Tăng giờ làm thêm bằng cách nào?
Trong khi xu hướng chung của thế giới là giảm giờ làm thêm, thì các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp Việt đang kiến nghị tăng thêm 50% số giờ làm thêm so với quy định hiện hành.
Như vậy có phải đi “ngược” xu thế? DĐDN đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Minh Huân, Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về vấn đề này.
- Đóng góp vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhiều doanh nghiệp đang kiến nghị tăng số giờ làm thêm lên mức 400 giờ/năm. Điều này có đi trái với xu hướng phát triển chung không, thưa ông?
Trên thực tế xu hướng chung của các nước có điều kiện tốt hơn là phải giảm giờ làm, tuy nhiên ở bối cảnh Việt Nam hiện nay thì tăng giờ làm là cần thiết. Chúng ta phải cân đối cả vấn đề xã hội và vấn đề kinh tế. Những điều này còn được quy định “khá nhẹ” tại dự thảo sửa đổi lần này.
Theo đó, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi lần này cũng đưa ra đề xuất mở rộng khung thoả thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt từ 300 giờ/năm (theo Bộ Luật hiện hành) lên 400 giờ/năm, nếu được người lao động đồng ý, chủ doanh nghiệp trả lương đãi ngộ làm thêm giờ luỹ tiến, cao nhất tới 300% so với ngày thường và một số điều kiện bảo đảm sức khoẻ cho người lao động.
Việc doanh nghiệp mong muốn tăng lên mức 400 giờ, đây không phải vấn đề mới và luôn có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Phía doanh nghiệp kiến nghị tăng giờ làm cũng là dễ hiểu, do áp lực sản xuất, nhất là với đặc thù xuất khẩu có tính thời vụ, các đơn hàng có yêu cầu gay gắt về thời gian giao hàng.
Do đó, doanh nghiệp kiến nghị tăng giờ làm thêm là phù hợp, thực chất chỉ là để bù đắp vào vấn đề năng suất thấp, chưa cân bằng được với sản phẩm cùng ngành nghề của các đối thủ cạnh tranh. Đơn cử, nếu so với nước láng giềng như Trung Quốc thì các sản phẩm dệt may của chúng ta còn chưa có sức cạnh tranh được.
Đặc biệt trong bối cảnh mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều ngành nghề, các quy định tại Bộ luật Lao động mới phải đảm bảo đề xuất giờ làm thêm hết sức linh hoạt, không thể quy định chung chung như hiện tại.
Có thể bạn quan tâm
Tăng tuổi nghỉ hưu cần tránh “dàn hàng ngang”
11:10, 15/05/2019
Giờ làm thêm cộng với lương luỹ tiến sẽ “đánh sập” doanh nghiệp
15:30, 14/05/2019
- Vậy theo quan điểm của ông quy định mức làm thêm nên được cụ thể như thế nào? Quy định này có nên so sánh với tình hình tổ chức lao động của các quốc gia trên thế giới, thưa ông?
Nhiều doanh nghiệp trao đổi với tôi, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của hội nhập, tất cả chi phí đầu vào hiện đều tăng nhưng giá gia công của chúng ta lại không tăng hoặc tăng không đáng kể, đặc biệt với các doanh nghiệp trong ngành da giày, dệt may.
Trong khi đó vấn đề tăng tiền lương cũng sẽ chưa dừng lại. Như vậy, chi phí đầu vào tăng, chi phí lao động tăng, tất cả chi phí “ép” vào khiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm.
So với thế giới, hiện quy định giờ làm thêm của Việt Nam ở loại trung bình, với 8 giờ làm mỗi ngày thì một năm là 2.320 giờ, nếu cộng thêm cả mức 400 giờ/năm như đề xuất thì vẫn chỉ ở mức 2.700 giờ/năm, nhiều nước quy định cao hơn như Nhật Bản, Malaysia và Đài Loan… Đơn cử như Nhật Bản là một trong các quốc gia có năng suất lao động cáo nhất so với các nền kinh tế. Chính phủ Nhật cho phép doanh nghiệp được áp dụng điều chỉnh thời gian làm việc trong năm không được quá 2.800 tiếng.
Tăng giờ làm thêm để “bù đắp” năng suất thấp. Tuy nhiên, nếu pháp luật về lao động lại quy định tướng ứng với tăng lương luỹ tiến giờ làm thêm sẽ “đánh sập” nhiều doanh nghiệp.
Việc năng suất thấp cộng thêm giới hạn mức giờ làm việc sẽ làm giảm tính cạnh tranh, khiến doanh nghiệp Việt Nam không thể phát triển, không mở rộng được sản xuất, làm quy mô doanh nghiệp giảm. Thậm chí đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp không thể tồn tại.
Do đó, cần nâng mức giờ làm thêm lên 400 giờ, đồng thời có quy định rõ với nhóm ngành nghề đặc biệt. Thậm chí có những thời điểm, có những ngành nghề tăng hơn mức 400 giờ/năm. Về lộ trình, bước 1 nên điều chỉnh lên 400 giờ, đến thời điểm phù sẽ có lộ trình tiếp theo.
Tôi biết có một số ngành nghề như phần mềm không thể cứ làm 8 tiếng, với một số nghề như nghiên cứu sáng tạo và phát triển thậm chí có thời điểm phải tăng lên 16 tiếng/ngày.
- Cùng với đó, vấn đề luỹ tiến lương giờ làm thêm cũng khiến doanh nghiệp lo lắng, cụ thể tác động của quy định này như thế nào, thưa ông?
Thực tế, nếu đã tăng giờ làm thêm mà lại tính luỹ tiến tiền lương cho giờ làm thêm thì sẽ là khó khăn “kép” với doanh nghiệp. Thậm chí, giờ làm thêm cộng với lương luỹ tiến có thể sẽ “đánh sập” nhiều doanh nghiệp.
Do đó, khi tăng giờ làm thêm không nên tăng luỹ tiến tiền lương của giờ làm thêm mà để ở mức như hiện hành, bởi đây hiện là mức khá cao. Cụ thể ít nhất 150% lương cho làm thêm giờ bình thường, tương ứng là tỷ lệ 215% cho làm thêm giờ vào ban đêm, 300% làm thêm giờ vào ngày lễ, chưa kể ngày nghỉ lễ tết vẫn được hưởng lương.
Có một hệ luỵ khác, nếu chi phí lao động tiếp tục gia tăng thì doanh nghiệp sẽ có xu hướng đưa máy móc, công nghệ vào sản xuất. Đây cũng là xu hướng trong cách mạng công nghiệp, người lao động có thể sẽ bị đẩy tới nguy cơ mất việc làm.
- Là người từng tham gia vào quá trình soạn thảo Bộ luật Lao động năm 2012, nhưng bối cảnh lần sửa đổi lần này đã khác, nội dung nào cần được chú trọng trong dự luật, thưa ông?
Bên cạnh mục tiêu sửa đổi những quy định trước đây để phù hợp hơn, đảm bảo quan hệ hài hoà lợi ích giữa hai bên, đảm bảo sức khoẻ doanh nghiệp và đời sống người lao động, Bộ Luật Lao động sửa đổi lần này được đặt trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, những thách thức về vấn đề này còn thể hiện “khá nhẹ” trong dự thảo Luật. Do đó, dự luật cần chú trọng quy định cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực, đặc biệt chú trọng cơ chế tự đàm phán giữa doanh nghiệp và người lao động.
Cùng với đó, vấn đề hội nhập mà thực chất là 5 công ước Việt Nam đã tham gia, tạo thêm cơ hội việc làm, nhưng bên cạnh đó yêu cầu doanh nghiệp phải đảm bảo quy định về tiền lương, quyền người lao động, an sinh, tham gia tổ chức đại diện người lao động... Chúng ta phải sửa đổi các luật, các quy định cho phù hợp với các cam kết quốc tế. Đây là những thách thức đối với cơ quan soạn thảo luật của Việt Nam, nhưng cũng là cơ hôi trong việc hài hòa lợi ích các bên.
-Xin cảm ơn ông!
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Hiện, dự thảo Luật Lao động sửa đổi không quy định về thời gian làm việc tối đa, sẽ nới giờ làm việc cho một số ngành nghề phù hợp như dệt may, da giày, thủy sản, điện tử,... cá biệt giờ làm thêm có thể lên đến 400 giờ với các ngành nghề đặc biệt. Mục tiêu của tăng giờ làm thêm nhằm đáp ứng nhu cầu của cả doanh nghiệp và người lao động. Vì hiện tại, lương cơ bản còn thấp và thu nhập của phần lớn người lao động không đủ sống. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của cả người lao động, tất cả các trường hợp làm thêm giờ, người lao động phải đồng thuận và sẽ được trả lương cao hơn. Đây là vấn đề do thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, nhưng cần cân nhắc vấn đề “sức khoẻ” của doanh nghiệp để hài hoà lợi ích các bên. Bùi Đức Thịnh - Chủ tịch Tổng công ty Sông Hồng Hơn 10,000 lao động của Sông Hồng đang đứng trước áp lực của cạnh tranh khi mà các điều lệ, quy định đang ngày càng đè nặng doanh nghiệp. Quy định bó buộc về giờ làm thêm khiến doanh nghiệp bị bó buộc, gặp khó khi vào thời điểm các đơn hàng theo mùa. Cùng với đó, với doanh nghiệp, nguyên liệu chủ yếu nhập từ thị trường bấp bênh là Trung Quốc, nguyên liệu về muộn lại công thêm quy định “tự gò mình” về giờ làm thêm khiến đơn hàng không được đảm bảo. Không có đơn hàng đã khốn khổ mà có đơn hàng không hoàn thành còn khốn khổ gấp bội lần. Thực tế doanh nghiệp Việt đã còn còi cọc đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất đi vào tích luỹ là vô cùng ít ỏi. Thực sự dn chỉ dc cởi bỏ thủ tục hành chính nhưg chi phí ngày càng chồng chất. Lương tối thiểu tăng 1% doanh nghiệp phải tăng chi phí lên 12%. Nay lại thêm quy định về giờ làm thêm mức 200 giờ/năm, và không quá 400 giờ/năm với doanh nghiệp ngành nghề đặc biệt, chúng tôi cũng không biết mình có được gọi là đặc biệt không. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị tăng số giờ làm thêm, con số 450 giờ còn rất khiêm tốn, kiến nghị nên là 500 giờ và nên để khoảng không gian cho doanh nghiệp tự quyết định chứ không phải sản xuất như “vụng trộm”. Đồng thời việc tăng giờ làm thêm chỉ nên ở mức thoả thuận với lao động và thông báo, tránh yêu cầu làm quyết định phát sinh thủ tục rườm rà. Trong dự thảo luật cũng quy định 1h làm việc ban đêm mức cao hơn 30% so với 1h làm ban ngày, đề nghị phải phân biệt lao động làm mấy ca trên ngày, nếu chỉ làm 1 ca 8h thì hoàn toàn bình thường không cần tăng lương, Quy định lương giờ làm thêm phải là sau khi hoàn thành 8 tiếng rồi làm thêm mới tính lương vượt mức. |