻ mà Việt Nam đang xây dựng phải thể hiện rõ tinh thần này.

- Xin cảm ơn ông.

Huyền Trang thực hiện