GDP bình quân đầu người 18.000 USD vào 2030 không quá khó!
Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên công bố tầm nhìn quốc gia 2030, 2045. Vậy phải làm gì để đạt được mục tiêu trong tầm nhìn ấy?
Câu trả lời sẽ được trao đổi tại Diễn đàn “Tầm nhìn 2045 và hành động của Việt Nam” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức. BBT mong nhận được bài viết của các chuyên gia, doanh nghiệp và độc giả tại: tamnhin2045@dddn.com.vn.
Để đạt được mục tiêu GDP bình quân đầu người năm 2030 đạt ít nhất 18.000 USD (theo giá PPP năm 2011), nền kinh tế phải luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP cao, ổn định liên tục trong nhiều năm trên 7%/năm.
Theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, GDP bình quân đầu người thực tế ở Việt Nam trong năm 2018 vào khoảng 2.584 USD/người/năm. Tuy nhiên, tính theo sức mua tương đương do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2018 là 7.387 USD/người/năm.
- Tại sao lại có sự chênh lệch lớn về GDP bình quân đầu người khi tính theo sức mua tương đương như vậy, thưa ông?
Sức mua tương đương cao như vậy là do quy đổi giá cả của các sản phẩm có khả năng mua được trên thế giới. Ví dụ, 1 USD có thể mua được 1 cốc café ở Việt Nam, nhưng cùng 1 cốc café với chất lượng không thay đổi nếu so với sức mua trên thế giới phải tương đương 3 USD. Như vậy, người Việt Nam thu nhập 1 USD nhưng lại tạo ra sức mua tương đương 3 USD của thế giới.
Tính theo sức mua tương đương do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2018 là 7.387 USD/người/năm.
Và để so sánh GDP bình quân đầu người với các nước trên thế giới, thường phải dùng tỉ số sức mua tương đương này. Tỷ số này phụ thuộc vào quan hệ giữa mức giá của các sản phẩm cùng loại giữa các khu vực thị trường khác nhau.
Với GDP bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương là 7.387 USD, nếu chúng ta duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm, bên cạnh đó là giữ được mức tăng dân số ổn định, thì đến năm 2030 Việt Nam sẽ đạt được GDP bình quân đầu người khoảng 18.000 USD với sức mua tương đương. Và đến năm 2045 - 2050 sẽ là 45.000 – 50.000 USD.
Có thể bạn quan tâm
[DIỄN ĐÀN TẦM NHÌN VIỆT NAM 2045] Năng suất lao động: “Đôi cánh” của nền kinh tế
00:50, 10/03/2019
[DIỄN ĐÀN TẦM NHÌN VIỆT NAM 2045]: Mục tiêu “Quốc gia phát triển”
13:41, 02/03/2019
[DIỄN ĐÀN TẦM NHÌN VIỆT NAM 2045] Đà Nẵng nói gì về điều chỉnh quy hoạch chung tầm nhìn 2045?
09:51, 27/02/2019
[DIỄN ĐÀN TẦM NHÌN VIỆT NAM 2045]: Việt Nam sẽ là nước công nghiệp phát triển hay quốc gia phát triển?
19:00, 26/02/2019
[DIỄN ĐÀN TẦM NHÌN VIỆT NAM 2045]: Hà Tĩnh chọn kịch bản nào cho tầm nhìn 2050?
05:00, 24/02/2019
[DIỄN ĐÀN TẦM NHÌN VIỆT NAM 2045]: Tầm nhìn 2045 và hành động của Việt Nam
01:31, 24/02/2019
[DIỄN ĐÀN TẦM NHÌN VIỆT NAM 2045]: Tầm nhìn quốc gia năm 2045 và những bài toán cần giải
15:51, 19/02/2019
- Vấn đề đặt ra, là liệu chúng ta có thể duy trì tốc độ tăng trưởng GDP đều trên 7%, thưa ông?
Cơ sở để chúng ta kỳ vọng vào tăng trưởng GDP với tốc độ cao có 2 yếu tố.
Thứ nhất, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn có xu hướng tăng. Năm 2018, tăng trưởng GDP Việt Nam đã đạt trên 7% và vẫn đang tiếp tục đà tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, chúng ta đang trong quá trình tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng, không chạy theo khai thác tài nguyên, không đầu tư nhiều vốn để tạo ra tăng trưởng nóng. Việt Nam tái cơ cấu mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và lấy hiệu quả tăng trưởng là mục tiêu chính.
Thông thường, khi bắt đầu tái cơ cấu thì hiệu quả tăng trưởng thường không cao, tuy nhiên, trên thực tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng GDP tốt từ 6% đến trên 7%. Điều đó chứng tỏ Việt Nam dù mới bắt tay tái cơ cấu nền kinh tế nhưng đã đạt được những kết quả rất khả quan. Như vậy, khi việc tái cơ cấu đi vào ổn định thì mức tăng trưởng GDP sẽ được kỳ vọng giữ vững, thậm chí còn cao hơn.
Thứ hai, Việt Nam đang bước qua giai đoạn thử thách, đó là năng suất lao động thấp. Nguyên nhân chính là do chúng ta đang ở trong khu vực sản xuất giá trị thấp, chủ yếu gia công, không nằm ở công đoạn của chuỗi giá trị cao. Trong đường cong nụ cười, gia công của Việt Nam đang nằm ở đáy đường cong, tức phần có giá trị thấp nhất. Chúng ta đã nhìn thấy rất rõ nhược điểm này và đang quyết tâm thay đổi đầu tư cho sản xuất. Đó là không chạy theo sản xuất gia công mà phải tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị. Ví dụ, trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, chúng ta không chỉ có lắp ráp mà phải biết thiết kế, sản xuất ra phụ tùng. Hay trong lĩnh vực nông sản, trước đây chúng ta thường bán thô, thì bây giờ bắt đầu đi vào sản xuất theo chuỗi giá trị, đi từ khâu sản xuất, tạo ra sản phẩm và tự đưa ra thị trường thế giới để thu về giá trị cao nhất.
- Tham gia vào chuỗi giá trị hay nâng cao năng suất lao động sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy GDP tăng lên, thưa ông?
Cần phải cả 2. Đây vừa là chiến lược chúng ta đặt ra, nhưng đồng thời cũng là bắt buộc, khi Việt Nam đã tham gia rất nhiều các khối thị trường. Việt Nam đang chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, trong đó có 4.0 và kinh tế số. Do đó, nếu Việt Nam muốn đạt mục tiêu GDP bình quân đầu người đến năm 2030 là 18.000 USD thì không thể đi theo con đường làm gia công hay sản xuất thông thường, mà phải hướng đến ứng dụng công nghệ mới.
- Ông có đề xuất gì để mục tiêu này có thể về đích?
Để định hướng lớn này đạt được như kỳ vọng thì chúng ta phải xác định tạo động lực chính cho phát triển kinh tế dựa vào đâu? Thứ nhất, động lực chính phải chuyển dần sang khu vực kinh tế tư nhân. Thứ hai, phải có chiến lược đầu tư vào ngành nào, lĩnh vực nào để tạo thành mũi nhọn cho kinh tế Việt Nam. Ví dụ, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, du lịch… Thứ ba, phải có chiến lược thu hút nguồn lực đầu tư, trong đó có cả nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài.
- Xin cảm ơn ông!