Liên kết để thoát "thẻ vàng" của EC

Văn Nhất 26/06/2019 13:00

Mô hình chuỗi liên kết từ khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ thủy sản đại dương đang được xem là giải pháp hiệu quả để khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" đối với sản phẩm thủy sản của Việt Nam.

Trước tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài diễn biến phức tạp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp để đưa ra những giải pháp tổng thể, cũng như giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành, địa phương.

p/Tàu cá của Khánh Hòa không còn đánh bắt thủy sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.

Tàu cá của Khánh Hòa không còn đánh bắt thủy sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.

Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng, Chi cục thủy sản Khánh Hòa:

Từ khi EC rút “thẻ vàng”, Chúng ta cũng đã ban hành Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định 42, 26 và 8 thông tư… Riêng tỉnh Khánh Hòa cũng đã ban hành nhiều Quyết định, chỉ thị để xử lý vấn đề này. Khánh Hòa đã thành lập 4 văn phòng đại diện tại 4 cảng cá, có nhân viên trực 24/24 để kiểm soát tàu thuyền xuất, cập bến. Ngoài ra, 4 tàu thanh tra chuyên ngành của chi cục liên tục tuần tra trên biển, nếu có tàu nào nghi vấn sẽ cho kiểm tra ngay, riêng các ngư dân phải làm cam kết không đánh bắt bất hợp pháp tại vùng biển của các nước. Tình trạng các tàu cá vi phạm trên địa bàn tỉnh giảm rõ rệt, trong năm 2018 chỉ có 2 tàu, nhưng 6 tháng đầu năm 2019 đã không còn tàu nào vi phạm.

Võ Ngọc Tùng, Phó nghiệp đoàn nghề cá Phước Đồng:

36 tàu cá là thành viên của nghiệp đoàn đã làm cam kết không đánh bắt vùng biển nước ngoài, hồ sơ, giấy tờ pháp lý luôn đầy đủ. Đặc biệt, chúng tôi liên kết theo chuỗi với doanh nghiệp thu mua nên đầu ra không phải lo lắng nhiều. Tuy nhiên hiện nay, nghiệp đoàn mới chỉ có 2 tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, các thành viên khác cũng mong muốn được lắp nhưng vẫn chưa có điều kiện vì thiếu kinh phí.

Doanh nghiệp "chạy" khỏi thị trường EU

Có thể nói, từ khi EC rút “thẻ vàng” đối với thủy sản của Việt Nam, ngành thủy sản đã đối diện với một thử thách quá lớn. Nhiều doanh nghiệp đã phần nào đã “thấm” khi tình trạng khó thu mua nguyên liệu, sản xuất cầm chừng do ảnh hưởng của việc xác nhận nguyên liệu khai thác. Để thích ứng với điều kiện đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường mới để chờ những động thái tiếp theo.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, TGĐ Cty TNHH Tín Thịnh, KCN Suối Dầu (DN chuyên chế biến xuất khẩu thủy sản đóng tại Cam Lâm, Khánh Hòa) cho biết: Trong thời gian bị thẻ vàng, Công ty đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc xuất hàng sang thị trường EU, do liên quan đến các thủ tục như nhật ký khai thác, xác nhận nguyên liệu thủy sản…

Dự đoán thị trường xuất khẩu sang EU sẽ gặp nhiều khó khăn, nên Công ty Tín Thịnh cùng nhiều doanh nghiệp khác đã phải chủ động chuyển sang các thị trường khác như: Mỹ, Trung Đông, Nga và Nam Mỹ… “Từ khi có thẻ vàng của EC (tức khoảng 2 năm nay) doanh nghiệp không xuất sang thị trường EU nữa mà chỉ xuất hàng đi Mỹ. Bởi vì hàng thủy sản của mình xuất sang thị trường Mỹ không gặp khó khăn gì về pháp lý, cũng như không cần phải truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Mặc khác, thị trường EU bây giờ lượng tiêu thụ cũng yếu nên Công ty chuyển hết sang thị trường Mỹ và Trung Đông”.

Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy năm 2018 xảy ra 85 vụ ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, tăng so với năm 2017. Trong 5 tháng đầu năm 2019 tiếp tục diễn biến phức tạp khi xảy ra 41 vụ/69 tàu/271 ngư dân vi phạm. Các tỉnh có nhiều tàu cá vi phạm là Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau, Bình Định...”.

Đồng quan điểm, ông Quốc, đại diện Công ty TNHH Hoàng Hải cũng cho biết, Công ty cũng đã chuyển sang thị trường Mỹ và Trung Đông từ khi EC rút “thẻ vàng” đối với thủy sản của Việt Nam. Khi EC rút thẻ vàng, các thủ tục pháp lý rất phức tạp và khó khăn, trong khi đó thị trường của Mỹ không gắt và khắc khe lắm. Tiêu chuẩn của thị trường EU gần như là chuẩn và nếu chúng ta bị “thẻ đỏ” thì thủy sản của chúng ta xuất sang các thị trường khác có khả năng cũng sẽ khó khăn hơn nên chúng tôi vẫn phải yêu cầu ngư dân làm thủ tục truy xuất nguồn gốc thủy sản và từ chối thu mua thủy sản có nguồn gốc đánh bắt bất hợp pháp.

Cùng ngư dân thay đổi

Nếu như một số doanh nghiệp chuyển hướng sang thị trường “dễ tính hơn” thì Cty TNHH Thịnh Hưng lại tìm cách liên kết với các ngư dân thông qua Tổ hợp tác, nghiệp đoàn nghề cá để đáp ứng những điều kiện mà thị trường này đưa ra.

Theo đại diện Công ty Thịnh Hưng, nếu như trước đây, khi EC rút thẻ vàng, tần suất kiểm tra sản phẩm khi xuất qua EU đã tăng lên, dẫn đến phát sinh chi phí lưu kho và các chi phí khác, từ đó làm gia tăng rủi ro, mất đi cơ hội mở rộng thị trường ở khu vực này. Tuy được EC gia hạn thêm 6 tháng nhưng chi phí đầu ra gia tăng làm ảnh hưởng đến giá thành, giảm tính các tranh với các quốc gia khác.

Có thể bạn quan tâm

  • Các giải pháp thoát thẻ vàng EC

    Các giải pháp thoát thẻ vàng EC

    06:10, 23/12/2017

  • Đừng đẩy ngành đánh bắt thủy hải sản vào đường cùng!

    Đừng đẩy ngành đánh bắt thủy hải sản vào đường cùng!

    11:01, 10/04/2019

  • Doanh nghiệp xuất khẩu thịt, thủy hải sản sang Ả-rập Xê-út cần lưu ý những gì?

    Doanh nghiệp xuất khẩu thịt, thủy hải sản sang Ả-rập Xê-út cần lưu ý những gì?

    05:02, 24/04/2017

  • Xuất khẩu thị trường EU: Khuyến nghị đối với ngành thủy hải sản và rau quả

    Xuất khẩu thị trường EU: Khuyến nghị đối với ngành thủy hải sản và rau quả

    15:57, 21/01/2016

  • Doanh nghiệp

    Doanh nghiệp "mắc kẹt" vì thẻ vàng thuỷ sản và nguy cơ đóng cửa thị trường EU

    11:00, 08/05/2019

  • Cảnh báo “thẻ vàng” là cơ hội để nghề cá phát triển bền vững

    Cảnh báo “thẻ vàng” là cơ hội để nghề cá phát triển bền vững

    01:22, 30/10/2018

  • Gỡ “thẻ vàng” trước giờ G

    Gỡ “thẻ vàng” trước giờ G

    16:35, 03/10/2018

Để khắc phục tình trạng đó, Cty TNHH Thịnh Hưng đã liên kết với Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng để cho ra đời mô hình chuỗi khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương. Theo đó, doanh nghiệp cam kết thu mua cá của ngư dân, nghiệp đoàn với giá cao, thưởng theo định kỳ và thường nóng nếu chất lượng cá tốt, đổi lại ngư dân phải làm tốt công tác bảo quản cá và nhất là không đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, nguồn gốc thủy sản phải có giấy tờ, thủ tục rõ ràng.

Trong năm 2017, Cty đã giao dịch với với ngư dân tham gia chuỗi, với tổng cộng 542 chuyến biển, sản lượng khoảng 758 tấn, bình quân mỗi chuyến khoảng 1 tấn cá ngừ. Trong đó, chất lượng bảo quản cá ngừ đạt tiêu chuẩn 95%. Năm 2018, Cty đã giao dịch tổng cộng 366 chuyến biển, với sản lượng 336 tấn, bình quân mỗi chuyến biển 1 tấn cá ngừ và chất lượng bảo quản đạt tiêu chuẩn 97,1%. Sau 2 năm thực hiện mô hình chuỗi cá ngừ trên, với 40 tàu tham gia ban đầu, đến nay mô hình đã nhân rộng hơn 100 tàu.

Ông Nguyễn Trọng Thuận, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thịnh Hưng cho biết: Từ khi tham gia chuỗi liên kết, Công ty đã có nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng đưa vào chế biển, xuất khẩu, từ đó yên tâm và chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ. “Hiện thị trường XK của Công ty chủ yếu là Nhật Bản, Mỹ, Canada và Châu Âu, với sản lượng từ 3.000 - 4.000 tấn, với doanh thu hàng chục triệu USD. Riêng thị trường Mỹ, do sức tiêu thụ giảm và cũng hơi khó khăn do vấn đề chung với Trung Quốc nên Công ty xuất khẩu cũng ít lại, ông Thuận chia sẻ.

Cũng tại phiên họp của Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thuỷ sản (đảm bảo kiểm soát được tàu cá, nguồn gốc chất lượng thuỷ sản...). Bộ Quốc phòng chủ trì, chịu trách nhiệm về việc ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Bộ Công an tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; khởi tố hình sự một số vụ việc điển hình để đảm bảo tính răn đe.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính bố trí kinh phí thuê hạ tầng thông tin phục vụ giám sát hành trình tàu cá để triển khai cho ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thực hiện ngay trong tháng 6 này.

Cùng với việc triển khai hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển có chiều dài từ 15m trở lên, mô hình chuỗi liên kết từ khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ thủy sản đại dương được kỳ vọng là một giải pháp sẽ phát huy hiệu quả.

Văn Nhất